Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

gstvbang2

      
    
Đời xưa có câu khá nổi tiếng:
                    “Lương y như từ mẫu”     (Thành ngữ Việt Nam)
    
Ý của câu nói là người thầy thuốc giỏi cũng ví như người mẹ hiền. Mẹ nuôi con từ lúc sơ sinh đến khi trưởng thành với tình thương yêu vô bờ bến. Không quản ngại bất cứ khó khăn, tấm lòng của mẹ đối với con bát ngát như biển rộng Thái Bình Dương. Người thầy thuốc chẳng những cần giỏi, mà còn cần tốt và nhân ái đối với người bệnh.
    
Nghĩ cho cùng, thuở xưa hay ngày nay, bao giờ cũng cần hai yếu tố quan trọng như vậy: người y sĩ cần giỏi và tốt.
    
Trở lại chuyện ngày xưa, còn một câu khác tương đối ít người biết hơn:
                    “Lương y đa kỳ tật”     (Thành ngữ Việt Nam)
    
Câu này có nghĩa là thầy thuốc giỏi hay có “tật”. Chữ “kỳ tật” ở đây có nghĩa là nét đặc biệt. Có lẽ người xưa muốn ám chỉ những thầy thuốc giỏi thường khác biệt với những thầy thuốc bình thường?
    
Có thể người thầy thuốc dám dùng những phương cách chữa bệnh táo bạo, những thang thuốc đặc biệt không có trong sách vở và lại thành công trong việc chữa bệnh. Nhưng thời nay có mấy người thầy thuốc dám làm những chuyện như vậy?
    
Nhưng cũng có thể câu thành ngữ ám chỉ người y sĩ đặc biệt khác người ở chỗ làm được những chuyện khác ngoài phương diện y khoa như viết văn, làm thơ...
    
Một thí dụ rất rõ ràng là người giáo sư y khoa quá cố Trần Văn Bảng.
    Vị thầy đáng kính phục Trần Văn Bảng có tiểu sử tóm lược như sau:
          -tốt nghiệp: tiểu và trung học trường Bưởi, đại học y khoa Hà Nội.
          -1936: nội trú bệnh viện.
          -1940: bắt đầu dậy ở trường đại học y khoa, giảng viên đại học y khoa Hà Nội.
          -1954: di cư vào Nam, tiếp tục dậy sinh viên tại đại học y khoa Sài Gòn đến mãi sau 1975 khi qua định cư ở Pháp.
          -1956: tu nghiệp về bệnh Cùi ở Paris.
          -Quản Đốc Chương Trình Bài Cùi và Trưởng Phòng Cùi Học tại Viện Pasteur Sài Gòn trong nhiều năm.
          -Trưởng Khu Bệnh Truyền Nhiễm tại Bệnh Viện Tâm Thần Chợ Quán (bệnh viện của người điên).
    
Những thành tích đáng kể trong lãnh vực y khoa của thầy Trần Văn Bảng:
          -Huy chương vàng Y Khoa Hà Nội 1940.
          -Huy chương vàng bộ y tế Sài Gòn.
          -dịch quyển Introduction à l’étude de la médecine expérimentale của Claude Bernard.
          -soạn cuốn Nomenclature des recherches médicales au Sud-Vietnam.
          -Prix Marchoux cùi học 1962.
          -viết trên 30 bài viết về bệnh cùi.
   
Bình thường, đa số ai cũng sợ người cùi và người điên, nhưng giáo sư Bảng thì khác. Sau đây là lời thầy Trần Văn Bảng tâm sự trong cuộc phiếm luận tay ba về Tính Đam Mê với họa sĩ kiêm y sĩ Dương Cẩm Chương và bác sĩ giáo sư y khoa Nguyễn Hữu:
         “ ...Sở dĩ tôi “mần” bệnh cùi là thấy khoa này nó hấp dẫn về bình diện nhân đạo của nó. Người cùi bị thành kiến sai lầm kỳ thị, hắt hủi, nên ngoài công tác điều trị ta còn phải cứu trợ tinh thần, phục hồi nhân vị cho họ. Đám người cùi đông đảo ở Việt Nam là một loại người đau khổ nhất trên đời. Tôi cùng với cộng sự viên, và những người kế tiếp, xây dựng Chương Trình Bài Cùi đã lượm được khá nhiều kết quả, cho đến ngày 30-04-1975, thì chương trình bị dẹp, người cùi lại trở về hoàn cảnh cũ...”
                         (Thư Mục Y Giới Văn Thi Nghệ Sĩ, trang 26 / Bằng Vân Trần Văn Bảng)
    
Miệt mài với những bệnh nhân khùng điên hay bị cùi và không thắc mắc mà còn vui mừng khi được người khác đặt tên là “Thầy Cùi”, cùng lúc thầy Bảng vẫn mê mải làm thơ. Thi hữu Lương Danh Môn đã trêu ghẹo thầy Bảng bằng hai câu sau:
                   Đã chót say mê về Bệnh Hủi
                   Lại còn vớ vẩn với Nàng Thơ!
    
Thầy là một nghệ sĩ, theo đúng nghĩa của chữ nghệ sĩ. Y khoa và văn nghệ đã pha trộn trong đầu óc người y sĩ. Những bài học thầy giảng dậy cho sinh viên đều có văn thơ đi kèm.
    
Dạy sinh viên y khoa về môn Triệu Chứng Học (Physical Diagnosis), ở bài học đầu tiên về Đau Nhức, thầy đọc ngay:
                   Đau như đòn ghen
                   Rát như lửa bỏng
   
Một thí dụ khác khi thầy Bảng giảng dậy về đả chẩn tức là cách thức gõ để khám bệnh (percussion). Lúc bác sĩ khám bệnh, gõ vào lồng ngực người có nước trong màng phổi (pleural effusion) sẽ thấy tiếng đục và gõ vào lồng ngực người bị bệnh nhiễm khí trong màng phổi (pneumothorax) sẽ thấy tiếng trong, thầy Trần Văn Bảng đã ví von câu thơ Kiều:
                    “Trong như tiếng hạc bay qua
                    Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”
   
Có khi đang dạy học, thầy đọc cả một bài thơ vừa sáng tác cho sinh viên nghe.
   
Phải nói ngoài y khoa, thầy Bảng lại có rất nhiều hoạt động văn nghệ.
    
Khi viết văn, làm thơ ngoài tên Trần Văn Bảng, thầy còn dùng những bút hiệu khác nhau Bằng Vân, Lưu Văn Vong và Sĩ Ngông.
   
Giáo sư Trần Văn Bảng đã từng là:
          -chủ biên tập san Y Khoa Sài Gòn.
          -trợ bút nội san trường Bưởi.
   
Những tác phẩm văn nghệ của giáo sư Bảng:
          -Mảng Vui, Sài Gòn 1971.
          -Mếu Cười, Texas 1979.
          -Huyền Thoại Tình Và Thơ, Toronto 1981.
          -Duyên Thơ Tình Bạn, Texas 1985.
          -Thơ Dịch Bằng Vân - Sợi Tơ Lòng, Paris 1995.
          -Một số tập thơ nhỏ:
                 . Sống Đẹp Chết Đẹp.
                 . Thơ Tục Cổ Kim (cộng tác với Quê Hương).
                 . Thơ Khóc Bạn.
         -Một số khá nhiều bài viết trong các báo chí tập san ngành y khoa.
         -Thư Mục Y Giới Văn Thi Nghệ Sĩ.
          
Đây là tác phẩm cuối cùng và lớn nhất. Giáo sư Trần Văn Bảng đã sưu tầm và giới thiệu khoảng gần 80 người, theo ý thầy, là những văn thi nhạc sĩ trong các ngành y dược nha khoa Việt Nam với đa số là y sĩ. Nhắc đến trong quyển sách, kể từ thuở xa xưa có những thầy lang nhà nho như Hải Thượng Lãn Ông (1720-?), Nguyễn Đình Chiểu (1882-1888), Phan Văn Trị (1830-1910)... qua những người tương đối “mới” nhưng cũng đã khuất như Phạm Hữu Chí (1905-1938), Nguyễn Tuấn Phát tự Anh Tuấn (1913-1981), Nguyễn Hữu Phiếm (1910-1976), Lê Khắc Quyến (1915-1978)... đến mãi những nghệ sĩ của các thế hệ y khoa “trẻ” gần đây như Ngô Thế Vinh, Trần Xuân Dũng, Nguyễn Trùng Khánh, Nguyên Bích, Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, Công Huyền Tôn Nữ Tường Vi... Thầy sửa soạn, viết quyển sách này trong nhiều năm, cho đến những ngày cuối của cuộc đời. Một người y sĩ nghệ sĩ già, tóc trắng như sương, cặm cụi viết về những người... khác trong những giờ phút cuối của cuộc đời quả là một hình ảnh cảm động! Giáo sư Bảng khi qua đời đã để lại bản thảo và theo di chúc, quyển sách Thư Mục Y Giới Văn Thi Nghệ Sĩ dầy 608 trang, được Hội Y Giới Việt Nam Tự Do Tại Pháp và Hội Y Sĩ Việt Nam Tại Canada ấn hành năm 1997.
    
Cùng với các vị giáo sư khác như Phạm Biểu Tâm, Nguyễn Hữu...vị giáo sư y khoa đáng kính phục Trần Văn Bảng đã xây dựng ngành y khoa Việt Nam từ lúc khởi đầu. Giáo sư Trần Văn Bảng nổi tiếng trong giới y khoa Việt Nam là người thầy dạy học rất giỏi, hết lòng dậy dỗ sinh viên y khoa và cũng có tiếng là một người thầy thuốc thật là nhân hậu, tận tâm đối với bệnh nhân.
    
Bác sĩ Lê Văn Lân đã nhớ và ghi lại trong bài viết Giáo Sư Trần Văn Bảng Làm Thơ Và Làm Thuốc về phòng mạch tư của thầy Bảng ở Việt Nam ngày xưa. Ai đã từng đến phòng mạch tư của thầy Bảng ở Sài Gòn trước 1975 đều nhận thấy phòng mạch của thầy rất đơn sơ nhưng ấm cúng. Điều này hầu như có thể chứng tỏ thầy không giầu về tiền, nhưng chắc chắn thầy có nhiều tình người.
    
Đoạn văn sau đây viết năm 1995, khoảng một năm trước khi thầy từ giã cõi đời, khi một bạn văn thơ nhỏ tuổi hơn và cùng trong gia đình y khoa Việt Nam qua đời, cho thấy tâm hồn đầy tình cảm của giáo sư nghệ sĩ Trần Văn Bảng:
        “  ...Đọc lý lịch Phạm Thế Trường, thấy anh sinh năm 1939: Anh qua đời mới có 56 tuổi, có lẽ đầu anh chưa bạc, chao ơi mệnh trời oái ăm:
                    Lá xanh rụng xuống, lá vàng trên cây...
         
Tại sao vậy, anh Phạm Thế Trường ra đi để tôi ở lại như một chiếc lá vàng khô còn lay lứt trên cành: Đa thọ thì đa cảm lụy; càng sống lâu, càng “đau đớn lòng vì những điều trông thấy”. Đau đớn nhất là cảnh sinh ly tử biệt, nhiều người thân yêu đã đi trước mình. Mỗi lần nhận được hung tin, là lòng se sắt, gạt lệ viết bài thơ khóc bạn tổng cộng tới hơn 20 bài.
          Nay được tin Phạm Thế Trường qua đời, mình muốn khóc, nhưng:
                     Tuổi già hạt lệ như sương...
          Mình muốn cầm bút viết thì văn khí đã cạn...
                                                                (Thương Tiếc Phạm Thế Trường/Trần Văn Bảng)
    
Bài thơ người nghệ sĩ già viết khi biết mình chẳng còn sống bao lâu:
          Khăn gói sẵn sàng rời quán trọ
          Ra đi, lá rụng trước thu phong
          Đoái trông vạn sự đều hư ảo
          Kể cả tình yêu “có cũng không”...
           ...Tay không nợ trắng, ly bôi cạn
           Nhẹ gánh ra đi ngả bóng chiều
          Ấy thế là xong đời luẩn quẩn
          Trong vòng hư ảo kiếm tình yêu.”         (Ra Đi/thơ Trần Văn Bảng)
   
Những vần thơ song thất lục bát thầy Bảng viết từ giã bạn bè khi nghĩ chẳng bao lâu sẽ đến lúc nhắm mắt:
        “  ...Bạn ở lại, tôi đi trước nhé!
          Có thương nhau cứ để bên lòng
          Thở dài một tiếng là xong:
          “Chao ơi! Tội nghiệp Sĩ Ngông chết rồi!”...     (Lời Chào Vĩnh Biệt/thơ Bằng Vân)
   
Là một gương sáng cho tất cả các thế hệ y sĩ Việt Nam về sau, giáo sư y khoa Trần Văn Bảng (1909-1996) chẳng những là một lương y đa kỳ tật, mà còn là một lương y như từ mẫu.


QYHD Phạm Anh Dũng
Santa Maria, California, U.S.A.
Tháng 06, 2006


Kính thưa Cô Bảo,
KT Gia Đình Thầy Bảo,
KT Cô Nhuận, Cô Hanh, Thầy Ninh, Thầy Anh,
KT qv Quan Khách,
KT Anh Chị Em trong đại Gia Đình Y Khoa,

Thưa Quý Vị,
Tôi thuộc khoá YKSG 72, đã học với Thầy Bảo, và đã được bạn tôi là BS Bùi Đắc Lộc đại diện để tỏ lòng ghi ơn và mến tiếc của khoá chύng tôi. Vì vậy, tôi không có dự đinh lên nói chiều hôm nay.
Nhưng 4 giờ sáng nay, tôi lại thấy Thầy Bảo, với nụ cười hiền từ và thương mến riêng biệt của Thầy, chỉ dẫn tôi nắn xương cẳng tay tại phòng bột BV Bình Dân.
Tôi nhớ y chang giọng của Thầy khi Thầy nói với tôi “Chất, đây là fracture de Pouteau-Colles.”
Tôi giựt mình thức dậy, cảm thấy có một niềm vui kỳ diệu. Tôi liền mở máy computer để xin Anh Cầu và Anh Tạo cho tôi có đôi lời trong buổi hôm nay.
Cám ơn Anh Cầu và Anh Tạo.

Thưa Quý Vị,
Chúng tôi, BS Đặng Văn Chất và BS Nguyễn Văn Đức, thuộc ban báo chí của HYSVN tại HK và là thành viên HDQT HYSVN tại HK, thay mặt BS Nguyễn Đông Quan và BS Trần Duy Tôn, Chủ Tịch và nguyên Chủ Tịch BCH HYSVN tại HK, BS Đỗ Tường Sơn và BS Trần Đình Thủy, Chủ Tịch và nguyên Chủ Tịch HDQT HYSVN tại HK, xin thành thật chia buồn cùng toàn thể Quý Vị trước sự ra đi vĩnh viễn của vị Thầy thân yêu của chúng ta.
Nhưng chúng ta xum họp chiều hôm nay không phải để khóc, nhưng để nhớ lại và mừng công trình sáng ngời của Thầy Hoàng Tiến Bảo.
Mặc dù chúng ta buồn vì Thầy Bảo không còn với chúng ta nữa, nhưng chúng ta phải mừng vì Thầy Bảo hiện đã về Nước Chúa.
 Chúng ta mừng vì Thầy đã có một cuộc đời đầy ý nghĩa, một cuộc đời mà chúng ta mong muốn được sống, cuộc đời của một đại lương Y luôn luôn tận tụy với bệnh nhân, cuộc đời của một đại GS luôn luôn tận tụy vơi học trò, và cuộc đời của một người chồng, một người cha gương mẫu luôn luôn lo cho gia đình, con cháu.
Hơn nữa, chúng ta mừng vì Thầy Bảo đã làm tròn nghĩa vụ đối với Tổ Quốc Việt Nam thương yêu của chúng ta.
Tổ Quốc Việt Nam chính là tất cả người Việt da vàng ở nước nhà cũng như ở xứ ngoài.
Mỗi khi chúng ta, những môn sinh của Thầy Bảo, sờ, nắn, bẻ chân tay của người đồng hương... vận bẻ gẩy greenstick fracture của trẻ con… không phải để làm đau, nhưng đề làm lành vết thương, để giảm cơn đau, để chữa trị, để chỉnh trực, thì Thầy Bảo đã đóng góp vào tiền đồ non sông mà Tổ Tiên chúng ta đã để lại.

Xin cám ơn Quý Vị

GS Đặng Văn Chất
Alhambra, California
1-25-2008


Hồ Kim Chi


    Đối với sinh viên Y khoa trước thập niên 60, môn học Cơ thể bệnh lý là một trong những môn mà các sinh viên chỉ mong học cho xong để qua ải mà thôi vì môn học này vừa khô khan vừa khó hiểu và danh từ lại khó nhớ. Hơn nữa, học môn này ra đời không tìm được việc làm với danh xưng là bác sĩ! Vì những lý do trên mà số bác sĩ chuyên môn về Cơ thể bệnh lý rất hiếm hoi ở Việt Nam. Có khoảng 5 hay 6 bác sĩ chuyên môn về ngành này cho cả trên 30 triệu dân Việt Nam sống dưới vĩ tuyến 17. Nếu tôi không quên thì những vị sau đây là bác sĩ chuyên môn về Cơ thể bệnh lý ở Việt Nam trước thập niên 60.
Đại học Y khoa Saigon: Giáo sư Nguyễn Huy Can, Giáo sư Đào Hữu Anh và Bác sĩ Lê Tài Sinh.
Viện Pasteur Saigon: Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên và Bác sĩ Lê Thị Mười Một.
Cục Quân Y: Bác sĩ Cao Xuân An.
Như đã nói trên, số bác sĩ chuyên môn rất ít và phương tiện giáo dục lại thô sơ (thiếu sách vở, thiếu mẫu thịt để thực tập, thiếu hình ảnh v.v…) nên việc làm của khu Cơ thể bệnh lý Đại học Y khoa chỉ giới hạn trong việc dậy dỗ các sinh viên Y khoa năm thứ 3 mà thôi. Nói đến môn Cơ thể bệnh lý mà không nhắc đến khu Mô học của Giáo sư Lichtenberger là một sự thiếu sót vì muốn học Cơ thể bệnh lý thì trước tiên phải biết Mô học. Chúng tôi còn nhớ là chúng tôi học môn Mô học bằng cách vẽ lại hình của Giáo sư Lichtenberger vẽ trên bảng. Nhưng đến giờ thực tập, nhìn vào kính hiển vi thì nó không giống những cái gì mình đã vẽ. Sinh viên bèn nghĩ ra cách tiện nhất là học thuộc lòng những gì thầy đã dậy là chắc ăn nhất. Cuối năm Giáo sư Lichtenberger tin là học trò mình giỏi nên hỏi một câu như sau: Tế bào thịt không có vân (smooth muscle cell) có ở trong não hay không? Các sinh viên ngồi rung đùi và nói thầm với nhau là câu hỏi dễ như thế này mà giáo sư Lichtenberger đem ra hỏi làm gì? Có lẽ thầy muốn giúp các sinh viên đậu khỏi phải đi lính chăng? Tất cả đều trả lời là không có tế bào thịt không có vân trong não bộ. Kết quả trở về trái ngược lại những gì sinh viên đã chọn. Thầy Lichtenberger cắt nghĩa là tế bào thịt không có vân nằm trong các mạch máu ở trong não bộ.
Sau khi qua khỏi năm thứ hai, sinh viên lại gặp thêm một môn khó nuốt là thi thực tập môn Cơ thể bệnh lý. Như đã nói bên trên, vì các mẫu thịt (lame/slide) không nhiều lắm, nên các mẫu thịt dùng trong các buổi thực tập được dùng lại trong kỳ thi thực tập. Anh chị em sinh viên bèn nghĩ ra cách là đo lại (copy) hình dáng miếng thịt luôn cả bộ phận nào và bên tay trái hay bên tay mặt, để khi thi thực tập sẽ nhớ lại bệnh gì và cơ quan nào. Tôi nhớ có một lần, một sinh viên được giáo sư khen tặng là anh giỏi quá, chỉ cần nhìn miếng thịt trên kiếng (lame/slide) là biết ngay là bệnh ung thư thận mà còn biết thận mặt hay thận trái nữa. Để tặng cho vị sinh viên giỏi này thầy cho anh được vinh dự gặp lại thầy ở kỳ thi thứ hai.
Năm 1969, sau khi thi hành nghĩa vụ thanh niên thời chiến, tôi được biệt phái về làm việc với Giáo sư Nguyễn Huy Can và Giáo sư Đào Hữu Anh vừa tu nghiệp từ Hoa Kỳ trở về. Trong khoảng thời gian từ 1969-1973 nhờ sự chỉ dẫn và giúp đỡ tận tình của hai Giáo sư Nguyễn Huy Can và Đào Hữu Anh và phân bộ Việt Nam của Hiệp Hội Y Sĩ Hoa Kỳ (American Medical Association Vietnam Project), chúng tôi gồm Bác sĩ Vương Ngọc Phát, Trần Mạnh Rực và tôi đã hoàn tất chương trình Hậu đại học đầu tiên về Bệnh học và bắt đầu hành nghề Cơ thể bệnh lý. Nhờ tài khéo léo điều khiển của hai Giáo sư Can và Anh, khu Cơ thể bệnh lý bắt đầu bành trướng việc thử nghiệm cho các bệnh viện ở Saigon và các tỉnh của miền Nam Việt Nam qua sự hợp tác giữa trường Đại học Y khoa Saigon và Bộ Y tế. Việc thử nghiệm miễn phí cho các bệnh viện đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Về phía trường Đại học Y khoa từ nay sẽ có nhiều mẫu thịt để vừa dùng để dạy sinh viên Y khoa vừa dùng để đào tạo bác sĩ chuyên khoa về Bệnh học (pathology) và các chuyên khoa Sản phụ. Về phía Bộ Y tế thì các bác sĩ điều trị sẽ có kết quả thử nghiệm nhanh chóng hơn (từ 15 phút nếu mẫu thịt được đưa ngay cho phòng thí nghiệm, đến 3-4 ngày tùy theo tỉnh ở xa hay gần và tùy theo bưu điện di chuyển mẫu thịt nhanh hay chậm. Trước khi phòng Thí nghiệm Trung ương được thành lập thì trung bình khoảng 15 ngày mới có kết quả thử nghiệm các mẫu thịt.
Để cung ứng cho việc thí nghiệm khu Cơ thể bệnh lý cũng hợp tác với Bộ Y tế đào tạo cán sự phòng thí nghiệm và một số cán sự đã tốt nghiệp và phục vụ trong các bệnh viện ở Việt Nam trước 1975. Một số cán sự được đào tạo để đọc các mẫu nghiệm lấy từ âm đạo của phụ nữ để truy tầm bệnh ung thư cổ tử cung (vaginal pap smears) và một số cán sự khác được đào tạo cách làm mẫu thịt cho Cơ thể bệnh lý. Theo nhận xét của tôi các mẫu thịt trên kiếng (lames) do các cán sự phòng thí nghiệm Trung ương làm ra bằng hoặc tốt hơn các mẫu thịt của phần đông các nhà thương bên Mỹ.
Việc làm của Cơ thể bệnh lý và sự thành công của Phòng Thí nghiệm Trung ương cũng được bệnh viện Grall chú ý. Bác sĩ chuyên khoa Cơ thể bệnh lý của bệnh viện này thỉnh thoảng đem các trường hợp đến hỏi ý kiến. Tôi còn nhớ có một lần, một nhân viên Uỷ ban Kiểm soát Đình chiến người Hung Gia Lợi bị chết bất thần. Uỷ Ban Đình chiến phía bên kia không tin bác sĩ quốc gia Việt Nam nên họ yêu cầu bệnh viện Grall khám nghiệm tử thi. Ông bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện Grall điện thoại cho bên Việt Nam qua giúp họ và kết quả khám nghiệm cho thấy ông nhân viên Hung Gia Lợi bị chết vì xuất huyết não (cùng đi với bọn này qua bệnh viện Grall có Bác sĩ Ben R. Ferguson thuộc trường Đại học Y khoa Missouri, trường đứng ra để phụ đào tạo y sĩ chuyên khoa bệnh học).
Việc đào tạo y sĩ chuyên khoa bệnh học cho miền Nam Việt Nam chỉ được có 2 lớp và chinh biến năm 1975 đã làm dang dở khoá thứ 3 của chương trình hậu đại học. Không biết quý vị bác sĩ khoá 3 hiện giờ lưu lạc nơi đâu!
Các bác sĩ đồng môn và tôi xin mượn những dòng này để cảm ơn Giáo sư Nguyễn Huy Can và Giáo sư Đào Hữu Anh đã giúp đỡ và khuyến khích các khoá sinh trong thời gian thụ huấn và làm việc ở Khu Cơ thể bệnh lý, Đại học Y khoa Saigon.


Chú thích:
Cơ thể bệnh lý (Anatomie Pathology)
Bệnh học (Pathology gồm có Anatomic và Clinical Pathology)
Trong quyển sách của trường Đại học Y khoa Saigon do AMA xuất bản có kể tên của tất cả các y sĩ Việt Nam tu nghiệp tại Hoa Kỳ trước 1975. Sau khi xem quyển sách này, Bác sĩ John C. Neff là Trưởng khu Bệnh học tại Y khoa đại học East Tennessee có nói là quyển sách thiếu một phần là “bây giờ các bác sĩ Việt Nam trong quyển đang ở đâu?”. Để tránh lỗi lầm trên, tôi xin thêm phần cuối của bài này những gì tôi biết được về những vị Giáo sư và Bác sĩ của ngành Cơ Thể bệnh lý.
Giáo sư Nguyễn Huy Can, sau một thời gian hành nghề ở Pháp nay đã về hưu ở Paris.
Giáo sư Đào Hữu Anh*, sau thời gian dạy học tại Vanderbilt University nay đã về hưu ở Virgiania.
Bác sĩ Cao Xuân An vẫn còn hành nghề và sống ở California
Bác sĩ Vương Ngọc Phát rất thành công ở Paris (Chairman, Pathology Dept., bệnh viện Saint Michel) đã mãn phần tại Pháp và chôn ở Silverspring, Maryland).
Bác sĩ Lê Tài Sinh về hưu và sống ở Paris.
Bác sĩ Trần Mạnh Rực vẫn còn dạy học tại University of Texas ở Lubbock.
Bác sĩ Nguyễn Gia Khánh, sau trên 20 năm dạy học nay đã về hưu ở Canada.
Bác sĩ Hồ Kim Chi, sau 21 năm quân ngũ, làm Trưởng khu Bệnh học Quân Y viện Walter Reed nay đang tiếp tục hành nghề tại Virginia.
LTS: *Gs Đào Hữu Anh cũng được sinh viên thưong quý và mến phục như Gs Hoàng Tiến Bảo. Ông làm phó Khoa Trưởng rất lâu, từng xử lý chức vụ Khoa Trưởng Y Khoa Saigon. Sang Hoa Kỳ Gs Đào Hữu Anh đã cùng với nhiều vị Thầy của Y Khoa Saigon lập “Faculty Council in Exile” để cấp giấy chứng nhận thay thế văn bằng Bác Sĩ Y Khoa cho gần như hầu hết học trò cũ. Các Giáo Sư khác cùng ký tên chung với Gs Đào Hữu Anh là các Giáo Sư Đặng Văn Chiếu, Lê Quốc Hanh, Phan Đình Tuân, Nguyễn Văn Hồng ...Về sau có nhiều Gs khác cũng giúp đỡ học trò cũ, nhưng rất tiếc BBT không biết hết để ghi ơn nơi đây.

Lưu Đình Huệ


    Hôm nay đã tháng ba rồi, đông qua xuân đến, nhưng sao bão tuyết vẫn  còn rơi mịt mù làm tôi chạnh lòng nhớ đến Sài gòn nắng đẹp, hoa xuân đua nở nhộn nhịp, người qua kẻ lại, nhớ đến bịnh viện Chợ Rẫy với những ngày tháng đầy kỷ niệm, chăm lo học hỏi với những bậc thầy đáng kính, cùng chung sức với đồng nghiệp và y tá để phục vụ tốt cho đồng bào, trong một hoàn cảnh eo hẹp thiếu thốn nhưng vẫn kiên nhẫn hy sinh để hoàn thành trách nhiệm của mình.
Sinh viên đại học Y khoa Sàigòn đi thực tập nội khoa tại hai bịnh viện nổi tiếng của miền nam Việt Nam, bịnh viện Nguyễn văn Học ở Gia định và bịnh viện Chợ Rẫy ở Chợ lớn gần trường đua Phú thọ.
Vì trú ngụ tại vùng Hòa Hưng, Quận ba, nên tôi chọn đi thực tập tại bịnh viện Chợ Rẫy. Từ lúc làm nội trú uỷ nhiệm, nội trú thực thụ cho đến lúc trở thành Giảng nghiệm viên tôi vẫn phục vụ tại bịnh viện này. Đời tôi gắn bó với bịnh viện Chợ Rẫy cả hai chục năm trường, biết bao là kỷ niệm vui buồn. Nhiều đêm nơi xứ người, tôi thường chiêm bao thấy mình đang làm việc nơi ấy, khi tỉnh giấc mới biết  mình đang ở Montréal, xứ Canada lạnh lẽo này.     
Cửa chánh của bịnh viện nằm trên đường Thuận Kiều, khi xây cất lại, cửa này chuyển sang đường Trần Hoàng Quân.Vừa bước qua cửa bịnh viện, ta sẽ thấy một khu nhà hai từng nhỏ nhắn xinh xinh, từng dưới là nơi tiếp bịnh nhân, còn từng trên là nơi trú ngụ của các nội trú bịnh viện. Bên phải là khu cứu cấp, đi thẳng vào trong qua con đường nhỏ với hai hàng cây đầy bóng mát sẽ gặp bên phải là trại 22 khu nội khoa, bên trái là khu ngoại khoa và phòng mổ, quẹo sang trái sẽ đến trại 27 là nơi thực tập của sinh viên Y khoa và Cán sự điều dưỡng.
Trưởng khu nội khoa do các giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, Bùi Quốc Hương và Lê Xuân Chất luân phiên đảm nhiệm. Trong khu giáo sư Phạm Tấn Tước và Huỳnh Ngọc Xuân phụ trách hướng dẫn sinh viên môn nội khoa tổng quát (médecine interne), giáo sư Huy môn tim mạch và thông tim, giáo sư Hương môn thần kinh, Giáo sư Chất môn huyết học và y khoa hạch tâm (médecine nucléaire).
Hai năm đầu y khoa, buổi sáng từ 7 giờ rưỡi đến 12 giờ phải đi thực tập tại bịnh viện, khoác áo blouse trắng với vỏn vẹn một sao tôi bỡ ngỡ đi thực tập tại khu nội khoa Chợ Rẫy. Rụt rè đứng xa xa sau các đàn anh, nhìn thấy thầy PHẠM TẤN TƯỚC rất đáng kính nể, dáng người to lớn, nghiêm nghị và khắt khe với sinh viên. Nhân viên y tá không mấy thích thầy. Riêng tôi lúc đi thực tập ngoại trú và nội trú mới hiểu thầy nhiều hơn. Thầy tuy khó tính nhưng rất giỏi về chuyên môn, làm việc nhanh nhẹ, chẩn bịnh chính xác, điều trị mát tay. Đôi khi chỉ nhìn bịnh từ xa Thầy đã đoán đúng bịnh.Tôi đã học được với Thầy những kinh nghiệm lâm sàng và nhiều thủ thuật như ponction d’ascite, ponction lombaire, ponction sternale và cả biopsie hépatique nữa. Đáng tiếc là không được theo học Thầy lâu dài hơn vì sau khi đảm nhiệm chức khoa trưởng một thời gian ngắn Thầy không trở lại làm việc tại bịnh viện nữa.
Tôi có ba bạn thân, Đặng  Minh Tâm, Lương Bá Tín và Tạ Văn Luôn, đã cùng làm nội trú ủy nhiệm với tôi tại khu nội khoa Chợ Rẫy.
Chúng tôi cùng chung học tập, khuyến khích nâng đỡ nhau để hoàn thành trách nhiệm nội trú của mình, đã cùng tung tăng rong chơi khắp phố phường. Đây là thời gian đầy kỷ niệm đẹp của đời sinh viên y khoa của tôi.
Sau khi trúng tuyển nội trú các bịnh viện Sàigòn, tôi xin được bổ nhiệm về làm việc tại khu nội khoa Chợ Rẫy. Sáng khám bịnh trên trại xong,tôi vội vã xuống phòng ngoại chẩn thần kinh để theo học với Thầy BÙI QUỐC HƯƠNG. Thầy tánh tình hiền hậu, ăn nói từ tốn, tận tụy với bịnh nhân bằng cả tấm lòng, kiên nhẫn hướng dẫn học trò. Thầy cũng rất hăng say trong việc nghiên cứu khoa học. Tôi đã được Thầy cho làm luận án Tiến sĩ Y khoa với  đề tài  - Les hématomyélies spontanées de la grossesse - Etude anatomoclinique.Thầy rất thích đề tài này, đã tận tình tỉ mỉ hướng dẫn tôi trong công trình nghiên cứu. Tôi phải đóng chuồng để nuôi thỏ, đợi đến khi có thai mới làm thử nghiệm. Phải hơn 2 năm trời tôi mới hoàn thành đề tài nghiên cứu này. Thầy rất vừa ý và tôi đã được - mention très honorable, avec félicitations du jury- ,và đề tài này được đăng trên Proceedings of Australian Society of Neurologists ( TV Part 3, 1967).
Tôi làm việc ở khu nội khoa nhưng là nhân viên của bộ y tế, cho nên khi bác sĩ Hào giáo sư giảng dạy thực tập cho sinh viên Cán sự diều dưỡng tại trại 27 hưu trí, tôi được Bộ trưởng y tế giáo sư Trần Lữ Y giao cho trách nhiệm thay thế bác sĩ Hào, từ đó tôi không còn thì giờ để theo học với Thầy nữa. Đến lúc tôi được bác sĩ Liên Hương thay thế tại trại 27, tôi được phép trở về làm tại khu nội khoa, nhưng tiếc thay Thầy đã rời trường và sang Pháp rồi. Sau này nghe tin Thầy đã qua đời khi viếng thăm con tại Mỹ. Tôi rất hối tiếc không được gặp lại Thầy, cầu mong Thầy được bình an thanh thản bên kia thế giới.
Thi đậu xong vào ban giảng huấn Đại học Y khoa về môn Médecine interne, tôi vẩn tiếp tục làm việc tại khu nội khoa Chợ Rẫy dưới quyền của trưởng khu do Thầy Huy và Thầy Chất luân phiên phụ trách. Hai năm đầu tôi theo học với Thầy NGUYỄN NGỌC HUY, đang là khu trưởng. Thầy là một giáo sư rất đạo mạo, uy nghiêm, nhiều sinh viên nghĩ là Thầy khắt khe. Thầy không thích những sinh viên không quan tâm đến bịnh sử, không thuộc tình trạng của bịnh nhân. Riêng tôi rất kính trọng Thầy vì Thầy đã coi trọng sứ mệnh giáo dục của mình, muốn đào tạo những môn sinh tốt. Những học trò được Thầy dạy dỗ, khi ra ngoại quốc tu nghiệp đã theo kịp và hòa mình một cách dễ dàng vào y giới nước người. Thầy quả thật là một giáo sư có tài, giỏi về tim mạch và cả về nội khoa tổng quát.
Thầy để rất nhiều thời gian làm việc tại phòng thông tim, rất tiếc là tôi chưa được học với Thầy về môn này. Về sau Thầy đã qua đời vì tai nạn lưu thông, bị xe cán trên lề đường ở Saigon, để lại cho tôi và những học trò của Thầy bao niềm thương tiếc và kính mến.
Trong thời gian làm việc với Thầy Huy, tôi cũng thường đến phòng thí nghiệm của Thầy LÊ XUÂN CHẤT để học hỏi thêm, và đến khi Thầy phụ trách trưởng khu, tôi được điều động đến làm việc với Thầy nhiều thời gian hơn. Thầy là một giáo sư tài đức, tính tình giản dị hiền lành và bình dân, luôn luôn vui vẻ, hòa nhã với học trò và nhân viên. Thầy có một đường lối giáo dục rất phóng khoáng, chỉ dạy rất rõ ràng và dễ hiểu. Thầy rất thích nghiên cứu khoa học, ngoài môn chính là huyết học, Thầy là người tiên phuông trong ngành médecine nucléaire và nội tiết tại Việt Nam. Tôi đã theo Thầy để làm những đề tài nghiên cứu về: Batterie des examens in vitro dans l’exploration thyroidienne, Rénographie isotopique dans l’HTA, Mesure de l’activité de rénine plsamatique et son intérêt dans le diagnostic des HTA essentielles, Thầy đã giao và khuyến khích tôi trong việc thuyết trình đề tài Tests T3 et T4 dans l’exploration de la fonction thyroidienne trong buổi đại hội y khoa toàn quốc, đây là lần đầu tiên tôi được thuyết trình, với sự ủng hộ và giúp đỡ của Thầy tôi đã thành công. Nhờ sự huấn luyện của Thầy nên tôi mới có khả năng để phụ trách phòng ngoại chẩn về tuyến giáp trạng và giảng dạy về nội tiết. Sau khi « được giải phóng » Thầy đã bị đi học tập về tội vượt biên. Tôi rất đau buồn khi được tin Thầy đã qua đời lúc đang nằm trên võng tại nhà. Hôm nay tôi viết những giòng chữ này để tỏ lòng hối tiếc đã không có mặt ở quê nhà để tiễn đưa, người thầy mà tôi hằng kính mến, ra đi vứt bỏ mọi phiền não của cuộc đời.
Sau ngày 30 tháng 4, tôi cùng những anh em còn kẹt lại vẫn tiếp làm việc tại khu nội khoa Chợ Rẫy do giáo sư HUỲNH NGỌC XUÂN phụ trách. Với đầy khôn khéo và tế nhị Cô đã dìu dắt bao che đàn em hoàn tất công tác một cách suông sẻ. Cô sống rất gần với học trò và nhân viên, hiền lành nhỏ nhẹ với mọi người, hướng dẫn đàn em rất tỉ mỉ đầy chân tình và thông cảm, ân cần thăm hỏi hoàn cảnh từng người để giúp đỡ nếu cần. Khi còn là nội trú, tôi đã làm việc với Cô tại trại 27 và học nơi Cô cách đối xử tốt với nhân viên bịnh nhân và đồng nghiệp. Tôi cũng đã thâu thập được nhiều kiến thức lâm sàng của những bịnh dạ tràng và đôi chút kinh nghiệm về nội soi. Cô đã an ủi và giúp đỡ tôi khi gặp khó khăn trong nghề nghiệp. Cô đã rời Việt  nam và sang sống tại Pháp. Mong Cô sống yên vui khỏe mạnh nơi xứ người.
Tất cả những điều tôi học hỏi với các Thầy ở Việt nam đã giúp cho tôi rất nhiều khi di dân sang Canada, tôi đã nhanh chóng theo kịp và hòa mình dễ dàng vào y giới nơi đây.
Nhiều đêm nằm mơ, tôi thấy mình trở về Sài gòn thân yêu, viếng thăm bịnh viện Chợ Rẫy. Cảnh xưa còn đó mà người cũ nào còn đâu. Thầy và bạn bè thân yêu giờ đây đã phân tán khắp năm châu, người đi kẻ ở để lại cho nhau bao niềm thương nhớ.
Dù vật đổi sao dời, tôi vẫn không quên được TÌNH THẦY, và để khỏi phụ lòng những ÂN SƯ, tôi đã quyết tâm làm một thầy thuốc tốt, hăng say phục vụ cho người cùng quê hương.


Phạm Tu Chính


Mùng Ba Tết Mậu Tý, anh Chủ bút Tập san Y Sĩ Canada gửi điện thư chúc Năm Mới,  có yêu cầu PTC viết ít dòng về các thầy Y Khoa, đặc biệt về ngành Sản Phụ cho Tập San Y Sĩ số 178.
Trước đây mấy số báo, TSYS đã dành nhiều trang nhắc đến các Thày Y Khoa, các Ân Sư đã đào tạo anh em Y Sĩ khi xưa, số báo được hoan nghênh và Tập San quyết định ra một số tiếp để nói về nhiều người hơn .
Biết viết gì đây ?,  viết ai, bỏ ai ?
Việt Nam ta có câu ‘‘ Không Thầy đố mày làm nên,’’  để nhắc lại các kỷ niệm xưa  đến các Ân Sư đã dạy dỗ, hướng dẫn  nhiều anh em Y khoa trên đoạn đường Y nghiệp mỗi người sinh viên Y khoa trên 7 năm ở trường thường có nhiều kỷ niệm chung hay riêng với các Thầy cũ, để khỏi phụ lòng anh Chủ Bút, sau khi trao đổi thư đi thư lại tôi được anh Chủ bút đồng ý viết bài - như Tạ Tỵ viết về các người đã đi qua quãng đời của Họa Sĩ, Văn Sĩ Tạ Tỵ - sau kể lại ít nhiều kỷ niệm các đàn anh, các Ân Sư đã dạy dỗ, hướng dẫn PTC và nhiều anh em trên đoạn đường Y nghiệp. Mong rằng có nhiều người sẽ kể lại trong những số báo của Y Giới như Tập San Y Sĩ Canada, Nội San Y Giới, các Đặc San các Hội Y Sĩ quốc gia.

GS Auguste  Rivoalen : Bệnh Viện Nội Khoa , Chợ Rẫy
Giáo sư Rivoalen, là Giáo sư người Pháp đã để lại khá nhiều kỷ niệm với anh em sinh viên, GS đã sống nhiều năm ở Hà Nội và Saigon,  Thầy làm việc  ở Bệnh Viện Nội Khoa Chợ Rẫy rồi Nguyễn văn Học. Anh em thường gọi Thầy là cụ Ri ! Thầy dạy thực tập lâm sàng ở bệnh viện bên giường bệnh nhân, bệnh lý Nội Khoa, rồi khi một Giáo Sư trường Y Paris trong phái bộ Pháp phụ trách 1 môn học chưa qua kịp Việt Nam, thầy Rivoalen đã dạy thế, thầy từng nói: “tôi polyvalent”, dạy học tận tâm, bài giảng rõ ràng, rất Bon Papa. Kỳ thi vấn đáp cuối năm, thầy hỏi 1 đề nếu sinh viên không thuộc nhiều, thầy ra đề 2 hay đề 3 sao cho anh sinh viên nói được, gặp anh bạn hơi yếu, thầy quay qua nói với Giáo Sư cùng chấm thi, ngồi bên cạnh và nói : “pas fameux’’, Thầy nghé mắt xem GS này cho mấy điểm và sẵn sàng cho điểm khá để cứu anh sinh viên. Gốc nhà binh nên Thầy rất thích mấy anh sinh viên Quân Y quân phục với lon, mũ áo quần chỉnh tề khi vào thi. Sau khi khám bệnh ở nhà thương cuối giờ Thầy hay ra hành lang, hút 1 điếu thuốc, khi đó luôn luôn có 1 anh sinh viên (cũng dân hút thuốc) rút bật lửa để Thầy châm thuốc, anh bạn sau này có kể trong tập Hồi ký là khi ra thi vấn đáp năm thứ Tư mặc dù trả lời bài không khá, song chắc Thầy trông mặt anh khá quen thuộc (đệ tử châm thuốc cho Thầy) anh đã được điểm tốt để qua cầu !!
Sửa soạn Luận án Y Khoa với tài liệu ở Bệnh Viện Nhi Đồng, tôi qua Bệnh Viện Nội Khoa Chợ Rẫy xin gặp Thầy để xin Thầy bảo trợ, Thầy vui vẻ chấp nhận và ngày trình Luận Án ở Thư viện trường Y, Thầy trông thấy cha tôi ở hàng ghế dưới, Thầy có nói ít câu về gia đình tôi khiến cha tôi rất vui vì Thầy ở cùng cư xá với người anh họ là cháu cha tôi (GS Thạc Sĩ Toán  Phạm Tỉnh  Quát)

GS Phạm Biểu Tâm : vị Khoa Trưởng lâu năm của trường Y Saigon, Giáo Sư trưởng khu Giải Phẫu BV Bình Dân.
Khi qua học thực tập ở Bình Dân, làm việc ở trại 9 với GS Nguyễn Hữu, tôi thường phải lựa bệnh để trình GS Tâm mổ 2 hay 3 trường hợp trong tuần để bớt việc cho GS Hữu. Buổi sáng sau khi làm việc thường ngày đi coi bệnh, mổ vài trường hợp nhẹ như Hernie inguinale, abcès, phimosis, bướu kyste tiểu giải phẫu..., ra uống ly sữa rồi chờ 10 giờ rưỡi GS Tâm lo công việc hành chánh ở Trường Y, về BV Bình Dân, Thầy vào phòng mổ. Tôi được phụ mổ GS Tâm nhiều lần. GS vừa mổ vừa giảng rất từ tốn, giọng nói nhẹ nhàng,  truyền các kinh nghiệm cho đàn em.
Năm 1972 cha tôi sau khi điều trị ở Pháp phải trở về gấp vì chứng Ung Thư thực quản, tôi có nhờ Giáo Sư đến nhà coi để nhờ GS làm một cuộc giải phẫu gấp nuôi ăn trực tiếp đưa đồ ăn lỏng qua ống cao su vào thẳng dạ dầy. GS đã vui vẻ vào khám bệnh khi cha tôi vừa ở máy bay về nhà và rất linh động, GS  đã dùng phòng mổ của Bảo sanh Viện Hùng Vương nơi tôi làm việc và GS đã thực hiện vụ giải phẫu này, rồi hàng ngày GS đã đạp xe đạp thay vì đi xe hơi từ nhà riêng đường Ngô Thời Nhiệm ở Saigon vào thăm  cha tôi.

GS Nguyễn Hữu Giáo sư Giải phẫu và Cơ Thể học :
Sinh viên Y Khoa năm thứ Nhất và Hai qua môn Cơ Thể học Anatomie rồi bệnh lý Ngoại Khoa thường gặp ông thầy khả ái, giảng bài thuộc lòng không cầm giấy, vẽ rất đẹp trên khung vải đen, vẽ nét nào là y nguyên không có xóa bao giờ. Thầy giảng bài hay nói thêm vài câu vui để  sinh viên dễ nhớ, có kỳ Thầy đã lôi Tổng Thống Ngô Đình Diệm ra pha trò đưa duyên (khi nói đến le Trou Monro GS Hữu đã  cho tên là Trou  Marilyn Monroe, cô đào điện ảnh đang nổi tiếng, rồi thêm :  “cái lỗ này Tổng thống mình không có biết nhé’’  khiến hôm sau Mật vụ đến cảnh cáo và yêu cầu Thầy stop không được chọc Tonton nữa .
Thầy Nguyễn Hữu ở cùng cư xá Công Lý với gia đình PTC nên ra vào PTC thường gặp Thầy. Rồi sau vụ tấn công của Việt cộng Tết Mậu Thân Thầy bỏ Việt Nam qua Pháp. Qua Pháp cần tiền để sinh sống, Thầy nhờ 1 bà bạn ở Saigon lo bán căn nhà, việc bán nhà rất khó khăn vì chủ nhà bỏ đi bất hợp pháp, sau PTC đã mua và lo chuyển tiền qua cô em ở Pháp đưa trả Thầy. Sau biến cố 1975, qua Pháp gặp lại Thầy và gia đình, nhiều kỷ niệm xưa đã  trở lại.
GS Phạm Gia Cẩn : Trưởng Khu Bệnh Lý Nhi Khoa Bệnh viện Nhi Đồng.
Lên năm Thứ Ba Y Khoa qua thực tập BV Nhi Đồng  PTC làm việc tại lầu 1 với GS Phạm Gia Cẩn, học lý thuyết và lâm sàng thêm với GS Phan Đình Tuân, cùng các Giáo Sư Laplane, Marquézy, Clément  ở Paris qua dạy,  rồi sau nữa những năm thứ 5, 6 hay 7 tôi  thường hay trở lại BV Nhi Đồng để trau dồi thêm. Làm việc nhiều năm tháng ở Nhi Đồng nên có kỳ Võ Văn Tùng và PTC phải mỗi sáng ra phụ trách vài giờ ở phòng khám ngoại chẩn số 4 có trả lương vì bệnh viện có quá đông bệnh đến khám (3 phòng kia do BS Trương Duy Thụ, Vũ Thị Thoa, Bùi Thị Tuyết Nga phụ trách, phòng 4 không có Bác sĩ ). GS PG Cẩn khi đó là Giám Đốc, thường quan tâm đến bữa ăn của anh em Sinh Viên trực, GS bỏ tiền quỹ mật hay tiền riêng ? chi thêm để nhà bếp mua thêm giò chả hay thức ăn thêm cho bữa cơm của sinh viên, sau GS Phan Đình Tuân thay thế GS Cẩn làm Giám đốc cũng vẫn duy trì biệt lệ này. GS PG Cẩn hay thích các bệnh hiếm lạ và lưu giữ bệnh nhân lâu hơn ở trại để  làm đề tài Luận án. Khi nghe PTC ngỏ ý xin đề tài về bệnh Yết hầu trẻ em, GS có lẽ không thích lắm và nói : ‘‘có nhiều đề tài hay hơn sao em lại lựa bệnh này’’,  song khi nghe PTC trình bày lý do vì thấy trẻ em bị Croup tử vong  nhiều quá nên muốn làm đề tài này để có dịp trình bày sự cần thiết làm chương trình chích ngừa Yết hầu bắt buộc cho trẻ em Việt Nam, GS đã bằng lòng. Kết quả mấy năm sau đó Ủy ban Y Tế Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa đã dùng tài liệu Luận án này để ra Luật chích ngừa bệnh Yết hầu bắt buộc cho trẻ em Việt Nam .
Trong phòng mạch tư đường Đinh Tiên Hoàng GS P G Cẩn có treo trên tường  một bức ảnh khá lớn chụp GS và PTC đang khám bệnh 1 em bé, ảnh này đã được đăng trên tờ báo Thế giới Tự Do, do một anh phóng viên tờ báo rửa ra tặng GS. Khi thấy 1 trẻ bệnh ở gần  phòng mạch PTC đến xin GS chữa, GS hay chỉ vào tấm hình treo trên  tường và giới thiệu với bà mẹ là kỳ sau em bé bệnh thì có thể đến BS PTC khám chữa khỏi phải đi xa.
Tháng Tư 1975, Saigon giao động, vì đã từng biết Cộng Sản GS PGCẩn lo lắng tìm đường ra  đi. 9 giờ sáng ngày 22 tháng Tư sau khi gọi điện thoại cho PTC tối hôm trước Giáo Sư đã vào BSV Hùng Vương tìm gặp PTC để bàn chuyện tìm kế ra đi. Hai ngày sau, tôi rất mừng được tin GS và gia đình đã đi thoát và sau định cư ở Montréal, Canada. Mỗi lần qua thăm Montréal, GS thường lái xe đến đón PTC lại nhà riêng chơi, ăn cơm gia đình.

GS Trần Đình Đệ : Trưởng Khu Sản Phụ Khoa, Giám Đốc Bệnh Viện Từ Dũ. 
Sau khi đậu Thạc Sĩ ở Paris, GS về nước phụ trách dạy môn Sản Phụ Khoa, GS đã cải tổ cách dạy, chú trọng phần thực hành nhiều khiến anh em Sinh Viên sau này khi ra trường ai nấy đều có thể giải quyết các trường hợp dù khó khăn. Cũng như môn Nhi Khoa, tôi hay đi trở lại Bệnh viện Từ Dũ những năm 5, 6 hay 7. Được sự tín nhiệm và  giới thiệu của GS Phạm Gia Cẩn, dù mới là Nội Trú tôi được GS T D Đệ cho coi trại Trẻ sơ sinh thiếu tháng đi khám bệnh hàng ngày  – khu này  GS Cẩn  chỉ có thể đến thăm 1 hay 2 lần trong  tuần thôi -. Kỷ niệm về GS T D Đệ chắc nhiều anh bạn khác sẽ viết, riêng PTC  năm 1972 nhân dịp VN tổ chức một Hội Nghị Quốc Tế về Dân Số , một hôm Nghi Sĩ Trần Văn Đôn xin đến gặp PTC ở BSVHùng Vương, Nghị Sĩ Đôn vừa ở Mỹ về nói là GS Trần Đình Đệ nhờ PTC lo sao để GS hiện đang ở Mỹ có thể có một giấy mời về tham dự hội nghị, và không bị làm khó dễ khi về và khi rời VN trở lại Mỹ, chúng tôi đã lo việc này với sư giúp đỡ của BS Oldham, trưởng phái bộ USAID và anh Tổng Trưởng Y Tế Trần Minh Tùng, anh Tổng Giám Đốc Y Tế Trương Minh Các, kết quả GS T D Đệ đã có giấy mời về họp và được mời ngồi trên bàn chủ toạ một phiên họp, cùng sự bảo đảm của BS Oldham, sau đó PTC có tổ chức một buổi nói chuyện để GS trình bày một đề tài chuyên môn về Sản Khoa tại BSV Hùng Vương khiến GS rất vui và bằng lòng. Sau này mỗi khi qua Paris, ông bà GS thường nhờ PTC tổ chức các bữa ăn họp mặt để GS gặp lại bạn cũ và môn sinh.

GS Đặng Trần Hoàng*, Nguyễn Thị Nhị, Bảo Sanh Viện Hùng Vương :
BSV Hùng Vương thành lập sau năm 1954, với BS Hoàng Gia Hợp làm Giám Đốc và trở  thành bệnh viện thực tập của trường Y Khoa nhiều năm sau. Phụ trách việc giảng dạy là GS Đặng Trần Hoàng, và chị Nguyễn Thị Nhị. Chị Nhị là phu nhân của anh Hoàng và là Y Sĩ Thường Trú, phụ tá anh DT Hoàng (sau khi BS Hoàng Gia Hợp nghỉ hưu anh DT Hoàng là Giám Đốc đến năm 1967, anh GS Hoàng xin nghỉ bên Y Tế để chỉ lo dạy học bên trường Y và thực tập ở BSV HV). PTC và anh Hoàng có liên hệ họ hàng, được anh Tổng Trưởng Trần Lữ Y bổ nhiệm thay thế anh DT Hoàng xin từ nhiệm. Về làm việc ở BSV HV,  PTC đã được anh chị Hoàng, Nhị tận tình giúp đỡ phần chuyên môn, nhiều kỷ niệm thân tình trong thời kỳ cộng tác ở Saigon và sau này khi ra hải ngoại nữa. Tính tình nghiêm nghị, ít nói song làm nhiều !! Các đồng nghiệp khi được bổ nhiệm làm việc ở BSV Hùng Vương đều được anh chị Hoàng, Nhị huấn luyện lại phần chuyên khoa và giải phẫu, anh GS DT Hoàng đã dạy, chỉ dẫn bảo trợ nhiều luận án cho Sinh Viên Y Khoa hy vọng nhiều anh chị Sinh viên sẽ viết thêm.  (*LTS: GS Đặng Trần Hoàng vừa mất tại North Carolina ngày 12-06-2008, hưởng thọ 90 tuổi.)

GS Trần Lữ Y, GS Nội Khoa, Tổng trưởng Y tế :
Anh em sinh viên Y Khoa năm thứ 1 gặp anh Trần Lữ Y qua các buổi học Cốt Xương Ostéologie và thực tập ở bệnh viện Nội Khoa hay mổ xác chết ở Cơ Thể học viện. Tính tình vui vẻ,  ăn mặc xuề soà, chỉ dẫn tận tâm, sinh viên ai cũng ưa và thường coi anh như người anh ruột và gọi là “Anh Ba’’.  PTC đang làm việc ở bộ Y Tế thì anh Trần Lữ Y được mời làm Tổng Trưởng Y Tế thay thế BS Nguyễn Bá Khả. Tính tình bình dân, thích giải quyết vấn đề dù khó khăn cũng muốn làm cho nhanh, có kết quả ngay, nên nhiều hồ sơ anh thường gọi 1 BS (PTC là 1 trong những BS này)  đến văn phòng và giao cho nghiên cứu vấn đề rồi trình thẳng anh không qua mấy vị chức quyền; thích xông xáo anh hay đi thanh tra trực tiếp xuống tỉnh nhỏ hay quận, chi Y tế  xa xôi nhiều nơi đi đến rất nguy hiểm. Sau tháng Tư đen 1975 anh qua Pháp, hành nghề lại và thường sinh hoạt với anh em Y Giới. Anh qua đời đột ngột ở Montréal Canada năm 2000 để lại thương tiếc cho anh em.

GS Bùi Quốc Hương GS bệnh Thần Kinh, BV Chợ Rẫy :
Tôi gặp GS B Q Hương lần đầu tiên khi theo học PCB ở Hà Nội trong dịp khám bệnh lập hồ sơ sức khỏe, khi đó anh mới ra trường và phụ trách phòng khám Sinh Viên trường Đại Học Hà Nội. Sau lại gặp anh khi đi thực tập Nội Khoa ở lầu 22 bệnh viện Chợ Rẫy, khi đó anh là Trưởng khu bệnh lý. Sau này qua Pháp gặp lại anh ở Paris, anh thường tham dự, vui vẻ nhận lời thuyết trình các đề tài chuyên môn hay tham gia các buổi sinh hoạt Tết, hội họp của Hội Y Giới Pháp. Tính tình cẩn thận nên trước khi quyết định làm việc gì anh thường hay điện thoại bàn với tôi, nhiều kỷ niệm thân tình nên khi anh từ trần đột ngột trong khi đang đi chơi du lịch ở Mỹ khiến chúng tôi bàng hoàng, thương tiếc.

GS Trần Văn Bảng : bệnh truyền nhiễm  Bệnh viện Chợ Quán
Thời gian PTC học Y Khoa thì BS Trần Văn Bảng không ở trong ban giảng huấn, mà là Giám Đốc Bệnh Viện Chợ Quán. Sau này, GS trở lại trường Y, ông là BS Nghiệm Trưởng Chef de clinique của Trường Y. Sửa soạn luận án Y Khoa về bệnh Yết hầu, PTC qua BV Chợ Quán để ngồi tham khảo các hồ sơ bệnh Yết Hầu ở người lớn, gặp BS TV Bảng để xin phép, Ông coi dàn bài GS Rivoalen hướng dẫn cho PTC, BS Bảng đã gợi ý là nên làm thêm về  réaction de Schick để tìm phần miễn nhiễm bệnh Yết hầu ra sao ở trẻ em Việt Nam. Lo được thuốc thử Toxine diluée do viện Pasteur Paris cung cấp, PTC còn được  BS Bảng cho mượn một xe, 1 thư ký đi theo đến các cô nhi viện, các trường tiểu  học ở Saigon để thử nghiệm làm Test Réaction de Schick trên 4000 trẻ em. Chính nhờ phần khảo cứu đặc biệt này mà khi thi lại văn bằng Docteur d’Etat ở Paris, GS Besançon ở Đại Học Paris đã không cho đề tài mới và đồng ý để PTC trình lại luận án đã trình ở Trường Y Saigon. Thời gian trước 1975, BS TVBảng là chủ bút Tập San Y Học của Nghiệp đoàn Y Sĩ VN và PTC là Ủy viên lo tài chánh, kinh tài để in ấn phát hành Tập San gửi biếu đến tất cả các BS Quân Y và Dân Y trên toàn quốc.
Tháng Tư, 1975, Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, BS Trần văn Bảng bị kẹt lại. Sau những năm tháng ở Saigon với Cộng Sản, BS Trần Văn Bảng qua được Pháp, BS thường sinh hoạt với anh em Y Giới, viết bài cho các Đặc san, Tập San Y Giới ở Pháp, Canada, Mỹ và PTC thường là người được GS gửi bài viết tay để PTC gõ mỏ cò trên máy điện toán. Thời gian này ở Pháp, BS Trần Văn Bảng hăng say sáng tác văn thơ, rồi ông chủ trương Sách Thư Mục Y Giới Văn Thi  Nghệ Sĩ, đang thai nghén sách thì GS T V Bảng đột ngột từ trần sau một cuộc giải phẫu (22- 11- 1996), song tuổi đời đã khá cao, 88 tuổi nên GS T V Bảng đã lo, tính trước, trối trăn lại ủy thác 2 hội Y Sĩ Pháp và Canada cùng anh Phạm Ngọc Tỏa, Phạm Hữu Trác, Hồ Quang Nhân, Mạc Văn Phước cùng PTC lo hoàn tất quyển sách nếu chẳng may GS qua đời. Sau sách đã được phát hành nhân kỳ Đại Hội Quốc Tế Y Nha Dược 1977 ở Montréal, Canada. 
Quãng đời sinh viên Y Khoa dài 7 năm, nhiều Thầy đã dạy anh em sinh viên về chuyên khoa, Y đạo nêu gương sáng mọi người  đều công nhận  là nhờ công ơn đó, mà sau này khi ra đời hay ra hải ngoại, việc làm lại cuộc sống, thi lại lấy bằng hành nghề có kết quả là nhờ các ân sư. Còn nhiều đàn anh khác song trang giấy có hạn, và nhiều đồng nghiệp sẽ viết thêm nên chúng tôi xin tạm ngưng để dành trang cho các đồng nghiệp khác . /.
(Paris , 17/03/2008 )
Bùi Trọng Căn


Nhân đọc Tập San Y Sĩ số 174, với nhiều bài viết vinh danh hầu hết các Thầy (Giáo sư) của chúng ta thời xa xưa cách nay khoảng nửa thế kỷ. Những người đã tận tâm dạy dỗ gương mẫu không những về mặt trí dục mà còn cả về mặt đức dục cho đám thanh niên mới lớn, đầy nhiệt huyết để sau này sẽ lại là giường cột của xã hội miền Nam từ thời đệ Nhất tới thời đệ Nhị Cộng hoà và ảnh hưởng tiếp nối đến cả các thế hệ sau này nữa.
Cùng trong mục đích tưởng nhớ và vinh danh cả một thế hệ các Thầy (Giáo sư) cũng như xin đóng góp thêm chi tiết suy gẫm nhìn lại bối cảnh so sánh với thời nay khi tuổi đời đã từng trải đi gần hết cuộc đời.
Sống trong một xã hội thanh bình trật tự của nền đệ Nhất Cộng hoà trong tiềm thức của hầu hết sinh viên thanh niên tuổi mới lớn thời đó đều có sẵn ý niệm về Quân Sư Phụ. Ý niệm về Thầy thấm nhuần hơn hai ngàn năm bắt nguồn từ một triết gia cổ là Khổng Tử, một tiêu biểu cho các Thầy, ảnh hưởng không những trong xã hội phương Đông mà đến nổi cả học giả Hoa Kỳ cũng đã viết về Ngài năm 1982 như sau:
“Hành vi cao quý và tư tưởng lý luận đạo đức của Khổng Tử không chỉ ảnh hưởng tới người Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới toàn nhân loại”
Tiềm thức này, kết hợp với nền văn hoá giáo dục của Pháp, khác hẳn với nền giáo dục thực nghiệm của Mỹ, sinh viên thường coi trọng các điều giảng dạy của các giáo sư và luôn tưởng những tri thức này là tuyệt đối. Cho mãi tới năm cuối trung học, học tú tài 2 (hay pré-universitaire) khi gặp giáo sư Hoàng Cơ Nghị dạy môn Vật lý.
Thầy Hoàng Cơ Nghị nổi tiếng là “khó”, nhưng thực ra không phải khó. Thầy muốn các chuẩn sinh viên phải bỏ cái ý niệm trong tiềm thức là lời Thầy là “tuyệt đối”. Chúng ta nhận thấy, thầy khác hẳn các thầy khác, trong bài giảng, thầy luôn luôn dùng thể nghi vấn như nhắc nhở chúng ta. Thầy luôn đứng lại dơ tay lên trời như ngạc nhiên: “Ồ có phải thế không?” Chính thầy đã tập cho chúng ta phải suy nghĩ độc lập khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học.
Kịp tới khi vào Khoa Học Đại học đường theo chứng chỉ P.C.B. học với các thầy về Sinh Động Vật Học (Biologie Animale) là giáo sư Charégieux, về Sinh Thực Vật Học Tổng Quát (Biologie Végétale) là bà giáo sư Tiếng là những môn chính. Rồi về Hoá học thì Hoá Học Tổng Quát (Chimie Générale) với giáo sư Nguyễn Quang Trình, Hoá Học Hữu Cơ (Chimie Organique) là giáo sư Trần Hữu Thế, Hoá Học Kim Loại (Chimie Minérale) là giáo sư Seligny.
Về Vật lý (Physique) có giáo sư Hưng, giáo sư Thới… mà tôi không nhớ hết. Môn Sinh Động Vật Học được coi là quan trọng nhất để sửa soạn cho vào Y khoa, vì hầu như ngày nào cũng có một giờ về môn này trên Đại giảng đường. Ông thầy Charégieux đặc biệt chỉ dùng một quyển sách Biologie Animale duy nhất (in ronéo rất đẹp ở trường Sorbonne Paris) do chính ông soạn từ nhiều tài liệu khác nhau, nên được sinh viên rất thích (vì dễ học tủ). Có lẽ sau cả niên học giảng dạy mà không thấy sinh viên Việt Nam nêu một câu hỏi thắc mắc nào, biết cái quan niệm tin tuyệt đối vào thầy, nên khi tốt nghiệp một kỷ niệm rất sâu sắc đã xảy ra cho chính bản thân tôi.
Hôm đó là ngày vào thi vấn đáp (oral), vì đã một giờ trưa (1:00PM) ở nhà gia đình chờ cơm, nhất là thầy me tôi đều lo sợ, bảo với anh ruột tôi là: “Nó bảo đi thi thì cũng lắm là 12 giờ trưa, bây giờ đã 1 giờ chiều, sao chưa thấy về?” và bắt anh tôi phải chạy ra trường tìm xem sao? Anh tôi đã chứng kiến thêm nửa giờ nữa tôi đang bị giáo sư Charégieux “truy” trên bảng đen.
Tôi nhớ là đã rút trúng tủ câu hỏi trong cuốn Biologie Animale của giáo sư, tôi rất mừng rỡ y như bấm trúng “nút” và cái máy phát thanh đã phát ra thao thao bất tuyệt. Giáo sư ngồi im lặng nghe không một phản ứng, khi “nguồn suối” . Giáo sư lại nhắc hỏi: “Encore ? Encore ?” (còn nữa không? Còn nữa không?) nhiều lần. Mặt tôi tự nhiên đỏ rừ, mồ hôi bắt đầu chảy lăn trên hai bên thái dương vì “tịt ngòi” và bí. Cuối cùng để cứu giúp, giáo sư Charégieux cho một câu hỏi ân huệ: “Anh có tin thuyết Darwin không? Tại sao tin?”
Bây giờ muốn sống là phải cố gắng vận dụng trí não để nói các chuyện “bá láp” hay học “mót” chẳng khác nào vận dụng sức lực để đấm vào một câu cổ thụ trước mặt. Giáo sư tuy vẫn giữ vẻ mặt vui để trấn an, nhưng cuối cùng, giáo sư như hối hận cũng như để giải nghĩa tại sao lại đặt them một câu hỏi “extra” và bảo trước khi chấm dứt: “Anh còn quá nhỏ (tu es trop jeune) để vào trường Đại Học Y Khoa”. Tôi và cả anh ruột tôi líu ríu cám ơn thầy ra về trong lòng mang nặng đầy thắc mắc. Cuối cùng khi đi xem bảng thì mới biết tôi đã được chấm đậu vì điểm cao với tấm lòng (genereux) quảng đại của thầy, nhưng lại một lần nữa giáo sư Charégieux đã nhắc cho tôi phải suy nghĩ độc lập mà đừng học như “con vẹt” Ơn thầy là ở chỗ này.
Ngoài những tận tâm giảng dạy của các thầy do yêu thích khoa học, yêu thích truyền bá kiến thức cho sinh viên, các thầy còn là những người quảng bá “triết học” như thầy Séligny rất trẻ, tóc để tém, quần áo giản dị gần đồng hoá với nếp sống “hiện sinh” hippy của Sartre thời đó tại Pháp. Còn các giáo sư khác như thầy Trình có vợ đầm người Pháp luôn trang trọng trong bộ complet, thầy Thế chững chạc ngay ngắn làm tất cả sinh viên không những kính trọng mà còn “ngán”, phong độ của các thầy còn là các gương sáng về đức dục giữ đúng truyền thống phương Đông: Quân Sư Phụ cổ xưa. Chỉ riêng có nữ giáo sư Tiếng là được sinh viên yêu thích nhất vì bà rất bình dân, gần gũi sinh viên.
Thế rồi bọn sinh viên “chân ướt chân ráo” unzième année trường Y Khoa Đại Học Saigon đầy hãnh diện và nhiệt huyết (danh từ thầy Nguyễn Hữu đặt cho, mà thầy khi thân mật lại thường gọi là “các cậu” ) cũng lục tục khoác áo blouse trắng kéo nhau đi thực tập các bệnh viện như ai. Suốt từ Chợ Rẫy (chuyên Nội khoa A và Ngoại khoa B), Nhi Đồng, Từ Dũ đến Hùng Vương (chuyên Sản phụ khoa). Sau này có thêm bệnh viện Đô Thành, còn gọi là bệnh viện Saigon của bác sĩ Nguyễn Phước Đại cũng là nơi nhận sinh viên Nội trú Nhiệm Ý (Interne fonctionnel) thực tập.
Khu Nội khoa A ở Chợ Rẫy có các nhân vật chính là giáo sư Pierre Caubet, bác sĩ Phạm Tấn Tước, nữ bác sĩ Xuân. Khu Nội khoa B ở Nguyễn Văn Học Gia Định có các giáo sư Rivoalen, giáo sư Nguyễn Thế Minh và bác sĩ Trần Lữ Y (lúc đó bệnh viện này còn xập xệ, sau này mới được xây cất lại quy mô và khang trang đặt tên mới là Trung Tâm Thực Tập Y Khoa Gia Định).
Giáo sư Nguyễn Văn Út (đi xe Mercedes) luôn trụ trì khu Da Liễu, còn khu Tai Mũi Họng có giáo sư Tissier, bác sĩ Trí (có thời làm Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục bị Việt cộng ám sát chết ngay trên đường phố Saigon), bác sĩ Ký. Riêng các thầy ở Chuyên Khoa Ngoại A và B đã được nhắc đến nhiều trên số báo 174 trước.
“Các cậu” chim non (hay còn gọi là ngựa non háu đá) unzième và deuxième année Y Khoa bắt đầu được nhập môn với các thầy, ngay với bước đầu tiên phải làm quen với chương trình Y khoa rất nặng nề: 7 giờ đến 9 sáng có 2 giờ cours tại trường Testard; 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa có mặt điểm danh tại bệnh viện. Hốc tốc chạy về nhà ăn cơm trưa. Đúng 2 giờ tới 6 giờ chiều có mặt tại các phòng thực tập (Cơ thể học, Sinh lý học, Tế bào mô học, Vật lý y khoa, Hoá học y khoa...) để cuối cùng còn phải 1 giờ cours nữa ở Cơ Thể Học Viện, sau 7 giờ tối mới trở về nhà với bữa cơm chiều. Tổng cộng ngoài 12 giờ học tại trường lớp và bệnh viện, nếu kể phải học thêm bài ở nhà, trung bình mỗi ngày sinh viên phải làm việc ít nhất là 15 tiếng đồng hồ.
Có lẽ giải trí duy nhất chỉ là những giây phút ngắn ngủi tán gẫu cười đùa với nhau trong khi chờ đợi các thầy trước khi vào cours. Một bạn hô to: “Ô tô đỏ tới rồi” (đó là chiếc Simca Aronde màu đỏ của giáo sư Nguyễn Hữu để phân biệt với chiếc xe Mỹ cồng kềnh màu đen của giáo sư Trần Quang Đệ. Hoặc trao đổi thắc mắc tại sao giáo sư Pierre Caubet lại không đi xe của Pháp chế tạo (Renault hay Peugeot) mà lại đi xe Vauxhall…Chuyện khác trêu đùa các chị học cùng lớp như cắt bộ phận sinh dục, tai, mũi các cadavers lén bỏ vào cặp sách là chuyện không tránh khỏi. Năm nào, giáo sư Nguyễn Hữu cũng đích thân “chủ trì” lễ xác cầu nguyện macchabée (cho các xác vô thừa nhận) và giáo sư Lichtenberger (Cha dòng Tên) chủ trì cho một lễ khác cùng ngày tại Nhà Thờ của dòng Chúa Cứu Thế nữa).
Cũng trong những phút nghỉ ngơi ngắn ngủi giữa hai giờ cours, chúng tôi thường ngồi xếp hàng trên bực thềm của trường (villa Testard) như một đàn chim đùa rỡn ồn ào hoặc tâm sự vui vẻ hoặc nhận xét nhiều chuyện bên lề ngoài bài học vừa lĩnh hội ở các thầy. Điều khác lạ để so sánh là trong khi hầu hết các thầy cô người Việt gần giống nhau trong phong độ đứng đắn, tính tình, cư xử (có lẽ do phong tục của Đông phương) thì trái lại, các giáo sư người Pháp có thái độ, hành động rất khác nhau.
Có thể nói giáo sư Hautier (chuyên về bệnh Phổi, chủ trì bệnh viện Hồng Bàng) và giáo sư Caubet (chuyên về bệnh Tim, chủ trì khu Nội A, bệnh viện Chợ Rẫy) gần như hai thái cực.
Giáo sư Hautier to lớn dềnh dàng, ăn to nói lớn, “thẳng ruột ngựa” đã từng xé observation (histoire de cas) của rất nhiều sinh viên, làm ai cũng nể sợ. Trái lại, giáo sư Caubet với dáng dấp đẹp trai, từ tốn, nhỏ nhẹ “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” của Kim Trọng đã chiếm cảm tình hầu hết sinh viên. Ít người biết, ông chính là phu quân của bà Hiệu trưởng trường Marie Curie Saigon.
Ngay những năm đầu tiên trên ngực áo blouse trắng chỉ có một hai sao, lớ ngớ bước chân vào Chợ Rẫy, sinh viên đã được giáo sư Caubet rất lịch sự mời vào văn phòng riêng từng nhóm nhỏ hai ba người. Ông hỏi han kỹ lưỡng từng sinh viên coi xem mức độ nhận thức (background) trước khi giảng giải cặn kẽ về tim để rồi trang bị tiếp cho kiến thức Điện Tâm Đồ (Electrocardiogram)
Sau đó, sinh viên mới lên lầu trên là trại bệnh nằm, tự đi tìm kiếm các bệnh nhân về tim theo dõi bệnh sử và tiến trình điều trị. Thời đó chưa có monitor như bây giờ, phải mang bệnh nhân đi ghi Điện Tâm Đồ trên giấy rồi mới mang về làm interpretations. Chính giáo sư Pierre Caubet đã tận tình chỉ dẫn “khai tâm” từng sóng P đến phức sóng QRS cho không biết bao nhiêu sinh viên Việt Nam. Đa tạ cảm ơn thầy dù cả sau nửa thế kỷ.
Chúng tôi là những nội trú riêng lẻ tại bệnh viện Saigon (vì nơi đây không nhận các sinh viên stagiaires khác) với bác sĩ Nguyễn Phước Đại. Là một bệnh viện nằm ngay chính trung tâm thành phố, đối diện chợ Bến Thành, bệnh viện luôn bận rộn suốt ngày đêm với các cas cấp cứu (emergency) và ngoại khoa (surgery), đấy là không kể những ngày có biến động chính trị như biểu tình. Giáo sư Nguyễn Phước Đại có một vẻ bề ngoài dữ dằn, nhưng thực sự tâm ông rất tốt với tất cả mọi người từ nhân viên thuộc quyền tới bệnh nhân. Ông là người miền Nam tiêu biểu (typiquement) với đức tính bộc trực, thẳng thắn, nhiều khi còn tỏ vẻ chống đối với áp lực cường quyền, bênh vực kẻ cô thế của Lục Vân Tiên.
Giáo sư Nguyễn Phước Đại khi đã tin ai thì giao hết trách nhiệm cho người đó mà không một nghi ngờ thắc mắc, tôn trọng tư tưởng độc lập khác biệt của người khác, có lẽ vì vậy mà phu nhân của ông phải là một chính trị gia. Ông bà là tiêu biểu cho trí thức miền Nam.
Nói đến trí thức miền Nam phải kể đến bác sĩ Trần Lữ Y tại khu Nội B, bệnh viện Nguyễn Văn Học, giáo sư Rivoalen đã trọng tuổi nên giới hạn lịch giảng dạy, tuy nhiên sinh viên rất kính cẩn gọi là “Cụ Ri” (Cụ rành tiếng Việt Nam), phụ tá cụ có bác sĩ Nguyễn Thế Minh mà trí nhớ và thông minh vượt bực nổi tiếng ai cũng biết, bác sĩ Trần Lữ Y thì “lè phè” với cách xưng hô Nam kỳ rặc luôn mày tao.
Gần cuối thập niên 60, bác sĩ Trần Lữ Y được mời làm Bộ Trưởng Y Tế (sau thời các Bộ trưởng, trước là giáo sư Trần Vỹ và giáo sư Trần Đình Đệ). Ngay khi làm Bộ Trưởng Y Tế, bác sĩ vẫn cư ngụ ở một căn appartement nhỏ hẹp, mặc dù phu nhân là đầm Pháp không muốn) tại tầng trệt của cư xá trên đường Nguyễn Văn Giai Đakao. Trận đánh tết Mậu Thân ngay trong lòng thành phố Saigon-Chợ Lớn đã chứng minh lòng dũng cảm, hy sinh và năng động của bác sĩ Lữ Y trong quá trình đi quan sát, đôn đốc các bệnh viện tại Saigon và các tỉnh khác nữa. Nhiều khi chính ông cũng mặc áo giáp mang súng (không giống bất cứ ông Bộ trưởng nào khác) y chang một chiến sĩ Nhảy Dù xung trận vậy.
Để tưởng nhớ người thầy gần gũi thân yêu, cùng lòng tốt của thầy đối với anh chị em sinh viên cũng như bệnh nhân, xin đan cử một trong muôn vàn nghĩa cử mà thầy sẵn sàng chia xẻ. Sau khi được giáo sư Rivoalen ban cho đề tài luận án tại khu Nội B, thầy luôn sốt sắng đốc thúc lo lắng cho cả từng chi tiết. Mỗi lần lấy mẫu phẩm máu, nước tiểu bệnh nhân mang đi thử nghiệm tại Viện Pasteur, thầy đều nhắc: “Mày mang đi ngay, giao tận tay phòng Bio-Chimie, nhớ hẹn người ta trở lại lấy kết quả”
Lại khi cần tài liệu đọc nghiên cứu, thầy Lữ Y vẫn đích thân ra thư viện của trường mang dùm sách về nhà cho mượn. Gia đình cũng ở Đakao gần nhà thầy, tôi phải chạy sang nhà thầy luôn xin giúp đỡ là điều không lạ, lạ là nhiều khi chính thầy lại lếch thếch sang nhà tôi, không gặp tôi thì dặn mẹ tôi: “Bà cụ nhớ trao tập sách này cho thằng Căn khi nó về”. Có thầy nào đối xử như vậy với học trò hoặc bệnh nhân nếu không phải là có tấm lòng hy sinh vô hạn đối với tha nhân. Một lần nữa, xin cám ơn thầy cô và gia đình mặc dù biết thầy đã quy tiên tại Canada.
Nếu mang so với thầy đời xưa như Đổng Trọng Thư trong văn học Trung Quốc, ngồi dạy học buông rèm, trong nhiều năm, cả ngàn học trò mà nhiều người không biết mặt thì thế hệ các thầy cô của trường Y Khoa Saigon đáng khâm phục đến bậc nào.
Ghi chú về người thầy áo vải thủa sinh tiền, đời sau được kính trọng như bậc thánh là Khổng Tử đã hưởng những phong thụy như sau:
Đời nhà Hán phong thụy Văn Tuyên Vương
Đời nhà Nguyên phong thụy Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương
Đời nhà Minh phong thụy Chí Thánh Tiên Sư
Đời nhà Thanh phong thụy Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương Khổng Tử.
Cho tới đời cộng sản thì ông bị đám vệ binh Đỏ lăng mạ.