Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2022

Thầy Trần Ngọc Ninh

 Đặng Phú Ân.

Năm nay, 2022 giáo sư Trần Ngọc Ninh vừa đúng 100 tuổi ta (ngày sinh nhật của Thầy 6-11-1923). Như vậy, Thầy là vị Thầy Y khoa kính mến thượng thọ nhất còn lại với chúng ta. 
Sức. khoẻ về già như ngọn đèn trước gió, có thể vụt tắt bất cứ lúc nào. Vì vậy, đầu tháng 8 năm 2022 vừa qua, nhân dịp đi công chuyện và nghỉ hè tại thành phố Waikiki-Honolulu, trên đường về Montréal, máy bay ghé qua phi trường LAX (Los Angeles), tới Los vào lúc 7 giờ sáng, được nghỉ tới 8 giờ tốicùng ngày, mới có chuyến bay về Montreal, vợ chồng chúng tôi đã tận dụng thời giờ, gọi Taxi Uber đi về Hungtinton Beach, Santa Ana để kính thăm Thầy Trần Ngọc Ninh. Vì xa lộ lúc đó rất kẹt, hơn nữa phải trở lại phi trường cho kịp chuyến bay chiều, nên chúng tôi không dám liên lạc với một ai trong gia đình cũng như bạn bè thân thiết.
Khi trở lại Montréal, Bác sĩ Thân Trọng An, Chủ bút Tập San Y Sĩ và Bác sĩ Nguyễn Thanh Bình (Ban Báo Chí), đã gợi ý tôi nên viết đôi điều cho anh chị em biết về tình trạng sức khoẻ của Thầy cũng như những điều Thầy còn nhớ. Một đề nghị rất quý một việc rất đơn giản và hân hạnh, tôi cố gắng ghi lại ở đây những điều gì Thầy đã nói và đã được ghi nhanh qua iphone của tôi. Xin hân hạnh kính chuyển tới tất cả những học trò kính quý của Thầy ở khắp nơi một cách chân thành và đơn sơ.
 
Tình trạng sức khoẻ của Thầy:
Đã xin hẹn trước để tới kính thăm Thầy, chúng tôi được chị Kim Anh, ái nữ của Thầy đã đón tiếp chúng tôi rất nồng hậu và nhiệt tình. Chị hướng dẫn chúng tôi lên lầu thăm Thầy. Thầy Ninh đã ngồi sẵn tại ghế để nói chuyện với học trò. Gặp chúng tôi, Thầy nhoẻn miệng cười rất tươi và vồn vã đưa hai tay nắm chặt tay tôi. Thật cảm động tình thầy trò.
Như mọi lần đến thăm hay gọi điện thoại, Thầy vẫn với một giọng nói ấm cúng và thân mật:
 Ân, Kim Nhi đấy à!
Tôi hỏi thăm sức khoẻ của Thầy, Thầy trả lời rất rõ ràng:
- Nói chung thì cũng khoẻ, tương đối ổn định. Chỉ có một điều đi đứng hơi khó khăn.
Bác sĩ Bùi Đắc Lộc, trước đây là Nội trú của Thầy ở Bệnh viện Bình Dân, hiện nay đang theo dõi sức khoẻ cho Thầy rất kỹ càng. Thêm vào đó, chị Kim Anh, ở bên cạnh Thầy chăm sóc cho Thầy rất chu đáo, tận tình. Mỗi tuần, hai ba lần dịch vụ săn sóc tại gia (Home care) cũng có tới để phụ giúp Thầy. Thầy nói chỉ có một lần vì đi đứng đau khớp xương, Thầy đã uống chỉ có một viên Ibuprofen mà Thầy bị chảy máu tiêu hoá (G.I. bleeding), Thầy phải vào bệnh viện được truyền 7 bịch máu và khoẻ trở lại.
Đại dịch Covid đã ảnh hưởng tới gia đình Thầy, rất tiếc thương, cô Ninh, người bạn đời thắm thiết, yêu thương của Thầy đã ra đi, Thầy cũng bị lây nhiễm Covid, nhưng nhờ sức lực mạnh mẽ mà Thầy đã thoát khỏi được đợt lây nhiễm này.
Làm sao Thầy có được, trí óc minh mẫn, sáng suốt?
Điểm đặc biệt nhất: Bao nhiêu lần đến kính thăm Thầy, tới nay, 100 tuổi, tôi thấy Thầy vẫn minh mẫn, trí óc sáng suốt, trí nhớ thì thật siêu đẳng, lần lượt chúng ta sẽ nghe Thầy kể chuyện dưới đây!
Tôi hỏi:
- Thưa Thầy, làm sao Thầy vẫn giữ được trí óc minh mẫn và sáng suốt.
Thầy nói như đang giảng cho sinh viên tại phòng 10 Bệnh viện Bình Dân ngày nào:
- Ân biết là bộ óc rất cần oxygen, nên tôi tập thở là chính, một vài
động tác, 5, 7 lần mỗi ngày, khi nằm cũng tập như khi ngồi. Giơ hai tay lên đầu, giơ hai tay ngang, giơ hai tay xuống chân thì cũng như phổi có 3 thùy, thùy trên, thùy trung, thùy dưới. Thầy làm cử chỉ động tác ngay lúc đó cho chúng tôi xem, tôi có quay video giữ lại.
Tôi hỏi tiếp:
- Thưa Thầy, mỗi động tác như vậy 2 lần?
Thầy sửa lưng tôi ngay:
- 20 lần mỗi động tác, cũng như trong Kung Fu, khí công tập thở là chính.
 
Việc tìm Thầy học đạo về chuyên môn y khoa của Thầy:
Thầy kể: Khi tôi xin Giáo sư Huard đi học giải phẫu tiểu nhi, ông Huard nói với tôi: “Giải phẫu tiểu nhi có gì đâu mà phải học!
Sau đó, Giáo sư Huard đã gửi giấy giới thiệu tôi cho Giáo sư Robert Merle d’Aubigné. Thầy nhấn mạnh: Thật ra giải phẫu tiểu nhi có cái đặc thù của nó, từ gây mê, hồi sức, tới kỹ thuật giải phẫu các bộ phận trẻ con phải nắm vững từ bào thai học (Embryologie). Giáo sư Merle d’Aub- ingé nổi tiếng tại Pháp và trên trường quốc tế (Chủ tịch Hội Phẫu Khoa Trực Nhi Pháp, và Chủ Tịch Hội Phẫu Khoa Trực Nhi Quốc Tế S.I.C.O.T).
Những tháng đầu, tôi vẫn còn lang thang ở hành lang bệnh viện Cochin, sau đó, vì chịu khó tìm tòi, học hỏi. Giáo sư D’Aubingé đã cảm nhận được công sức học hỏi, làm việc của tôi, ông đã gọi tôi đi mổ với ông tại nhà thương tư (vì ở bệnh viện Cochin phải dành cho Nội trú chính thức của ông), Giáo sư D’Aubingé còn cho tôi tham dự vào việc giảng dậy tại đại Giảng đường trường Đại học Y khoa, và đặc biệt, bài viết của tôi, ông đã đem giới thiệu trên Journal of Bone and Joint” của Anh quốc, và trên Tập san “Revue de chirugie Orthopédique et de traumatologie”. Tên tôi đứng sau tên ông Thầy Merle D’aubingé. Đó là vinh dự nhất đời đầu tiên của tôi.
Sau thời gian học Orthopédie với Giáo sư Merle D’Aubigné ở Pháp, Giáo sư D’Aubigné không ngần ngại gửi giấy giới thiệu tôi cho Giáo sư Pierre Petit ở Bệnh viện Enfants Assistés, để học tiếp giải phẫu Trực nhi và Phẫu nhi (Hôpital orthopédique et chirurgie infantile Saint Vin- cent de Paul), Giáo sư Petit nổi tiếng trên thế giới về việc giải phẫu các dị tật bệnh bẩm sinh ở trẻ con (nhất là ở miệng, tật xẻ môi) và trẻ con thiếu tháng.
Tiếp tục học giải phẫu tại Anh quốc:
Cũng năm 1954. Tôi đã qua Anh với giấy giới thiệu của Giáo sư Merle gửi cho Giáo sư J. Trueta ở Oxford và Giáo sư Herbert Sad- don ở London nổi tiếng của nước Anh về giải phẫu Trực nhi và Phẫu nhi.
- Ngoài ra, Thầy còn đề cập tới các vấn đề đặc biệt về y khoa như: - Paraplegie pottique, Mal de Pott, Tuberculose osteo- articulaire. - Luxation congénitale de la hanche (trật khớp hông bẩm sinh),
Pseudarthrose congénitale.
- Asepsie dans la chirurgie
- Invagination intestinale aigue ...
Thầy cũng nhắc tới Bác sĩ Norman Hoover, người đã đậu chuyên
môn Trực nhi Phẫu khoa ở Mayo Clinic, đã cộng tác với khu Trực nhi người lớn ở Bệnh viện Bình Dân và đã được Hội Đồng Khoa chấp thuận cho làm Giáo Sư Phụ Giảng (Assisstant Professor), và là Cố vấn Viện trợ Y khoa Hoa Kỳ tại Viêt Nam.
Thầy nhấn mạnh đến tình trạng lao xương khớp và bệnh lao xương sống. Một tình trạng bệnh lý khá thông thường ở Việt Nam cũng như bên Niệu khoa vấn đề lao thận và lao toàn hệ thống niệu sinh dục (Tu- berculose rénale, Tuberculose uro-génitale), Nhưng với thời hiện đại, bệnh lý về lao không còn xuất hiện nữa.
Vì lý do hạn hẹp của khuôn khổ tờ báo, chúng tôi không thể viết kỹ hơn để đi sâu chi tiết các tiết mục này.
Như vậy Thầy Ninh trong thời trẻ đã lặn lội qua nhiều khó khăn trong giai đoạn cam go của đất nước: một bên gia đình và đất nước, một bên phải tìm cách xuất dương du học, cố gắng theo đuổi những ông Thầy nổi tiếng tại Pháp và Anh về hai chuyên khoa Trực nhi và Tiểu nhi (Chirugie Orthopédique et Chirugie Infantile).
 
Thời kỳ sau ngày mất nước 30-4-1975 tại Bệnh viện Bình Dân:
- Sau ngày 30-4-1975, Giáo sư Tôn Thất Tùng của Y khoa miền Bắc vào thăm bệnh viện Bình Dân.
Thầy nói: Như anh Ân đã biết, Giáo sư Tôn Thất Tùng đã vào thăm bệnh viện Bình Dân chúng ta sau ngày mất nước, trước đây, tôi chỉ là Externe (Ngoại trú) của anh Tùng tại bệnh viện Phủ Doãn, ngày đó, chỉ có anh Phạm Biểu Tâm mới là Nội trú chính thức (Interne titulaire) của anh Tùng.
Anh Tùng rất quý và thân mật với chúng tôi. Trên hành lang bệnh viện Bình Dân, anh Tùng đi giữa, anh Phạm Biểu Tâm và tôi đi hai bên, anh Tùng nói với tôi: “Mi mà dám mổ trẻ con à?”.
- “Thưa anh Tùng, muốn mổ trẻ con, phải học lại từ đầu, từ bào thai học” (Embryologie) (Thầy Ninh nhấn mạnh vì anh Tùng quen gọi tôi bằng “Mi” và anh Tùng mổ cas trẻ em nào dưới 12 tuổi là chết!) Nhưng anh Tùng đã giỏi từ thời Giáo sư Huard, không phải xã hội chủ nghĩa đã tạo nên anh!
- Trường hợp mổ song sinh dính liền tại bệnh viện Nhi Đồng:
Thầy Ninh nói: “Như Ân biết, hồi đó năm 1977, chính tôi đã mổ thành công một trường hợp hai bé dính liền tại bệnh viện Nhi Đồng, Sai- gon, cas này đã được anh Tôn Thất Tùng giới thiệu với y khoa Liên Xô (Moscou) và Moscou rất kinh ngạc và khâm phục nền Y khoa đại học của miền Nam sau ngày mất nước! Từ đó uy tín của bệnh viện Nhi Đồng và Khoa Phẫu thuật Nhi được phe cộng sản chào thua.
Ảnh hưởng tốt này vẫn tiếp tục khi tôi đã bỏ nước ra đi và anh Võ Thành Phụng ở lại, vẫn được họ kính mến nhờ uy tín của tôi.
 
Quan điểm về công tác viết văn của Thầy:
- Ông Thầy quan niệm: Nghề thầy thuốc vẫn là nghề chính của Thầy, cho nên khi Cali đề cử Thầy làm Chủ tịch Văn Bút, Thầy đã từ chối, Thầy nói: “Đối với những văn-thi sĩ, nghề chính là nghề cầm bút, nghề của tôi là nghề thầy thuốc có bổn phận đối với bệnh nhân là cái chính. Tôi viết văn, viết sách chỉ để đóng góp chút ít vào nền văn học, văn hoá Việt Nam và cũng là một cái thú vị và tiêu khiển cho đời sống, chứ không phải sống chết với nghề cầm bút này”. Thầy chỉ nhận chức Viện Trưởng Viện Việt Học mà thôi.
 
Cuộc hành trình vượt biển tìm tự do .
Thầy tiếp tục tâm sự: Tôi rời Việt Nam vào ngày thứ Hai mùng 6 tháng 6 năm 1977, đúng vào ngày thứ hai đó, trên trường Đại Học Y Khoa Saigon, người ta làm lễ vinh danh 2 vị trong Ban Giảng Huấn của chế độ cũ, được Hội đồng Chính phủ giữ lại ở chức vụ Giáo sư thực thụ. Sau khi xứng danh Giáo sư Phạm Biểu Tâm thì đến tên tôi Giáo sư Trần Ngọc Ninh: Vắng mặt!!.
Sau khi lênh đênh trên biển cả gần một tuần lễ, thuyền vượt biên chở gia đình Thầy và một số gia đình khác, đã tạt vào Pulau Besar ở Mã Lai. Tôi đã biên thư trực tiếp cho ông Ngoại trưởng Hoa Kỳ, chính ông Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi được tin Thầy đã tới được đảo của Mã Lai, ông đã can thiệp với chính phủ để gia đình Thầy được định cư tại Hoa Kỳ: Một dịp may hiếm có, đồng thời có một vị Giáo sư Hoa Kỳ tại Đại học Denver-Colorado cũng đã xác nhận với ông Ngoại trưởng Hoa Kỳ: “Ông ta – Giáo sư Trần Ngọc Ninh đã cùng thời làm Giáo sư Đại Học Y Khoa Saigon với tôi và xin Ngoại trưởng can thiệp để gia đình Giáo sư Ninh được định cư tại Denver-Colorado”.
Trong khi đó, ở Pháp Giáo sư Huard được tin và cũng đặc biệt muốn bảo lãnh gia đình Thầy qua Pháp. Nhưng sau cùng Thầy đã quyết định chọn Hoa Kỳ là nơi quê hương thứ hai.
Tháng 9 năm 1977 (tức 3 tháng sau), chính phủ Hoa Kỳ cử 2 người tới đón gia đình chúng tôi định cư tại Denver-Colorado.
 
- Tình nghĩa với người bạn đồng môn khắng khít: Giáo sư Đào Đức Hoành
Nhắc lại Bệnh viện Bình Dân trước đây: Ba Thầy: Thầy Trần Ngọc Ninh, Thầy Đào Đức Hoành, Thầy Ngô Gia Hy cũng rất hay gặp nhau, vì là những đồng môn từ thời bệnh viện Phủ Doãn, Hà Nội.
Văn phòng của Thầy Ngô Gia Hy thì ở ngay khúc quẹo từ khu Chỉnh trực để đi tới khu Ung thư. Nên đôi khi, tôi thấy trong văn phòng Thầy Hy có hội tụ cả ba Thầy, Thầy Ninh, Thầy Hy và Thầy Hoành. Ba Thầy thường họp hành và tâm sự với nhau.
Khi biết tin Thầy Đào Đức Hoành (ở Montreal, Canada) bị lâm trọng bệnh, Thầy Ninh đã bay từ Hoa Kỳ qua để thăm hỏi và nhất là lúc Thầy Hoành hôn mê, Thầy Ninh đã có mặt và đứng ngay bên cạnh giường bệnh của Thầy Hoành (au chevet) tại Jewish General Hospital. Ngày
đó, bản thân tôi, học trò của hai Thầy cũng được chứng kiến tình nghĩa bạn bè khắng khít, rất cảm động của hai Thầy lúc đó.
 
- Đề cập tới biên khảo mới nhất của Thầy: “Phật Bà Quan Âm - Nguyễn Du và Đoạn Trường Tân Thanh”.
Có thể nói, Thầy Trần Ngọc Ninh rất tâm đắc với biên khảo Phật Bà Quan Âm - Nguyễn Du và Đoạn Trường Tân Thanh” mà Tập San Y Sĩ Canada vừa phát hành và phổ biến trên Tập San Y Sĩ số 225 (5-2022).
Hy vọng, đây không phải là biên khảo cuối cùng của Thầy. Thầy nói: “Trước đây các học giả như ông Đào Duy Anh (tác giả của nhiều bộ tự điển) và Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã có những nghiên cứu “Nguyễn Du và Đoạn Trường Tân Thanh” (tức truyện Kiều), nhưng tôi không đồng ý lắm. Như việc, ông Đào Duy Anh nói là Nguyễn Du đã viết Đoạn Trường Tân Thanh từ năm 18 tuổi, điều này tôi không đồng ý với ông, vì 18 tuổi làm gì viết được áng thư tuyệt tác Đoạn Trường Tân Thanh như vậy, Thầy Ninh nhấn mạnh, Thầy đã bỏ công sưu tầm và nghiên cứu kỹ nguồn gốc và nội dung về tâm trạng của một Nguyễn Du (bút hiệu Tố Như) và Đoạn Trường Tân Thanh: Tố Như đã dùng một người con gái tài sắc bị đầy đọa bởi xã hội, theo một cái “nghiệp” và vì Tố Như đã theo đạo Phật nên đã có những tâm ý “giải nghiệp” cho sự sống của con người.
Nói đến Đoạn Trường Tân Thanh và Tố Như, đạo Phật, cơ cấu Việt ngữ...Thầy Ninh rất thích bàn luận, nhưng vì thời giờ được ngồi nghe Thầy nói chuyện cũng đã lâu, phải để Thầy nghỉ ngơi, và hơn nữa, chúng tôi cũng phải xin cáo lui vì phải trở lại phi trường Los Angeles để kịp thời gian “check-in” và lên chuyến bay chiều về lại Montréal.
Trước khi chia tay ra về, trong sự lưu luyến, Thầy đã không quên nhờ tôi gửi lời thăm hỏi tất cả các học trò, đồng nghiệp và bạn hữu tại Canada, đặc biệt Thầy gửi lời thăm tới anh Thân Trọng An và các anh em của Tập San Y Sĩ Canada.
Trong nháy mắt, taxi Uber vừa text để gọi đã tới trước cửa và chúng tôi đã nắm chặt tay Thầy để kính chào tạm biệt và kính chúc Thầy luôn được Thân Tâm An Lạc, trường thọ ở mãi với chúng ta.
Chị Kim Anh đã mau mắn đưa chúng tôi xuống cầu thang, để tiễn ra tời tận xe Taxi Uber đã đậu ngay trước cửa nhà.
 
 
THAY LỜI KẾT:
- Trong tâm tưởng: Kính nhớ một người Thầy.
Trên chuyến bay Air Transat Los Angeles-Montreal, 6 giờbay trong
đêm, về tới Montreal, bình minh cũng vừa ló dạng, tôi đã không ngủ được và nghĩ miên man: Sau những giây phút vừa được kính thăm Thầy, tình cảm thật hỗn độn: có VUI vì đã sắp xếp được thời giờ kính thăm Thầy trong khoảnh khắc (phải xin cám ơn một lần nữa chị Kim Anh, ái nữ của Thầy đã tạo cơ hội cho được gặp Thầy, vui hơn nữa là đã đón nhận được những sự dậy dỗ, chỉ bảo quý báu của Thầy (11 năm tôi làm việc ở bệnh viện Bình Dân, Thầy rất bận rộn và ít khi được ngồi nghe tâm sự của Thầy), Thầy đã vận dụng trí nhớ để kể lại cho học trò nghe những giai đoạn với những ưu tư, những cố gắng, những kinh nghiệm cũng như những thành công Thầy đã đạt được trong cuộc sống trên đường đời, nhân 100 năm tuổi đời của Thầy. 
Có BUỒN, có NHỚ THƯƠNG vì không biết có lần nào khác được diện kiến với Thầy nữa không? phần vì tuổi Thầy đã rất thượng thọ, phần vì tình hình dịch bệnh, đường xá xa xôi, đi lại khó khăn, chính sách y tế thay đổi mỗi lúc và từng địa phương.
Tuy có một điều mà không những chúng tôi và chắc chắn của nhiều vị niên trưởng, học trò khác trong y giới phải công nhận là Thầy Trần Ngọc Ninh ở tuổi cao niên nhất. Với tuổi đời chồng chất Thầy đã liên tục cố gắng rèn luyện, học tập từ khi còn trẻ, mang hết lương tâm khi hành nghề phục vụ cho bệnh nhân (người lớn, trẻ con), chu toàn nhiệm vụ giảng dậy, giáo dục, Thầy còn phải phấn đấu với thời cuộc, với hoàn cảnh đất nước, với sức khoẻ con người, tới nay Thầy đã 100 tuổi rồi mà bộ óc của Thầy vẫn còn sáng suốt, minh mẫn với một trí nhớ tuyệt vời. Thầy đã không quên một chi tiết nhỏ nào..tạo nên một khúc phim sống thật sôi nổi, một tấm gương sáng cho toàn thể học trò rải rác khắp năm châu.
Tất cả y giới Việt Nam trong và ngoài nước luôn luôn tâm niệm và cầu mong Thầy TRẦN NGỌC NINH kéo dài được tuổi THỌ, trong một cuộc sống đầy THÂN TÂM AN LẠC.
 
Montreal, mùa Hạ 2022 Môn sinh Đặng Phú Ân
--