Hầu Mạc Hưng
Các Bạn thân mến,
Thời gian trôi nhanh quá! Mới đó mà tháng tư đã đi qua nhường chỗ cho tháng năm vụt tới, và nhỏ tôi lại ôm thêm một tuổi già.
Nói chuyện già thì các Bạn quá rành rồi: lẫn thẩn, quên trước quên sau, đi đâu xa, phải bó rọ trên máy bay hơn chục tiếng đồng hồ thì rêm mình rêm mẩy, ngoài ra lại thêm chuyện khó ngủ nữa. Biết vậy nhưng thiển nghĩ còn nhúc nhích cục cựa được, thì cũng ráng đi đó đi đây cho trí não, chân cẳng khỏi tê cứng, cho biết đó biết đây chứ cứ ở nhà với mẹ thì biết ngày nào nên (Không những không nên mà còn xuống nữa!)
Bởi dzậy sau mấy tháng nghỉ đông, nhỏ tôi lại ba lô lên vai, cùng vợ con lên đường đi London. Cũng như mọi chuyến đi trước, mọi việc, kế hoạch, lộ trình đều nhờ Bà nghiên cứu, sắp đặt, lo liệu hết. Đúng y bon như tử vi của nhỏ đã phán: thân cư thê, cứ đeo theo vợ là thượng sách.
Khởi hành từ phi trường Greenville, bay xuống Atlanta, chờ 3 tiếng đến 9:50PM mới lên máy bay, bay tiếp qua London, tới phi trường Heathrow lúc 11AM sáng hôm sau. Tụi nhỏ đi theo dịch vụ của Costco Travel nên có người đến đón, đưa về khách sạn. Nếu không, đi taxi mất 1 tiếng, trả £120 (khoảng $160 dollars).
London là thủ đô của England và UK (United Kingdom bao gồm England, Wales, Scotland, Northern Ireland), dân số khoảng 9 triệu. Nơi đây từ xa xưa đã được gán cho cái tên “thành phố sương mù”.
Biệt danh sương mù này không chỉ nói về hiện tượng thời tiết phổ biến gặp ở nhiều nơi khác trên thế giới mà còn muốn ám chỉ tình trạng ô nhiễm không khí ở London vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Kỷ nghệ phát triển nhanh, nhà máy mọc lên như nấm. Khói bụi than từ ống khói nhà máy lan toả khắp thành phố. Thời đó dân chúng còn dùng than, đốt sưởi ấm vào mùa đông nên tình trạng ô nhiễm môi trường càng nặng thêm, sương mù càng dày đặc, tác hại đến sinh hoạt, giao thông và cả sức khỏe nữa.
Đó là chuyện ngày xưa.
Còn ngày nay, sau Clean Air Act 1956 và hàng loạt đạo luật, biện pháp làm sạch không khí, môi trường, London đã hoàn toàn đổi khác, tốt đẹp hơn nhiều.
Chỉ số Green Index, EPI (Environment Performance Index) khá tốt, xếp vào 10 hạng đầu. Năm 2023 UK là quốc gia được xếp thứ nhì toàn thế giới về môi trường sạch.
Nhắc chuyện sương mù ở London là để hiểu tại sao người ta đặt tên cho một thức uống là London Fog, chắc vì nó có màu trắng-vàng đục trông giống sương mù lẩn bụi than, lưu huỳnh ở London ngày xưa.
London Fog là thức uống xuất phát từ Vancouver, Canada. Đó là trà Earl Grey pha với sữa chưng nóng và Vanilla. Trà Earl Grey là trà đen có bỏ hương vị Bergamot (một loại cam ở Địa Trung Hải).
x x x
Sau hơn 8 tiếng dật dờ, vì nhỏ ít khi ngủ được trên máy bay, chiếc Boeing 767 đã đưa tụi nhỏ đến phi trường Heathrow lúc 11 giờ sáng.
Phi trường khá rộng, thủ tục nhập cảnh, qua máy, rất đơn giản: scan passport, cùng lúc đưa mặt tới trước ống kính để nó nhận dạng. Sau tiếng bíp, thanh chắn mở ra để mình bước qua, thế là xong.
Thời gian một tuần tuy chẳng dài song cũng đủ để đi một vòng thăm London.
Ngày đầu tiên ở London: Gặp tai nạn - viếng phòng cấp cứu bệnh viện.
NGÀY ĐẦU TIÊN Ở LONDON
Sau mấy tiếng nghỉ ngơi ở Hotel, tụi nhỏ đã sẵn sàng để bắt đầu đi thám hiểm thành phố. Địa điểm đầu tiên là Queen Mary’s rose garden ở gần hotel, đi bộ đến được. Vườn bông này nằm giữa Regent’s Park . Regent’s Park thì quá rộng (400 acres) có cả sở thú trong đó, đi cả ngày cũng không thể xem hết.
Theo dự tính, sau Queen Mary’s rose garden tụi nhỏ đi bộ tiếp đến Marylebone High St (vùng này ở gần hotel) vào xem tiệm sách Daunt Books và ghé ăn chiều ở tiệm Ý La Brasseria Milanese vì tiệm ăn Pháp ở gần đó đắt quá( £100 /người).
Đi bộ được nửa đường thì bất ngờ tai nạn xảy đến, bà xã vấp vào phiến đá (vĩa hè lót bằng đá ,mấp mô chứ không bằng phẳng) té sấp xuống. Tay, hai đầu gối bị trầy, gò má trái bị bầm, trầy, tét da 1/2cm và chảy máu.
Thế là tụi nhỏ phải quay về khách sạn để rửa sạch và sát trùng các vết thương. (tụi nhỏ có đem theo đồ First Aid). Sau khi té, bà xã chỉ đau ở má chứ không có dấu hiệu gì bất thường. Tuy nhiên 1 giờ sau thì mí mắt trái sưng vù và có vài vết bầm nên nhỏ quyết định đưa bà xã đi Urgent Care cho chắc ăn. Hỏi văn phòng hotel thì họ cho địa chỉ của một phòng cấp cứu của UCL (University College London) ở gần hotel. Nhỏ và con trai liền kêu Uber để đưa đến đó.
Đến nơi thì hơi bất ngờ khi thấy phòng chờ chật ních người, khoảng 40 bệnh nhân và người nhà đã ngồi sẵn, sau đó còn nhiều người tiếp tục đến thêm nữa.
Sau khi ghi tên ở quầy nhận bệnh, ngồi chờ để được kêu tên vào gặp y tá, khai bệnh và lập hồ sơ bệnh lý, rồi ra ngồi chờ tiếp. Nhìn lên bảng điện thấy thông báo số bệnh nhân là 72 và ước tính thời gian chờ khoảng 230 phút!! Tụi nhỏ hơi thất vọng.
Nhìn chung quanh thấy đủ loại bệnh nhân, người ho hen, người ói mửa, người thì băng quấn quanh đầu, máu chảy xuống mặt đã khô. Tất cả đều ngồi chờ. Mười, mười lăm phút mới có một người được gọi vào.
Ngồi chờ gần 3 tiếng chưa thấy kêu tên. Bà xã nản lòng, muốn về. Nhỏ nghĩ đã chờ 3 tiếng rồi thì ráng chờ thêm nên nói bà xã đừng về. Thiệt là ông Trời ngó lại,vừa nói xong là có người ra gọi tên. Nhỏ đi theo vào, hóa ra gọi vào để chụp CT Scan cái đầu. Chụp xong, lại được mời ra ngoài ngồi chờ tiếp.
Đến 11 giờ mới có người ra gọi bà xã vào, lần này chỉ bệnh nhân vào thôi, người nhà không được theo.
Đến 12 giờ khuya thì bà xã chạy ra thông báo tin tức để hai cha con biết: họ làm thêm EKG vì thấy huyết áp lên cao, xong bả lại trở vào để chờ Bác Sĩ đến khám.
Gần 1 giờ sáng thì bà xã mới ra khỏi phòng cấp cứu và về lại hotel. Mọi việc đều ổn thỏa. Kết quả bình thường.
Mới ngày đầu tiên đến London mà đã gặp tai nạn phải viếng phòng cấp cứu thì quả là chuyện không may. Nhưng trong cái không may tụi nhỏ lại thấy có nhiều điều may mắn:
- vào BV ở Anh nên không trở ngại về ngôn ngữ khi giao tiếp, khai bệnh v.v..
- không gãy, bể xương,
- không chấn thương não,
- không phải trả y phí.
Hơn 7 tiếng ngồi chờ (Nhỏ và thằng con phái đứng vì hết ghế trống) ở phòng cấp cứu (từ 5:30 chiều đến 1 giờ khuya) quả là mệt, lo, và phiền nhưng cũng chính trong thời gian đó, có những hình ảnh, việc làm rất có tình người làm mình cảm động, quên đi mọi mệt mỏi, buồn phiền:
- Ở phòng chờ bên ngoài, một cô bệnh nhân, da ngăm đen, đầu cổ trùm khăn, có lẽ là dân Hồi Giáo, thấy bênh nhân ngồi trước mình ói, liền chạy vào phòng y tá xin ly, hộp để bệnh nhân ói, rồi đi lấy nước, giấy để bệnh nhân lau chùi, súc miệng, xong giúp dọn dẹp đồ dơ đem bỏ rác.
- Ở phòng chờ bên trong, cô bệnh nhân người Anh, hỏi chuyện biết bà xã là dân du lịch đến London ngày đầu bị tai nạn, có ý muốn giúp nói với y tá cho bà xã được khám trước. Bà xã tỏ ý ngại vì mọi người, kể cả cô đều ngồi chờ lâu hơn mình, nhưng cô ta bảo không sao, tùy tình trạng bệnh chứ không phải ai đến trước được khám trước và cô liền đến nói chuyện với y tá. Không rõ cô nói gì với y tá, chỉ biết một lát sau bà xã được gọi vào và được một bác sĩ trẻ khám rất cần thận, cho biết kết quả CT Scan, EKG bình thường, và cho về sau khi dặn dò về những dấu hiệu bất thường có thể xảy ra, nếu có thì trở lại phòng cấp cứu ngay.
Trước khi ra về, bà xã hỏi cô y tá bệnh viện có cấp giấy tờ hoặc gởi bill để mình báo cho bảo hiểm. Cô y tá trả lời: “Tất cả đều miễn phí”.
Bà xã cũng không quên cảm ơn cô bệnh nhân tốt bụng vẫn còn ngồi đó chờ BS khám.
Ngày đầu tiên ở London sẽ là một kỷ niệm khó quên.
Tụi nhỏ rất cảm ơn phòng cấp cứu của UCH (University College Hospital). Bác Sĩ, Y Tá tận tâm, hòa nhã, cơ sở phòng ốc rất sạch đẹp và last but not least: hoàn toàn miễn phí.
Tụi nhỏ cũng xin cảm ơn Bác Đồ Thiệt đã gởi Mail thăm và chúc lành cho bà xã:
"Hi bác HNt,
. . . Sorry khi được tin chị bị té phải vào A&E (Accident & Emergency, tên gọi bên này). Chắc hai bác phải chờ rất lâu vì tình trạng quá tải hiện nay để bác thấy được bộ mặt của chính sách y tế miễn phí từ lúc chào đời cho đến chuyến tàu cuối.
. . . Bộ mặt của nền y tế ở đây giờ khác hẳn với lúc tôi về hưu cách đây 15 năm. Mừng cho chị bị té nặng nhưng được chư thiên che chở và mong chị vẫn tiếp tục vui vẻ dạo London trong ngày cuối.
. . .DT"
Bác Đồ Thiệt, ở Manchester, bận việc nên không xuống gặp tụi nhỏ được. Bác Thiêt ơi, có duyên, tụi mình sẽ gặp nhau. Còn sống, mình cứ hy vọng nhe.
HNt
Khuya hôm qua ra khỏi bệnh viện về lại hotel, đồng hồ đã chỉ 1:30 nên sáng nay, tụi nhỏ ngủ dậy trễ. Lẽ dĩ nhiên chương trình du hành hôm nay phải điều chỉnh lại cho phù hợp với sức khoẻ của bà xã. Thay vì đi xe điện ngầm (tube/underground) đến Westminster station, từ đó đi bộ qua Big Ben rồi đi bộ tiếp đến Westminster Abbey, tụi nhỏ đi Uber đến thẳng Westminster Abbey.
Về phương tiện đi lại ở London, Uber rẻ hơn Taxi. Từ phi trường đến hotel, taxi tính £120, còn đi Uber tốn £70 kể cả tip. Phương tiện phổ biến nhất vẫn là tube và bus, vừa rẻ vừa tiện lợi (Dùng credit card tap vào máy trả tiền trên bus hoặc cửa vào, ra ở underground station). Tuy nhiên phải cần thận “ coi chừng móc túi” như Bác Đồ Thiệt cảnh giác:
“ . . . các bác nên cẩn thận phone và túi xách. Hiện có nhóm chuyên móc bóp, ăn cắp phone ngay trong shop hoặc khi chen chúc lúc lên xuống tàu metro. Đa số là dân chuyên nghiệp từ Đông Âu và họ nhắm vào người Á Đông vì hay dùng tiền mặt... Lời cảnh giác này tuy trễ nhưng hy vọng bác hiểu thêm về tệ nạn ở xứ người...”
Vào Westminster Abbey phải mua vé £30/ người.
Đây là tu viện thuộc giáo hội Anh, được xây dựng từ năm 960. Trong thế chiến thứ 2 bị hư hại nặng, sau đó được sửa chữa, tu bổ lại.
Có thể nói tu viện này tượng trưng cho vẻ đẹp văn hóa nước Anh và gắn liền với lịch sử hoàng gia.
Kiểu kiến trúc Gothic làm tăng vẻ trang nghiêm.
Các hòm đá được đặt trong các phòng, chôn quanh các tường hoặc dưới sàn nhà. Đặc biệt nhà thơ, viết kịch Ben Jonson là người duy nhất được chôn đứng. Trên bia khắc O Rare Ben Jonson.
Tụi nhỏ tắp vào một tiệm Ý để ăn pizza và ngồi nghỉ, chuẩn bị đến thăm Buckingham Palace ở gần đó.
Nghi thức diễn hành và thay lính gác vẫn còn thực hiện 3 lần mỗi tuần vào buổi sáng. Đây có lẽ là sự kiện còn lại hấp dẫn du khách đến thăm điện Buckingham.
Phía trước điện, có công viên và tượng đài vinh danh Nữ Hoàng Victoria
Sáng nay phải thức dậy sớm, chuẩn bị xong xuôi để đi đến điểm hẹn cho kịp giờ đi tour (7:30 AM). Đám khách nói tiếng Anh được tập hợp để lên xe coach (Bên Anh gọi coach là xe lớn, tiện nghi hơn bus, chở khách đi đường xa). Một đám khác nói tiếng Tàu lên một xe coach khác có tour guide hướng dẫn bằng tiếng Tàu. Dân Tàu đông thiệt! Đi đâu cũng đụng hết.
Xe khởi hành chạy về hướng Tây để đến Windsor, thị trấn cách London 25 miles. Đường xá rất tốt, tuy nhiên trong London có nhiều đường hẹp quá, chạy hai chiều nhiều khi xe bên kia phải leo lên lề để khỏi đụng nhau. Thế mới thấy phục tài lái xe của tài xế, lái xe coach cồng kềnh mà vẫn chạy phom phom, nhất là mấy khi quẹo cua ở ngã tư.
Trên xe, suốt đường đi, anh chàng tour guide nói liên tục, đủ thứ chuyện: địa dư, lịch sử, văn hóa , và cả chuyện hài nữa. Giọng Ăng Lê nhừa nhựa nên thú thật nhiều chỗ tụi nhỏ không nghe ra. Khi nói về chữ dùng khác nhau giữa Anh và Mỹ: lift thay cho elevator, petrol cho gasoline, jumper/sweater, lorry/ truck, toilet, loo cho restroom v.v.. thì bà xã mới nhớ ngày hôm kia khi khai mình bị té lúc đi trên sidewalk thì thấy cô y tá hơi ngẫn người. Bây giờ mới hiểu phải nói là pavement.
Windsor thu hút khách du lịch vì có lâu dài Windsor tọa lạc ở đó. Đây là lâu đài có người ở lớn nhất trên thế giới. Được xây dựng khoảng một ngàn năm trước bởi vua William The Conqueror, dùng làm pháo đài để bảo vệ phía tây London. Qua mấy chục triều vua Anh, lâu đài được liên tục tu bổ, xây cất thêm nhất là sau trận hỏa hoạn lớn năm 1992 thiêu rụi 160 phòng.
Lịch sử của lâu đài gắn chặt với lịch sử nước Anh .
Với cả ngàn phòng, Windsor Castle, ngoài Điện Buckingham, là nơi cư ngụ của hoàng gia. Nữ Hoàng Elizabeth, từ năm 2020 cũng về ở đây. Bà và Hoàng Tế Philip được an táng ở St George’s Chapel nằm trong khuôn viên của lâu đài.
Vì không được phép chụp hình các phòng trong lâu đài nên chỉ có các hình ở bên ngoài thôi.
Gặp đúng thời điểm, các du khách đã có dịp mục kích các lính gác diễn hành từ trại, qua đường phố vào lâu đài. Lính canh ở đây bận quân phục màu sẩm đen, trông không đẹp và oai vệ như lính canh ở Buckingham Palace.
THĂM BATH
Bath là thành phố của vùng Somerset cách London 97 miles về phía tây. Đây là một trong những thành phố đẹp của nước Anh với kiến trúc cổ La Mã, đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1987.
Tên Bath của thành phố xuất phát từ việc người La Mã đến vào năm 60 AD chọn nơi đây để xây dựng doanh trại và NHÀ TẮM vì nơi đây có sẵn nguồn suối nước nóng thiên nhiên hiếm có.
Sau khi quân La Mã rút về nước, thành phố Bath bị bỏ hoang. Đến thế kỷ 12 mới được khôi phục, tái tạo và trùng tu.
Vào hệ thống nhà tắm (Roman Baths), ngay ở sân thượng trên hồ tắm nước nóng, có thể thấy tượng của 9 vị hoàng đế và tướng lãnh cai trị Bath, nổi tiếng nhất là Julius Cesar.
THĂM STONEHENGE
Stonehenge là một công trình tượng đài Megalith (cự thạch) thuộc thời kỳ đồ đá mới. Quần thể gồm các tảng sa thạch được dựng theo hình vòng tròn trên nền cỏ đồng bằng Salisbury, vùng Wiltshire miền nam nước Anh, cách London khoảng 98 miles
Các phiến đá nặng 20-30 tấn, cao khoảng 4m, được dựng trên hai vòng tròn đồng tâm. Vòng trong có 5 cấu trúc Trilithon (2 tảng đá dựng đứng đỡ một tảng nằm ngang). 3 cấu trúc còn nguyên vẹn, 2 đã bị đổ vỡ.
Các tảng đá còn lại ở vòng ngoài có cấu trúc Trilithon hoặc đứng riêng.
Hiện nay Stonehenge vẫn là một đề tài để các sử gia và các nhà khảo cổ nghiên cứu và thảo luận vì khá nhiều câu hỏi đã được đặt ra mà chưa có lời giải đáp:
- ai đã đặt những tảng đá ở đây và bằng cách nào?
- sắp đặt các tảng đá với mục đích gì?nghi lễ tôn giáo , nơi an táng người chết hay làm lịch biểu vũ trụ? .
Chỉ biết điều đặc biệt mà người ta phát hiện là:
Từ tâm điểm của vòng tròn đá kẻ thẳng đường tới Heelstone sẽ đánh dấu vị trí mặt trời mọc vào ngày hạ chí (summer solstice) và mặt trời lặn vào ngày đông chí (winter solstice) .
Qua khoảng hở của trílithon, thấy Heelstone ở xa, kéo thẳng đường đụng chân trời, sẽ thấy mặt trời mọc ngày hạ chí.
Ảnh trích từ mạng
Dù sao thì Stonehenge cũng là một điểm thu hút khách du lịch đến thăm , hơn một triệu người mỗi năm.
Rời Stonehenge, kết thúc chuyến du ngoạn kéo dài 12 tiếng, tụi nhỏ lên xe để trở về London. Đúng lúc, người Bạn gọi báo cho biết đã đến London sáng nay, hẹn gặp nhau ngày mai.
Ở nơi xa xôi này mà gặp Bạn thì quá vui!
Bạn nào vậy?