Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024

NGÀY XƯA ẤY, BS. Phạm Hữu Phước.

 

Tháng 12 / 73 tôi rời trường Y Khoa Sài Gòn sau 7 năm vui buồn đời sinh viên với bạn bè ở ngôi trường này.

Tôi bước xuống cuộc đời, chỉ biết tương lai là vào lính (trưng tập) . Cuộc đời rồi sẽ ra sao, nào ai biết được...
Thời tôi học, cuối năm thứ 6 sẽ có cuộc thi bệnh lý. Ai vượt qua cửa ải này chỉ nhận được GIẤY CHỨNG NHẬN đã đậu kỳ bệnh lý năm Y cuối. Muốn có VĂN BẰNG Bác sĩ Y khoa Quốc gia ( Docteur d'État en Médecine ) sinh viên phải trình một luận án. Nhưng dù chưa có văn bằng, khi vào lính vẫn là trung úy bác sĩ quân y với hai hoa mai vàng trên cổ áo.
Tôi nghĩ đằng nào cũng nên lo cho xong, cho đủ mọi thủ tục, do đó ngay từ đầu năm thứ 6, tôi đã xin thầy - là GS. Joel D Brown, giúp tôi chuyện này. Ông là GS từ đại học Oklahoma gởi qua Việt Nam giúp Đại học Y khoa Sài gòn và chuyên về bệnh nhiễm trùng.
Ông khuyên tôi nên làm luận án về Viêm gan B vì bệnh này khá phổ biến ở Việt Nam. Các phòng lấy máu lúc bấy giờ lại không có thử nghiệm viêm gan B để loại trừ những người hiến máu dương tính HBsAg, nên bệnh này rất dễ lây truyền cho người khác. Ông hứa sẽ hướng dẫn tôi viết luận án, nhưng phải tìm một giáo sư ở Y khoa Sài gòn chịu bảo trợ mới được .
Cuối cùng, mọi chuyện nhờ trời cũng xong.
Luận án của tôi có cái tên dài thòng :
"Re-evaluation of the criteria for selecting the blood donors on the basis of HBsAg".
- GS hướng dẫn : GS. Joel D Brown
-GS bảo trợ luận án : GS Đào Hữu Anh, Khoa trưởng Y khoa SG
Tôi phải lấy mẫu máu của những người mỗi sáng đến cho máu ở các bệnh viện, bệnh nhân nhập viện vì viêm gan B và cả một số tù nhân, vào khám Chí Hòa do ghiền ma túy.
Lăn lộn, xông xáo vào chốn lao tù, tôi được sự tận tình trợ giúp của một "trợ lý " đặc biệt, là Việt Hương, bà xã tương lai của tôi.
Sau khi lấy mẫu xong, tôi ly tâm lấy phần huyết tương đưa GS. Brown gởi về Mỹ thử ,vì lúc bấy giờ ở Sài gòn chưa làm được thử nghiệm này một cách rộng rải.
Kết quả thử nghiệm về, tôi lại bù đầu đọc tài liệu, ghi chép, viết bài và thường xuyên gặp GS. Brown để trình bày ý kiến và nghe sự chỉ dẫn của ông để điều chỉnh.
Năm cuối cùng ở BV Nguyễn Văn Học, tôi bận rộn không kịp thở.
- Trực BV : trên áo mang 6 sao, thuộc loại "thống tướng sinh viên" rồi, không thể trốn trực gác được. Vả lại, không có tôi và thằng bạn cùng lớp thì lấy ai trình bệnh đêm trực trước cho thầy Brown. Ông không biết một câu tiếng Việt. Chúng tôi là tai mắt và cả cái miệng cho ông.
- Bắt đầu học ôn lại về nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa, sản phụ khoa, để chuẩn bị cho kỳ thi bệnh lý cuối năm. Nếu lở rớt kỳ thi này, ra đơn vị rồi, làm gì có thì giờ ôn tập để về trường thi lại. Cứ nghĩ đến chuyện ấy tôi lại rùng mình lo lắng.
- Tôi lại "đèo bòng" thêm cái luận án chết tiệt, tốn không biết bao nhiêu thời giờ và công sức .
Nhiều hôm mệt quá khi về đến phòng mình trong khu nội trú BV, tôi chỉ kịp quăng mình nằm phịch xuống giường, chỉ muốn ngủ một giấc cho lại sức, không muốn cả ăn.
Khoảng gần 3 tháng sau khi ra đơn vị, tôi lấy phép đặc biệt về Sài Gòn trình luận án.
Mọi sự xảy ra êm đẹp. Tôi in năm chục cuốn để nạp cho trường và tặng cho thân nhân cùng bạn bè. Thế là tôi hoang phí thêm 20,000 đồng (cỡ 2 cây vàng) tiền dành dụm của bà xã .
Bây giờ nghĩ lại, thấy chuyện làm luận án thật lãng nhách. Tốn biết bao nhiều công sức, tốn cả tiền chắt chiu để dành của vợ- biết vậy, để tiền hai đứa du hý có phải hơn không!
Đến Úc để được hành nghề, tôi phải học lại và thi bằng của Úc. Úc đâu đếm xỉa gì đến cái luận án chết tiệt của tôi.
Cho đến giờ này, quả tình tôi cũng chưa thấy mảnh bằng BS Y khoa Quốc gia mặt mủi ra sao. Sau khi trình xong luận án - được phê 'hạng danh dự"- tôi chỉ được cấp 1 tấm giấy ghi "Chứng nhận thay thế văn bằng Bác sĩ Y khoa". Văn bằng chính thức sẽ phải gởi lên Viện trưởng Viện ĐH Sài Gòn và chờ Tổng trưởng Giáo dục ký.
Đang trong thời gian chờ đợi thì miền Nam "đứt bóng ". Lúc ấy, tháng 1 năm 75, tôi đang làm việc tại bệnh viện dân quân tỉnh Phước Long. Tỉnh lỵ bị tấn công, thành bãi chiến trường...tôi bị thương nặng do pháo kích, rồi bị bắt làm tù binh và chuyển ra giam ở trại tù Yên Bái. Tiếp theo là những ngày tù lao động khổ sai , đói khát, nằm mơ chỉ ước được ăn khoai mì và vài mẫu cơm cháy. Tôi ra đơn vị khoảng 4 tháng, nhưng ở tù gần 3 năm vì "nợ máu với nhân dân" nên cần phải "lao động tốt, cải tạo tốt ".
Cuối cùng, cái luận án chỉ còn lại tấm hình này để làm " kỷ niệm " một thời - được mặc cái áo thụng đen đen đỏ đỏ.