Nhưng viết về Giáo sư nào ? Ít lâu nay tôi tập thói quen là mỗi lần muốn tìm câu trả lời cho một vấn đề gì là tôi tập tĩnh tâm để nghe tiếng lòng mình. Quả vậy vài ngày sau thì tên Cha Marcel Lichtenberger vang trong tâm trí tôi, rồi hình ảnh một buổi sáng mùa đông năm 1984 tôi đáp xe lửa xuống Namur, đến phòng thí nghiệm nghiên cứu tế bào di truyền học nơi Cha đang làm để xin Cha hỗ trợ hồ sơ xin học lại Y Khoa của tôi tại Bỉ.
Với lại như trong lá thơ in trong tập san Y Sĩ số xuân tôi đã trình bầy lòng tin của tôi vào bản chất con người là tình thương và ánh sáng nên tôi nghĩ cuộc đời của Cha sẽ là một bằng chứng cụ thể cho bản chất này.
Tôi viết Mail cho Bác sĩ chủ bút ngỏ ý muốn của tôi. Bác sĩ chủ bút gởi cho tôi bài viết của Bác sĩ Phan thị Mai và của Dòng Tên về Cha Lichtenberger đã được đăng trong Tập San Y Sĩ số tháng 7 năm 2007 và chờ tôi tùy nghi viết tiếp.
Có một sự trùng hợp kỳ lạ là từ đầu năm nay tôi chuyển hướng làm việc, tôi về làm tại vùng rất gần nơi quê Cha (Athus) nên tôi có ý định gặp gia đình Cha. Tôi tìm trong niêm giám điện thoại vùng Athus thấy tên M. Lichtenberger, tôi mạo muội điện thoại đến đó tự giới thiệu và nói mục đích của mình. Bà Lichtenberger đây là cháu gọi Cha là chú hay bác, bố Bà đã mất, mẹ bà thì đã trên 90 tuổi nên không nhớ gì nhiều và bà giới thiệu tôi với bà chị em họ và nói bà này đang sưu tầm tài liệu về Cha. Bà Quoirin là cháu gọi Cha bằng cậu, bố mẹ bà đều mất cả và khi nghe tôi nói ý định của tôi viết bài về Cha thì bà nói”Cha đã thoát ly gia đình,”marier”với Dòng Tên nên gì của Cha là của Dòng Tên, ngay cả việc Cha mất cũng được an nghỉ nơi phần mộ Dòng Tên chứ không ở gia đình”và bà cho tôi một ít tài liệu nhưng tôi đặc biệt chú ý đến bài lược dịch tiếng Việt bài viết của Cha Joseph Reinbold đã được đăng trên tập san Chine – Maduré - Madagascar năm 1986 với nhan đề”Un missionnaire peu ordinaire: Le Père Marcel Lichtenberger, 1906-1985”. Đây là tài liệu duy nhất mà phòng hồ sơ lưu trữ của Hội Thừa Sai Dòng Tên Paris có về Cha.
So với bài viết của Dòng Tên (đã in năm ngoái ) thì về phần tiểu sử và sự nghiệp không khác gì nhưng tôi đặc biệt chú ý đến nhan đề của dịch giả: ”Một người thầy dậy dỗ bằng cuộc sống” và lời mở đầu của tác giả như sau :
“Câu chuyện về một linh mục bình thường đến độ phi thường, đến 48 tuổi mới tốt nghiệp bác sĩ, rồi trở thành thầy của một bác sĩ mà đến 48 tuổi mới thụ phong linh mục .
Năm 1957, khi Cha Lichtenberger chuẩn bị sang miền Nam Việt Nam, Bác sĩ Georges, giám đốc các phòng thí nghiệm của tập đoàn dược phẩm Christiaens ở Bruxelles, khởi đầu diễn văn tống biệt như sau :”Nếu người ta hỏi tôi theo kiểu tập san Reader’s Digest : Ai là người phi thường nhất mà bạn đã từng gặp ? tôi sẽ trả lời ngay không một giây do dự : Cha Marcel Lichtenberger”, Cha là một người có thiên tài nghiên cứu, cái thiên tài của Claude Bernard, vì Cha đặt việc thí nghiệm và quan sát các dữ kiện lên hàng đầu; Cha là một Giáo sư hăng say, năng động và sáng tạo trong quá trình nghiên cứu khoa học”
Có những người nghĩ rằng đời sống tu trì sẽ bóp chết những khả năng nhân bản, thu hẹp cá tính của những ai đi vào con đường ấy, cũng giống như nghệ thuật giồng cây cảnh của Nhật tạo ra những cây bonsai lùn tịt và biến dị. Nếu những người này gặp được vị thừa sai hăng say này, họ sẽ thấy rằng đời sống tu trì không hề dìm đi khả năng đáng kinh ngạc của con người, không làm ngơ trước những vấn đề của cuộc sống, và cũng không kìm hãm sức vươn lên. Khi tôi gặp Cha lần đầu cách đây gần 60 năm (1926 ) cha còn là một chàng trai trẻ ở độ tuổi đôi mươi, nhỏ người, lực lưỡng, cái đầu hơi lớn, sọ não phồng lên như một vòm bách khoa, tóc húi ngắn trông hơi hung hăng; loại người bảo vệ tư tưởng mình một cách hăng say mà không trở ngại nào có thể ngăn cản nổi. Một người bạn của Cha thời ấy, sau này trở thành giám mục ở Cameroun, vẫn còn nghe Cha”phán”với giọng chắc nịch mà không cho ai bàn cãi”Tôi không thể chấp nhận rằng khi ta có những ý tưởng quảng đại mà lại không làm hết sức mình để thực hiện những ý tưởng đó.”
Trong khuôn khổ bài viết này tôi xin tóm lại tiểu sử của Cha để tìm hiểu bài học vô giá mà Cha đã dậy học trò bằng cuộc sống làm gương của mình.
Sau khi dự buổi giảng thuyết của Cha Michel Lebbe về công tác tông đồ tại Trung Hoa, Cha xúc động về sự khó khăn của dân bên đó và cảm thấy bị thúc dục phải thực thi những nỗ lực thích nghi để giúp họ.
Qua một kỳ tĩnh tâm tại Arlon (Bỉ), 3 năm ở Dòng Tên Florennes (Pháp) , và 2 năm dậy học tiếng La tinh lớp đệ thất để đợi nghe sự xác định của lòng mình, ngày 01 tháng 10 năm 1929 Cha vào nhà tập Florennes của các Cha Dòng Tên (Pháp) với nguyện vọng được sang Trung Hoa càng sớm càng tốt. Sau khi hoàn tất 2 năm nhà tập, Cha thi hành nghĩa vụ quân sự với tư cách là y tá trong ngành quân y Bỉ.
Ngày 20 tháng 8 năm 1932 Cha thực hiện cuộc hành trình dài đến Trung Hoa đầy vất vả chông gai bởi chiến tranh du kích Hoa-Nhật và thiên tai lụt lội bão táp...
Cha bắt đầu học tiếng Hoa và học triết để có thể hiểu và tiếp xúc sâu xắc với người dân, Cha tiếp thu rất mau nên còn thời gian nghiên cứu vi khuẩn, mô học và vật lý. Cha đã lắp ráp được một hệ thống điện thoại tự động để thay thế những điện thoại cổ lỗ hay bị hỏng trong những cơ sở của giáo điểm. Sau một thời gian kỷ lục Cha đã nắm vững ngôn ngữ Hoa, nói rất đúng giọng nên Cha đã có đủ khả năng để trợ giúp đắc lực trong bệnh viện Saint Joseph, một bệnh viện do cha Verdun thành lập cho bệnh nhân của một vùng có trên dưới một triệu dân. Một Bác sĩ người Hoa đến 2-3 lần mỗi tuần yêu cầu Cha làm những xét nghiệm đơn giản. Khi các nữ tu y tá gặp trường hợp khó khăn mà không có Bác sĩ ở đấy thì nhờ Cha giúp đỡ và Cha đã đem ra thực hành những kiến thức đã học được trong thời gian nhập ngũ tại Bỉ ...
Học xong triết Cha học thần học, được dự định đi dạy sinh học và tâm lý thực nghiệm cho các nhà tu trẻ dòng Tên. Để sửa soạn, Cha theo cha Lejag, Giáo sư tim mạch tại đại học Bình Minh và tại đây Cha đã xây dựng hoàn chỉnh máy điện tâm đồ, một trong những điện tâm đồ đầu tiên xuất hiện tại Trung Hoa ...
Liên lạc với các tỉnh khó khăn, Cha ráp một máy phát thanh để bắt liên lạc bằng radio mỗi sáng nên thường bị chế độ làm khó dễ vô cùng. Các Bác sĩ người Hoa, đều bỏ bệnh viện trốn đi. Cha bất đắc dĩ phải thay thế họ làm bác sĩ và nhà giải phẫu: mổ chấn thương sọ não do đạn, mổ lưỡi lê đâm thủng dạ dầy với kết quả kỳ diệu nên danh tiếng của vị bác sĩ giải phẫu mới này truyền khắp vùng nhanh như lửa cháy. Người ta ùn ùn đến bệnh viện Saint Joseph, Cha đã tiến hành hàng ngàn cas giãi phẫu: cắt các chi, mổ ruột thừa, mổ thai, và nhất là mổ tinh thể mắt, một lãnh vực mà Cha trở thành chuyên viên ...
Năm 1945, Nhật rút quân, Trung Hoa thuộc về tay cộng sản họ muốn đẩy các tông đồ đi nhưng các cha vẫn ở lại để giúp dân. Cha Lichtenberger bị bắt giam 6 lần với thời lượng khác nhau từ 5 ngày đến 9 tháng. Cha bị buộc vào nhiều tội khác nhau một cách trên trời dưới đất như tiêm thuốc cho người bị thương cho anh ta chết, làm gián điệp cho đế quốc chuyển tài liệu cho họ bằng máy thu thanh và thậm trí bằng điện tâm đồ... Trong khoảng thời gian được tự do Cha lại khám bệnh và giải phẫu tại bệnh viện. Rồi cuối cùng các người cầm quyền trục xuất các Cha ngày 29 tháng 7 năm 1948 với lý do :”đã muốn kìm kẹp nhân dân Trung Hoa trong tình trạng nô lệ vì họ đã bị nhiễm vi trùng tư bản vô phương cứu chữa”. Tất cả những biến cố này đã để lại cho Cha một dư vị cay đắng !!!
Về Pháp Cha tiếp tục hoàn tất năm thứ ba tập viện và quyết định lấy bằng bác sĩ. Ở tuổi 43, Cha trở lại băng ghế đại học Louvain tại Bỉ khi đã là một”bác sĩ”có kinh nghiệm và nổi tiếng. Cha hoàn thành 80 tín chỉ trong vòng 4 năm thay vì 7 năm như mọi người. Trong quá trình tập sự tại nhà điều dưỡng Mont-sur-Meuse Cha đã khám phá và hoàn chỉnh một thuốc trụ sinh mới để chữa bệnh lao khiến tập đoàn dược phẩm Christiaens ở Bruxelles chú ý đến Cha và mời Cha đến các phòng thí nghiệm của mình để tiếp tục nghiên cứu và Cha đã làm tại đó 3 năm trước khi được đề nghị đi phụ trách Khoa mô phôi học tại Đại Học Y Khoa Sàigon. Cha rất phấn khởi chấp nhận.
Tại Việt Nam, khoa mà Cha phụ trách đang ở trong tình trạng thiếu tổ chức đến độ như chưa hề có khoa này. Trong 17 năm Cha xây dựng bộ môn, việc dậy học và nghiên cứu khoa học trở thành công tác tông đồ chính yếu của Cha. Tuy nhiên các sáng chủ nhật Cha thường khám bệnh miễn phí tại một bệnh xá dành cho người nghèo và tại một viện mồ côi. Cha thành lập Hội Y Sĩ Công Giáo Việt Nam và Cha là tuyên úy. Đó là một phạm trù làm việc tông đồ đặc biệt quan trọng vì phải củng cố lòng tin để họ đối diện với những ngày khó khăn mà Cha thấy sắp sửa xẩy ra .
Cha quá đau khổ ở Trung Hoa nên lo lắng mãi cho tương lai Việt Nam. Những lo lắng đó ảnh hưởng đến sức khỏe của Cha và vài tuần trước khi người cộng sản tiến vào Sàigon Cha bị nhồi máu cơ tim, Cha nhập viện ba tuần, sau đó trở về Pháp rồi về Bỉ làm tại Phân Khoa Đại Học Notre Dame de la Paix ở Namur. Cha phụ trách phòng thí nghiệm nghiên cứu tế bào di truyền học. Trong cộng đoàn Cha là người bác sĩ tư vấn biết lắng nghe, sẵn sàng ngày cũng như đêm đến giúp đỡ ai kém sức khỏe, dù cho Cha cũng cần nghỉ ngơi vì tình trạng sức khỏe của mình...Trên vách tường chính trong văn phòng Cha, Cha treo bản đồ Trung Hoa và Việt Nam, thêm vào đó là bản đồ Liban lúc ấy đang bị vùi dập trong thảm hoại... Trái tim Cha vẫn tiếp tục đập theo nhịp đập của thế giới ... Sau hai lần nhồi máu cơ tim, Cha được chở đến bệnh viện và qua đời ngày 10 tháng 12 năm 1985.
Vị linh mục nhân hậu này đã không bao giờ làm ngơ trước những khốn cùng của người khác, đã băng bó thân xác, trí tuệ, và tâm hồn (corps physique, corps mental et corps spirituel) cho bao nhiêu người. Giờ đây Người ra đi lãnh nhận phần thưởng của cả một cuộc đời mà Người đã trọn vẹn dâng hiến cho tha nhân.
...Chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quý giá từ cuộc sống của Cha, nhưng trong khuôn khổ bài này tôi xin tìm hiểu tại sao Cha có thể hành nghề y khoa với kết quả kỳ diệu trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn khi Cha chưa được sự huấn luyện y khoa đại học?
Chính Cha đã kể lại 2 lần giãi phẫu đầu tiên của mình :”người ta mang lại cho tôi một người Hoa ... bị một viên đạn bắn vào đầu. Viên đạn xuyên qua thái dương trái chạy vòng theo hộp sọ rồi nằm vào thái dương phải. Người bệnh hôn mê nhưng luôn miệng chửi thề khiến các nữ tu hốt hoảng. Thế là tôi khoan xương lấy các mảnh xương vỡ ra và rửa sạch phần sọ nhô ra ngoài mà không dám gắp viên đạn ra. Tôi tống cho bệnh nhân rất nhiều kháng sinh (sulfamide). Anh ta tỉnh dậy nhưng không thể nói được ngay, ngoại trừ hét những câu chửi thề như lúc trước ... Vài tháng sau, khi tôi gặp lại anh, anh nói năng gần như bình thường.
Vài ngày sau lần can thiệp may mắn đó, người ta lại mang đến cho tôi một người bị thương nặng khác. Anh này ngồi trên ngưỡng cửa, bỗng có hai người lính Nhật đi ngang. Để đùa chơi, một người lính đã lấy lưỡi lê đâm vào bụng anh ta. Người ta báo cho tôi hay lúc tôi đang dậy học. Trong vòng 10 phút, tôi xem qua sách giải phẫu khẩn cấp, rồi chạy đến với người bị thương. Thì ra lưỡi lê đã đâm thủng dạ dầy anh ấy, tôi mổ ngay và may lại, cuộc giải phẫu thành công mỹ mãn”.
Tôi nghĩ rằng hình ảnh người bị thương nặng đã gây nơi Cha một xúc động (émotion), chính cảm giác (perception sensorielle) này đã làm vượt qua lắng sợ sệt, đã kích thích nơi Cha một ý muốn (volonté) mạnh phải cứu họ, và đưa Cha vào bản chất của con người, của vạn vật trong vũ trụ. Bản chất đó là luồng năng lượng mà Giáo sư Phạm Biểu Tâm gọi là”tấm lòng từ bi”, Claude Bernard gọi là”conscience de Dieu”, Walt Withman gọi là”cosmos conscience”và Louis Pasteur gọi là”force vitale”.
Gần cuối đời mình Louis Pasteur đã tiếc rất nhiều vì không còn thì giờ để nghiên cứu về”force vitale”mà theo ông rất có ý nghĩa, còn Paul Allen sáng lập cùng Bill Gates Microsoft đã bỏ ra hàng tỷ dollars đề tìm kiếm, nhưng theo Claude Bernard tìm kiếm”luồng năng lượng”này không phải là công việc của khoa học vì theo Newton khoa học không tìm kiếm gì mà không có căn bản vật chất với lại”cela reste à l’état de foi, de sentiment, de certitude cependant, et cela me rend heureux.”
Cá nhân mình, tôi cũng có một tình yêu lớn cho con người, cho thiên nhiên và tôi cũng rất thích hai câu thơ sau của Hồ Dzếnh:
“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở,
Đời hết vui khi vẹn câu thề”
nên tôi nghiêng về ý kiến của Claude Bernard .
Claude Bernard đã viết về kinh nghiệm này như sau :
“Ce qu’on appelle”tact médical”c’est l’observation ou l’expérimentation comparative faite sans s’en douter, ou bien l’appréciation de certains caractères d’ensemble qu’on ne saurait préciser, pas plus que le paysan qui reconnait bien un chêne ne saurait en donner les caractères. Les gens à tact médical ont peut-être ceci de bon, c’est qu’ils prennent leurs caractères dans l’ensemble des caractères et ce caractère résultant qui n’existe pas à lui seul mais et qui n’est aucun autre; tandis que les médecins dits savants veulent n’avoir égard qu’un caractère et négligent tout le reste, ce qui est faux; En effet, le caractère de chaque chose est dans cet ensemble qui, on pourrait le dire, n’a pas de substratum matériel déterminé et qui se résume par l’expression des appareils d’autant plus parfaits qu’on les considère dans un organisme plus élevé; c’est pour ainsi dire”l’âme de la chose”. Il y aurait beaucoup à dire sur cette espèce d’idéalité de la matière qui existe, puisque c’est là que l’artiste cherche et trouve parfois. Cela n’est nulle part, car on peut le trouver et le placer dans divers points. C’est peut -être le beau dans l’art et la nature .
Pour être savant , il faut être matérieliste dans la forme, mais réellement on ne peut pas l’être dans le fond mais, si on ne l’était pas dans la forme, on ne pourrait pas s’entendre”.
Do đó Claude Bernard đã sáng lập nên”y khoa thực nghiệm”dùng phương tiện vật lý hóa học để làm thí nghiệm chứng minh những quan sát của mình để mọi người cùng hiểu ...
Thế hệ chúng ta các bác sĩ trên 60 tuổi đời, đã”nửa đời loạn lạc nửa đời lưu lạc”; nước mắt mồ hôi đã đổ nhiều trong việc thực thi nỗ lực phi thường để hàn gắn vết thương quá khứ, xây dựng cuộc sống mới, con người mới trong xã hội Âu Mỹ văn minh hiện đại này tuy chẳng bao giờ quên gốc Lạc Việt của mình. Chính những cố gắng thích nghi đó đã làm chúng ta cởi mở hơn, nhậy cảm hơn với con người, với cuộc sống, với nghề nghiệp, và đã đưa chúng ta một cách tự nhiên vào chiều hướng tâm linh. Tâm linh là cái gì bao quát (universelle) như trong tinh thần lá thơ của Bác sĩ Nguyễn Quyền Tài gởi các bạn đồng khóa 71 nhân buổi họp mặt đầu tiên tháng 9/2007. Như vậy chúng ta đã có ít nhiều kinh nghiệm về”tact médical”trên rồi. Chính những kinh nghiệm đó là điều kiện cần thiết để hiểu và giải quyết những thử thách của y khoa trong thế kỷ 21 này : bệnh phì mập, bệnh huyết áp cao, bệnh tiểu đường, bệnh Sida ... ;
Thay phần kết luận tôi lại xin phép được nói lên ước vọng của mình khi viết bài này. Dân Việt chúng ta vẫn có câu ”Thầy nào trò nấy”. Thầy chúng ta nhân hậu quá, tài năng quá và chúng ta cũng đáng được ”kính nể” lắm chứ, nhưng có lẽ các Thầy chúng ta còn mong chúng ta đóng góp hơn nữa cho nhân loại. Con đường còn lại hiển nhiên là không dễ dàng và tôi nghĩ đến 3 câu thơ của Robert Frost :
“La forêt me tente sombre et profonde,
Mais j’ai encore beaucoup de promesses à tenir ,
Ma route est longue avant de dormir”
nhưng rồi phần thưởng cuối đời sẽ rất là vĩ đại./.
Quản Phương Thảo
Đức Cha Marcel Lichtenberger (1906-1985)
1986 Tháng Tư
ECHOS
của Cộng Đồng Jésuite
Nội san lục cá nguyệt
Đức Cha Marcel Lichtenberger (1906 -1985)
Gốc ở thành phố Ath (1), sinh ngày 28 tháng 6 1906, một nhà truyền giáo tại Trung Quốc trong 16 năm, sau đó ở Việt Nam gần 18 năm trời, đã tạ thế ở Namur ngày 10 tháng 12 năm 1985. Marcel Lichtenberger luôn là một mẫu người ngoại lệ và ông cũng đã từng bị tù tội dưới chế độ Cộng Sản.
Chính nhân một buổi thuyết trình của Cha Vincent Lebbe mà Marcel đã nghe thấy tiếng gọi đầu tiên của Trung Hoa Lục Địa. Ông cảm thấy bị thu hút bởi lời kêu gọi phải cố gắng để thích nghi hoàn cảnh của diễn giả như là điệu kiện tất phải có nhằm truyền bá Công giáo tại lục địa rộng lớn này. Trong lúc đi cấm phòng ở tại Arlon (2), khi nói với Cha De Pierpont về ý muốn truyền giáo của mình, ông được khuyên đến học tại trường dòng mà các cha dòng Jésuite người Pháp đã mở ra ở Florennes (3) để thu nhận những người có thiên hướng muộn. Trong vòng 3 năm, Marcel đã học được rất nhiều về ngữ học Hy lạp và La tinh đến độ các Cha đã cho ông làm giáo sư lớp 6 La Tinh trong vòng một năm. Đó là kinh nghiệm sư phạm đầu tiên đã thu trọn tâm tư của ông đến độ ông xin gia hạn nhiệm kỳ thêm một năm nữa.
Nhân một cuộc du hành đến Rome trong dịp lễ Phục Sinh vào năm thứ hai này, khi thăm viếng ở Gésù các phòng nơi thánh Ignace đã trú ngụ, ông mới thấy được sự tiếp sức nội tâm để hiến mình cho Dòng Tên(Jesuite). Ngày 1 tháng 10 năm 1929, ông vào trường đào tạo (noviciate) của các giáo sĩ Jesuite của Pháp tại Florennes và tình nguyện xin đi làm sứ mệnh ở Trung Quốc. Hai năm sau ông hoàn tất nghiã vụ quân sự phục vụ ngành y tế tại Bourg-Léopold. Tại đây ông đã gặp một vị y sĩ đã giúp ông đào sâu thêm kiến thức tu nghiệp ngành lính trợ y và đồng thời cũng học hỏi được nhiều điều sau này sẽ giúp ích cho ông rất nhiều.
Ngày 15 tháng Tám 1932 là ngày khởi hành đi Trung Quốc, qua ngã Moscou và bằng con tàu xuyên Sibérie. Cuối tháng Chín, Marcel đến trung tâm truyền giáo ở Sienshin để bắt đầu học tiếng Hoa. Một năm sau ông vào khoa Triết cùng với 14 người Hoa. Trong cộng đồng gồm 80 người này, người ta nhận thấy ông nói tiếng địa phương một cách thuần khiết và ông đã cố gắng thu nhập được những điều căn bản đó trong một thời gian ngắn kỷ lục.
Triết học làm ông quan tâm nhiều nhưng cũng không chiếm hết thời gian của ông. Ông vẫn luôn thích những việc khéo tay làm lấy. Mới 12 tuổi ông đã làm đươc một cái đài thu thanh bằng Galène. Ở trường dòng, ông được cấp cho một chỗ để làm phòng thí nghiệm để thử nghiệm về vật lý. Đức Cha Jomin, vị khoa trưởng, tiên đoán được khả năng của người học sinh này và sẽ quyết định mang ra sử dụng.
Cái điện thoại trong nhà dòng dùng để liên lạc giữa các bộ phận thường hay bị hỏng. “Hãy làm cho chúng ta một cái điện thoại tự động,” một ngày kia Ngài nói với ông như thế. Mệnh lệnh nghe thì được lắm nhưng không phải là chuyện dễ. Bằng những sáng tạo tài tình, với những phương tiện tự tìm kiếm được, cộng đồng nay đã có được một điện thoại gọi đến được đúng số, tám lần trên mười, là điều mà vào thời kỳ đó đã là một kỷ lục rồi!
Trường dòng dạy triết học nằm ngay giữa cánh đồng, cách Tientsin 50 cây số. Các giáo sĩ đã cho xây dựng một bệnh viện để phục vụ cho một dân số cỡ một triệu người trong vòng một bán kính 100 cây số. Một bác sĩ người Hoa có đến hai hay ba lần một tuần. Đôi khi ông ta cũng có nhờ Cha Lichtenberger làm giúp một số xét nghiệm. Khi vắng mặt bác sĩ này, các nữ tu ở đây, khi có trường hợp cấp cứu cũng thường kêu gọi vị Cha dòng Jésuite trẻ tuổi đến giúp đỡ.
Các Sơ yêu cầu Cha mang ứng dụng những kiến thức học được khi làm việc ở Bourg-Léopold. Ở đây cũng vậy, Đức Cha khoa trưởng còn khuyến khích người thầy thuốc trẻ bắt buộc này phải bạo dạn mà hành động hơn nữa! trước một người bệnh bị tràn dịch màng phổi, Người nói với ông “Con phải chọc dò rút nước ra!” Marcel phải tuân lời cha bề trên đồng thời tra cứu cuốn sách Ngoại Khoa Cấp Cứu và đã giúp được người bệnh. Và chính vì vậy mà Cha Lichtenberger, y tá giáo sĩ dự khuyết, khi đang học về Triết lại ngày càng phải thực hành về ngành Y.
Học xong phần Triết năm 1936, người thụ giáo nhà dòng được gửi đến học về thần học ở Zikawei, ngoại ô của Thượng Hải. Sau một năm học, ngài Khoa Trưởng báo cho Marcel biết các cha bề trên kỳ vọng ở ông để dạy về môn sinh học. Ngài còn dặn Cha phải biết tận dụng hết sức thì giờ rảnh rỗi của mình. Vì vậy mà Cha đã làm được một máy điện tâm đồ, có lẽ là cái đầu tiên có được tại Trung Quốc!
Năm 1940, Cha, lúc đó đã được phong chức linh mục năm 1939, trở về Sienhsin và dạy môn sinh học tại đây cùng với môn tâm lý học thực nghiệm.
Từ năm 1936, người Nhật, đang lúc chiến tranh với Trung Quốc, chiếm lãnh nhiều vùng đất rộng lớn ở Trung Hoa Lục Địa. Ở Sienhsin, không còn bác sĩ phục vụ trong bệnh viện. Các nữ tu quản lý một trạm y tế ở gần trường dòng. Họ thường mời Cha Lichtenberger đến để làm các xét nghiệm và không lâu sau đó - vì cần phải chữa chạy cho người bệnh - Cha phải liều bắt tay giải phẫu.
Người bệnh được giải phẫu đầu tiên là một người Cộng Sản Trung Quốc, trong một cuộc đụng độ, bị thương do một viên đạn vào đầu. Phim XQuang chụp cho thấy vị trí viên đạn không nguy hiểm. Không nhất thiết phải lấy viên đạn ra, nhưng cần phải làm sạch vết thương, khâu lại và theo dõi diễn tiến… và diễn tiến lại rất tốt sau đó! Cứ như thế cho đến hết chiến tranh Hoa-Nhật, để phục vụ Chúa và dân nghèo, Cha tiếp tục làm công tác của một y sĩ, và còn làm phẫu thuật viên nữa . Ông đã làm cả ngàn cuộc giải phẫu, từ việc cắt Ruột dư đến mổ Césarienne, và cả 102 lần mổ Cườm mắt.
Năm 1945 tình hình thay đổi, quân Nhật đã rút lui và Trung Hoa nằm trong tay quân Cộng Sản. Và họ chỉ muốn đuổi hết tất cả các nhà truyền giáo ngoại quốc. Cha Lichtenberger sẽ nếm mùi các phương pháp CS, các áp lực chúng dùng để buộc những người vô can phải nhận tội. Chúng vu là cha Lichtenberger đã dùng tay đánh chết 1 phụ nữ nhưng lời tố cáo quá vụng nên được bãi. Cha được trả tự do trong 1 thời gian ngắn. Lần cuối cha bị giam là vào 4 tháng 11, 1947. Thật là nhờ sự sáng suốt và lòng quả cảm mà cha đã đứng vững và không chịu lùi bước trước địch thủ.
Vào thời Nhật, cha đã đương đầu với bọn xâm lăng để bảo vệ kẻ thế cô, các nữ tu, các thầy tu, và ngay cả vị giám mục bị quản thúc. Một mình với viên sĩ quan, cha Dòng Tên đã tranh luận cho đến khi thắng. Nhưng phương pháp của CS thâm độc hơn thế, chúng không chấp nhận bàn luận hay yêu sách, kẻ bị gọi ra trước tòa chỉ có đường nhận tội mà thôi.
Quả là cha can trường và không chùn bước mặc dù phải nghe những tiếng kêu la của các tù nhân bị tra tấn ở các phòng giam kế cận hay khi nghe một tên sĩ quan dọa: “Mai tụi tao sẽ bắt mày khai.” Cha bị giam biệt lập cùng với 3 vị tu sĩ Dòng Tên người Pháp và 1 vị linh mục Trung Hoa, - lần cuối cùng thời gian quản thúc kéo dài 9 tháng- , 1 người gác Trung Hoa có mặt thường trực trong phòng.
Cuối cùng vị tu sĩ Trung Hoa lãnh án 1 năm khổ sai và bị tước quyền công dân trong 2 năm; 4 nhà tu người Âu bị trục xuất ngày 29 tháng 7, 1948 “ về tội muốn giữ nhân dân trong vòng nô lệ và cũng vì bị nhiễm vi trùng tư bản quá nặng.” Cha mất 30 kí lô. Ngài vẫn giữ văn kiện đầy chữ và triện Tàu ghi bản án của mình........1948, Cha Lichtenberger trở về Pháp. Các bề trên nhận thấy cha cần học nốt năm thứ 3 tại chủng viện và cũng để lấy bằng y sĩ. Cha học Y khoa tại Louvain (4) từ 1949 đến 1954. Năm 1953, khi đi thực tập tại Mont-sur-Meuse, nơi điều trị bệnh Lao, cha để ý tới 1 loại mốc trụ sinh đã được khám phá tại phòng thí nghiệm của viện. Cha say mê khảo cứu và dược phòng Christiaens de Bruxelles đã dành cho cha những phòng thí nghiệm để tiếp tục công trình này từ 1955 tới 1957.
Lúc cha đang tùng sự tại collège Saint-Jean Berchmans, bề trên đề nghị cha qua Việt Nam điều khiển khu Mô và Bào Thai Học tại Viện Đại Học Saigon. Cha là vị tu sĩ Dòng Tên duy nhất trong ban giảng huấn trong 17 năm rưỡi. Nghiên cứu và giảng dậy là những hoạt động chính hàng ngày của cha.
Một dịch vụ y khoa duy nhất tại Việt Nam được thiết lập, đó là tham khảo di truyền cho các y sĩ bệnh viện. Cha Marcel không phải chỉ lo chuyện khoa học mà thôi. Sáng chủ nhật cha thường đến khám bệnh tại 1 chẩn y viện dành cho người nghèo do 1 tu sĩ Việt Nam điều hành và tại 1 cô nhi viện. Ngoài ra lại còn những công tác tuyên úy cho các y sĩ công giáo trong thành phố, liên lạc với giới sinh viên, các buổi họp tại Trung Tâm Văn Hoá Pháp. Cha cũng quan tâm tới vấn đề giữ thể diện cho Giáo Hội trước phong trào bài xích tôn giáo tại Saigon.
Năm 1975, cha Lichtenberger phát chứng đau tim và phải trở về Âu châu.
Cha được đưa đến Lille (5) và từ đó tới Namur (6). Tại đây cha tiếp tục nghiên cứu tại khu di truyền học.
Trong cộng đồng ban giảng huấn, cha tiếp tục theo dõi sinh hoạt và tình hình chính trị thế giới. Cha hay nghe đài Moscou, Bắc Kinh, BBC và VOA, luôn luôn đi tìm tin tức trực tiếp. Các bản đồ địa dư treo trong phòng cho biết cha có trái tim đập theo nhịp của thế giới.
Cũng trong cộng đồng này, cha là vị “ bác sĩ” hàng ngày thăm hỏi những ai đau yếu, lúc nào cũng sẵn sàng giúp ý kiến, quan tâm đến từng người, ngay cả giữa đêm khuya và mặc cho sức khỏe cá nhân mình không được tốt, đang cần sự chăm sóc.
Ngày mồng 8 tháng 12, 1985 cha Lichtenberger lại cảm thấy rất mệt. Cha biết và chấp nhận bệnh tình mình 1 cách can đảm, bình tĩnh.
Cha Lichtenberger mất tại nhà thương ngày 10 tháng 12 trong lòng thanh thản và quả cảm, hai nét chính phản ảnh tâm hồn mình trong suốt cuộc đời.
Ghi chú các địa danh:
(1): Ath: thành phố ở phía tây- Nam của Bruxelles
(2): Ảrlon: Thành phố ở phía đông của Bỉ , gần biên giới Luxembourg
(3): Florenne: thành phố nhỏ thuộc tỉnh Namur , đông- nam của Bruxelles
(4): Louvain: ở phía Bắc Bruxelles cách 30 kms
(5):Lille: thành phố lớn của miền Bắc nước Pháp
(6):Namur: thủ phủ của vùng nói tiếng pháp của Bỉ (Wallonnie), cách Bruxelles 70 kms , về phía Đông-Nam
BS Phan Thi Mai
BS Nguyễn Đình Phúc
Dịch thuật