Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

NGƯỜI CON SA ĐÉC GIỮ CHỨC TỔNG TRƯỞNG Y TẾ VNCH, BÁC SĨ TRẦN LỮ Y (1926-2000)


Ông sinh ngày 16/4/1926 tại Sa Đéc, theo học Bác sĩ Y khoa Đại Học Saigon năm 1952. Học hết năm thứ 5 trường Y khoa, Ông được gọi nhập ngũ, người y sĩ nhảy Dù đầu tiên của Việt Nam Cộng Hoà, đã tham dự các cuộc chiến tại miền Bắc và giải ngũ vì bị sưng màng phổi. Ông tiếp tục học Y khoa và tu nghiệp tại Paris, là Bác sĩ thường trú bệnh viện Pháp, trở về Việt Nam làm Giáo sư giảng huấn tại Đại học Y khoa Saigon về khoa Huyết học.

Ông đạt tới đỉnh cao danh vọng khi được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (Đệ Nhị Cộng Hòa) bổ nhiệm là Tổng trưởng Y tế (Bộ trưởng bộ y tế) của miền Nam lúc cuộc chiến Nam-Bắc ở vào giai đoạn khốc liệt nhất. Thật ra danh vị Tổng trưởng Y tế chỉ giúp đánh bóng thêm phần nào tiếng tăm vốn nổi như cồn của Ông mà thôi ! Ông vốn là "dân Tây", tên Pháp là Louis. Nhưng tình yêu quê hương đã khiến ông ở lại quê nhà, chấp nhận cùng chịu những bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho một người dân trong một quốc gia lửa đạn. Ông từ bỏ tên Pháp Louis, và đổi lại là Lữ Y.
NHỮNG GIAI THOẠI VỀ VỊ TỔNG TRƯỞNG Y TẾ - BS TRẦN LỮ Y
Trong giới Y khoa BS Lữ Y hầu như được lòng tất cả mọi người. Bên cạnh tài chữa bệnh lẫy lừng, ông còn là một vị Thầy đáng kính và cũng là một cấp chỉ huy được lòng thuộc cấp. Câu chuyện do Y sĩ Thiếu tá Trần Thanh Nhơn thuật lại (ông Nhơn là học trò của BS Trần Lữ Y)
VỊ TỔNG TRƯỞNG Y TẾ VỚI CÂY COLT BÊN MÌNH
Đó là một đêm trực khá bận rộn cuối tuần. Bệnh-nhân cấp cứu chờ được khám nằm la liệt cả phòng chờ đợi. BS trưởng-phiên và các sinh-viên trực đang đầu tắt mặt tối, thì một quan Năm (trung-tá) áo quần rằn ri, bên hông lủng lẳng cây Colt, hùng hổ xô cửa phòng điều-trị và bắt buộc các bác sĩ trực phải khám ngay cho người nhà của ông ta.
Ông văng tục và hăm dọa các nhân viên tại phòng trực. Nhìn cây súng bên hông vị sĩ-quan, và các cận-vệ của ông, ai nấy đều xanh mặt. Thời buổi chiến-tranh mạng người như cỏ rác. Lỡ ông Trời con nầy làm thiệt thì cũng mệt lắm chớ chẳng chơi ! Tuy nhiên, nếu chiều ông để phải bỏ những người bệnh đến trước, thì cũng ê mặt giới thầy thuốc quá...
Đang phân-vân lo-lắng, thì Thầy Lữ-Y tình cờ bước vào kiểm soát các bác-sĩ trực. Ông bao giờ cũng mặc một cái áo cụt tay, bỏ ngoài quần, lại mang đôi dép da lẹp bẹp. Nếu chưa gặp và biết ông, không ai nghĩ ông là Thầy của những bác-sĩ và đương kim Tổng-trưởng cả!
Sau khi nghe các bác-sĩ trực tường trình nội vụ, và nhìn thấy thái-độ hung-hãn của vị sĩ-quan, ông túm ngay ngực vị trung-tá và nện một thoi như Trời giáng vào mặt ông quan Năm nầy. Ông trung-tá lồm cồm ngồi dậy, cho tay vào bao súng Colt bên hông. Các cận-vệ của ông cũng phản-ứng tức thì. Tiếng lên đạn súng AR 15 nghe lạnh mình.
BS Lữ-Y nhanh hơn ông trung tá và các cận-vệ của vị nầy nhiều: Ông rút ngay cây Colt trong mình, chĩa ngay đầu vị trung tá rồi lên tiếng:
- ĐM tao là BS Lữ-Y Tổng-trưởng Y-tế đây. Tổng thống Thiệu tao còn đéo ngán, hà huống gì tụi mầy. Thằng nào có ngon thì nhào vô đi .....
(Các đàn anh cho tôi biết : ông vốn là huấn-luyện-viên Thái-Cực-Đạo, và đôi lúc đem theo con "chó lửa" bên mình như hôm ấy).
Có lẽ đã nghe tiếng của Thầy Lữ-Y trước, và nhất là cái chức Tổng-trưởng của ông, nên vị sĩ-quan và đoàn tùy tùng đành ngậm bồ hòn mà về…
VỊ TỔNG TRƯỞNG NÔNG DÂN ĐẤT SA ĐÉC
Năm thứ 4, chúng tôi được phân phối đến bệnh-viện Nguyễn-Văn-Học Gia-Định để được Thầy Lữ-Y dạy về môn Bệnh lý. Nhà trường, vốn đã biết tánh Thầy, nên dặn-dò chúng-tôi phải đến trước 8 giờ sáng. Cả bọn tập họp trước phòng của ông từ 7 giờ sáng mà mãi đến 8.30 chẳng thấy Thầy ở đâu.
Chờ mãi không được, tôi đành đến hỏi một ông "già" đang ngồi gác chân kiểu dân quê trên chiếc ghế đặt trước phòng Thầy. Thật tình có kê súng vào đầu rồi bảo tôi đó là BS Tổng-trưởng tôi cũng đành phải nói không thôi. Ông có vẻ như một nông-dân nhà quê lên chờ khám-bệnh, lại phảng-phất nét đệ-tử "lưu-linh", làm sao tôi "dám" nghĩ đó là Thầy???
Chưa kịp nói hết câu "thưa Bác ...", ông đã "xổ nho" vào mặt tôi:
- ĐM tụi mầy đi đâu mà giờ nầy mới tới? Mới có năm thứ 4 mà như thế nầy thì sau nầy tụi mầy làm cái đéo gì được hả ?
Tôi không tin vào đôi tai của mình nữa.
Cái gì kỳ vậy ta: mình chỉ định hỏi phòng của Thầy Lữ-Y thì cái ông ni nầy chửi đông đổng là cái gì ???
Hay là ông ni nầy "đụng dây điện" ? Dù sao tôi cũng đường đường là một "chuẩn" bác-sĩ, trưởng nhóm sinh-viên, lại là một chuẩn quan Hai Quân Y, chứ bộ "cứt" sao cà ?
Đang chuẩn-bị trả miếng với "ông già quê", thì thời may BS Dương-Minh-Hoàng trưởng phòng đi đến. Như đoán được cái "nóng" của tôi, anh vẫy tay :
- Thôi mấy em tập-họp lên giảng-đường chờ anh chút ...
Và anh quay sang "ông già quê" kính-cẩn :
- Thưa Thầy tại em kẹt cái Lumbar puncture (lấy nước tủy-sống) dưới khu. Xin lỗi Thầy. Để em đưa tụi nó xuống hội-trường chờ Thầy ...
Cha mẹ ơi ! Xém chút nữa là cuộc đời tôi có lẽ đã đổi-hướng ...

VỊ TỔNG TRƯỞNG ĐI TRỊ BỆNH “ĐÁI ĐƯỜNG”
Cái giai-thoại "Đái đường" của Thầy Lữ-Y nghe kể lại như sau : hôm ấy Thầy Lữ-Y đến khám-bệnh cho một bạn thân tại khu Khánh-Hội bùn lầy nước-đọng. Đây là một bạn "nhậu" rất tâm-đắc nên Thầy phải đến tận nhà chữa trị.
Gia-đình người bạn lăng xăng chờ đón BS "Tổng-trưởng", nên chẳng mấy lát thiên-hạ đã ùn ùn đến để "xem mặt" ông Tổng-trưởng. Trong số nầy, thành phần dân nhi-đồng chiếm rất đông. Khám bệnh cho người bạn xong, ông lững thững ra về. Ông vốn có tật là uống bia thay nước. Trong xe lúc nào cũng có sẵn cả lố bia để "chữa lửa".
Khi gần đến chỗ xe đậu, nhu cầu vệ-sinh trong người ông bổng đòi hỏi dữ. Đi ngược về nhà người bạn thì bất tiện, và cũng do cái tính ngang-tàng, bất cần đời, Thầy cứ đứng ngay gốc cây mà ... xả !!! Lũ trẻ hiếu-kỳ được dịp la lên ầm ĩ: "Tụi bây ơi, ra coi ông bác-sĩ đái đường..."
Thầy Lữ-Y chẳng chút ngượng-ngùng, nhăn răng cười với lũ trẻ:
- Coi cái chó gì tụi bây? Bộ bác-sĩ không có "cu" hả?
P/s: một điều đáng tiếc là Page không tài nào tìm ra hình ảnh của BS Lữ Y, thôi thì để tạm hình ảnh tiêm chủng ở Nhà Thương Sa Đéc đầu thể kỷ 20, biết đâu trong số này có Ổng trong đó.
Nguồn tham khảo:

Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2021

SỰ HÌNH THÀNH BỆNH-VIỆN VÌ DÂN

 

Bác Sĩ Phạm Ngọc Tỏa

Bệnh Viện Vì Dân (BVVD) thành lập trên ba mươi năm nay bởi Hội Phụ Nữ Phụng Sự Xã Hội (PNPSXH), Chủ Tịch Hội là Bà Nguyễn Văn Thiệu, với sự trợ giúp của nhiều cơ quan, đoàn thể thiện nguyện, các nhà hảo tâm trong nước và ngoại quốc, các phái bộ quân sự đồng minh, và nhất là phủ Tổng Thống (TT). Một đồng nghiệp sống nhiều năm ở Pháp bảo chúng tôi viết về sự hình thành của bệnh viện này. Vì thời gian đã qua lâu, chúng tôi có thể bỏ sót một vài chi tiết hay bị lầm lẫn, độc giả nào nhận thấy xin cho chúng tôi biết để chúng tôi bổ túc hay đính chánh, chúng tôi xin đa tạ.

Khoảng đầu năm 1969, Đại tá Võ Văn Cầm, Chánh Văn Phòng Phủ Tổng Thống có mời tôi lên nói là Bà Nguyễn Văn Thiệu muốn thành lập một bệnh viện tư làm việc thiện với danh nghĩa Chủ Tịch Hội Phụ Nữ Phụng Sự Xã Hội, ông bà Tổng Thống thấy tôi có kinh nghiệm trong việc thành lập Bệnh Viện Trưng Vương cho Hội Bảo Trợ Gia Đình Binh Sĩ năm 1967, nên muốn tôi tham gia vào việc này. Lúc đó tôi đã giải ngũ được hơn một năm, có ý định xin đi tu nghiệp để về gia nhập ban giảng huấn của YKĐH Saigon. Tôi phân vân vì nghĩ là việc này sẽ kéo dài nhiều năm, bắt đầu từ số không, sẽ gặp nhiều khó khăn về đủ mọi phương diện và đòi hỏi rất nhiều thì giờ, nếu làm đàng hoàng thì không còn thì giờ hành nghề tư, và xong việc có khi bị thay thế, đó là thường tình ở các nước chậm tiến! Nhưng tôi cũng có một ý nghĩ khác là khi mới bước chân vào trường Đại Học Y Khoa Hà Nội năm 1951, đến tập sự tại Bệnh Viện Yersin (Phủ Gioãn) thấy dụng cụ giải phẫu, máy móc cũ kỹ, thiếu thốn do Pháp để lại từ trước Đệ Nhị Thế Chiến, tôi vẫn tâm niệm làm sao cho có được một bệnh viện trang bị đầy đủ để các thầy thuốc làm việc thoải mái, có cơ hội tiến về kỹ thuật, cứu được bệnh nhân đến mức tối đa. Thêm vào đó khi còn học PCB tại Khoa Học Đại Học Hà Nội tôi đã được nghe một lời phê phán nghiêm khắc của một Giáo Sư Pháp, GS P.L., về khả năng của người Việt như sau: “Người Việt Nam chẳng làm được việc gì nên hồn cả”, câu này đã in sâu vào tâm khảm tôi. Ngoài ra BVVD sẽ giúp đỡ nhiều cho bệnh nhân nghèo, đó là ba động cơ thúc đẩy tôi hy sinh thì giờ để nhận việc này.

Một Ủy Ban xây cất được thành lập gồm có:
  • Đại Tá Võ Văn Cầm, Chánh Văn Phòng phủ T T, Chủ Tịch
  • Ô. Nguyễn Đình Xướng, Tổng Thư Ký phủ T T, Ủy viên
  • BS. Phạm Ngọc Tỏa, Bộ Y Tế, Ủy viên
  • Kiến Trúc Sư Nguyễn văn Chuyên, phủ T T, Ủy viên

Ủy ban này thường họp vào buổi trưa hay sau giờ làm việc công sở, tổ chức các buổi hội họp với các bộ Y Tế, Công Chánh và các ban Giám Đốc các bệnh viện tư Saigon, Chợ Lớn (Triều Châu, Sùng Chính v.v…) để học hỏi các kinh nghiệm của họ vào buổi tối. Riêng phần tôi còn phải lo về lập quy chế của bệnh viện, lo trang bị dụng cụ máy móc y khoa, vật dụng văn phòng, tổ chức tiếp liệu, tuyển dụng nhân viên chuyên môn và hành chánh. Tất cả khởi sự từ số không, trong thâm tâm tôi nghĩ là không thể nào khánh thành đợt đầu kịp vào tháng chín 1971 được, thời hạn này do phủ TT ấn định!

• Đặt tên bệnh viện:
Ông Nguyễn Đình Xướng đề nghị nên đặt tên là Bệnh Viện Vì Dân. Phủ TT chấp thuận tên đó.

• Kiếm địa điểm để xây cất:
Sau mấy tháng tìm kiếm mới chọn được lô đất trống ở đường Lý Thái Tổ cũ Chợ Lớn, gần mấy nhà Ủy Hội Quốc Tế Đình Chiến ở, chủ đất là người Trung Hoa vui lòng cho xử dụng một nửa, còn một nửa họ tính xây khách sạn nếu giải tỏa được, và họ hứa sẽ yểm trợ bệnh viện. Lô đất đó hình như dành để xây cất một trường Đại Học Kinh Doanh và Thương mại thì phải, nhưng vì chưa có ngân khoản nên chưa thực hiện được. Thủ tục chưa làm xong, anh em Thương Phế Binh chiếm đất xây nhà lên lô đất đó, đành phải tìm nơi khác. Cũng may sau tìm được ở góc đường Lê Văn Duyệt nối dài và đường Nguyễn Văn Thoại, gần Ngã Tư Bảy Hiềàn, thuộc Gia Định một khu đất bị trưng dụng từ lâu, hiện dùng làm Kho Đạn cho Sư Đoàn Dù, bom đạn được chứa trong những hầm bê tông tường dầy một thước, nóc cũng vậy. Lô đất thuộc quyền sở hữu của nhà Chung. Sau khi được sự chấp thuận giải tỏa của Bộ Quốc Phòng, phải điều đình với nhà Chung. Nhà Chung bằng lòng bán cho Hội PNPSXH khu đất đó khoảng gần 2 mẫu tây với giá tượng trưng một đồng bạc. Có đất rồi phải lo phá các hầm bê-tông bằng cách nổ mìn rồi san bằng. Công tác này làm gãy chân vợ một quân nhân. Người này được bồi thường thỏa đáng.

• Kiến trúc sư vẽ kiểu:
Hội PNPSXH mướn KTS Trần Đình Quyền, vừa tu nghiệp về xây cất bệnh viện ở Hoa Kỳ về, để vẽ kiểu. Tôi phải góp ý về một số chi tiết với KTS. Sau khi sơ đồ được bà Chủ Tịch Hội chấp thuận thì nhà thầu xây cất khởi công. Việc kiểm soát công trường xây cất là của KTS Nguyễn Văn Chuyên. Sau này Đại Tá Võ Văn Cầm có yêu cầu tôi lưu tâm cả về việc này nữa.

• Việc gây quỹ xây cất và điều hành:
Hội PNPSXH chỉ góp phần nhỏ thôi như thỉnh thoảng có tổ chức chợ phiên chẳng hạn, như chợ phiên Đồng Tâm v.v.. Các buổi tiếp tân tại phủ TT để gây quỹ xây cất BVVD mới quyên được nhiều: như mời các nhà tài phiệt gốc Hoa (các ông Trần Thành, Lý Long Thân v.v…), mời các ngân hàng nhân dịp đầu năm. Riêng ngân hàng Việt Nam Thương Tín đang xây cất trụ sở mới còn cho thêm đá cẩm thạch nữa để trang trí bệnh viện. Ngoài ra mỗi vé xi-nê lấy thêm mấy đồng cho BVVD. Trường đua ngựa Phú Thọ thỉnh thoảng tổ chức một cuộc đua đặc biệt để ủng hộ BVVD. Đông Phương Ngân Hàng ứng trước từng đợt hai chục triệu để xây cất. Đồng bào cư ngụ ở Nouvelle Calédonie về thăm Miền Nam cũng ủng hộ một số tiền lớn (hình như là một triệu đồng thì phải) v.v… Tóm lại việc gây quỹ thành công là nhờ ở thế lực của phủ TT. Vì tiền có dư dả nên lúc đầu chỉ định xây 5 tầng lầu cho Khu Điều Trị, sau xây thành bảy tầng.

• Việc trang bị bệnh viện:
Tôi được ủy quyền đi gặp các cơ quan thiện nguyện, các phái bộ quân sự đồng minh để xin viện trợ y cụ và vật dụng. Đầu tiên tôi đến tiếp xúc với phái bộ quân sự Hoa kỳ, tôi được một vị Thiếu Tướng Quân Y tiếp đãi rất nhã nhặn, sau khi nghe tôi trình bày việc xin yểm trợ cho BVVD, ông ta trả lời vấn đề viện trợ ông không rành và kêu một vị Đại tá Hành Chánh Quân Y ra tiếp tôi. Vị này hỏi tôi là định thiết lập một bệnh viện mấy trăm giường, gồm những khoa nào, tôi trả lời chúng tôi có kế hoạch làm một bệnh viện toàn khoa 500 giường, ông bèn tham khảo cuốn sách về bảng cấp số các quân y viện, rồi đưa cho tôi xem nhu cầu trang bị một bệnh viện như vậy gồm có những thứ gì, trong cuốn sách có ghi đầy đủ hết không thiếu một thứ gì. Xong ông ta cho biết là rất tiếc hiện không có chỉ thị nào cho cơ quan của ông viện trợ một bệnh viện tư, nếu làm sai luật các thanh tra của Quốc Hội Mỹ sẽ khiển trách cơ quan ông. Mới ra quân lần đầu đã thất bại, tôi ra về lòng tràn ngập lo âu, thất vọng, vì đồng minh lớn nhất và giàu có nhất từ chối không giúp thì ít hi vọng nơi khác trợ giúp cho mình được gì! Tôi báo cáo cho ĐT Cầm biết và khuyến cáo TT nên biếu cho BVVD một trang bị có giá trị để cho các Mạnh Thường Quân khác noi gương, như châm ngôn “mình tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp mình” (Aide-toi le Ciel t’aidera). Vài bữa sau ĐT Cầm cho tôi biết là TT hỏi nên cho BVVD cái gì, tôi trả lời quý nhất là đồ trang bị cho Khu Quang Tuyến X, vì trang bị này đắt tiền ít người cho nếu có thì có khi là đồ cũ lỗi thời dễ hư hỏng khó bảo trì không xứng đáng với một bệnh viện tối tân. TT chấp thuận lời đề nghị này.

Với các phái bộ đồng minh khác và các cơ quan thiện nguyện thì cuộc vận động của tôi có kết quả như sau:

Phái bộ quân sự Úc và Tân Tây Lan: trang bị cho hai phòng chữa răng và phòng thí nghiệm nha khoa với các dụng cụ đều mới và nhập cảng từ Tây Đức.
Phái bộ quân sự Đại Hàn: bàn ghế mới cho khu Hành Chánh, một xe Hồng Thập Tự kiểu mới, và toàn bộ một nhà máy giặt cũ giao cho BVVD khi Sư đoàn của họ rút khỏi Việt Nam (nhà máy này giặt quần áo cho quân số một Sư Đoàn do ĐT Cầm điều dình xin được)
Trung Hoa Quốc gia (Đài Loan): một xe HTT mới
Cơ quan UNICEF: trang bị cho khu Nhi Khoa khoảng 100 giường bệnh trẻ em, 20 lồng ấp (couveuses) cho trẻ sơ sinh thiếu tháng, dụng cụ cho Nhi khoa và Sản Phụ Khoa.
Hội Việt Hoa Thân Hữu Hương Cảng: trang bị cho phòng cấp cứu tim mạch gồm 4 máy điện tâm ký (electrocardiographe) cho 4 giường bệnh, mỗi máy được nối với một máy điện tâm ký trung ương đặt trong phòng y tá trực ở phòng kế bên để theo dõi 4 bệnh nhân, khi có một bệnh nhân trở bệnh nặng thì y tá trực làm ngay điệân tâm đồ ở máy trung ương và kêu Bác sĩ ngay.
Hãng Schimadzu (sản xuất máy quang tuyến X) và ngân hàng Sumitomo: trang bị cho một phòng mổ đặc biệt có máy quang tuyến X giúp Bác sĩ nhìn rõ chỗ phải chẩn đoán qua màn truyền hình của máy quang tuyến X rồi mổ. Nếu muốn chụp phim ngay lúc đó để lưu trữ cũng được. Thật là tiện lợi và nhanh chóng cho các trường hợp giải phẫãu chỉnh hình, hay mổ lấy đạn v.v…
Hãng Roussel Vietnam: trang bị cho phòng thí nghiệm máy chụp quang phổ (spectrophotometre)v.v…

Tất cả các tặng phẩm nhận được chúng tôi đều gắn danh hiệu của quốc gia, cơ quan hay cá nhân đã tặng cho BVVD. Một số vật dụng như dụng cụ vật lý trị liệu thì BVVD bỏ tiền ra mua.

Riêng việc trang bị Khu Quang Tuyến X (do TT tặng) định đặt mua của hãng CGR Pháp rồi hãng Phillips Hòa Lan đều không được, họ trả lời không đủ thời gian để giao hàng trước tháng chín năm 1971 được, vì đơn đặt hàng của hãng họ quá nhiều rồị. Thế là đầu 1971, ĐT Cầm cử tôi đi Nhật với lời dặn phải làm sao mua cho bằng được đồ trang bị cho Khu Quang tuyến X và ráp xong trước tháng chín 1971, đúng là làm việc theo lối nhà binh (système D). Tôi tiếp xúc với hãng Schimadzu là hãng sản xuất lớn nhất máy móc quang tuyến X ở Nhật. Nhà máy tọa lạc ở Osaka, khởi thủy chỉ là một nhà nhỏ lợp mái tranh, thành lập một năm sau khi nhà bác học Đức Rontgen tìm ra được tia X hồi cuối thế kỷ thứ 19. Bây giờ nhà máy choán một diện tích lớn như một thành phố và sản xuất cả nhiều bộ phận điện tử cho hãng Boeing Mỹ, sản xuất máy quang tuyến chỉ chiếm một khu thôi. Sau khi xem nhà máy, họ dẫn tôi gập vị Giám đốc kỹ thuật để cho biết nhu cầu của BVVD, và sơ đồ của khu Quang Tuyến X. Đại cương khu này có 4 phòng vây quanh một trung tâm điều khiển máy móc, đó là nơi làm việc của Bác sĩ và chuyên viên, tường của trung tâm này làm bằng kính cản tia X để có thể nhìn sang các phòng khác, tường của các phòng này bằng bê-tông dầy 25cm, đủ cản tia X. Về máy móc thì dự trù như sau:

phòng số 1: một máy hoàn toàn tự động, có máy truyền hình, chuyên viên điều khiển máy ngồi tại phòng điều khiển và liên lạc với bệnh nhân qua một hệ thống âm thanh, trong phòng này có máy truyền hình liên hệ với máy quang tuyến X ở phòng số 1.
phòng số 2: trang bị một máy bán tự động, có máy truyền hình
phòng số 3: trang bị một máy chụp X-quang cắt lớp (tomographie)
phòng số 4: trang bị một máy chụp phổi phim nhỏ.

Sau khi biết nhu cầu của BVVD, ông Giám Đốc Kỹ Thuật trả lời ngay là vì có nhiều đơn đặt hàng quá từ trước rồi, không thể giao hàng kịp thời hạn ấn định. Tôi đã thất vọng, nhưng vẫn bình tĩnh cố níu kéo ông ta, cho ông ta biết là BVVD là một bệnh viện làm việc thiện, tối tân nhất Đông Nam Á, khi khánh thành sẽ có mặt toàn thể ngoại giao đoàn, nếu ông cố gắng giúp chúng tôi, đó là một dịp chúng tôi quảng cáo không công cho hãng của ông, nhất là máy phòng số 1 là kiểu mới nhất của loại này như ông nói, chúng tôi lại là người đầu tiên đặt mua. Sau một lúc suy nghĩ ông ta trả lời sẽ ráng thu xếp công việc, để ưu tiên cung cấp cho BVVD kịp ngày khánh thành. Giá cả là 220.000 đô la, phải đặt trước 20.000 đô la sau một tháng, hai tháng sau sẽ nhận được hàng, kỹ sư sẽ tới ráp ngay khi hàng tới. Thế là tôi yên tâm về Saigon.

Hãng Schimadzu gửi ngay một kỹ sư đến BVVD xem vị trí xây cất của khu Quang Tuyến X, lúc đó khu này đã xây cất xong ở tầng 1 Khu Ngoại Chẩn. Mọi chi tiết đều được cả, trừ một điểm là các máy sẽ được đặt lên một tấm thép dầy mấy phân để cản tia X không đi xuống tầng trệt, nên phải phá một khúc tường của tầng 1 để câu các tấm thép này lên.

Khi các máy móc về đủ , hãng Schimadzu cử 3 kỹ sư tới làm việc: một chuyên về máy phát tia X, một chuyên về điện và một chuyên về máy truyền hình. Họ bắt tay ngay vào việc ráp máy. Tôi gửi họ 3 chuyên viên về quang tuyến X để phụ tá cho họ và nhờ họ huấn luyện luôn trong lúc làm việc để những người này biết điều khiển các máy sau khi ráp xong. Ngày 3/9/71 họ hoàn tất công việc sau hai tháng trời làm việc cực nhọc. Ngày hôm sau là ngày khánh thành BVVD đợt đầu (khu Ngoại Chẩn).

Sau này hãng Schimadzu cho tôi biết tính ra còn dư 20.000 đô la, xin tôi quyết định, tôi đề nghị cung cấp cho một máy rửa phim tự động, còn dư tiền thì dùng hết vào việc mua phim và các hóa chất xử dụng cho việc rửa phim.

• Quy chế và tuyển dụng nhân viên:
BVVD là một bệnh viện tư thuộc Hội PNPSXH dành 25% sô’ giường cho bệnh nhân nghèo (gia đình tiểu công chức, gia đình hạ sĩ quan và binh sĩ, gia đình nghèo có giấy chứng nhận của khu phố) được giảm phí hay miễn phí tùy trường hợp do sự cứu xét và quyết định của Ban Xã Hội hàng ngày tới BVVD làm việc. Bệnh nhân nghèo được săn sóc, ăn uống như bệnh nhân hạng trả tiền, chỉ có khác là hưởng thuốc miễn phí do Bộ Y Tế hay các tổ chức thiện nguyện cho và nằm phòng 4 giường.

Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị (HDQT) là Chủ Tịch Hội PNPSXH tức là bà Nguyễn Văn Thiệu, các thành viên của HDQT đều là hội viên của Hội .

Giám Đốc bệnh viện có hai Phụ tá: một Phụ tá Kỹ Thuật (Bác sĩ Lê Phước Thiện) và một Phụ tá Hành Chánh (Trung tá Hành chánh Quân Y Phạm văn Sinh).

Các nhân viên chuyên môn như Bác sĩ , Dược sĩ, Nha sĩ, Nữ Hộ Sinh, Chuyên Viên Gây Mê, Chuyên viên Quang Tuyến X, Chuyên viên Phòng Thí Nghiệm, Y tá và Tá Viên Điều Dưỡng trong giai đoạn đầu xin Bộ Y Tế và Cục Quân Y biệt phái. Ngoài lương bổng do cơ quan gốc đài thọ, họ được hưởng thêm một phụ cấp do Hội PNPSXH đài thọ. Các Giáo Sư, Giảng Sư Đại Học Y khoa có thể gửi bệnh nhân của mình tới nằm BVVD để điều trị dưới sự săn sóc của họ.

Trong thời kỳ đang xây cất, BVVD có nhờ Bộ Y Tế huấn luyện cho một khóa Tá Viên Điều Dưỡng, chương trình một năm, học viên là những cô nhi quả phụ quân nhân có bằng Trung Học Đệ Nhất cấp, do BVVD tuyển dụng. Trong tương lai BVVD sẽ thành lập một trường Cán Sự Điều Dưỡng, chương trình học ba năm và tuyển dụng các cô nhi, quả phụ quân nhân có bằng tú tài cho đi học để làm nhân viên cốt cán cho bệnh viện. Tầng thứ bảy của Khu Điều Trị sẽ xây cất nhiều phòng để làm lớp học, và một thính đường lớn 500 chỗ dùng làm nơi hội nghị. Trên nóc Khu này có bãi đáp trực thăng để nhận bệnh nhân cần cấp cứu từ các nơi khác đưa tới, có thang máy đưa ngay xuống phòng mổ hay khu cấp cứu ở các tầng dưới.

Chúng tôi phải tuyển dụng khoảng 400 nhân viên đủ các loại: chuyên môn, hành chánh, y công, thợ thuyền v.v… (nếu bệnh viện hoạt động với 400 giường thì trung bình mỗi giường bệnh có một nhân viên). Sau khi họ đã được xét là đủ tiêu chuẩn thì được nhận việc tạm thời, đợi kết quả điều tra của An Ninh Quân Đội , nếu không có hoạt động cho Việt Cộng thì được tuyển dụng chính thức.

• Tiếp liệu :
Vì các nguồn cung cấp vật dụng, y cụ, thuốc men rất phức tạp, đa nguyên, nên chúng tôi áp dụng kế toán sổ sách, phiếu xuất nhập theo kiểu Hoa Kỳ như ở các đơn vị Quân Y QLVNCH, để dễ kiểm soát bất thần, bất cứ lúc nào cũng có thể biết rõ số lượng tồn kho, biết rõ các nơi đã được phân phối của mỗi món hàng. Theo hệ thống tiếp liệu này ngay từ đầu, việc quản trị vật dụng không có khó khăn gì cả.

Riêng về dược phòng phải làm 2 phòng riêng biệt:
1/ Phòng thuốc miễn phí: quản trị các thuốc men do Bộ Y Tế, các cơ quan thiện nguyện cung cấp để phát miễn phí cho các bệnh nhân nghèo.
2/ Phòng thuốc trả tiền: cho các bệnh nhân nằm hạng trả tiền , thuốc do các Bác Sĩ Điều Trị kê toa và các Hãng Bào Chế OPV, Trang Hai và Tenamyd cung cấp, nếu các hãng này không đủ món nào thì BVVD có thể mua ở ngoài theo giá thị trường. Đây là quyết định của HĐQT. Đầu tiên chúng tôi có đề nghị cho đấu thầu phòng thuốc thứ hai này, nhưng không được HĐQT chấp thuận.

• Khánh thành BVVD:
Ngày 4/9/1971 TT đến cắt băng khánh thành khu Ngoại Chẩn BVVD do Hội PNPSXH mời. Quan khách có Ngoại Giao Đoàn, các Phái Bộ Quân Sự Đồng Minh, các Tổng Bộ Trưởng, các vị Đại Diện Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp, các cơ quan thiện nguyện, các nhà hảo tâm, các thân hào nhân sĩ v.v… Đại Sứ Mỹ Bunker cũng tới dự.

Bà Chủ Tịch đọc diễn văn trình bày mục tiêu của BVVD, diễn tiến việc thành lập xây cất bệnh viện và cảm ơn các Phái Bộ Quân Sự Đồng Minh, các cơ quan thiện nguyện, các nhà hảo tâm trong nước và ngoại quốc đã giúp nhiều trong việc trang bị và xây cất BVVD, những tặng phẩm như xe cộ vật dụng máy móc gì đều kể ra hết, lẽ dĩ nhiên là không nói tới Phái Bộ Quân Sự Hoa Kỳ vì không có tặng phẩm nào cả.

Khu Ngoại Chẩn có hai tầng, hình chữ L, một phần chạy song song với đường Lê Văn Duyệt nối dài, phần kia song song với đường Nguyễn văn Thoại , Gia Định. Ngoài một số phòng dùng để khám bệnh: Ngoại khoa, Nội khoa, Sản Phụ khoa, Nhi khoa, Tai Mũi Họng, Nhãn khoa, Bệnh Tiêu Hóa, Bệnh Phổi v. v., phòng phát thuốc, phòng băng bó, ở tầng trệt còn phòng Vật Lý Trị Liệu, tiếp giáp vơi Khu Cấp Cứu. Trên tầng 1 là khu Nha Khoa với hai phòng khám và chữa răng, và phòng làm răng giả, kế bên là Phòng Thí nghiệm của Bệnh Viện, tiếp theo là khu Quang Tuyến X, rồi tới tám phòng mổ và phòng Hồi Sinh.

Sau bài diễn văn của Bà Chủ Tịch , quan khách được hướng dẫn đi thăm bệnh viện. Hôm đó quan khách đều chú ý tới khu Quang Tuyến X, các máy móc đều do Kỹ sư Nhật trình bày và cho chạy thử. Buổi tiếp tân kéo dài đến quá trưa mới chấm dứt.

• Sau khi khánh thành:
Khoảng hơn hai giờ chiều, tôi đang ngồi nghỉ ở trong văn phòng thì có hai người Mỹ của phái bộ viện trợ Hoa Kỳ USAID xin gặp tôi. Một người là quan chức hành chánh và một người là Thiếu Tướng Quân Y Hải Quân hồi hưu tên là Iron. Hai người cho biết là nếu BVVD cần gì sẽ viện trợ cho. Tôi bèn hỏi họ sao trước chúng tôi xin viện trợ thì không được giúp. Họ trả lời bây giờ tình thế đã thay đổi: Hiện nay Việt Nam Hóa chiến tranh, Quân Đội Mỹ rút khỏi Việt Nam, nên có thể giúp cho BVVD các dụng cụ của Quân Y Hoa Kỳ.

Chúng tôi xin được vài chiếc xe vận tải để chuyên chở vật dụng cho bệnh viện, mấy trăm giường bệnh đủ trang bị cho mấy tầng lầu đang xây cất, các máy móc dụng cụ trang bị đầy đủ cho một phòng thí nghiệm và nhất là ba máy phát điện 250 KW để làm một nhà máy điện nhỏ đủ cung cấp điện cho những nơi quan trọng như các khu Cấp Cứu, Giải Phẫu, Hồi Sinh, Quang Tuyến X và Thí Nghiệm khi điện thành phố bị cắt.

Chúng tôi cho thực hiện ngay một phòng bảo trì để sơn phết lại các giường bệnh và vật dụng nhận được, sơn luôn cả phù hiệu hai bàn tay nắm chặt cùng với quốc kỳ Mỹ-Việt như trên các hàng viện trợ Mỹ cho dân chúng. Sau mỗi lần nhận hàng và tân trang lại thì sắp đặt vào các nơi sẽ xử dụng, chúng tôi mời B.S. Iron lại xem để ông biết là hàng không bị thất thoát.

Sau này B.S. Iron tín nhiệm BVVD, cho luôn cả những vật dụng dành cho bệnh viện thực tập tương lai của Y Khoa Đại Học, vì chờ mãi không có ngân khoản để xây cất bệnh viện này! Ngoài ra BVVD có xuất tiền ra mua một số giường có máy điện tự động thay đổi tư thế nằm cho bệnh nhân để trang bị cho một số phòng một giường. Bệnh viện chỉ có ba loại phòng: hạng một giường, hạng hai giường và hạng bốn giường.

 Nhận bệnh nằm điều trị :
Khi đã có tạm đủ đồ trang bị và xây cất gần xong, chúng tôi bắt đầu nhận bệnh nhân nằm điều trị. Trước đó chúng tôi xin Cục Quân Y biệt phái cho một số bác sĩ chuyên môn làm nòng cốt. Các vị này thường quá 15 năm quân vụ, nhưng vì chiến tranh triền miên họ chưa được giải ngũ. Danh sách dưới đây có thể thiếu sót vì đã trên ba mươi năm rồi, xin lỗi đồng nghiệp nào mà chúng tôi quên không ghi tên:

Y Sĩ Đại Tá Lưu Thế Tế, chuyên khoa tim mạch
Y Sĩ Đại Tá Nguyễn Quang Huấn, giải phẫu ung thư, thường trú ở ngay trong BVVD
Y Sĩ Trung Tá Lê Thế Linh, giải phẫu chỉnh hình
Y Sĩ Trung Tá Trịnh Cao Hải, giải phẫu chỉnh hình
Y Sĩ Trung Tá Phạm Hữu Phước, giải phẫu thần kinh
Y Sĩ Trung Tá Trần văn Khoan, giải phẫu tổng quát
Y Sĩ Trung Tá Hồ Hữu Hưng , nhãn khoa
Y Sĩ Trung Tá Nguyễn Thế Huy, Tai Mũi Họng
Y Sĩ Trung Tá Vũ Ban, Quang Tuyến X
Các vị trên đây có nhiều kinh nghiệm chuyên môn và từng đã đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ, ngoài ra một số bác sĩ vẫn làm việc trong ngành Quân Y nhưng giúp BVVD ngoài giờ làm việc như các B.S. Cao Xuân An (bệnh lý học), B.S. Đặng Như Tây (Vi Trùng Học), B.S. Bạch Toàn Vinh (Vi Trùng Học), Ngô Tôn Liên (Gây Mê , Hồi Sức)

Bộ Y Tế biệt phái cho BVVD:
B.S. Phạm Ngọc Tỏa, Giám Đốc, Sản Phu. Khoa, năm 1972 có đi tu nghiệp tại Singapore về giải phẫu triệt sản qua âm đạo (sterilisation par voie culdoscopique) do Ford Foundation tổ chức, mang về cho BVVD một bộ đồ giải phẫu theo thủ thuật này, do Ford Foundation tặng.
Nha Sĩ : Bà Nguyễn đình Hiệu, Cô Võ thi Văn (?)

Các đồng nghiệp trong Ban Giảng Huấn của Y Khoa Đại Học Saigon cộng tác với BVVD có:
G.S. Trần Kiêm Thục , Bệnh Tiêu Hóa
G.S. Trần Hữu Chí, Bệnh Phổi
G.S. Bùi Thị Nga, Nhi Khoa
G.S. Nguyễn Bích Tuyết, Sản Phụ Khoa
G.S. Vũ Thiện Phương, Sản Phụ Khoa
G.S. Trương Minh Ký, Tai Mũi Họng

BVVD có tuyển dụng:
B.S. Nguyễn Xuân Xương, Nội Khoa và tim mạch
Bà Nguyễn Gia Kiểng, B.S chuyên về Huyết học mới ở Pháp về
Dược sĩ Nguyễn Thị Dung, coi Dược Phòng
Dược sĩ Tôn Nữ Duy Thạnh, Phòng Thí Nghiệm (Hóa Học)

Ngoài ra còn một số quân y sĩ chuyên làm việc trực ngoài giờ làm việc của công sở.
Tóm lại có gần ba chục Y Nha Dược sĩ tham gia vào việc điều hành chuyên môn trong giai đoạn đầu.

Các y công được huấn luyện xử dụng máy móc lau chùi nhà cửa luôn luôn sạch sẽ chẳng kém gì các bệnh viện ngoại quốc. Hồi đó Việt Cộng thường kiểm soát các khu rừng ở miền Nam, sách nhiễu các người khai thác nên gỗ rất đắt, do đó tất cả các cửa đều làm bằng alumimium nhập cảng từ bên Nhật, vừa đẹp, vừa bền lại dễ bảo trì.

Vấn đề thực phẩm cho bệnh nhân lúc đầu do chủ nhân nhà hàng Đồng Khánh ở Chợ Lớn và Lê Lai ở Saigon cung cấp. Tôi thấy thức ăn phẩm lượng rất kém, lại không hợp vệ sinh, nên đề nghị HĐQT tìm nhà cung cấp khác vì thực phẩm bổ túc cho việc điều trị và cần cho việc phục hồi sức khỏe của bệnh nhân. HĐQT đồng ý, bèn cử hội viên ra đảm nhiệm việc nấu ăn cho bệnh nhân, nên sau này thức ăn rất tinh khiết ngon lành.

Trong giai doạn đầu khi các giường bệnh hạng trả tiền chưa choán hết, lại cho miễn phí, giảm phí rất nhiều, để giữ cho bệnh viện ở mức độ cao việc bảo trì rất tốn kém, đó là nguyên nhân lỗ vốn của giai đoạn này.

Một vài thân chủ đặc biệt là: vợ một Tham vụ Ngoại giao Mỹ nhờ một Bác Sĩ Quân Y Mỹ đỡ đẻ tại BVVD, trả giá đặc biệt; con Bà Chủ tịch HĐQT mổ cesarienne ở BVVD, khi ra về Bà Chủ Tịch tặng cho Quỹ Xã Hội một số tiền rất lớn; hãng Air America nhờ BVVD săn sóc sức khỏe cho nhân viên của hãng.

• Vài sự kiện đáng ghi nhớ:
1/ Trường Y Khoa Đại Học Minh Đức muốn xin HĐQT cho sinh viên đến tập sự HĐQT hỏi ý kiến chúng tôi, chúng tôi trình bày muốn thu hút nhiều bệnh nhân hạng trả tiền để quân bình ngân sách nên tránh thâu nhận sinh viên y đến tập sự. Sau này nên mở các lớp chuyên khoa cho các Bác sĩ đã ra trường, muốn theo chương trình thường trú (resident) dự trù sẽ được tổ chức tại BVVD với sự cộng tác của các trường Đại Học Âu Mỹ. BVVD đã dự trù xây cất các phòng ở cho các B.S. thường trú tương lai. Như vậy họ vừa được huấn luyện tại chỗ các chuyên khoa, sau rồi ở lại làm việc tại VN, đỡ thất thoát chất xám. Ngược lại các trường Y khoa Đại Học ngoại quốc có dịp cử Giáo Sư đến VN dạy học, có thể nghiên cứu thêm bệnh lý đặc biệt của người Việt. Đề nghị này đươc chấp thuận.

2/ Có một phái đoàn Bác Sĩ Mỹ sang VN để giải phẫu tim (hình như là thuộc trường Đại Học Loma Linda thì phải) cho bệnh nhân VN. Xong việc họ mới biết Saigon có BVVD, họ đến thăm và không ngờ có một cơ sở tốt như vậy. Họ hứa lần sau sẽ đến mổ tại BVVD, rồi để lại cho bệnh viện các dụng cụ giải phẫu tim

3/ Trong đầu thập niên 70 Pháp tái lập bang giao với VN, muốn tân trang lại BV Grall, cử một phái đoàn của bộ Y Tế Pha’p trong đó có một Giáo Sư Đại Học Y Khoa, một ky õsư Bách Khoa. Ông Giám Đốc BV Grall điện thoại cho tôi xin phép cho phái đoàn đến thăm BVVD. Tôi dẫn họ xem các phòng ốc, đồ trang bị và trình bày diễn tiến của việc thành lập BVVD. Khi ra về họ nói không ngờ trong nước còn đang có chiến tranh mà đã làm được một cơ sở quá tốt như thế này.

4/ Khoảng năm 1973 bà Chủ Tịch HDQT có hỏi tôi: BVVD nên có một cái gì khác các bệnh viện khác. Tôi trả lời quý bà là Hội PNPSXH thì nên giúp cho phụ nữ VN, mà phụ nữ thì hay bị ung thư, hiện nay Viện Ung Thư Quốc Gia được Cơ Quan Y Tế Quốc Tế (OMS) viện trợ cho một bom Cobalt để trị liệu, nhưng không có ngân khoản để xây cất chỗ chứa và cơ sở tiếp bệnh nhân. Nếu bây giờ mình có khả năng xây cất nhanh chóng thì nên mở thêm khu điều trị ung thư. Đúng vào thời điểm đó một Bác Sĩ kiêm Kiến Trúc Sư chuyên về xây cất bệnh viện, làm việc cho OMS, lại thăm BVVD thấy còn nhiều đất trống, ông ta hỏi sao không xử dụng bỏ phí quá. Tôi có kể lại với ông là đang dự trù làm cơ sở dùng bom Cobalt trị liệu ung thư. Ông ta sốt sắng xung phong vẽ kiểu cho và hứa sẽ tìm người viện trợ trái bom này. Ít lâu sau tôi rời khỏi BVVD, nghe đâu ông ta đã vận động xin Hoàng Gia Đan Mạch viện trợ cho thì phải.

Khoảng tháng mười 1974 ĐT Cầm nói với tôi Ủy Ban Xây Cất chấm dứt nhiệm vụ vì việc xây cất đã xong. Tôi nghĩ mình làm việc gần năm năm rồi từ trước khi kiếm được địa điểm xây cất, nay đã hoàn thành việc tổ chức, trang bị và điều hành giai đoạn đầu, mỗi ngày làm việc trung bình 9, 10 giờ, nên tôi đệ đơn xin trở về Bộ Y Tế. Tôi phải chờ hơn hai tháng, đến 31/12/1974 HĐQT mới tìm được người thay thế: đó là Giáo Sư Đặng Văn Chiếu, cựu Khoa Trưởng Y Khoa Đại Học Saigon. Có sự thay đổi trong Sơ Đồ Tổ Chức BVVD: Dược Sĩ Nguyễn Thị Hai được Hội PNPSXH cử ra làm Giám Đốc BVVD, G.S. Đặng Văn Chiếu làm Giám Đốc Kỹ Thuật và Dược Sĩ Nguyễn Tiến Đức, có bằng Cao Học Y Tế Công Cộng Mỹ (MPH), làm Giám Đốc Hành Chánh.

Ngày 21/4/1975 TT Nguyễn Văn Thiệu trao quyền cho Phó TT Trần văn Hương. Ngày 22/4/1975 bà Nguyễn Văn Thiệu trao BVVD cho Bộ Y Tế. Ngày 30/4/1975 Cộng Sản cưỡng chiếm Saigon, BVVD được chúng đổi tên là Bệnh Viện Thống Nhất (BVTN). Như vậy danh hiệu BVVD sống được 3 năm 7 tháng 26 ngày tính từ ngày khánh thành đến 30/4/1975, trong thời gian đó tôi phục vụ được 3 năm 3 tháng.

• Vài hàng về BVTN:
Khi tiếp thu, theo lời các nhân viên cấp nhỏ còn được ở lại làm việc, thì CS vào ở bừa bãi trong bệnh viện, thấy phòng Thí Nghiệm luôn luôn cho chạy máy điều hòa không khí, họ chỉ trích tư bản phung phí tiền của nhân dân, họ đâu có biết trong đó có nhiều máy móc điện tử cần lúc nào cũng phải điều hòa không khí. Họ lạm dụng thang máy, những thang máy để chuyên chở một giường bệnh lớn hay hơn 10 người, họ xử dụng bừa bãi. Cuối tháng tiền điện tăng lên quá cao, họ la lối có địch phá hoại, phải điều tra! Thật là “Ngọc để Ngâu vầy”, không biết vật dụng có mất mát gì không hoặc có bảo trì đúng mức không ! Có một đồng nghiệp nghe người nhà cũng ở trong ngành y ở lại làm việc ở miền Bắc kể lại trong thời chiến miền Bắc có được một nước bạn Đông Âu viện trợ cho toàn bộ đồ trang bị một bệnh viện nhỏ, sau vài tháng đến thăm vật dụng bị mất cắp gần hết!

Sau 30/04/1975 trong vài tháng đầu, để mị dân BVTN nhận tất cả mọi người vào nằm điều trị. Được vài tháng, họ tuyên bố BVTN chỉ thâu nhận đảng viên và cán bộ cao cấp, cán bộ trung cấp thì được nằm ở BV Trưng Vương, còn nhân dân thì nằm BV Bình Dân. Thật là phân chia giai cấp rõ ràng, đến nỗi một cán bộ nhỏ không được nằm BVTN phải than rằng: “Thời Thiệu Kỳ ai muốn nằm BVVD cũng được, bây giờ BVTN chỉ dành cho mấy ông lớn!”. Thê’ mới biết: BVVD thì lo điều trị cho Dân, còn BVTN chỉ lo phục vụ cho Đảng!”

Sau mấy tuần họ tưởng là đã học hết công việc điều hành của bệnh viện rồi , nên họ chỉ giữ lại các y công, còn thuyên chuyển đi nơi khác tất cả các nhân viên trung cấp như một số y tá phải đổi lên nhà thương điên Biên Hòa, trong số đó có một nữ chuyên viên Gây Mê Hồi Sức rất giỏi ! Vì họ chú trọng “Hồng hơn chuyên”, nên chính những cán bộ cao cấp nằm điều trị tại BVTN, tuy nằm ở đó, mà không tin tưởng vào B.S. của họ, nên vẫn tìm B.S. “ngụy” để chữa trị!

Kết luận :

Trong thời Đệ Nhị Cộng Hòa, chiến cuộc gia tăng mạnh mẽ, BVVD ra đời nhờ sự cố gắng của trong nước và sự yểm trợ của các nước đồng minh, các cơ quan thiện nguyện và các vị hảo tâm trong và ngoài nước để bù đắp một phần nào sự thiếu thốn một hệ thống An Sinh Xã Hội (Securité Sociale). Ở thời điểm đó BVVD tương đối đầy đủ nhưng chưa thể so sánh được với các bệnh viện tối tân hiện đại của các nước Âu Mỹ ngày nay. Riêng phần tôi vì muốn làm việc xã hội mà không làm chính trị và muốn thực hiện những gì mình ấp ủ từ lâu nên đã nắm lấy cơ hội để thử sức mình. Kết quả: mang tiếng chạy theo chế độ và mất hết thân chủ phòng mạch tư, nên bị bà xã trách móc cho đến tận bây giờ!!!

Thứ Ba, 5 tháng 10, 2021

Niềm vui và nỗi buồn của tôi

 Các bạn vàng thân mến,

   Hôm nay ngồi đây,viết cho các bạn mà lòng rộn lên một niềm vui khôn tả nhưng vẫn còn vương một nỗi buồn không biết có phai nhạt theo thời gian hay không.
   Thôi thì cứ chia sẽ niềm vui đi để niềm vui của tôi được nhân đôi.Và nỗi buồn của tôi sẽ được vơi đi phân nửa,nếu nó được chia sẽ cùng các bạn.
  1. Niềm vui thứ nhất:
     Saigon mở cửa,số ca nhiểm giảm liên tục và số tử vong thấp chưa từng thấy (hôm qua 93 ca,trước đây trung bình 300 ca/ngày, và có khi lên trên 450 ca/ngày).
  2. Niềm vui thứ hai:
    Đã đưa đươc nhiều người thoát lưởi hái tử thần Covid với sự miệt mài không biết mệt mòi của tôi trong thời gian vừa qua.Có thể nói trong một thời gian dài,tôi đã " ăn Covid,ngủ Covid".Quá đau buồn và bức xúc trước những cái chết(mà tôi cho là oan)của xóm giềng,của những người bạn mà tôi rất yêu mến,tôi cứ ngồi mày mò nghiên cứu về bệnh Covid,cách điều trị trên TG .Tôi đăt ra mục đích:sẽ không để những người có TC trung bình hoặc nặng đi BV nữa vì hầu như tất cả những người tôi quen biết,đều trở về bằng nắm tro tàn.
  Sự khó nhọc cùng với quyết tâm của tôi đã được đền đáp.Vài chục người do tôi điều tri,trong đó có toàn thể gia đình của một bà láng giềng rất thân với bà xả tôi,(có lần tôi có nói với các bạn bà đang thở máy"), có toàn thể gđ sát bên nhà tôi có 3 anh em chết cùng một lúc sau khi tiêm AZ mũi 1, có gđ thằng em ruột bà xả(thẳng thứ 7, bà xả tôi thư 5)  v v...
   Các bạn có nhớ có lần tôi post lên forum Phác Đồ Điều Trị Covid của BYt VN mà tôi cho là không thấy  thuốc gì cả.Vì lúc đó BYT không sử dụng thuốc Antiviral (dó là lý do chết khủng khiếp tại SG)
   Các bạn biết tôi làm sao không.Sau khi NC rất nhiều tài liệu trên khắp TG,tôi sử dụng 2 phác đồ tùy theo trường hợp.PĐĐT thứ nhất:Hydroxychloroquine và Azithromycine liều lượng y chang của Gs Raoult.PĐĐT thứ 2 tôi dùng Ivermectine + AZ hoặc Tetracycline (tôi ko dùng một mình Ivermectine như FLCCC vì invermectine liều cao và sử dụng tới 5 ngày dể xảy ra tác dụng phụ).Tôi thích dùng HCQ+AZ vì công thức đã được GS Raoult hệ thống hóa,trong khi xử dụng Ivermectine thì tùy theo rất nhiều công trình NC,không biết cái nào là chắc ăn.Ngoài các thuốc chính tôi cho thêm prednisone hoặc Medrol,thuốc chống đông heparine uông(langitax,,Xarelto...),vit C,D3,Zinc...Mấy bn khó thở (họ đều có máy đo Sp02,giá mổi cái chỉ 2,3 trăm ngàn đồng): khi Sp02 khoảng 93 tôi cho họ thở O2(mổi quận phường đều có chổ lo chuyện nầy)
    BYT không cho sử dụng HCQ hoặc Ivermectine vì theo khuyến cáo của WHO.Tôi còn lâu mới tin các nhà khoa học toàn nói theo chính trị hoặc bè phái.Mấy chục người tôi điều trị bằng HCQ chưa thấy có troubles cardiaques nào cả (cả nhưng người HTA,ischemie cardiaque v v)
   Các bạn cũng biết,tôi đã cứu rất nhiều đứa trẻ,đưa chúng về với những người thân yêu của chúng,và tôi cũng đã nhận được không biết bao nhiêu là lòng biết ơn,làm tôi vui và hảnh diện về mình.Nhưng niềm vui đó tôi có được là nhờ tôi có trong tay điều kiện,phương tiện đầy đủ để làm nhiệm vụ bình thường của một Bs điều trị tại môt Bv lớn.Còn bây giờ tôi chẳng có gì  nhưng tôi đã làm được những gì mình tự hứa với lòng.Có vui không các bạn.
 3. Niềm vui thứ ba:
   Các bạn đã dành cho tôi nhiều niềm ưu ái,nhưng chưa bao giờ nó rỏ ràng như ngày hôm nay.Tôi chỉ nói một chút về tình cảnh của gia đình tôi để lột mặt nạ CQ chuyên môn nói một đàng làm một nẻo, nhưng ai nấy cũng đều lo giúp đở gia đình tôi. Có gì hạnh phúc hơn không các bạn?
   Còn Nỗi Buồn xin hẹn thư sau
   Chúc các bạn luôn bình an,hạnh phúc
   Thân
  VZ(tôi lại đổi NN)

Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2021

TÁM TỐT BỤNG

 Nhỏ vẫn nhớ như in cái ngày gặp mặt bạn bè ở Saigon, sau mấy chục năm xa cách.  Ở cái tiệm ăn nằm kế bên phòng khám Trọng Nghĩa, nơi mà 7 ngày một tuần, từ sáng sớm đến chập tối KM đến ngồi để câu cá. KM bằng xương bằng thịt hẳn hoi chứ không phải là  Lã Vọng câu cá của truyện Tàu xa xưa đâu nhé!

     Vẫn nhớ ...bánh dầy, chả quế Tuấn Voi đem đến. Một Tuấn Voi hầu kỳ, oai hùng giương cao lá quân kỳ năm xưa. Nay thì hết giương nổi cái gì hết, chỉ còn chống gậy cho từng bước khập khiễng. Ôi thời gian, sao mi bạc bẽo thế!
Thời gian không chỉ xói mòn thể xác mà còn làm phai mờ trí nhớ nữa. Không phải sao? Bởi vì hỏi Khanh Điệu có nhớ em Quỳnh, em Nguyệt không? thì Khanh Điệu cười bẽn lẽn:” Ồ sao cậu còn nhớ mấy cô này, hôm nay cậu nhắc tớ mới nhớ đấy”. Trời ơi tội nhỏ quá Khanh ơi! Thế là nhỏ phải kể chuyện cũ để may ra kích động được trí nhớ của chàng. Chuyện này làm nhỏ xấc bấc xang bang bao nhiêu năm đấy! Chuyện như thế này:
Sau khi về Đà Nẳng cưới vợ xong, nhỏ đưa người đẹp về dinh  Saigon. Trên chuyến bay Air VN, cặp đôi mới cưới đang vui vẻ thì bổng đâu mây đen tai họa ập đến. Mấy em hôtesses de l’air giò dài, xình đẹp bu lại vồn vã :anh Hưng ơi, anh đi đâu vậy?, gặp anh vui quá, sao anh không lại chơi với tụi em.”
Nhỏ luống cuống giới thiệu Bà Xã , ậm ừ cho qua chuyện,  cầu mong mấy cô này biến đi cho xong. Nhưng mần sao xong được! Không khí đang ấm áp trở nên lạnh ngắt. Người đẹp không nói một lời. Mãi về nhà, đêm đó mới nức nở hỏi một câu “ cô đó là ai ? “
Đó, có thấy Khanh Điệu hại nhỏ chưa? Khanh Điệu dẫn nhỏ đến nhà cô đó trên lầu 3 đường Cống Quỳnh, gần BV Từ Dũ để ăn nhậu, nhảy đầm. Đào của Khanh chứ có dính dáng gì đâu mà bắt nhỏ chịu. Đúng là “ người gian mắc nạn”  Ha ha ..!!



   Vẫn nhớ .. Prof Mai Đen, bây giờ bớt đen rồi, đến hỏi nhỏ: Hưng có biết ds Ái Mỹ không? Biết chứ, cháu của nhỏ - Tôi có cộng tác làm ăn với vợ chồng Ái Mỹ. Hoá ra trái đất tròn.
  Mai Đen bớt đen thì Dũng Thâm lại thâm đen thêm. Tới trễ , chưa chào hỏi là đã húp một chung rượu Bác Phó đưa rồi. Húp chứ không phải hớp đâu. Bởi vì đây là chai Hennessy VSOP Bác Phó cất kỹ trong tủ lâu nay. Hôm nay đi xe ôm mới cặp theo. Bác Phó thì cẩn thận lắm, đi về đều bằng xe ôm để nhậu cho nó đã!

    Vẫn nhớ…Nhi Đồng, hiền như Xã Hoà không nói không rằng, ngồi yên một chỗ. Ngược lại thì Khai Ngố chẳng chịu ngồi yên, chẳng chịu ăn uống, lăng xăng chạy tới chạy lui, lo quay phinh và chụp hình .
       Vẫn nhớ….GW lúc nào cũng tếu làm không khí vui nhộn. Tiệc nào mà thiếu GW là “ chết trong lòng một mớ “
     Bù lại Trí Dù thì nghiêm trang từ tốn thành ra để ngồi tiếp Chị Kim Yến là đúng quá. Chị Kim Yến mới gặp lần đầu nên phải đưa Chị đi một vòng để giới thiệu từng Bạn. Sự hiện diện của Chị cũng như Tiến Thầy là đặc biệt . Đặc biệt vì Tiến Thầy ở tuốt Tây Ninh mà cũng ham vui chạy về dự .
     Vẫn nh… Bác Út nhà mình, tên là Út nhưng không phải em út đâu nhé, đừng có lộn xộn . Nhắc đến em út thì phải nhớ đến anh cả. Dzô bàn tiệc thì phải biết trên biết dưới. Mấy miếng phao câu ,đầu cánh gà xương xóc phải kính cẩn nhường cho niên trưởng , còn mình nhỏ thì đớp đùi gà hoặc mấy miếng thịt to có da béo ngậy Ha ha !! .
  Niên trường trong bàn thì chắc ai cũng biết. Bác Hưng Nới tửu lượng đáng nể lắm, chẳng hổ danh niên trưởng.
      Duy chỉ có một Bác , thuộc hàng niên trường, mà ít người ngờ tới. Đó là Bác.. *. Thôi để tiết lộ sau .
     Vẫn nhớ.. .VZ,  tuổi tác chưa phải là niên trường nhưng dáng dấp thì là của niên trường . Đi đâu cũng có cây ba ton rất oai.
Tuy nhiên, không phải ai có ba ton cũng oai đâu. YMH có cây ba ton nhưng dấu biệt ở một góc phòng. Tại sao? Chỉ có Trời và YMH biết thôi.






     Xém chút nữa thì quên mất Tám vì Tám hơi nhỏ con. Nhỏ con nhưng tấm lòng thì lớn , tốt bụng!
     Tốt bụng với mọi người, tốt bụng với Bạn Bè , tốt bụng với cấp chỉ huy cũ (lúc đã sa cơ thất thế).
    Vẫn còn nhớ như in, trong buổi tiệc, Tám có đến ôm nhỏ rồi hun một cái thắm thiết. Trong cái thắm thiết có phảng phất mùi nước mắm (vì đang ăn nhậu mà)
    Thứ gì thì không biết chứ mùi nồng của nước mắm thì nó đeo bám dai dẳng lắm. Nó xông vào mũi, xông lên đầu, thấm vô óc không cách chi mà phai được. Chẳng trách gì thiên hạ nói rằng: “đi đâu thì đi, không bao giờ quên được mùi nước mắm quê hương“
   Nhỏ cũng vậy, vẫn nhớ cái hun mặn mùi  nước mắm của Tám. Bây giờ mỗi khi thoang thoảng mùi nước mắm ở đâu đó  lại nhớ đến Tám, nhớ Bạn Bè, nhớ Saigon hết biết!

Để thay cho lời cảm ơn,  nhỏ chép lại bài thơ làm đã lâu, tặng Tám :
Xin một bàn tay nắm không lơi
Díu dắt nhau đi hết một đời
Để nghe tiếng bước thôi hờ hững
Thêm chút rộn ràng, bớt chơi vơi
Xin một nụ cười thoáng trên môi
Như bông Hồng nở ngát hương đời
Để trăng khỏi chứng lời ly biệt
Để giọt lệ sầu thôi tuôn rơi
Xin một tiếng lòng dẫu đầy vơi
Tiếng thương e ấp nghe tuyệt vời
Dù xa nhau mấy xin chờ đợi
Chờ nhau cuối phố , dẫu mưa rơi
Xin một chữ tâm ,chữ tâm thôi
Còn bao thứ khác trả cho đời
Để mai nằm xuống nhìn cây ổi
Nhớ tuổi thơ vàng , mê hái chơi .

HNt
Tiết lộ : * Bác Phùng (Bố) cũng thuộc hàng niên trường