Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Nhìn lại Trường Y khoa Đại học Sài Gòn với GS Phạm Biểu Tâm

Xin giới thiệu các bạn một bài của GS Nghiêm Đạo Đại viết về GS Phạm Biểu Tâm. Đây là một bài viết trong Tập san Y sĩ 201 chủ đề GS Phạm Biểu Tâm do BS Ngô Thế Vinh biên tập. Tập san sẽ phát hành nay mai. Bài viết làm sống lại một số kỉ niệm của GS Đại với GS Tâm.



NHÌN LẠI TRƯỜNG Y KHOA ĐẠI HỌC SÀI GÒN VỚI GIÁO SƯ PHẠM BIỂU TÂM
NGHIÊM ĐẠO ĐẠI
Nguyên Giáo sư Giải phẫu ĐH MCP / Hahneman / Drexel
Pittsburgh, PA.

      Khoảng đầu tháng 12, 2013, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thầy Phạm Biểu Tâm, anh Ngô Thế Vinh có nhã ý gửi cho tôi đọc bản thảo “Tìm lại thời gian đã mất: Tưởng nhớ Giáo sư Phạm Biểu Tâm”, từ lúc đó anh Vinh đi tới quyết định phụ giúp anh chủ bút Tập San Y Sĩ trong số báo chủ đề “Trường Y khoa Đại học Sài gòn với Giáo sư Phạm Biểu Tâm”. 

      Bài viết này nói lên kỷ niệm những năm theo học Thầy tại bệnh viện Bình Dân và Trường Y, cùng ghi chép lại thành quả gặt hái của Y khoa Đại học Sài Gòn dưới thời Thầy Phạm Biểu Tâm.

THÂN THẾ, GIA ĐÌNH SỰ NGHIỆP

      Thầy sinh ngày 13 tháng 12 năm 1913 tại làng Nam Trung, Phú Vang, Thừa Thiên trong một gia đình khoa bảng. Thầy thi vào trường Y Dược Hà Nội năm 1932. Sau 15 năm dùi mài y học, Thầy trình luận án “Sự Du nhập của Y học Tây Phương vào Viễn Đông – Introduction de la Médecine Occidentale  en Extrême Orient”, nói lên sự quan trọng của Tây Y trong các nước chỉ biết y học cổ truyền. Trong 8 năm nội trú, Thầy đã lĩnh hội được các tinh túy của giải phẫu toàn khoa, tiết niệu, tiểu nhi, ung thư, chỉnh hình, lồng ngực… sau này trở thành các bộ môn riêng biệt.
      Năm 1948 ở tuổi 35, Thầy được cử sang Pháp tu nghiệp và trúng tuyển Thạc sĩ Y khoa (Professeur Agrégé des Universités) tại Paris. Thầy trở về nước giảng dạy tại Đại học Y Dược Hà Nội, kiêm nhiệm chức giám đốc bệnh viện Yersin (nhà thương Phủ Doãn), cùng đảm trách chức vụ phó giám đốc trường Quân Y Việt Nam mới được thành lập với cấp bậc y sĩ Trung tá.
      Sau khi hiệp định Genève chia đôi đất nước năm 1954, Thầy và gia đình cùng một triệu người di cư vào miền Nam tìm tự do. Để đáp ứng với làn sóng người tỵ nạn, bệnh viện Bình Dân (tên Thầy đặt cho bệnh viện) được xây cất bởi các nhà hảo tâm dẫn đầu bởi bác sĩ Trần Hàm Nghiệp. Bệnh viện được đặt dưới quyền trường Y Dược Nha khoa và tiếp nhận những nhân viên di cư từ bệnh viện Phủ Doãn.
      Ngày 11 tháng 5 năm 1955, Thầy được đề cử làm Khoa trưởng trường Y Dược Đại học Sài Gòn. Các giáo sư người Pháp cũng bắt đầu rời khỏi Việt Nam.
      Ngày 31 tháng 7 năm 1967, Thầy từ nhiệm chức vụ Khoa trưởng để trở lại chức vụ trưởng khu Giải phẫu B, sau khi hoàn tất và đặt nền móng cho một Trung tâm Giáo dục Y khoa tối tân và một ban giảng huấn hùng mạnh.
      Năm 1975 Thầy kẹt lại Sài Gòn và tiếp tục dìu dắt, đào tạo nhiều thế hệ y sĩ trẻ tới khi về hưu năm 1984. Năm 1989, Thầy định cư với gia đình tại Tustin, California, Hoa Kỳ.  Thầy mất ngày 11 tháng 12 năm 1999, hưởng thọ 86 tuổi.

PHONG CÁCH, TRÁCH NHIỆM VÀ GIẢNG DẠY

     Thầy sống một cuộc đời bình dị và thanh bạch. Thầy có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. Nét mặt đăm chiêu khắc khổ với đôi mắt sáng ngời. Quanh năm suốt tháng hình như Thầy chỉ mặc một bộ đồ xám thẫm, một cái sơ mi ngắn tay với cái cà vạt thắt nút nhỏ. Thầy ít nói, nhưng khi bắt chuyện rồi, Thầy cho ta cảm giác rất gần, cởi mở. Tôi chưa nghe Thầy lên tiếng với ai song cách trách cứ nhỏ nhẹ thấm thía cũng đủ làm người đối thoại ngột ngạt và nhớ đời. 
      Trên cương vị lãnh đạo trường Y, Thầy làm việc có công tâm, nghiêm túc và nhân hậu. Khi tôi lên năm thứ nhất thì nghe nói Thầy quyết tâm chống lại áp lực để cho cô Ngô Đình Lệ Thủy, cháu gái của Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào học lớp PCB vì cô không đủ điểm trong kỳ thi tuyển. Năm năm sau, nghe nói trong một kỳ thi ra trường, Thầy nghiêm nghị hỏi một anh sinh viên: “Hôm qua có cô X tới thưa chuyện với tôi rằng anh đã có liên hệ mật thiết với cô ta rất lâu, nay khi cô ta có bầu thì anh lại thay đổi ý kiến. Bây giờ anh tính làm sao? Anh phải nhớ rằng người bác sĩ luôn luôn đứng đắn, từ bi và tha nhân. Anh nghĩ có nên tiếp tục làm bác sĩ không? Anh sinh viên xanh mặt. Sau đó nghe nói anh kết duyên cùng cô bạn đó và hai người sống với nhau rất hạnh phúc. 
      Cũng như năm xưa (1948) khi người sinh viên thi clinic cuối cùng ra khỏi phòng thì cô thư ký của Thầy bước vào báo tin là phòng mổ trên lầu đã sắp sẵn chỉ còn chờ Thầy mà thôi. Thầy rón rén đứng dậy, nhăn mặt rồi trèo cầu thang lên lầu. Cô thư ký cho mọi người biết là Thầy có triệu chứng đau ruột dư từ mấy hôm trước nhưng Thầy quyết định chấm thi xong rồi mới lo chuyện của Thầy, vì “các anh ấy phải biết kết quả sớm để lo liệu trước”. Tôi được biết sau đó là Thầy bị abcès appendiculaire và phải nằm bệnh viện rất lâu vì ruột dư đã bể vì Thầy chờ quá lâu. Tôi không bao giờ quên được câu chuyện này. 
      Ngược lại, đối với người bệnh thì Thầy không bao giờ chần chờ  phút nào và để tên bệnh nhân trên bảng mổ ngay khi có bằng chứng chụp hình quang tuyến X. Thầy hay giải phẫu cắt bao tử (gastrectromie à la Polya hay Billroth II), 5 - 6 ca một tuần. Thầy mổ rất đẹp và nhanh. Tính sơ trong 29 năm (1955-1984) Thầy đã giải phẫu cho khoảng 7500 bệnh nhân ung loét bao tử, một kinh nghiệm khó có được. Trong suốt bao nhiêu năm học và làm tại bệnh viện Bình Dân, tôi chưa bao giờ gặp biến chứng xì tá tràng (duodenal stump leak) rất nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân cho đến khi tu nghiệp và dạy học ở ngoại quốc. Trong khi giải phẫu, Thầy bàn nhiều về cách thức giải quyết một chỗ mổ “dính và khó” một cách an toàn bằng cách “ăn cháo nóng húp quanh”. 
      Sau nửa năm làm nội trú với Thầy, có lúc tôi tự hỏi “không biết đến bao giờ Thầy mới để mình mổ một mình”, vì trong bất kỳ một phẫu thuật nào, lớn hay nhỏ, Thầy đều làm từ đầu đến cuối: từ lúc trải khăn mổ, rạch da, đến khi mổ, đóng thành bụng, băng vết mổ, đẩy bệnh nhân ra phòng hồi sức, viết protocole opératoire rất tỉ mỉ, và đọc lại cho mọi người nghe để ôn lại những gì đã làm trong cuộc giải phẫu. Có biết đâu là Thầy đã nhiếp tâm truyền nghề cho mình từ lâu rồi, ngày này sang ngày khác, tháng này qua tháng khác. Một hôm, thay vì lên phòng mổ khoảng 11 giờ (hàng ngày tôi thường mổ một  hay hai trường hợp nhỏ như sa ruột, lấy túi mật trước khi phụ mổ Thầy) thì Thầy gọi điện thoại lên nói là Thầy bận có khách, cứ mổ đi đừng có chờ Thầy. Như một con chim có đủ lông cánh, tôi cất cánh ngay. Tôi mổ, và rất tự nhiên vô tư giảng giải cho người phụ mổ từ cách đi đứng, cách tiếp đưa dây cột, cách cột dây làm sao cho đẹp cho đúng. Nửa chừng khi thấy chị Vân tiếp viên dụng cụ ra hiệu, tôi nhìn ngang và thấy Thầy đứng ngay sau lưng tôi từ lúc nào không biết, gật gù với ánh mắt hài lòng. Mổ xong tôi tự động chuyển bệnh, đẩy giường bệnh ra phòng hồi sức làm tiếp nhiệm vụ. Cho đến nay 40 năm sau, tôi vẫn giữ thói quen đó. Tôi đã thấm nhập những điều dậy dỗ của “lò Bình Dân”. Quả như vậy, sau khi vào ban giảng huấn Đại học Iowa bảy năm, trường Medical College of Pennsylvania / Hahneman / Drexel Pittsburgh gần 3 thập niên, tôi đã cảm nhận được là mình có phước rất lớn được học những tinh túy của các Thầy ở bệnh viện Bình Dân. Các Thầy đã trao cho tôi một hành trang đầy đủ để xử dụng trong suốt cuộc đời đi dậy học. 
     Như để chứng minh sự hoàn hảo của giải phẫu hồi đó, trong Đại hội Y sĩ tại Orlando, Florida, Cô Phạm Biểu Tâm đã kể lại chuyện về Thầy đã mổ cho một ông Đại sứ Trung Hoa Dân quốc. Để bày tỏ lòng biết ơn, vị Đại sứ này đã tặng Thầy bức tranh “Hoa Đà mổ Quan Công” để vinh danh Thầy như một Hoa Đà tái thế, chứng tỏ Thầy “mát tay” như thế nào.  Cô cũng đã tặng lại cho Đại hội bức tranh này.   
      Thầy luôn luôn có mặt khi học trò gặp khó khăn. Một đêm trực tôi mổ cho một bà bệnh nhân gầy còm bị tắc ruột với triệu chứng đặc biệt của sa ruột qua lỗ bít (obturator hernia) mà tôi chỉ được biết qua sách vở mà thôi. Lúc đó khoảng một giờ sáng, tôi bí quá phải mời Thầy tới, theo lời yêu cầu của bác sĩ thường trú Nguyễn Quang Huấn, y sĩ khu giải phẫu ung thư thời đó. Chờ không tới 20 phút thì Thầy bước vào phòng mổ, hỏi vài câu rồi đi rửa tay, mặc áo và đeo găng. Thầy xem xét chỗ ruột sa và đồng ý với chẩn bệnh giải phẫu nhưng Thầy lại nói thêm “tôi chưa từng gặp trường hợp này bao giờ cả.” Hai Thầy trò bàn cãi về cách bít lỗ sa ruột. Thầy còn nói trước khi ra về “anh kiếm thêm sách báo xem người ta chữa làm sao và cho tôi biết nhé.” Sau cuộc tra cứu, bài tường trình đã được đăng trong báo Acta Medica Vietnamica năm 1970. Tôi vừa mới biết gần đây, tờ báo của trường Y khoa Sài Gòn này được sáng lập bởi Thầy năm 1957.

XÂY DỰNG TRUNG TÂM GIÁO DỤC Y KHOA SÀI GÒN

      Từ thuở đầu trường Đại học Y khoa được thành lập năm 1902 bởi chính quyền bảo hộ Pháp như là một chi nhánh Đông Dương của Đại học Y khoa Paris. Trường được các giáo sư danh tiếng như Alexandre Emil John Yersin, Pierre Huard… đảm trách. Cũng vì lẽ đó mà khi Viện trợ Mỹ được dưa vào Việt Nam sau năm 1954, Thầy và ban Giảng huấn trường Y khoa Đại học Sài Gòn cũng như AMA đã có những quyết định rất thận trọng, chỉ chấp nhận và làm những công tác tuyệt hảo mà thôi. 
      Trung Tâm Giáo Dục Y khoa được nghiên cứu bởi bác sĩ Robert Jason, khoa trưởng trường Đại học Howard ở District of Columbia năm 1957, dưới sự chỉ định của USAID. Trường được thiết kế bởi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, giải khôi nguyên Kiến trúc La Mã và cũng là người đã vẽ Dinh Độc lập tại Sài Gòn. Viên đá đầu tiên được đặt bởi Tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1962, ngôi trường mới hoàn tất năm 1966. Trong kỷ nguyên mới này, Thầy và Hội đồng Khoa phải đương đầu với nhiều vấn đề liên quan tới các mục sau đây:

      CHUYỂN NGỮ

      Với sự bùng nổ của các môn sinh lý, sinh hoá và sinh học vào thập niên 1950-1960, các Đại học Y tại Hoa kỳ đã chuyển mình và đưa các bộ môn này vào Y học. Trong khi đó thì các nước ở Châu Âu, kìm hãm bởi Thế chiến, đã không theo kịp đà tiến triển, nên Anh ngữ tất nhiên trở thành sinh ngữ của khoa học và y học. Lại nữa vì tiếng Việt chưa đủ danh từ khoa học nên việc xử dụng Anh ngữ làm chuyển ngữ được chấp thuận. Với thư viện y khoa được xây cất và sách vở được cập nhật đầy đủ, y học bắt đầu được giảng dạy bằng Anh ngữ  từ năm 1965. Đến năm 1968, sinh viên Y khoa viết và thông thạo sinh ngữ này.

      QUY CHẾ ĐẠI HỌC

      Đây là vấn đề nan giải nhất vì có sự tranh chấp giữa các cá nhân tu nghiệp tại Hoa Kỳ, Pháp, Đức. Nói một cách đơn giản, trường Y lúc đó có ngạch giáo sư thực thụ, thường là giáo sư Thạc sĩ đỗ khoảng thập niên 1950-1960 và trình luận án khoảng 10-15 năm trước. Tiếp theo đó là giáo sư diễn giảng ra trường được khoảng từ 5 tới 10 năm.  Sau đó là giáo sư uỷ  nhiệm du học tại ngoại quốc và cuối cùng là giới giảng nghiệm viên ra trường trong nước hoặc chỉ có bằng tiến sĩ khoa học căn bản nhưng không phải là y sĩ. Tình trạng hồi đó nhá nhem nên có người chưa học hết chuyên môn đã được làm trưởng khu. 
      Quy chế này cũng không khác biệt mấy so với thể chế ngày nay tại Đại học Iowa, Medical College of Pennsylvania, Pittsburgh và Mayo Clinic. Thường các bác sĩ ra trường sau khi học chuyên môn (fellowship) được làm huấn luyện viên hay nghiệm chế viên (instructor hay assistant). Sau một năm thử lửa, người đó lên làm giáo sư uỷ nhiệm (assistant professor) và có thời gian từ 5 tới 7 năm để nhậm chức giảng sư (associate professor). Đương sự phải có nhiều khảo cứu trình bày tại các hội thảo quốc nội trong một thời gian từ 7 đến 10 năm mới được lên chức giáo sư. Chức vụ này đòi hỏi đương sự phải có danh tiếng trên trường quốc tế và được giới thiệu của 5 đến 7 vị giáo sư tại Hoa kỳ vả Gia Nã Đại gửi cho hội đồng khoa. Giáo sư thực thụ là mức cuối cùng của ngành giáo sư Y khoa Đại học. Hàng năm nhân viên giảng huấn phải có tối thiểu 5-10 bài khảo cứu y khoa được đăng tải. 
      Hồi đó một Hội đồng Qui chế tại Đại học Y khoa Sài Gòn đã được thiết lập để xét lại Quy chế, xong chưa bắt đầu làm việc thì biến cố 1975 xảy ra. 

      BAN GIẢNG HUẤN

      Đào tạo nhân viên giảng huấn là một công việc rất khó khăn và phức tạp. Thập niên 1960-1970 sôi động vì biến cố chính trị và khủng hoảng chiến tranh. Tất cả nam sinh viên ra trường đều bị trưng tập nên ban giảng huấn không đủ nhân lực. Trong thời kỳ này, không có một cuộc tuyển chọn nhân viên giảng huấn được tổ chức. Trong khi đó thì Bộ Y tế phải lo cho sức khoẻ dân chúng  và y tế phòng ngừa, cũng cần thêm người nhưng lại không có thực   lực nên không giúp được gì nhiều hơn. Tuy vậy các cố gắng của trường Y khoa và AMA cũng mang lại kết quả khả quan. Các môn khoa học căn bản như cơ thể học, sinh hoá, vi trùng và ký sinh trùng, bệnh lý học… Các bộ môn khoa học lâm sàng như sản phụ, nhi khoa… được sự cộng tác chặt chẽ của nhiều bộ môn danh tiếng tại Hoa Kỳ. Đặc biệt các bộ môn như gây mê, nội khoa, sản phụ khoa, nhi khoa, giải phẫu tổng quát, quang tuyến… đã gửi được nhiều nhân viên giảng huấn sang tu nghiệp tại Hoa Kỳ cùng cung cấp những chứng chỉ chuyên môn cho học viên. 
      Đã có 171 nhân viên giảng huấn danh tiếng  Hoa Kỳ từ các bộ môn đã nhiệt tâm góp sức xây dựng Trung Tâm Giáo Dục Y khoa, trong đó có 22 trưởng khu, 37 nhân viên dài hạn và 112 nhân viên làm việc ngắn hạn. Một trăm bốn mươi nhân viên giảng huấn trường Y khoa Sài Gòn đã sang tu nghiệp tại Hoa Kỳ.  Bẩy nhân viên giảng huấn trẻ tu nghiệp tại Mỹ về giữ chức vụ giáo sư uỷ nhiệm. Sau đó có thêm 6 vị đến từ các nước khác. Từ 1967 đến 1975, số nhân viên giảng huấn tăng từ 91 đến 195.

KẾT LUẬN

      Nhìn lại nền Y học Việt Nam trước và sau 1955 ta thấy một bước tiến lớn lao. Trong thời kỳ Pháp thuộc, số nhân viên giảng huấn đếm được trên đầu các ngón tay và y khoa chủ yếu dựa trên lâm sàng. Số bác sĩ ra trường khoảng 354 người tính theo số luận án đệ trình. Sau 1955 trường Y khoa Sài Gòn đã thay đổi hoàn toàn với gần 200 nhân viên giảng huấn và khoảng 2000 luận án được đệ trình. Y khoa được giảng dạy theo đà tiến triển y khoa quốc tế trong một trường sở đầy đủ tiện nghi. 
      Khác biệt này có được là nhờ Thầy Khoa trưởng Phạm Biểu Tâm mà ít ai để ý tới và vinh danh, vì Thầy làm nhiều và nói lại rất ít. Hồi trẻ Thầy thường ngâm câu thơ “trăm năm sau có cũng như không” nhưng Thầy đã để lại một di sản quý báu cho cả ngàn học trò cùng cả ngàn hậu duệ của họ để mang lại sức khỏe cho đồng bào. Một di sản đức độ áp dụng muôn đời cho mọi người.

NGHIÊM ĐẠO ĐẠI

Để tưởng nhớ Thầy
Westminster, 21/ 02/ 2014

Tài liệu tham khảo:

1/ Đào Hữu Anh: Y khoa Đại học Sài Gòn. Nhìn lại 60 năm lịch sử. Tập San Y Sĩ số 190,82, tháng 7-2011
2/ Phạm Tu Chính: Một chút gì để nhớ. Trường Đại học Y khoa Hà Nội-Sài Gòn (1902-1975), Tập San Y Sĩ số 200,13,tháng 1-2014
3/ Trường Y khoa Sài Gòn: ykhoasaigon.com ngày 10 tháng 12, 2014
4/ C.H. W. Ruhe, N.W. Hoover, I. Singer: Saigon Medical School. An Experiment in International Medical Education. An Account of the  AMA’s Medical Education Project in South Vietnam, 1966-1975. AMA  1988.