Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

GS NGUYỄN THẾ MINH


 Kỷ Niệm với Thầy Nguyễn Thế Minh
 
Nghe tên tuổi của Bác sĩ Nguyễn Thế Minh từ những ngày đầu vào Đại học, nhưng mãi đến năm thứ ba trường thuốc tôi mới được gặp người thầy lịch thiệp, khả kính này. Khoảng mùa thu năm 1970, nhóm sinh viên thực tập chúng tôi, lớp Y Khoa Sài Gòn 1967-1974, được phân phối về trại 22 Bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi được chia phần săn sóc bệnh nhân của 2 giường bệnh trong trại dưới sự dẫn dắt và trông nom của đàn anh nội trú Trần Quang Mỹ và Bác sĩ Nguyễn Thế Minh bên cạnh trại bệnh của Bác sĩ Lê Văn Điểm và Trần Kiêm Thục. Thầy Minh giảng giải về lâm sàng tại giường bệnh bằng những cơ chế sinh-bệnh lý (physiopathologie) rất hay, lại thêm dáng người thanh lịch nên rất hấp dẫn các sinh viên.

Hôm đến phiên tôi trình hồ sơ bệnh lý (observation clinique) cho thầy, tôi đã cố gắng viết thật gãy gọn cho đúng văn phạm và chánh tả. Thầy khen hay. Mừng quá vì từ ngày vào trường đến giờ tôi chưa hề được ai khen (về sau tôi được biết là Giáo sư Nguyễn Thế Minh khen bất cứ người nào đọc hồ sơ bệnh lý cho thầy).

Nhưng chỉ vài tuần lễ sau đó thầy Nguyễn Thế Minh lại đươc thuyên chuyển về Trung Tâm Thực Tập Y khoa Gia Định (Bệnh Viện Nguyễn Văn Học). Hình như quyết định hoán chuyển này không được thầy hoan nghênh lắm vì buổi sáng từ biệt các nhân viên, anh nội trú và các sinh viên thực tập thầy không vui. Từ đó về sau tôi chỉ được gặp thầy trong những giờ học lý thuyết về bệnh lý tim mạch ở các giảng đường.

Trong những đợt các đám sinh viên tranh đấu biểu tình bãi khoá các giáo sư Hoàng Tiến Bảo, Trần Lữ Y không muốn đám học trò của mình khi tốt nghiệp bi thiếu kiến thức vì những việc làm vớ vẩn của đám SV tranh đấu nên đã kéo SV về học lý thuyết trong các giảng đường ở các bệnh viện. Tôi nhớ thầy Minh đã bù đắp những khiếm khuyết của chúng tôi bằng những bài giảng rất hấp dẫn bằng tài hùng biện, cử chỉ duyên dáng và nhất là tài nhại lại những tiếng tim, những tiếng thổi tâm thu (soufle systolique), tiếng thổi tâm trương (s. diastolique), hay tiếng ngựa phi (bruit de gallop)...Ngồi bên cạnh tôi lúc ấy bạn cùng lớp Võ Dũng rất nhiều lần huých cùi chỏ vảo cạnh sườn khen: "thầy hay quá và trông như tài tử điện ảnh..."

Một lần vào dịp bồi dưỡng kiến thức cho Sinh Viên Quân Y mỗi cuối tháng, Giáo sư Nguyễn Thế Minh đã được Y sĩ  Đại tá chỉ huy trưởng Hoàng Cơ Lân mời vào hội trường lớn của Trường Quân Y. Hôm ấy một đề tài ngắn về y khoa: Cách Nghe Tiếng Tim Thứ Hai (auscultation de 2e bruit du coeur) được thầy lồng trong câu chuyện nói về những kinh nghiệm giảng dạy nơi xứ người. Nói về kinh nghiệm nhưng đã tránh không nói đến cái tôi (le moi); giảng về y khoa trong một buổi nói chuyện ngắn cho cho những đối tượng với kiến thức có khác nhau: từ một sinh viên y khoa mới nhập môn của Tiểu đoàn Sinh Viên Quân Y cho đến một y sĩ đã hành nghề nhiều năm trong bộ chỉ huy thế nào cho ai nấy đều được thu thập những tinh tuý của đề tài quả thật là một sự lựa chọn tài tình của một trí thức nghệ sĩ.

Cuối buổi nói chuyện thầy đã bày tỏ ước vọng như một hoài bảo rằng một ngày nào thầy sẽ cùng Đại tá chỉ huy trưởng trở về trường Quân Y với tính cách là một cựu sinh viên quân y để nghe một trong những sinh viên hiện diện ngày hôm nay nói về những tiến bộ của y khoa thế giới trong một học viện quân y kiểu mẫu cho toàn vùng Đông Nam Á và Á Châu Thái Bình Dương trong một đất nước Việt Nam thanh bình thịnh vượng.

Nhưng ước nguyện và hoài bảo của thầy đã không bao giờ thực hiện được vì vào tháng 4 năm 1975 lịch sử đã sang trang, đất nước vào cơn bĩ cực...

Tháng 6 năm 1975 những "bồ chữ" của Saigon đã phải tập trung ở địa danh như Trãng Lớn, Suối Máu, Xuân Lộc, Kà Tum... Vào dip cuối năm ở trại Xuân Lộc, Nguyễn Xuân Ngãi (bạn cùng lớp) gặp tôi, cho hay Giáo sư Nguyễn Thế Minh và Giảng sư Trần Xuân Ninh đang có mặt trong trại bên kia cách trai chúng tôi một hàng rào dây kẽm. Hôm ấy tôi và Ngãi không ngần ngại chui rào sang thăm thầy. Có lẽ xúc động vì hành động chui rào này của chúng tôi nên thầy còn nhớ và nhắc lại với Ngãi khi Ngãi đến thăm thầy ở Saigon sau khi họ được thả ra từ trại.

Sau này tôi còn vài lần gặp thầy ở Bệnh viện Triều Châu, nơi thầy "chạy gạo" vào những buổi chiều sau giờ giảng dạy ở Trường Y Khoa hay Bệnh Viện Nguyễn Văn Học. Nhưng đúng như chị Phan Thi Mai, cũng là một bạn cùng lớp, nói thời thế đã khiến mọi người áp dụng đúng câu châm ngôn "im lặng là vàng,"  và thầy trò gặp nhau chỉ gật đầu chào rồi quay đi.

Mấy tháng sau nghe tin thầy đã đến được vùng đất tự do mà theo lời đồn đoán của nhiều người là thầy đã đi cùng chuyến với Bác sĩ Nguyễn Duy Cung, cựu Giám Đốc BV Nguyễn Văn Học trong một chuyến đi do chính Bác sĩ Cung, một cựu sĩ quan hàng hải làm hoa tiêu.

Mấy mươi năm cuối đời sống trên vùng đất tự do nhưng có lẽ hoài bão năm nào về một đất nước phát triển cùng với những tiến bộ y học nhắn nhủ các sinh viên ở Trường Quân Y chắc thầy cũng khó quên.

Nếu như Henrie Poincaré đã từng nói "một nhà toán học mà không nghệ sĩ một chút thì chưa chắc đã là một nhà toán học tài danh" thì chúng ta cũng có thể diễn dịch rộng hơn" một y sĩ mà không nghệ sĩ một chút thì chưa chắc đã là một y sĩ tài danh." Hôm nay, cuối mùa Đông chúng ta đưa tiễn một người thầy tài danh về cõi vĩnh hằng. Xin đốt một nén hương.
                                                                       
                                                                                 Chicago tháng 3/2010

                                                                                  Phan Ngọc Hà