Thứ Năm, 22 tháng 4, 2021

Cơn gió bụi (Hồi ký của Hương)

 CƠN GIÓ BỤI ...

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên...
(Thơ Đặng trần Côn)


Tôi sinh con đầu lòng vào ngày 12/5 năm 1975, mười hai ngày sau cái ngày mà cả nước tôi trải qua một cuộc biến động khủng khiếp.
Sau một tuần nằm trong bảo sinh viện Đức Chính, tương đối tách rời với cuộc sống bên ngoài, tôi được cho về. Ôm đứa con còn đỏ hỏn trên tay, tôi ngồi trên xích lô chạy qua một quãng đường ngắn để về nhà trong một con hẻm nhỏ gần chợ Bàn cờ. Nhìn quanh, nhà nào cũng treo hai lá cờ, một lá cờ đỏ và một lá nửa đỏ nửa xanh để mừng ngày sinh nhật của “bác Hồ”. Tôi bàng hoàng, tôi choáng ngợp trước rừng cờ sao trên nền đỏ rực...Tôi nhìn xuống đứa con bé xíu trong vòng tay mà nước mắt cứ trào ra không kìm được. Xe chạy ngang qua đường Bàn cờ, phải hơi lách qua để tránh một đống rác rất lớn chưa dọn. Gọi là rác nhưng thật ra phần lớn là những bộ quân phục màu xanh lá cây hoặc rằn ri, những chiếc nón sắt, những chiếc giày lính ngổn ngang cùng với một số sách vở, có cuốn đã đốt dở... Tôi nhìn chồng tôi đang đạp xe đạp đi trước dẫn đường mà gạt nước mắt tự an ủi, thôi thì cũng được, cuộc chiến đã tàn, tuy anh trở về như một kẻ thua trận nhưng thân thể vẫn còn nguyên vẹn, từ nay tôi không còn phải lo chuyện bom đạn... Tương lai tuy còn quá mơ hồ, như một dấu hỏi lớn trước mắt, nhưng có vợ có chồng bên nhau để cùng lo cho con thì chắc cũng không đến nỗi nào.

Ba mẹ chồng tôi ra trước cửa đón con dâu và cháu nội vào nhà. Mẹ chồng tôi đỡ lấy cháu rồi căn dặn tôi phải rất cẩn thận, bước từng bước một lên gác rồi ở luôn trên đó, không được lên xuống gác nữa, mọi thứ sẽ có mọi người lo cho tôi, tôi chỉ có việc chăm sóc cho con. Vợ chồng tôi được dành cho một phòng nhỏ trên gác , ngăn cách với phòng trong dành cho gia đình bốn người của anh chồng tôi. Thế là từ nay, chúng tôi phải tạm sống chung với đại gia đình, không biết cho đến bao giờ...

Một điều đáng ngạc nhiên và cũng là may mắn cho tôi là con gái tôi đợi đến đúng ngày đúng tháng mới ra chào đời , mặc dầu trước đó người thân trong gia đình, ngay cả mẹ chồng tôi nguyên là một nữ hộ sinh, đều lo ngại là tôi sẽ sinh sớm vì suốt cả thời gian mang thai, bao nhiêu chuyện xảy ra làm tôi cứ phải lo lắng không ngớt !

............. 

Tôi theo chồng về sống tại căn cứ Bình Đức là hậu cứ của Trung đoàn 11 bộ binh từ khoảng tháng 3 năm 1974. Chồng tôi là đại đội phó đại đội 72 Quân y là đơn vị phụ trách việc chăm sóc sức khỏe cho binh sĩ và gia đình binh sĩ thuộc trung đoàn 11, nhưng có lẽ nhiệm vụ chính là lo việc cứu thương khi trung đoàn đi hành quân. Chồng tôi và anh Bác sĩ đại đội trưởng thay phiên nhau theo trung đoàn hành quân, chồng tôi là đàn em nên phải chịu thiệt, mỗi tháng đi ra tiền cứ 20 ngày , chỉ được về hậu cứ 10 ngày. Chúng tôi được phân một căn nhà nhỏ cạnh căn nhà anh đại đội trưởng ở đầu dãy nhà của đại đội gồm cả bệnh xá của đại đội. Tôi sống ở đó, thui thủi một mình suốt 20 ngày mỗi tháng, chờ chồng về. Mỗi lần về, anh thường lấy vài ngày phép để hai vợ chồng về Saigon thăm gia đình, rồi trở lại Bình Đức làm việc chừng một tuần là đã thấy đến ngày phải ra tiền cứ. Mỗi lần nhìn anh đóng bộ quân phục, đội nón sắt, và vác ba lô lên vai, ra xe đi đến bãi đáp trực thăng để được bốc ra chiến trường, lòng tôi lại nao nao lo lắng...Không lo lắng sao được khi nghe tin những nơi anh đóng quân thường xuyên bị pháo kích. Càng lo sợ hơn khi chính anh cũng đã từng bị một miểng đạn cối ghim vào cánh tay khi đang đóng quân tại Hậu Mỹ,   Có và nhưng còn may mắn chưa trở thành “ông cụt” như anh đùa vui sau đó...
Những tháng ngày chờ đợi sao mà dài đằng đẳng, nhất là vào ban đêm. Tối đến, điện bị cắt rất sớm, tôi thắp ngọn đèn dầu nhỏ đi vào “phòng ngủ”, hay nói đúng ra là một căn hầm nổi,bao cát chồng chất chung quanh và trên mấy tấm sắt kê ở phía trên. Tôi vặn radio nghe nhạc nho nhỏ, đọc vài trang sách cho đến khi thiếp ngủ. Giấc ngủ ít khi được yên ổn vì lâu lâu lại nghe tiếng súng đại bác vọng về !
Một hôm giữa ban ngày, tôi đi vào hầm, mở rương quần áo lấy ra một bộ áo quần chuẩn bị đi tắm thì thấy một con rắn nhỏ giống như một chiếc đũa mun, từ dưới đáy rương trườn ra. Tôi hoảng hồn, phóng chạy ra trước nhà. Nhìn về phía bệnh xá, thấy thượng sĩ Cung, y tá trưởng bệnh xá đang đứng trước cửa, tôi la thất thanh :” Bác Cung, bác Cung...” Bác Cung vội vã chạy đến. Tôi lắp bắp : “ Rắn, dưới rương, trong hầm...” Bác Cung lượm một viên gạch, chạy vào nhà, còn tôi thì cứ đứng đó, run rẩy... Một lát sau, bác đi ra, tay cầm xác 3 con rắn nhỏ, bảo tôi : “Bà yên tâm, tôi xem kỹ rồi, không còn con nào nữa đâu. Vã lại, loại rắn này không phải là rắn độc !” Tôi vào nhà đi tắm rửa xong thì thu xếp vài thứ đồ dùng và cho vài bộ áo quần vào một cái túi nhỏ, định bụng chiều tối sẽ đi sang nhà cặp vợ chồng anh trung uý mới quen, ở khu gia binh gần đó xin ngủ nhờ vài đêm xem sao, vì nhớ lại những chuyện rắn báo oán tôi đã từng đọc, tôi sợ rằng đến tối mẹ của mấy chú rắn con này sẽ vào nhà, kiếm tôi để trả thù. Trời đất dung rủi, chiều hôm đó, vợ chồng một người chị họ của chồng tôi từ Mỹ tho lái xe đến thăm tôi. Anh chị nghe mẹ chồng tôi nói là tôi về đây ở một mình nên đến thăm và rủ tôi về Mỹ tho ở với gia đình anh chị những khi chồng tôi phải ra mặt trận. “Được lời như cởi tấm lòng”, tôi thu xếp hành trang, đến báo cho bác Cung biết rồi theo anh chị về Mỹ tho ngay chiều hôm đó. Tôi gọi là anh chị theo như vai vế bên gia đình chồng chứ thật ra anh chị đã lớn tuổi , mấy cô con gái lớn đã xấp xỉ tuổi tôi. Để tôi khỏi ngại, anh chị nói là muốn nhờ tôi kèm cậu con trai út học thêm, coi như tôi là “ gia sư” được ăn ở miễn phí. Được mấy tháng thì anh Bích được lệnh thuyên chuyển về Sài gòn, anh chị dọn nhà, tôi lại khăn gói về Bình Đức. Cũng may là vào khoảng thời gian đó, tôi có thai thành thử khoảng thời gian 20 ngày mỗi tháng mà chồng tôi đi ra tiền cứ, với đứa con trong bụng, tôi không còn cảm thấy cô quạnh như trước. Chồng tôi nhờ một anh thợ mộc đóng một chiếc nôi lớn bằng gỗ tốt, anh nói là con có thể ngủ trong nôi đó đến khi được một tuổi rưỡi hay hai tuổi, và sau đó thì để dành lại cho các em nó ...Hàng ngày, tôi bận rộn cắt, may, thêu những chiếc áo nhỏ cho con mà lòng cảm thấy vui thú, bớt đi những nỗi lo âu.
Tuy nhiên, chiến cuộc càng ngày càng lan rộng, mỗi đêm nằm chờ giấc ngủ ,nghe tiếng đạn pháo kích mỗi ngày một gần hơn. Một hôm, bác Cung đến nói chuyện với tôi : “ Tình hình bi đát lắm rồi bà ạ. Bọn VC từ miền Bắc xâm nhập vào nhiều lắm, mặt trận đã đến sát gần bên. Bọn nó được Nga sô và Trung cộng trang bị đầy đủ lắm, còn bên mình thì đạn dược bắt đầu thiếu hụt vì Mỹ đã cắt giảm viện trợ lâu nay, từ sau hiệp định Paris. .. Tôi sợ sẽ không cầm cự được bao lâu nữa đâu ...” Tôi nghe bác nói thì cũng có lo nhưng lại nghĩ bụng ông già này bi quan quá, có thể là một số vùng quê sẽ mất vào tay VC nhưng làm sao mà bọn chúng có thể chiếm được trọn miền Nam ! Lần về hậu cứ sau đó, chồng tôi bảo tôi chuẩn bị để anh đưa về Sài gòn rồi ở lại trên đó chờ ngày sinh luôn, anh nói tình hình không biết thế nào, sợ tôi bụng mang dạ chửa hoặc lúc gần sinh không có anh bên cạnh không biết phải xoay sở như thế nào. Tôi nghĩ thầm là sau khi sinh xong, đợi đến ngày con đầy tháng thì lại ôm con về “ nhà” ở Bình Đức. Vì thế ngoài số áo quần, tả lót đã chuẩn bị sẵn cho con,tôi chỉ mang theo một ít áo quần cho tôi loại mặc khi có bầu và sau khi sinh, thân người còn sồ sề
Về đến Sài gòn, chồng tôi liên lạc, “gởi gắm “ tôi cho một số anh chị làm bác sĩ ở Bệnh viện Nguyễn văn Học, dự định rằng tôi sẽ đi khám thai ở đó và đến khi sinh thì cũng sẽ sinh tại đó luôn. Mặc dù BV NVH không gần nhà nhưng chồng tôi chọn nơi đó vì anh đã từng đi thực tập ở đó nhiều năm nên biết là bệnh viện đó cũng tốt mà không bị tràn ngập bệnh nhân như BV Từ Dũ.
Sống ở Sài gòn trong lúc chồng lại phải ra mặt trận đối đầu với cái chết, tôi cứ bồn chồn không yên. Mỗi tối xem tin tức chiến sự trên TV, tôi bắt đầu nghi ngại, nhớ đến lời bác Cung nói với tôi dạo nào. Phần lo lắng cho chồng, phần lo lắng cho gia đình ngoài miền Trung, nhiều khi tôi cứ dàu dàu, không vui. Mẹ chồng tôi thấy vậy bảo “ Con cứ cầu trời khấn Phật thì mọi chuyện sẽ êm đẹp thôi. Ráng giữ gìn sức khỏe, đừng để ảnh hưởng tới cái thai, không tốt !”
Giữa tháng 3/1975, quân đội chính quy của Bắc Việt vượt qua sông Bến hải, dần dà chiếm các tỉnh dưới vĩ tuyến 17, tôi lo lắng cho gia đình, gọi taxi đến nhà dì tôi để than thở với dì cho nhẹ bớt nỗi lo. Dì tôi bỗng nhớ đến một người bà con xa đang làm lớn bên không quân nên bảo tôi đi cùng dì vào căn cứ không quân Tân sơn nhất. Thế là tôi lê cái bụng chửa theo dì đi tìm cái ông bà con đó ... Thời buổi chộn rộn, dễ gì tìm gặp được ông lớn, thế mà dì không nản, cứ bảo tôi đi theo dì để xin cho bằng được vé máy bay quân sự cho gia đình tôi bay vào SG. Đùng một cái, vé máy bay còn chưa xin được thì Đà Nẵng thất thủ ! Xem phóng sự trên TV, nghe nói về những vụ lộn xộn trên các con tàu chở dân chúng chạy thoát Đà Nẵng để vào Nam, tôi băn khoăn quá đổi, không biết chuyện nào là tốt hơn cho gia đình tôi, ba mẹ và các em tôi không biết có bám theo các con tàu đó để vào Nam hay còn ở lại Đà Nẵng để phải sống dưới chế độ Cọng sản ? Năm bảy ngày sau,không được tin tức gì về gia đình, tôi đoán là cả nhà vẫn còn kẹt ở lại Đà Nẵng. Lại khóc, nghĩ rằng sẽ không bao giờ còn gặp lại cha mẹ và các em vì lúc đó nghe đồn hai bên đang thương lượng, có thể đưa ranh giới vào đến Nha trang.
Dì tôi đến nhà chồng tôi xin phép ba mẹ chồng tôi cho tôi về nhà dì để “có chị có em đồng trang lứa nói chuyện cho vui”... Hơn nữa còn một lý do nữa để dì thuyết phục được mẹ chồng tôi là con gái thứ hai của dì lúc ấy đang học năm cuối đại học Y khoa Saigon đã thực tập một thời gian ở bệnh viện Từ Dũ, có thể giúp cho tôi nếu khi sinh nở gặp lúc loạn lạc chộn rộn mà không đến bệnh viện được. Lúc còn là sinh viên, tôi ở trọ tại nhà dì nên tôi và mấy cô con gái lớn của dì rất thân nhau. Lần này, đưa tôi về nhà là dì bảo cô con gái sinh viên Y khoa phải chuẩn bị hấp sẵn một hộp bông băng,dụng cụ...và giao cho cô trách nhiệm phải theo sát tôi nếu gặp trường hợp phải di tản.
Đâu khoảng vào ngày 23 hay 24 tháng 4/75, chị chồng tôi đến thăm tôi tại nhà dì tôi. Chị cho biết sở chị làm việc đã nói đến chuyện cho nhân viên và gia đình di tản qua đảo Guam bằng đường hàng không, có lẽ trong vòng vài ngày tới. Ngày hôm sau, tôi đi taxi về thăm bên chồng. Cả gia đình chị chồng tôi gồm hai vợ chồng và 4 đứa con đã dọn qua nhà cha mẹ chồng tôi để nhường nhà của anh chị cho gia đình bên chồng từ miền Trung chạy vào. Mọi người đã chuẩn bị sẵn sàng hành lý để khi nào họ kêu đi là đi. Ba mẹ chồng tôi cho biết mặc dù chị chồng tôi có thể đem cả hai ông bà cùng đi nhưng ông bà đã quyết định là bà sẽ đi theo để giúp chị trông nom 4 cháu ngoại, còn ông sẽ ở lại với gia đình anh chồng tôi và chúng tôi cùng các cháu nội. Tôi chào từ biệt cả nhà rồi trở về nhà dì ở Đakao mà lòng buồn rười rượi
Những ngày cuối tháng 4, cả Sài gòn chộn rộn một cách khác thường. Tôi chỉ ngồi nhà nghe các em họ đi đây đi đó về kể lại chuyện ngoài đường. Chiều ngày 26, một cô em gái con dì mới rời nhà, cùng đi với vị hôn phu đến chỗ nào đó để làm hôn thú thì tôi nghe mấy tiếng nổ thật gần. Một lát sau, cô em được fiancé chở về, mặt mày tái xanh, kể là đi đến gần dinh Độc lập thì thấy tận mắt có chiếc máy bay đến ném bom vào dinh. Cả nhà đoán có lẽ chiếc máy bay ấy xuất phát từ phi trường Biên hòa. Ngày 28, chú H. đi đâu về, nói cho tôi biết là mẹ chồng tôi đã cùng gia đình chị chồng tôi đi lên phi trường TSN. Chiều tối hôm đó nghe nói phi trường bị pháo kích dữ dội, cả nhà bàn tán, không biết mẹ chồng tôi và gia đình chị chồng tôi đã đi thoát chưa.
Sáng sớm ngày 29, tôi đang ăn sáng cùng gia đình dì thì bỗng thấy ba chồng tôi vội vã bước vào nhà. Ông kể là sau khi vào đến phi trường TSN thì mẹ chồng tôi đổi ý, không chịu đi theo gia đình con gái nữa mà đòi về để ở lại với chồng và gia đình các con trai. Có một ông thiếu tá vừa đưa vợ con tới phi trường rồi về, bà đã theo xe ông trở về nhà. Về đến nhà không lâu thì nghe tin phi trường bị pháo kích, bà than khóc và rồi cả đêm không ngủ được. Trời vừa hừng sáng thì bà nói với ông đi đón tôi về vì nghe nói VC đã tiến đến sát xa lộ Biên hoà là nơi rất gần nhà dì tôi. Lúc này thật khó mà kiếm được xe taxi hay xích lô nên ba chồng tôi đã đến Bảo sinh viện Đức chính , nói với họ là tôi đang chuyển bụng đẻ, nhờ họ cho xe đi Đakao đón tôi về. Ông nói xe của bảo sinh viện đang chờ ngoài đầu ngõ nên tôi vội vàng vào lấy cái túi xách hành lý của tôi ra. Một cô em gái xách giùm túi hành lý cho tôi còn dì tôi thì dìu tôi theo ba chồng tôi ra xe. Một cô y tá ra khỏi xe, đỡ tôi bước lên phía sau xe và bảo tôi nằm lên cái băng ca trong đó, còn cô thì ngồi trên cái băng ghế bên cạnh, ân cần hỏi tôi có đau nhiều không. Ba chồng tôi ngồi phía trước với tài xế, và thế là chúng tôi được xe đưa đến Bảo sanh viện Đức chính. Họ đưa tôi vào phòng khám. Một bà nữ hộ sinh hỏi tôi đau thế nào rồi bắt đầu khám cho tôi. Nghe tôi nói hồi khuya có đau bụng nhiều nhưng nay đã hết, bà nói có lẽ là do tôi ăn món gì đó bị trúng thực chứ tôi chưa có dấu hiệu sắp sinh, bà đoán ít nhất cũng 2 hay 3 ngày nữa tôi mới sinh. Ba chồng tôi và tôi ra về bằng cửa sau của bảo sanh viện , đi bộ băng qua đường, đi qua hai con hẽm là về đến nhà. Dọc đường có mấy người tò mò nhìn tôi rồi nói với nhau, cốt ý cho tôi nghe “ Bụng đã to thế kia, sắp đẻ đến nơi mà còn định đi đâu ! Chắc họ không cho xuống tàu nên phải về chứ gì ! “
Bước vào nhà, cha chồng tôi nói lớn : “Nè ! Tôi đã đem được con Hương về rồi đây nè !” Mẹ chồng tôi đang nằm trên giường, chống tay ngồi dậy, yếu ớt hỏi : “ Con về rồi đó hả ?”. Tôi thảng thốt thấy mặt bà trắng bệch, nhợt nhạt, đôi mắt thất thần, như thể là một người đã bị bệnh nặng lâu ngày. Không khí trong nhà ngột ngạt. Hai đứa cháu và chị dâu chồng tôi rút lên gác, anh chồng đã chạy xe đi dò xét tình hình. Đến bữa ăn trưa mẹ chồng tôi không muốn ăn gì, cả nhà ăn qua loa cho xong bữa. Mãi đến chiều, anh chồng tôi mới về, thưa với ba mẹ là có lẽ gia đình người chị chồng tôi đã thoát được rồi, anh nghe nói sau khi phi trường bị pháo kích hư hại nhiều thì tuy máy bay lớn không đáp xuống được nhưng sau đó đã có rất nhiều máy bay trực thăng đến bốc những người còn kẹt trong phi trường. Ba mẹ chồng tôi nghe nói vậy cũng tạm yên lòng về phần gia đình con gái nhưng lại bắt đầu lo lắng cho con trai út là chồng tôi.
Sáng ngày 30 tháng tư, ông đại tướng Dương văn Minh mới lên làm tổng thống được vài ngày, đã lên đài phát thanh kêu gọi tất cả quân đội miền Nam đầu hàng. Nghe tin, tôi lặng đi, ngờ vực chính đôi tai của mình. Có thể nào lại như vậy ? Dĩ nhiên cũng như mọi người ,tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó đất nước sẽ hoà bình, nhưng là một thứ hoà bình khác, do miền Nam chiến thắng để thống nhất đất nước chứ không phải thứ hoà bình trong nhục nhã như vậy... Thấy dân Sài gòn tháo chạy như gia đình chị tôi, tôi cứ nghĩ là họ cố tránh cuộc chiến sẽ xảy ra trong thành phố, rồi khi yên ổn, VC bị đánh tan thì họ sẽ quay trở về. Hai mươi mấy tuổi đầu mà sao tôi còn ngơ dại quá ! Tôi bắt đầu băn khoăn về số phận của chồng tôi. Tôi biết thời gian đó là anh đang ở tiền cứ, đóng quân đâu đó gần Cần thơ. Không biết đơn vị anh có theo lệnh của ông DVMinh không ...Còn nếu theo lệnh, liệng bỏ vũ khí để ra đầu hàng thì số phận sẽ ra sao...
Sáng ngày 1/5, theo lệnh của “Uỷ ban quân quản”, anh chị P. ăn mặc chỉnh tề đi đến nơi anh chị đang dạy học, anh thì đến trường trung học Lý Thái Tổ, chị thì đến trường tiểu học Bàn cờ, để dự diễn hành nhân Lễ Lao động nhưng chính là để “mừng chiến thắng, miền Nam được giải phóng”. Nghe nói là buổi diễn hành rầm rộ lắm. Buổi chiều, tôi đem ghế ra ban công trên lầu, ngồi ngóng nhìn về đầu ngõ. Đám thanh thiếu niên trong xóm đang tụ họp trong căn nhà của “ông bà giáo” phía đối diện, nói cười hồn nhiên. Qua cả hai cánh cửa phòng khách nhà ông bà giáo mở rộng, tôi nhìn thấy gần hết những hoạt động của bọn chúng, một số đang tập hát những bài hát “mới” đang ra rả phát ra từ chiếc radio nhỏ, một số thì đang cắt may những lá cờ sao...Lòng tôi quặn thắt, ôi sao bọn trẻ lại vô tư đến thế nhỉ ! Mấy đứa con lớn của ông bà giáo, không lẽ bọn chúng là VC nằm vùng ?? Ông bà giáo là dân Bắc di cư kia mà !
Đầu óc tôi đang rối bời với bao nhiêu suy nghĩ thì tôi chợt thấy chồng tôi xuất hiện phía đầu ngõ. Mặc bộ đồ bà ba màu đen, tay xách cái túi vải nhỏ, anh đang thất thểu vừa bước, vừa gật đầu chào đáp lại vài người hàng xóm đang tò mò thăm hỏi anh. Tôi đứng dậy, lần xuống thang gác thì vừa đúng lúc anh bước vào nhà, cả nhà ai cũng ràn rụa nước mắt, vừa mừng thấy anh về, vừa buồn thấy tình cảnh anh như thế. Đâu còn hình ảnh cậu sinh viên đầy tự tin, yêu đời hai năm trước, hay là hình ảnh của một sĩ quan quân y chững chạc mới vài tháng trước đây... Anh kể là sau khi hàng ngũ tan rã, thì mọi người trong đơn vị anh mạnh ai nấy lo tìm về nhà,về quê quán mình vì “phía bên kia” chẳng thấy ai đến nói chuyện tiếp nhận (có lẽ họ cũng bất ngờ thấy ông Minh đầu hàng vô điều kiện nhanh như vậy )
Cả nhà ngồi lại bàn tính về chuyện sinh hoạt trong nhà thời gian sắp tới. Cả nhà 6 người lớn và 2 đứa nhỏ giờ đây không còn một khoản thu nhập nào. Từ tháng trước, sau khi Đà Nẵng thất thủ, tôi đã không nhận được tiền lương do nhà thuốc tôi đứng tên gởi vào hàng tháng qua trung gian của ba tôi. Nay đến lượt anh chị chồng và chồng tôi đột nhiên bị thất nghiệp ! Mẹ chồng tôi từ lâu có lương hưu trí, nay có lẽ sẽ không còn nhận được nữa . Mọi người hy vọng chỉ là chuyện tạm thời. Anh chị P hy vọng sẽ được đi dạy lại khi các trường học mở cửa lại. Chồng tôi nói là sẽ đến BV Nguyễn văn Học xin việc, hy vọng sẽ được nhận. Thằng Quí giúp việc nhà lâu nay xin được ở lại vài tháng, xem tình hình yên ổn, sẽ mua vé xe đò về quê vì gia đình chồng tôi không còn đủ khả năng tiếp tục thuê nó nữa.
Những ngày sau đó, đi chợ mới thấy là tiền bạc không còn giá trị gì nữa. Mọi thứ tăng giá gấp đôi, gấp ba, mới lên tiếng trả giá thì người bán hàng đã chanh chua : “Ở đó mà trả giá ! Ít bữa nữa không có gì mà mua đâu cô ơi ! Ít lâu nữa sẽ xài tiền “cụ Hồ”, tiền trong bóp cô sẽ như giấy lộn thôi”. Tôi bàn với chồng tôi, đem bán một ít nữ trang để đổi lấy vàng cho chắc ăn thì hỡi ôi, những thứ nữ trang bằng bạch kim và kim cương bây giờ chẳng còn được mấy giá trị trong lúc vàng đã leo thang ! Dù sao thì tôi cũng đổi 2 chiếc nhẫn hột xoàn để lấy chiếc nhẫn trơn bằng vàng Tây làm nhẫn cưới , dôi ra một số tiền tiêu, mua thêm sữa bột Meiji và Nido để dành cho con.
Ngày ngày chồng tôi đạp xe đạp đi hơn 10 cây số đến Bệnh viện Nguyễn văn Học xin các anh chị Bác sĩ quen còn làm việc ở đó cho vào phụ mổ. Coi như làm việc không công vì chính các anh chị đó cũng chưa biết lương bổng sẽ như thế nào.
Một hôm nghe đài phát thanh kêu gọi tất cả quân nhân của chế độ cũ (kể cả những người đã được biệt phái về làm công việc dân sự như anh chồng tôi )đến trình diện để được hưởng “sự khoan hồng của nhà nước và nhân dân”. Ngày 11/5, chồng tôi lo dậy sớm, đi cùng anh P đến 1 địa điểm trình diện gần nhà nhất ở trường trung học Petrus Ký. Sáng hôm đó là lúc tôi thấy có dấu sinh, tôi bèn nhờ chị P đi cùng tôi đến Bảo sinh viện Đức chính gần nhà. Chị P ở lại với tôi ở đó cho đến gần trưa mới thấy chồng tôi vào. Anh kể chuyện đến sớm đứng gần cổng trường còn khoá, đến khi cổng vừa mở là thiên hạ ùa vào như thác đổ, anh bị xô đẩy sao mà bị đứt cả nút áo !
Tôi chuyển bụng cả đêm hôm đó, có chị P giúp dẫn đến phòng sinh rồi lại về phòng mấy lần vì “cô mụ” nói cổ tử cung nở chưa đủ. Mãi đến gần sáng , cô ta mới cho mời bác sĩ vì tôi sinh khó, phải hút. Mấy ngày nằm Viện, chị P và chồng tôi thay nhau ở lại buổi tối với tôi, ban ngày hai người bận đi làm thì thỉnh thoảng có dì tôi vào giúp. Mẹ tôi ở Đà Nẵng, đường xá xe cộ còn khó khăn nên không vào giúp tôi được .
Khoảng chừng vài tuần sau ngày đến “đăng ký” với “ Uỷ ban quân quản”, tất cả hạ sĩ quan của quân đội VNCH được kêu đi “ học tập” tại chỗ, sáng đi chiều về. Sau ba ngày, mỗi người được cấp giấy chứng nhận đã qua khoá học cải tạo. Mọi người bắt đầu ca ngợi CSVN nhân đạo, không như bọn Kmer đỏ đã bị cả thế giới lên án là tàn bạo đối với dân nước Campuchia .
Trong khi chờ đợi lệnh, chồng tôi vẫn đều đều đi làm không công cho Bệnh viện Nguyễn văn Học, chiều tối và sáng sớm lo giặt giũ từng đống tả lót cho con rồi đem phơi trước ban công. Anh cũng phải lo chuyện vệ sinh cho vợ, tắm cho con mỗi ngày. Mẹ chồng bảo tôi không được lên xuống cầu thang nên cơm nước mỗi bữa thì có thằng Quí hoặc chồng tôi bưng lên cho tôi. Ngày nào tôi cũng có được một dĩa nhỏ cá kho mặn và dĩa rau luộc cùng nước luộc rau. Mới sinh xong, có lẽ vì phải cho con bú nên tôi ăn rất ngon miệng. Một lần, sau khi đặt con vào nôi, nghe dưới nhà mọi người đang nói chuyện gì đó có vẻ vui vẻ, tôi bước từng bước một xuống cầu thang, đi ra phòng ăn định góp chuyện. Nhìn lên bàn ăn, tôi bỗng sững sờ. Ở giữa bàn chỉ có một dĩa lớn rau muống, một tô nước rau lớn và một chén nước chấm cho cả sáu người lớn, hai đứa cháu thì có thêm một dĩa cá kho nhỏ, có lẽ còn ít hơn dĩa cá dành cho tôi. Tôi nghẹn lời, biết là tiền bạc có hạn nên cả nhà ưu tiên cho tôi ăn đầy đủ chất để có sữa cho con bú. Tuy vậy, tôi cũng vẫn không đủ sữa cho con, phải pha sữa bột cho nó bú dặm thêm.
Con gái đầy tháng chưa được bao lâu thì chồng tôi và ông anh cũng như tất cả sĩ quan trong quân đội VNCH được lệnh đi tập trung “học tập cải tạo”, được dặn đem theo áo quần, lương thực, giấy bút ...đủ dùng cho 10 ngày. Mọi người mừng khấp khởi , thế là sau 10 ngày có thể trở về làm lại cuộc đời. Cuộc chia tay không mấy bịn rịn vì ai cũng tin tưởng sẽ gặp lại nhau sau 10 ngày. Trước kia khi chồng tôi còn trong quân đội, tôi phải chờ anh cả 20 ngày mỗi tháng kia mà ! Nghe nói sau khi đến những địa điểm tập trung, tối đến thì các sĩ quan được xe cam nhông bít bùng chở đi, đi nơi nào thì không ai biết cả.
Mười ngày trôi qua khá nhanh. Cuối ngày hôm đó, cả nhà chờ đợi hai anh về ăn cơm chiều mà mãi không thấy, phải đi ăn trước. Ngày hôm sau, chờ đợi suốt cả ngày vẫn không thấy tăm dạng của người nào. Ngày hôm sau và hôm sau nữa,... Những gia đình có chồng, con đi học tập bắt đầu đi thăm hỏi nhau, ai cũng đoán có lẽ họ kéo dài khoá học đến một tháng cũng nên ! Một tháng trôi qua, bắt đầu nghe tin đồn do những người có bà con từ miền Bắc vào nói lại, thì mới vỡ lẽ ra là cả một miền Nam đã bị lừa ! Dân miền Bắc vào cho biết có thể mấy ông sĩ quan VNCH đã bị đưa đi xa, lao động khổ sai không biết đến bao giờ !
Chị P được tiếp tục dạy tại trường tiểu học Bàn cờ gần nhà nhưng lương tiền chỉ là tượng trưng, mỗi tháng có được phát thêm chút ít “ nhu yếu phẩm “...Thế là đồ đạc trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi, trước hết là cái tủ lạnh vì bây giờ còn cần gì đến tủ lạnh, kế đến là cái TV, không có gì để mà xem nữa, rồi là mấy cái quạt bàn, ai thấy nóng thì có quạt lá, quạt giấy đó, tha hồ quạt đến khi mỏi tay...Muốn bán máy móc bây giờ dễ lắm. Hàng ngày có mấy người đi rảo rảo quanh xóm, rao “Ai có TV, tủ lạnh,máy may, quạt máy, đồng hồ bán không ?” Mới đầu nghe thấy thật lạ tai nhưng nghe riết mỗi ngày cũng quen! Hôm nào quyết định bán món gì thì cứ đợi một trong những người ấy đi ngang nhà, kêu vào, khi hai bên đã thuận mua vừa bán thì họ đem xe ba gác đến chở... Có nhiều người tuy chưa hẳn là cần tiền nhưng vẫn bán bớt đồ đạc trong nhà vì nghe bà con từ miền Bắc vào nói rằng những đồ điện máy ấy rất quý hiếm ngoài đó, nên họ sợ bị dòm ngó, bị đánh giá là “tư sản”. Những người đi thu mua đồ đạc lại “bỏ mối “ cho một số người có vốn liếng nhiều hơn, rồi những người này chở ra miền Bắc !
Từ khi ra trường, tôi không liên lạc với bạn bè, nghĩ đi nghĩ lại thì chỉ còn một cô bạn có một nhà thuốc nhỏ gần bệnh viện Từ dũ. Một hôm sau khi cho con bú và dỗ cho nó ngủ, tôi gởi cháu cho ông bà nội, rồi đi tìm bạn để hỏi thăm tình hình. Con gái tôi khá bụ bẫm, lại ngoan, ít quấy khóc nên ông bà nội cũng thương, thích bồng ẵm. Đến nhà thuốc, thấy vẫn mở cửa dù chỉ còn bày lèo tèo mấy món thuốc, thấy cô bạn ngồi đó, tôi mừng quá...Bạn bè gặp nhau, mừng mừng, tủi tủi, hỏi thăm và hàn huyên, tưởng chừng không dứt ra được. Chồng bạn cũng là dược sĩ, đã đi cải tạo. Nhà thuốc chưa thấy họ nói gì nên cô vẫn cứ tiếp tục bán, chờ đợi chồng về rồi tính. Cô bạn bày tôi đến trụ sở Dược sĩ đoàn cũ nay là trụ sở của “Hội dược sĩ yêu nước “ gần đó, trình diện để nhờ họ giới thiệu việc làm. Cô cho biết, một người trước kia học cùng khoá với chúng tôi, tên PHH đã từng là một Đại diện lớp, nay là chủ tịch của Hội đó, hoá ra anh ta là VC nằm vùng ! Cô kể chuyện là phần lớn các chủ nhân các Viện bào chế đã bỏ chạy, nay chính quyền mới vào tiếp nhận, đổi tên thành các Xí nghiệp dược phẩm quốc doanh, họ rất cần người làm. Dĩ nhiên lương tiền bây giờ cũng rất thấp nhưng nếu cần việc làm thì phải chấp nhận thôi...( Mấy chục năm sau, tìm gặp được nhau, cô bạn kể lại chính anh chàng PHH này, trong đợt “đánh tư sản”, đã cầm đầu một nhóm người đến kiểm kê tiệm thuốc của cô, lục tung cả căn gác trên tiệm để tịch thu tiền bạc và những cái mà trong biên bản họ gọi là “kim loại quý”. Sau đó vài năm, không biết sao mà anh chàng tự tử chết trong lúc đang giữ một chức vụ khá lớn trong thành ủy)
Giã từ cô bạn ra về mà lòng buồn rười rượi... Tối đó tôi trằn trọc không ngủ được, suy nghĩ lan man. Ba mẹ chồng tôi đã trên dưới 70 tuổi, từ khi hưu trí sống tương đối nhàn hạ, trong nhà lúc nào cũng có người giúp việc lo chuyện chợ búa, cơm nước, giặt giũ. Nay ông bà đã phải tự lo hết mọi chuyện, làm sao mà tôi có thể gởi con để đi làm 8 tiếng, cộng thêm ít nhất là 2 tiếng đạp xe đi về... Tôi nghĩ đến gia đình tôi ở Đà Nẵng, ba mẹ tôi chỉ mới 50 tuổi, tôi lại đông em, chắc là có thể nhờ cậy giữ cháu... Đến sáng thì tôi quyết định thưa với ba mẹ chồng, xin đem con về nhà cha mẹ nương tựa. Ba mẹ chồng tôi rất buồn và có vẻ ngần ngại, không muốn cho tôi đem cháu đi nhưng sau khi nghe tôi trình bày rõ ràng thì ông bà cũng đành chấp thuận. Tôi viết thư gởi về nhà, xin mẹ tôi thu xếp vào Sài gòn đón tôi và cháu bé về Đà Nẵng .
.............
Ba tôi xuất thân là giáo viên tiểu học, làm việc trong ngành giáo dục mấy chục năm, tiến dần lên làm hiệu trưởng, thanh tra tiểu học, rồi ty trưởng tiểu học. Khoảng năm 1973, có sự cải tổ trong ngành giáo dục, các Ty tiểu học đổi thành Ty học chánh trông coi luôn cả các trường trung học. Lúc đó ba tôi đang làm ty trưởng tiểu học Quảng nam, Ty tiểu học giải thể thì ông được điều động về làm tại Khu học chánh ở Đà Nẵng với chức danh trưởng phòng hành chánh kế toán. Gia đình ba mẹ tôi được cấp một gian nhà nhỏ trong khuôn viên trường Nam tiểu học Đà Nẵng. Cuộc sống cũng tạm ổn cho đến ngày “giải phóng” !
Cũng như mọi người công chức và quân nhân khác, ba tôi ra trình diện. May mắn thay, vì chỉ là trưởng phòng nên ba tôi được xếp cùng hạng với hạ sĩ quan quân đội, chỉ phải đi “học tập” tại chỗ. Tuy nhiên, gia đình bị đuổi ra khỏi gian nhà đã được cấp hai năm nay. Ba mẹ tôi phải thuê một căn nhà nhỏ hơi xa trung tâm thành phố để cả gia đình dọn về. Mặc dầu đã từng làm ty trưởng tiểu học nhưng ba tôi rất là thanh liêm, không hề biết đến chuyện ăn hối lộ, tiền lương hàng tháng đem về đủ chi dụng trong gia đình, không dư dả lắm vì con đông mà mẹ tôi hồi nào đến giờ chỉ biết việc nội trợ. Vì vậy gia đình nay không còn lương tiền của ba tôi đem về hàng tháng như xưa, đâm ra túng quẩn.
Để có tiền tiêu và trả tiền nhà, cả gia đình phải lăn xả ra làm việc. Mẹ tôi mua ít thứ vật dụng, thực phẩm lặt vặt, bày ra cái quầy nhỏ trước nhà bán lẻ lại cho hàng xóm chung quanh những khi họ làm biếng đi chợ xa. Mấy cô em gái lớn của tôi mỗi sáng luộc ít bắp, khoai sắn hay làm vài thứ bánh đơn giản bỏ vào thúng đem ra cái chợ xép gần nhà bán. Hai đứa em nhỏ nhất mỗi sáng chở nhau đem một thùng xăng và một tủ nhỏ thuốc lá đủ loại chạy đến một ngã tư đông người qua lại, bày bán lẻ.
Nhận được thư tôi, mẹ tôi thu xếp chuyện nhà, mua vé xe đò vào Sài gòn, đem hai mẹ con tôi về Đà Nẵng. Đường xá còn nhiều dấu vết chiến tranh, xe đò chạy rất chậm, mất hai ngày và một đêm mới về đến nơi. Đem con nhỏ mới có ba tháng tuổi đi đường xa như vậy quả là thật vất vả !
Thêm hai mẹ con tôi, tổng số nhân khẩu trong nhà nay lên đến 11 người. Buổi tối đi ngủ, tất cả mọi người dồn vào một phòng ngủ duy nhất trong nhà. Ba tôi đã mua ván ép và gỗ thanh đóng thành cả một cái sạp lớn, mọi người trải chiếu lên sạp mà ngủ, khỏi sợ bị “hơi đất”. Thời buổi khó khăn, nhưng thấy tôi bồng con nhỏ về nhà, mọi người trong gia đình đều vui mừng đón nhận, cháu đầu lòng có khác !
Về nhà được hai ngày thì con bé bắt đầu bị “ đi tướt”. Mẹ tôi đoán có thể là cháu mọc răng sớm. Nhưng sau đó thì thấy là con bé bị bệnh thực sự, nó sốt nhiều, biếng ăn và tiêu chảy liên tục. Hai ngày đi đường xa, cái bình thủy nước sôi tôi đem theo không đủ để pha sữa cho cháu, tôi đã phải vào các quán ven đường mua nước sôi, không biết có phải vì nước chưa nấu đến độ hay là vì lý do nào khác mà con bé bị nhiễm trùng đường ruột. Cả nhà lo lắng. Tôi muốn đem con đi bác sĩ mà không biết có bác sĩ nào còn mở phòng mạch. Ba tôi bỗng nhớ ra một bác sĩ quen với gia đình lúc còn ở Hội an, nghe nói đã ra Đà Nẵng gần đây. Ba tôi đang định đi hỏi địa chỉ của ông bác sĩ thì trời xui đất khiến làm sao, ông ta lại đạp xe tìm đến thăm gia đình tôi. Thế là con tôi được bác sĩ đến thăm bệnh tại nhà ! Bác sĩ Toàn(*)ghi toa vài thứ thuốc và giới thiệu cho ba tôi biết một vài tiệm thuốc mà ông nghĩ có thể còn thuốc để bán. Ông lại giới thiệu tên và địa chỉ một nữ bác sĩ nhi khoa còn trẻ,còn nhận khám bệnh nhi ngay tại nhà riêng, để nếu cần thì đem cháu đến khám. Tiễn ông bác sĩ ra về, ba tôi đạp xe đi tìm mua thuốc cho cháu. Ông lùng tìm đến mấy nhà thuốc mới kiếm mua đủ thuốc cho cháu. Ngày hôm sau, cháu bớt dần và sau đó vài ngày thì bệnh dứt hẳn. Cả nhà vui mừng khi thấy cháu trở lại bình thường. Mấy dì và cậu út hễ về nhà là quấn quít bên cháu, bồng ẵm, nựng nịu, chọc cho cháu cười. Thấy các em thương cháu, tôi rất mừng, vậy là tôi có thể yên tâm đi kiếm việc làm...
Gần cuối tháng 9, có tin đồn sắp đổi tiền, gia đình tôi không có tiền bạc gì nhiều để lo lắng nhưng nghe nói có rất nhiều người chạy ngược chạy xuôi gởi bớt tiền cho bà con bạn bè để nhờ đổi giùm. Ngày đổi tiền, mỗi gia đình chỉ được đổi một trăm ngàn đồng để lấy 200 đồng tiền mới để tiêu dùng, nếu nhiều hơn thì phải đến ngân hàng xin đổi và mở trương mục nhờ ngân hàng giữ giùm ! Mọi người trong nhà tom góp tiền mặt lại vẫn chưa đến số tiền cho phép ,cảm thấy mình nghèo quá nhất là sau khi đổi, chỉ còn lại có mấy tờ giấy bạc mới !
Một hôm, tôi nhận được thư của cha chồng tôi. Ông nói về việc chính quyền bắt đầu tiến hành việc kê khai “hộ khẩu”. Ông bảo tôi cần phải quyết định dứt khoát là tiếp tục sống tại Đà Nẵng hay trở lại Sài gòn để ông biết mà ghi tên tôi vào hộ khẩu. Tôi ngạc nhiên tự hỏi sao ông lại quan trọng hoá việc đó quá vậy. Tôi nghĩ hộ khẩu thì cũng như Tờ khai gia đình trước giờ, chỉ có cái tên thay đổi theo chế độ mới thôi. Từ trước đến giờ mình ở đâu thì để tên vào Tờ khai gia đình ở đó, di chuyển đến nơi khác thì đến đó khai lại ,có gì là khó khăn đâu !! Mãi đến một thời gian sau tôi mới nhận ra là mình đã sai lầm ! Có lẽ nhiều người cũng lầm như tôi, sau đó mới vỡ lẽ, có người nói “Hộ khẩu” là “hậu khổ” đấy mà !

Sau một thời gian giao thời chộn rộn, mọi việc dần dà được đưa vào nền nếp theo một trật tự mới. Cô em gái kế tôi kiếm được một chân thư ký đánh máy cho một ngôi trường ở một quận khá xa thành phố nên cô phải ở trọ tại đó để đi làm việc, cuối tuần mới về nhà. Tuy lương tiền chẳng được bao nhiêu nhưng có việc là tốt rồi , cô phải chấp nhận sống ở một nơi thiếu hẳn những tiện nghi tối thiểu ! Các em tôi dần dần đi học lại, trường tiểu học, trung học mở cửa trước, sau đó mới đến đại học. Mấy tháng đầu trở lại trường , sinh viên đại học chỉ học chính trị, học chủ nghĩa Mác-Lê, học đường lối chính sách của nhà nước. Các em học tiểu học, trung học cũng học theo chương trình “mới”, học thơ văn ca tụng đảng Cộng sản và “cha già của dân tộc”... Khoảng thời gian đó, trường đại học Đà Nẵng mới đổi tên thành Đại học Quảng Đà, cần một chân kế toán, thế là ba tôi được thu nhận vào làm kế toán cho trường. Mỗi buổi sáng, ba tôi chuẩn bị một lon guigoz cơm độn khoai khô, bỏ thêm vài con cá nhỏ kho mặn, hay vài miếng đậu khuôn kho, kèm theo một chai nước trà, bới theo để ăn trưa, rồi lọc cọc đạp xe đi làm. Có ba tôi và cô em kế tôi đi làm “công nhân viên” nhà nước, có thêm “tem phiếu” để mua thêm một ít nhu yếu phẩm hàng tháng tại các cửa hàng thực phẩm quốc doanh, gia đình cũng đỡ khổ đôi chút mặc dù các em nhỏ đi học lại thì không còn nhiều thời giờ buôn bán lặt vặt như trước. Tôi vừa trông con vừa may áo quần con nít để đem treo bán trước cửa cùng với đồ hàng xén của mẹ.

Một hôm, một ông bạn hàng xóm mới của ba tôi đến nói chuyện với ba tôi về một ngôi nhà ở gần biển Thanh bình. Ngôi nhà này mới xây xong thì Đà Nẵng “đổi chủ”, chủ nhà là một sĩ quan cảnh sát chưa kịp dọn về nhà mới đã phải lên đường ra miền Bắc cải tạo. Bà vợ ông này không hy vọng gì về ngày chồng trở về, đang rao bán ngôi nhà với giá rẻ mạt là mười hai lượng vàng. Ông Phong nói với ba tôi: “Nhà đó địa điểm quá tốt,ngay mặt tiền đường lớn mà họ làm cửa sắt hết , chắc là tính chuyện mở tiệm buôn bán. Giá đó thì tôi dư sức mua nhưng thời buổi này, ở nhà lớn quá cũng sợ chúng để ý, nên tôi muốn rủ anh cùng mua rồi chia đôi, mỗi gia đình ở một nửa.” Ba tôi được ông Phong hướng dẫn đi xem nhà, thấy là ưng ý ngay, vì ngôi nhà quá lớn, dù có chia đôi thì một nửa nhà đó cũng rộng gấp đôi, gấp ba căn nhà gia đình chúng tôi đang ở. Thế là ba tôi và ông Phong cùng nhau mua ngôi nhà, bỏ ra một số tiền nhỏ mua gạch bít lại các cửa thông giữa hai bên nhà, quét lại vôi là thành hai căn nhà riêng biệt cho hai gia đình. Bên mua cũng như bên bán nhà, chỉ tự thảo ra giấy tờ, biên nhận rồi ký kết với nhau là xong, ra phường xin chứng nhận, họ chỉ đóng cho một con dấu đỏ. Muốn làm cho đúng luật lệ cũng chẳng biết hỏi ai , mấy ông phường khóm cũng ú ớ...Bà vợ ông đại uý cảnh sát “ngụy” bán luôn cả căn nhà gia đình bà đang ở, chắc cũng với giá rẻ mạt, rồi đem con cái đi, nói là vào miền Nam làm ăn nhưng sau đó gia đình bà đi đâu cũng chẳng ai biết. Mua được ngôi nhà khang trang, cả hai gia đình đều vui mừng, đâu biết là bao nhiêu chuyện rắc rối sau này cũng do từ đó mà ra.

Một người học trò cũ của ba tôi thời ông mới tốt nghiệp cao đẳng sư phạm về dạy trường làng là chú Q. Tôi gọi là chú vì tuy là học trò nhưng về tuổi tác thì chú không thua ba tôi bao nhiêu. Cũng như một số trai trẻ trong làng thời đó, chú theo Việt minh,sau đó tập kết ra Bắc. Giờ đây, chú đã trở thành bác sĩ và vào Đà Nẵng nhận chức hiệu trưởng trường trung học y tế. Chú hỏi thăm người cùng làng và tìm ra ba tôi nên đến thăm. Ba tôi gọi chúng tôi ra giới thiệu và hỏi chú là có thể giới thiệu việc làm cho tôi không. Chú Q. rất sốt sắng, nói là chú có người bạn hiện giờ làm giám đốc công ty dược phẩm, chú bảo tôi lo chuẩn bị đơn từ, khi nào xong cho chú biết thì chú sẽ đích thân đưa tôi đến đó xin việc.
Những ngày sau đó, tôi nhờ ba tôi “gà” cho tôi làm giấy lý lịch để chuẩn bị đi xin việc làm. Gì chứ làm lý lịch thì ba tôi bây giờ rành lắm rồi vì từ ngày dọn nhà về đây, trụ sở công an phường ở ngay bên kia đường, anh công an khu vực cứ thỉnh thoảng xẹt qua nhà, bảo ba tôi làm lại tờ khai lý lịch mà không nói lý do tại sao cứ phải làm hoài như vậy. Ba tôi thành thật khai báo tất cả, rất chi tiết về các giai đoạn cuộc đời mình, từ lúc đi học cho đến lúc bị trưng tập đi học khoá 3 sĩ quan trừ bị Thủ đức, rồi đến lúc cuộc đời binh nghiệp của ông chấm dứt vào năm 1956 khi ông xin giải ngũ, trở về nghề dạy học. Tất cả chức vụ của ông trong ngành giáo dục sau đó cũng được khai báo đầy đủ. Chỉ có một chi tiết nhỏ, một khoảng thời gian hơn một tháng vào cuối năm 1965 hay đầu năm 1966 là hình như ông cố tình quên đi. Đó là chuyến đi tu nghiệp ở Mỹ cùng với mười mấy vị thanh tra và ty trưởng tiểu học. Tất cả hình ảnh , giấy tờ về chuyến đi đó, ông đã đem đốt sạch từ cuối tháng 3/1975 khi Đà Nẵng thất thủ. Một chuyến đi hoàn toàn có tính cách chuyên môn, đi quan sát hệ thống giáo dục ở mười mấy tiểu bang khác nhau của nước Mỹ, nhưng ông không dám nhắc tới vì ông đã suy nghĩ rất sâu sắc là đối với “họ” lúc đó, tất cả những gì dính dáng với Mỹ là xấu xa !
Tôi mới 26 tuổi, mới tốt nghiệp đại học có ba năm, nên phần khai về bản thân tôi chẳng có gì ngoài tên các trường tôi đã học, rồi tên hai tiệm thuốc Tây tôi đã đứng tên. Thế nhưng tôi còn phải khai về thành phần gia đình, cha mẹ ,chồng,anh em...Tôi không dám khai dối. Làm xong bản lý lịch, tôi phải đem lên trụ sở Uỷ ban nhân dân phường cho họ chứng nhận là tôi hiện cư trú trong phường. Họ hẹn tôi hai ngày sau đến nhận lại. Đến ngày hẹn tôi đến trụ sở phường nhận lại bản khai lý lịch, đinh ninh là chỉ có mấy con dấu và vài hàng xác nhận là tôi có hộ khẩu tại địa phương. Nhưng khi dở ra xem, tôi bỗng cảm thấy nghẹn ngào trong cổ họng. Ngoài mấy con dấu đỏ đóng trên mấy trang giấy viết tay của tôi, còn có mấy dòng chữ ngoằn ngoèo của chủ tịch phường : “ Lý lịch không rõ ràng. Cha thuộc thành phần ngụy quân ngụy quyền. Chồng là ngụy quân đang học tập cải tạo. “ Tôi hiểu ý hắn muốn nói là tôi có lý lịch “không trong sạch”. Về đến nhà, tôi khóc oà, đưa cho ba tôi xem lời phê của tên chủ tịch phường. Ba tôi an ủi : “ chắc không sao đâu ! Bây giờ trong miền Nam này ai mà chẳng dính líu tới ngụy quân, ngụy quyền ! Hơn nữa, ba là nhà giáo, Hưng là bác sĩ, đâu có hại ai đâu “
Mấy hôm sau, chú Q. đến nhà, bảo tôi đạp xe theo chú đến trụ sở công ty dược phẩm để gặp bạn chú là ông tổng giám đốc. Công ty dược phẩm này là của tư nhân trước đây, nay đã thành một công ty quốc doanh. Chủ nhân có lẽ vội vã ra đi trong những ngày cuối tháng 3, để lại toàn bộ kho thuốc cho họ vào tiếp quản. Bạn chú Q. tiếp hai chú cháu trong văn phòng là một căn phòng khá sang trọng. Ông ta có vẻ cởi mở, vui vẻ khi nghe chú Q. giới thiệu tôi là cháu, con một ông anh họ mà cũng là thầy giáo cũ. Nghe nói tôi tốt nghiệp đại học dược Sài gòn, ông xoa tay : “ Thế thì tốt quá, công ty đang rất cần nhiều dược sĩ cao cấp, cháu đến thật đúng lúc. Chú sẽ đưa hồ sơ của cháu sang phòng tổ chức, ít ngày nữa cháu đến là có thể nhận việc được thôi ! “ Tôi cám ơn ông và chú Quỵ rồi ra về mà lòng tràn đầy hy vọng.
Ba ngày sau tôi trở lại trụ sở công ty dược. Anh bảo vệ hướng dẫn tôi lên lầu, chỉ đến văn phòng của trưởng phòng tổ chức. Ông này có vẻ mặt khắc khổ, lạnh lùng chỉ vào chiếc ghế trước bàn làm việc của ông ta, bảo tôi ngồi xuống. Ông ta kéo một hộc bàn, rút hồ sơ của tôi ra, để lên chiếc bàn rộng rồi đẩy về phía tôi, lạnh lùng nói : “Biết chị là chỗ thân tình của anh Bác sĩ Q. nhưng rất tiếc, chị nộp đơn hơi trễ !” . Tôi còn cố vớt vát “Cháu nghe chú giám đốc nói là công ty đang cần nhiều người !” Vẫn giữ nét mặt lạnh lùng, ông trưởng phòng tổ chức nói :” Anh C. không nắm tình hình nhân sự. Tôi vừa mới tuyển được mấy anh dược sĩ cao cấp, cũng từ cùng một trường với chị đấy !” Tôi đứng dậy chào ông ta, cầm hồ sơ ra về mà lòng ngao ngán !
Buổi chiều đi làm về, vừa thấy nét mặt của tôi là ba tôi đoán ra : “ Họ không nhận con à ?” Tôi kể lại những lời ông trưởng phòng tổ chức nói rồi thêm : “Con biết chắc là ông ta nói láo, ông ta kiếm đâu ra mấy anh dược sĩ SG lúc này, phần lớn đã bị lùa vào trại cải tạo hết rồi , số còn lại rất ít, không đủ đáp ứng nhu cầu của các xí nghiệp lớn trong SG, có ai ra đây mà xin vào làm việc cho ông ta”. Ba tôi thở dài :” Thôi cứ thủng thẳng rồi tìm việc khác, chịu khó kiên nhẫn một thời gian !”
Tình cờ một hôm tôi gặp lại T. M. một cô bạn người Quảng nam, ra trường cùng khoá với tôi. Sau giây phút tay bắt mặt mừng, tôi hỏi T. M. về công ăn việc làm. Cô cho biết lúc họ vào tiếp quản thì cô đang là nhân viên của ty y tế Đà Nẵng, sau đó họ cho cô tiếp tục làm việc tại một hiệu thuốc quốc doanh thuộc ty y tế Quảng nam-Đà Nẵng. Chồng T. M. cũng là dược sĩ , đi “học tập cải tạo” mấy tháng, mới được về. T. M. khuyên tôi nên đến ty y tế nộp đơn vì cô biết là họ rất thiếu người , mà dược sĩ mới từ miền Bắc vào phần lớn là dược sĩ trung cấp, trình độ còn thua dược tá miền Nam hồi trước. Bây giờ tôi mới hiểu ra tại sao chú Q. giới thiệu tôi là “dược sĩ cao cấp” ! Tôi cảm thấy hy vọng bắt đầu nhen nhóm trong lòng.
Tôi về làm đơn xin việc, đến nộp tại ty y tế và chờ đợi đến tuần sau thì đến hỏi lại tình hình. Tôi được một nhân viên văn phòng đưa vào gặp ông phó ty trưởng kiêm trưởng phòng tổ chức. Mới nhìn nét mặt ông này, cũng sắt đá như ông trưởng phòng tổ chức bên công ty dược, là tôi biết đã hết hy vọng rồi. Ông liệng tờ khai lý lịch của tôi lên mặt bàn, đốp chát ngay: “ Chị nghĩ thế nào mà đem tờ lý lịch như thế này đến đây xin việc ?” Tôi lặng người, ngồi nghe ông ta gay gắt thuyết giảng : “Dĩ nhiên là chị cần phải có việc làm để nuôi sống bản thân và con nhỏ, nhưng tại sao chị phải tìm việc cho đúng cái nghề dược sĩ của chị ? Bộ chị nghĩ rằng chỉ có những nghề trí óc mới là cao quý hay sao ? Bỏ cái tư tưởng tiểu tư sản đó đi ! Dưới chế độ XHCN thì chỉ có ngồi không ăn bám vào sức lao động của người khác mới đáng khinh thôi. Còn thì nghề nào cũng có giá trị như nhau, chị có đi hốt rác thì giá trị con người của chị cũng đâu thua kém mấy người bác sĩ, dược sĩ ! Tôi khuyên chị hãy kiếm một nghề lao động đơn giản mà làm, đừng mơ tưởng đến chuyện làm dược sĩ nữa !”. Tôi cố gắng nuốt nước mắt, đợi ông ta nói xong thì đứng dậy, lí nhí chào rồi ôm cái đơn xin việc cùng cái tờ lý lịch “không trong sạch” ra về.
Những lời nói thẳng thừng của ông phó ty y tế cứ vang vang mãi bên tai tôi. Nhưng tôi biết làm gì bây giờ ! Trong nhà tuy là chị cả nhưng tôi thấp nhỏ, yếu đuối, không được mạnh mẽ như các em. Vào thời điểm ấy các em tôi đã bị gọi đi “lao động nghĩa vụ”, đào mương, đắp rẫy nhiều lần rồi, chỉ có tôi vì con còn nhỏ nên còn được miễn lao động, chỉ phải đi sinh hoạt trong “tổ mẹ,chị”.
Một lần đi họp tổ dân phố về, ba tôi kể là phường Thạch thang đã thành lập một tổ hợp giấy, đã hoạt động một thời gian ngắn, nay họ cần thêm vốn để mở rộng hoạt động nên kêu gọi dân phường Thanh bình gia nhập tổ hợp . Ba tôi bàn với mẹ tôi và tôi là nên bỏ một ít tiền ra hùn hạp, gia nhập Tổ hợp giấy như họ kêu gọi. Nghe nói là nếu mình là thành viên tổ hợp thì ngoài cái quyền lợi là hàng năm được chia lời, bản thân hoặc con em mình còn có thể vào làm việc cho tổ hợp. Mẹ tôi và tôi cũng đồng ý với ba tôi, bán một số tư trang, lấy tiền nộp cho tổ hợp và xin cho tôi một chân công nhân.
Tôi được báo cho biết tôi sẽ làm việc tại một phân xưởng ngay trên đường Nguyễn thị Giang cũ. Tôi hơi thắc mắc, đường đó thì làm gì có hãng xưởng ! Ngày đầu đi làm công nhân, tôi đạp xe đến địa chỉ người ta cho thì thấy đó là một ngôi biệt thự, hơi khuất sau mấy lùm cây. Tôi tưởng đâu người ta cho sai địa chỉ, định đi quanh hỏi thăm thì thấy có mấy người khác trờ xe đến, xác nhận đó là một phân xưởng của tổ hợp giấy phường Thạch thang. Tôi theo chân mấy người kia vào vườn sau cất xe rồi theo chân họ vào nhà. Tôi kinh ngạc nhìn thấy giữa một căn phòng lớn là một cái bồn nước hình chữ nhật làm bằng những tấm sắt nhà binh ghép lại. Nhìn qua cái cửa thông qua phòng bên cạnh cũng có một cái bồn y hệt như vậy. Kích thước mỗi cái bồn cỡ bằng một cái bàn lớn, sâu khoảng 1m, và có bốn chân cũng bằng sắt. Hai người đàn ông đứng trên bục hai bên cái bồn nước ấy, dùng một dụng cụ trông giống như cái mái chèo để đánh phành phạch vào một thứ nước gì đục ngầu, có mùi thum thủm trong bồn. Một chị công nhân giảng giải cho tôi là một phân xưởng khác của tổ hợp đi thu mua cây dong (một loại tre rừng), về xay, nấu với hoá chất gì đó rồi đưa về đây. Hỗn hợp bột dong được quậy đều với một chất keo, đổ vào bồn nước và mấy người công nhân đó đang đánh lên cho mọi thứ quyện đều vào nhau. Tôi hoang mang quá vì lâu nay cứ tưởng là mình sẽ vào làm cho một nhà máy giấy với những cỗ máy, nếu không hiện đại thì cũng là thô sơ, chứ đâu ngờ “nhà máy giấy” mà lại hoàn toàn thủ công như thế này... cứ như là tôi bị kéo lại vào thời kỳ nào đó mấy chục năm trước ! Hai anh công nhân ngừng tay, cho mấy người đàn bà mới đến biết là bồn đó đã sẵn sàng rồi đi vào phòng trong, tiếp tục quậy đánh cái bồn nước đặt ở phòng trong. Hai người đàn bà lấy dụng cụ tráng giấy là hai cái khung gỗ lớn hình chữ nhật cỡ chừng 80 cm bề ngang và 120 cm bề dài căng một lớp lưới dày như một cái rây. Họ bước lên hai cái bục ở hai bên, và bảo tôi đứng bên một người, quan sát cách họ tráng giấy để bắt chước. Họ cúi khom người xuống, nhúng cái khung xuống dưới mặt nước vàng đục, sàng qua sàng lại cho bột giấy tráng đều lên lưới, rồi thẳng người lên, kéo khung lên khỏi mặt nước, đợi cho ráo bớt nước thì úp lớp bột giấy trong khung lên một cái giá để bên cạnh. Lại nhúng khung vào bồn nước, sàng lắc, nhấc khung lên, úp lên giá. .. Nhìn họ làm thì có vẻ đơn giản nhưng đến lúc tôi bắt đầu làm thì mới thấy không dễ như tôi tưởng. Phải giang rộng hai tay ra cầm hai bên cái khung gỗ, tôi đã thấy có vẻ nặng, nhưng đến lúc nhúng vào nước rồi nhấc lên mới thấy nặng hơn, tôi cầm cái khung hơi nghiêng, thế là bột giấy chảy về một bên, phải làm lại. Những lần sau đó , người hướng dẫn chỉ cho tôi xem: do tôi tráng không đều, lớp bột giấy có chỗ dày chỗ mỏng, thấy rõ quá, lại phải làm lại... Cứ thế cho đến lúc tôi mệt nhoài, mỏi tay, nhức vai, đau lưng... mà tôi chưa làm được bao nhiêu “sản phẩm “cả. Khi bột giấy trong bồn đã vơi nhiều thì người tráng giấy dừng tay, kêu mấy người đàn ông vào đổ thêm mấy thùng bột khác rồi quậy, đánh... Cứ thế cho đến khi có tiếng kẻng vang lên thì mọi người dừng tay, cho tôi biết được nghỉ trưa một tiếng đồng hồ. Phần lớn bọn họ ra ngồi dưới mấy gốc cây hoặc trên mấy cái ghế đẩu dưới mái hiên sau nhà, dở lon cơm bới theo ra ăn. Chỉ có vài người ở gần mới về nhà. Lưng áo tôi ướt đẫm mồ hôi, phía trước bụng thì ướt đẫm thứ nước hôi thum thủm trong bồn. Tôi lấy xe đạp về nhà thăm chừng con xem thế nào. Tôi về đến nhà thì con bé đã được bà ngoại cho ăn xong, đang nằm ngủ ngon lành trong cái võng treo ngang giữa nhà. Tôi thay áo, ăn vội chén cơm độn khoai trộn với muối mè rồi lại đạp xe đi làm. Đến nơi thì cũng vừa hết giờ nghỉ. Chị công nhân hướng dẫn tôi lúc sáng ngoắc tôi ra bên hông nhà, bảo tôi giúp chị khiêng những cọc giấy làm xong hồi sáng từ trên giàn tre đưa sang một cái xe bò. Gọi là xe bò vì đây là loại xe gỗ, có hai bánh xe lớn và hai cái cần gỗ lớn phía trước mà người ta thường buộc vào cổ một con bò cho nó kéo đi. Ở đây tôi chẳng thấy con bò nào hết mà chỉ thấy một anh công nhân, sau khi giúp chúng tôi chuyển hết số giấy sang xe thì đứng vào trước xe, giang hai tay ra nắm lấy hai cái cần, kéo xe đi. Hai người đàn bà chúng tôi đi theo sau xe, giúp đẩy xe ra đường. Chúng tôi đi theo con đường trước nhà khoảng chừng nửa cây số thì đến một sân trượt patin khá rộng. Hồi trước, giới thanh niên thường đến đây, mua vé vào tập trượt patin, rồi vào quán cà phê bên trong để giải khát. Sau ngày đổi đời, dĩ nhiên không còn ai đến trượt patin, chủ nơi này đã bỏ đi, quán cà phê đóng cửa, cái sân rộng mênh mông kia bỏ hoang đã mấy tháng rồi, nay tổ hợp giấy được phường cho mượn sân để phơi giấy. Anh công nhân phải trở lại xưởng để làm việc khác, còn hai chúng tôi thì bắt đầu tách từng tờ giấy lớn, còn ẩm, ra phơi. Chẳng mấy chốc mà cả cái sân rộng lớn đã đầy ngập những mảnh giấy bổi vàng chạch. Chúng tôi kiếm được một số đá, gạch vụn chặn lên giấy để nếu có gió chúng không bị thổi bay... Sau đó, hai chúng tôi kiếm một chỗ có bóng mát, ngồi bệt xuống, chờ cho nắng sấy khô giấy... Khi giấy bắt đầu khô, thì mỗi lần có gió là một số giấy lại bay lên, chúng tôi lại chạy đi lượm lại, trải ra phơi tiếp cho đến khi tấm nào khô hẳn thì xếp lại thành chồng. Đến chiều, anh công nhân kia trở lại, chúng tôi chất tất cả giấy khô lên xe bò, cùng đẩy về xưởng. Nghe nói số giấy này sẽ được chuyển đến phân xưởng khác, tại đó giấy được cán ra cho thẳng rồi cắt thành thành phẩm, đóng gói... Ngày lại ngày, tôi quen việc, làm khá hơn nhưng đến cuối tháng nhận lương, tôi dở khóc dở cười: cả tháng trời lao động cực nhọc của tôi đổi lấy được một số tiền nhỏ nhoi, không đủ nuôi thân tôi thì lấy đâu mà nuôi con !!

Một ngày nọ, ba tôi và ông Phong ( ông hàng xóm mua nhà kế bên )cùng được “giấy mời” của Uỷ ban Nhân dân phường đến trụ sở phường họp. Khi về nhà, mặt mày ông méo xệch ! Thì ra trong buổi họp họ cho biết phường Thanh bình trong tương lai sẽ được quy hoạch thành khu du lịch dành cho khách nước ngoài ( từ Liên sô, Trung quốc và các nước “anh em” khác...). Những người thuộc thành phần “ngụy quân, ngụy quyền” như ba tôi và ông Phong sẽ không được phép cư ngụ trong phường, tốt hơn hết là hai ông nên thu xếp đem gia đình đi đến các vùng kinh tế mới ở các quận huyện vùng xa để tham gia sản xuất. Cả gia đình tôi hoang mang, sợ hãi. Ba mẹ tôi đã ngoài 50 tuổi, các con lớn toàn là con gái, đến vùng “kinh tế mới” thì làm sao mà canh tác, sản xuất ! Ba tôi đem chuyện đến chỗ làm, kể với các ông giáo viên trong trường đại học. Các ông này đều là cán bộ từ miền Bắc mới vào , bảo ba tôi không có gì phải lo vì ba tôi và chị em tôi đều đã có công ăn, việc làm hoặc đang đi học, không phải là thành phần “chống đối cách mạng”. Họ còn hứa sẽ giúp can thiệp nếu như phường làm mạnh. Tuy vậy, cả nhà vẫn nơm nớp lo sợ vì cứ dăm bữa nửa tháng, ba tôi và ông Phong lại bị gọi lên phường, bị vặn hỏi đã chuẩn bị gì cho chuyến đi KT M chưa. Một thời gian sau, có người đến bỏ nhỏ với ba tôi và ông Phong là họ có thể “giúp” làm giấy tờ nhà cửa hợp lệ, “giúp” hai gia đình được cư ngụ hợp pháp trong phường. Đến lúc đó ba tôi và ông Phong mới vỡ lẽ ! Thì ra căn nhà hai gia đình mua quá khang trang, lại ở ngay mặt tiền của con đường lớn trong phường nên bị dòm ngó, chiếu cố. Thế là mỗi gia đình phải chịu chi một số tiền không nhỏ để được ở yên.

Khoảng một năm sau ngày chồng tôi đi “học tập”, tôi nhận được thư của mẹ chồng tôi cho biết là bà với chị P vừa được phép đi thăm nuôi chồng tôi. Bà không cho tôi biết trước vì nghĩ là tôi còn bận con dại, lại xa xôi chắc không thể đi được, bà kèm theo trong thư lá thư do chồng tôi viết cho tôi. Thư viết trên nửa tờ giấy vở học trò cũ kỷ. Tôi nhận ra nét chữ quen thuộc của chồng tôi, nhưng lời thư thì như là do một người nào khác viết, cho biết anh đang cố gắng “học tập và lao động tốt để chờ được sự khoan hồng của đảng và nhân dân, về đoàn tụ với gia đình”, anh khuyên tôi cũng cố gắng lao động tốt, nuôi con, chờ ngày anh về. Tôi khóc, biết là tuy viết thư tay nhưng anh cũng viết sao để thư có thể đi lọt kiểm duyệt mà đến tay tôi.
Tổ hợp giấy của tôi sống ngắc ngoải, lương tiền cho công nhân không bao nhiêu mà cuối năm tổng kết cũng lỗ lã, tổ viên không có một đồng tiền lời! Tôi đi làm một thời gian thì ngôi biệt thự trụ sở của phân xưởng bị chính quyền đòi lại, sửa sang để cấp cho một cán bộ dùng làm nhà ở. Phân xưởng dời đi, nhập chung với một trụ sở ở Hoà khánh. Đường xá xa xôi, tôi không thể ngày ngày đạp xe đi Hoà khánh làm việc để cuối tháng lãnh đồng lương chết đói, tôi quyết định bỏ việc.
Một người chị họ bày cho tôi xin vào tổ hợp “ Đan mặt mây” vì tổ hợp này làm hàng xuất khẩu, chắc thu nhập khá hơn. Thế là tôi bỏ ra một số tiền mua sắm dụng cụ để làm mặt mây xuất khẩu ngay tại nhà. Hàng tuần tôi đạp xe tới tổ hợp, nhận một mớ mây đã sơ chế đem về nhà. Trước hết, tôi phải đưa từng sợi mây qua “ máy chuốt” để chuốt thành những sợi mây cùng kích cỡ, xong mới đưa lên khung để làm thành những tấm mây hình chữ nhật, bề dài cỡ 1 m rưỡi, bề ngang cỡ 5 hay 6 tấc gì đó, nghe nói để họ làm thành ghế sofa mây. Sau khi hoàn thành, tôi cuốn những tấm mây này chở đến tổ hợp giao lại. Người nhận hàng xem xét rất kỹ, nếu có gì sơ sót là họ không nhận. Cứ mỗi tấm mây được nhận là họ trả cho một số tiền gia công. Chỉ làm một thời gian ngắn là tôi nhận ra công việc này cũng không dễ dàng gì đối với tôi, nhưng đã “lỡ phóng lao thì phải theo lao”, đằng nào thì tôi cũng đã bỏ ra một số tiền không nhỏ mua sắm dụng cụ !

Cha chồng tôi nghe ai đó bày vẻ, làm đơn với tư cách là “gia đình liệt sĩ” (vì người con trai cả của ông, con của bà vợ trước, đã từng đi Vệ quốc quân và chết trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đã được phong là “liệt sĩ”) xin cho hai con trai được thả với cam kết là khi về nhà sẽ đem vợ con đi “kinh tế mới”. Cuối năm 1977, chồng tôi được thả về trước. Tôi đem con đáp xe đò vào Sài gòn. Bé Q nghe lời tôi bảo, lần đầu tiên được gọi “ba” và chịu để ba nó bồng bế, hôn hít. Tuy vậy khi thấy chồng tôi đến gần, có cử chỉ âu yếm tôi là cô bé nổi giận, dặm chân, dặm cẳng : “Ba...! mẹ ...!”, rồi chen vào giữa , hai tay đẩy ba mẹ ra xa... Cả nhà ai thấy cũng phì cười. Hồi nào đến giờ được “độc quyền” mẹ, nay đột nhiên có cái ông nào đâu đến dành sự chú ý của mẹ, không giận sao được.
Chỉ nghỉ ngơi, hàn huyên được một hai ngày, chồng tôi bắt đầu đi tìm mua một số dụng cụ làm rẫy, một số hạt giống...để chuẩn bị cho cuộc sống mới. Vài ngày sau, anh theo cha đáp xe đò đi Tây ninh, rồi từ đó đi xe thồ đến Bến cầu, khu kinh tế mới mà cha chồng tôi đã chọn để xin cho anh ra khỏi tù. Đến nơi thì thấy cảnh đồng không, nhà trống, vắng vẻ, không còn như mấy tháng trước , lúc cha chồng tôi đến thăm dò. Hỏi ra mới biết vùng này mới bị Kmer đỏ tràn qua “cáp duồng”, dân chúng cũng như chính quyền đã bỏ chạy tứ tán !
Về nhà, phải tính chuyện đi tìm vùng KTM nào khác, chứ cả hai vợ chồng không ai có hộ khẩu ở Sài gòn, không thể sống tại nhà cha mẹ như trước nữa.
Một hôm, có lẽ nghe dì H. nói chuyện về tình cảnh vợ chồng tôi, một bà dì họ đến nhà thăm chúng tôi. Dì C. là con của một bà dì, em ruột bà ngoại tôi. Năm 1954, chưa đến tuổi trưởng thành, dì đi theo lý tưởng, tập kết ra Bắc mặc dầu dì là con một và cha đã mất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Dì là một trong số những cán bộ tập kết trở về miền Nam những ngày đầu sau biến cố 1975. Tôi gặp dì lần đầu lúc ôm con về nhà bà ngoại ở Thị Nghè, chuẩn bị theo mẹ tôi về Đà Nẵng. Ra Bắc từ lúc còn rất trẻ, nay dì nói tiếng lơ lớ Bắc, cách ăn mặc, lời ăn tiếng nói thì đúng hệt là của một bà cán bộ chuyên chính. Thế nhưng nói chuyện với dì, tôi có cảm tình ngay vì dì rất có tình với bà con. Lần này đến thăm, dì khuyên chồng tôi đừng đem vợ con đi KTM vì sợ con tôi còn nhỏ, không thể chịu đựng cuộc sống gian khổ ở đó. Làm việc ở phòng tổ chức Sở Y tế thành phố, dì biết họ đang rất cần bác sĩ. Dì khuyên chồng tôi nộp đơn xin làm việc ở Sở Y tế, mới đầu họ sẽ gởi đi theo các đoàn Thanh niên xung phong, nhưng sau một thời gian sẽ được điều về làm việc tại thành phố. Thế là chồng tôi theo lời khuyên của dì C., đến sở Y tế nộp đơn, và chẳng bao lâu sau được gọi đi làm cho đội y tế chăm sóc sức khỏe cho đoàn TNXP đang đào kinh, đắp rạch ở khu kinh tế mới Lê minh Xuân. Tôi lại ôm con về nhà ngoại ở Đà Nẵng.
Trước khi vào Sài gòn, tôi có qua trụ sở Công an phường làm giấy xin tạm vắng, lần này về lại qua đó báo cho họ biết tôi đã trở về, vì thế họ đã biết là chồng tôi đã được ra khỏi trại cải tạo. Như thường lệ, cứ năm ba bữa, anh chàng Công an khu vực lại tạt qua nhà tôi, hỏi han, dòm ngó. Lần này, sau khi hỏi thăm mẹ tôi đang bán hàng ở trước, anh ta bước đến chỗ tôi đang ngồi chuốt mây, kéo chiếc ghế đẩu ngồi xuống nói chuyện với tôi. Anh ta hỏi han vài câu về chồng tôi rồi ra vẻ ái ngại, hỏi về thu nhập của nghề làm mặt mây. Tôi thở dài, thú thật là vì tay nghề tôi còn kém nên thu nhập rất thấp, nhưng theo tôi nghĩ thì ngay những chị em công nhân đã thạo việc, làm nhanh hơn tôi nhiều thì có lẽ thu nhập của họ cũng không khá lắm. Anh ta đột nhiên hỏi tôi có biết là Xí nghiệp dược phẩm Quảngnam- Đà Nẵng từ trong “chiến khu” đã chính thức dọn về một khu nhà rất lớn, trước đây là một trường trung học Pháp hay không. Tôi lắc đầu thì anh ta cho biết họ đang tuyển công nhân và nếu tôi nộp đơn thì có thể được nhận, lương tiền công nhân viên thì chắc là khá hơn làm cho tổ hợp, hơn nữa lại còn có tiêu chuẩn nhu yếu phẩm hàng tháng. Tôi ngạc nhiên, thì ra anh chàng công an này cũng còn sót một chút tình người, biết thương hại cho hoàn cảnh của tôi.
Tôi viết lại bản lý lịch, đem lên phường cho UBND phường chứng. Lần này may thay, không còn bị phê mấy câu ác ôn như hồi trước nữa. Tôi nộp đơn xin việc vài tuần thì được kêu đi làm. Tôi được Xí nghiệp nhận vào làm với chức danh “công nhân kỹ thuật” nhờ có văn bằng dược sĩ của chế độ cũ ! Với chức danh này, mỗi tháng tôi lãnh lương cao hơn lương công nhân thường được mấy đồng. Đã bị đời đá lên đá xuống mấy năm nay, việc làm này đối với tôi đã là một sự may mắn lớn !
Xí nghiệp Dược này cũng khá lớn, có tới vài ba trăm nhân viên, khoảng một phần ba là công nhân mới tuyển từ địa phương, còn hơn hai phần ba là hàng ngũ chủ chốt : dược sĩ cao cấp, dược sĩ trung cấp, công nhân kỹ thuật...từ Bắc vào, từ rừng ra. Tôi được phân vào tổ pha chế dầu và đóng gói của Phân xưởng Chế phẩm, một phân xưởng chuyên chế biến dược liệu. Ngày đầu tiên được phát chiếc áo blouse may bằng vải thô ngả màu vàng và dài rộng thùng thình, tôi cũng cảm thấy đôi chút xúc động, cảm thấy như được trở lại môi trường quen thuộc với mình. Bước vào căn phòng rộng đóng kín cửa, thơm nồng mùi các loại tinh dầu mặc dù mũi đã bị che kín dưới chiếc khẩu trang, thoạt đầu tôi cảm thấy ấm áp nhưng sau đó mới nhận ra ánh mắt lạnh lùng của những người cùng làm. Nhân viên tổ đóng gói này đại đa số là thành phần cốt cán, mới từ xưởng sản xuất dược trong rừng về, nếu không phải là đảng viên thì cũng là đoàn viên Thanh niên Cộng sản. Trong tổ, ngoài tôi ra chỉ có thêm một cô người Đà Nẵng cũng mới được tuyển vào.
Không biết có ai từ Phòng Tổ chức tiết lộ mà đám dược sĩ cao cấp trong xí nghiệp biết tôi nguyên là dược sĩ Sài gòn. Mới vào làm việc hai ba ngày thì có Dược sĩ Hương làm việc ở Phòng Kiểm nghiệm xuống phân xưởng lấy mẫu gì đó, bước vô phòng tôi đang làm việc, nhìn quanh,nhận ra tôi mặc dù mọi người trong phòng đều đội mũ, mang khẩu trang. Cô ta đi đến sau lưng tôi, bảo người ngồi kế bên tôi xích ra rồi chen vào, ngồi trên băng ghế sát bên tôi để nói chuyện. Cô ta nói giọng Nghệ Tĩnh, rất khó nghe nhưng vui vẻ, tỏ ra thân thiện với tôi như đối với bạn bè lâu ngày gặp lại. Sau khi hỏi han qua loa vài câu về tôi, cô ta huyên thuyên kể là hồi năm 1975, cô ta cùng chồng, cũng là dược sĩ hiện đang làm ở phòng Kỹ thuật, từ Bắc vào miền Nam thăm bà con bên chồng, thấy trong này thoải mái quá nên tìm cách xin đổi vào làm việc. ..Có lẽ cô ta còn tiếp tục câu chuyện dài dài nếu không bắt gặp mấy cặp mắt khó chịu của mấy bà trong tổ của tôi và một bà lên tiếng: “Làm việc ở phòng Kiểm nghiệm rãnh rỗi quá nhỉ !”
Vài hôm sau, khi đi ngang qua Phòng Nghiên cứu kỹ thuật, tôi gặp ông DS trưởng phòng tên Trung, ông ta mời tôi vào, giới thiệu với các nhân viên của ông, trong số đó có Tuấn cũng xuất thân từ trường Dược như tôi nhưng mới ra trường năm 1976, nghĩa là đã trải qua một năm học dưới “mái trường xã hội chủ nghĩa”. Nói xong vài câu xã giao, tôi vội vã cáo từ để trở vào phân xưởng làm việc kẻo mấy “bà chị”lại mắng xéo. Tuấn đưa tôi ra cửa và còn đi theo một quãng đường ngắn tâm sự: “Em ra trường không đủ điểm để xin ở lại Sài gòn, nhưng dù sao thì về Đà Nẵng cũng kể như là được về “thành phố mang tên bác gái”, còn hơn là đi những chỗ khác”.
Chân ướt chân ráo mới vào làm việc được một tuần thì một hôm nọ, tôi được (hay bị) tham dự một buổi họp “kiểm điểm” của tổ. Tưởng là họ kiểm điểm việc làm của tổ viên, hoá ra là kiểm điểm vụ bà chị tên Ch. không chồng mà chửa. Bà này khoảng trên dưới 40 tuổi, chưa có chồng con mặc dù đã sống bao nhiêu năm trong chiến khu, tôi đoán có lẽ vì bà quá xấu, mặt nhìn giống như khỉ ! Tôi ngồi thu người vào một góc nghe mọi người tra vặn “đồng chí” Ch. Lạ thật, thường ngày tôi vẫn nghe họ xưng hô với nhau là chị em, nhưng khi vào cuộc họp thì lại xưng hô là đồng chí và tôi, trao đổi lời qua tiếng lại đằng đằng sát khí. Gần một tiếng đồng hồ, hết căn vặn bà Ch. ai là “thủ phạm”, lại mạt sát bà không xứng đáng là đảng viên, thậm chí có người còn đòi đề nghị lên đảng ủy để khai trừ bà ra khỏi đảng ! Bà Ch. một mực không khai ai đã gây ra nông nổi, chỉ nói là vì bà muốn có một đứa con để hủ hỉ nên nhờ người “cho một đứa con” và khi đã có kết quả mong muốn là bà cắt đứt quan hệ với người ấy, không tình cảm vấn vương chi cả.
Chuyện của bà Ch. còn chưa ngả ngũ thì vài tuần sau lại có một cuộc họp kiểm điểm cô Nh. Cô này là một đảng viên trẻ, mới ngoài 30 tuổi, đã có một đứa con nhưng cha đứa bé đã chết trận. Không biết do ai phát giác mà cô bị đưa ra kiểm điểm do có
quan hệ “không lành mạnh” với một anh chàng đã có vợ, ở cùng trong khu nhà tập thể của công nhân viên xí nghiệp. Cuộc họp cũng khá sôi nổi với những lời phê bình chỉ trích của các tổ viên và lời phân bua rồi hứa hẹn của cô Nh. là sẽ chấm dứt mối quan hệ. Suốt buổi họp, tôi để ý bà Ch. cũng lặng im, không nói tiếng nào giống như hai kẻ ngoại cuộc là tôi và cô bé mới được tuyển vào. Tuy nhiên, tôi thấy suốt buổi họp,bà vẫn giữ một nụ cười khinh bạc trên môi, ra điều hả hê khi thấy đồng chí Nh., hôm trước hăng hái tấn công bà bao nhiêu thì nay lại phải luống cuống chống đỡ sự chỉ trích của mọi người bấy nhiêu...

Mỗi ngày đến giờ nghỉ ăn cơm, mọi người thường tụ tập từng nhóm ngồi dưới mái hiên hoặc dưới các gốc cây lớn trong khoảng sân rộng giữa xí nghiệp , vừa ăn uống vừa chuyện gẫu. Nếu để ý thì sẽ thấy thường thì nhóm công nhân miền Bắc ngồi riêng, nhóm trong rừng về ngồi riêng và nhóm công nhân địa phương ngồi với nhau. Từ khi biết được thân thế của tôi, đám công nhân dân địa phương có người thông cảm hoàn cảnh cay đắng của tôi, nhưng cũng không ít người lại chế nhạo tôi (có lẽ do ganh tỵ ?). Một lần trong giờ nghỉ, một cô gái cười nói oang oang : “Tụi bây thấy tao nói có đúng không “Học cho bưa cũng ăn dưa với mắm, học cho lắm cũng ăn mắm với dưa! “. Chị Hương đây nè, đi vào tận Sài gòn học ra dược sĩ, mà chừ thử coi lương tháng hơn tụi mình được mấy cắt bạc !!” . Tôi cũng cười cười theo bọn họ, cứ nghĩ như họ nói đùa cho vui, mà sự thật cũng đúng như vậy mà !

Sau một thời gian ngắn làm việc ở phân xưởng chế phẩm, tôi được điều qua Phân xưởng viên. Từ một phân xưởng này qua một phân xưởng khác, chỉ cách một cái sân mà tôi cảm thấy như được thở một bầu không khí khác. Làm việc bên kia gần 3 tháng mà tôi chưa hề có dịp nói chuyện với ông phân xưởng trưởng. Một đôi lần gặp ông, tôi gật đầu cất tiếng chào, ông có vẻ miễn cưỡng gật đầu đáp lại mà nét mặt thì lạnh như băng khiến tôi không khỏi liên tưởng đến mấy ông trưởng phòng tổ chức của mấy nơi mà tôi đến xin việc lúc trước.
Ngược lại, trưởng Phân xưởng Viên là DS Thảo, người Hà tĩnh, lại rất hiểu biết, trọng nễ tôi và đối xử với tôi rất thân tình, coi tôi như đàn em, tận tình chỉ bảo những điều mà tôi chưa được học ở trường. Phụ tá anh Thảo là cô dược sĩ cao cấp tên Dung, đang xin về lại miền Bắc lấy chồng, không thân thiện lắm nhưng cũng không ghẻ lạnh đối với tôi. Tổ trưởng tổ pha chế là cô Hà, dược sĩ trung cấp người miền Bắc , trạc tuổi tôi nhưng đã thâm nhập vào chiến trường miền Nam từ mấy năm trước 1975. Cô tính thâm trầm, nghiêm nghị, có vẻ hơi khó, nhưng có lẽ thấy anh Thảo coi trọng tôi, cũng có vẻ nể tôi, nhất là sau khi được tôi giúp đỡ rất nhiều trong việc tính toán cân lượng các mẻ thuốc, vào sổ sách chính xác...Mấy cô cậu công nhân trong tổ pha chế này toàn là người từ trong bưng về nhưng còn trẻ nên tính tình tương đối dễ chịu, nhất là sau khi nghe tôi nói chồng tôi hiện là thanh niên xung phong, họ cũng có vẻ hoà đồng với tôi. Nói chung, mọi người trong phân xưởng đều kính trọng DS Thảo nên thấy thái độ của anh đối với tôi không có vẻ gì là phân biệt đối xử, họ cũng tỏ vẻ thân thiện với tôi. Dần dà khi có dịp tiếp xúc với những người trong những tổ khác của phân xưởng viên, tôi cảm thấy rất mừng là hầu như không có ai ra mặt ghẻ lạnh với tôi. Mãi sau, tôi có nghe nói là anh Thảo có ý định huấn luyện tôi để cất nhắc lên làm phụ tá kỹ thuật một khi cô Dung đi theo chồng. Nói là nói vậy chứ sau khi Dung đã được thuyên chuyển , sự cất nhắc của DS Thảo vẫn không được “cấp trên” chấp thuận, tôi vẫn cứ là một công nhân kỹ thuật.
Tôi đi làm tuần sáu ngày, thường là vào giờ hành chánh, nhưng thỉnh thoảng cũng phải làm theo ca. Ngày chủ nhật đáng lẽ được nghỉ nhưng thường lại bị kêu đi làm “lao động xã hội chủ nghĩa” , đến xí nghiệp làm vệ sinh, dọn dẹp không công, mất quá nửa ngày mà chỉ được “bồi dưỡng” cho một khúc bánh mì và một ly trà đá. Giai đoạn bận rộn nhất, hầu như chủ nhật nào cũng bị kêu đi lao động là lúc xí nghiệp biến một vùng đất trũng trong khuôn viên xí nghiệp thành một cơ sở nuôi rắn để lấy nọc làm thuốc thoa bóp trị đau nhức.
Nói chung, tôi cũng tạm bằng lòng với công việc tại xí nghiệp. Lương tiền tạm đủ cho hai mẹ con sống qua ngày, không đến nỗi giật gấu vá vai như lúc tôi còn làm tổ hợp. Thỉnh thoảng đi làm về, tôi ghé vào cái chợ xép bên đường ,mua lạng thịt nạc về băm nhỏ, sốt cà cho con ăn thêm. Mỗi lần lãnh lương, tôi lại chở con bé đi “kéo ghế”: thường là đến một cửa hàng ăn quốc doanh, kêu một tô cà ri gà bánh mì để hai mẹ con cùng ăn vì con bé rất thích món này.
Vợ chồng tôi tiếp tục sống mỗi người một nơi như vậy, hy vọng ngày nào đó, chồng tôi hết hạn TNXP được điều về Sài gòn thì may ra mới xin được hộ khẩu cho tôi vào sum họp. Chúng tôi gởi thư từ cho nhau nhưng tránh không nói gì ngoài chuyện sức khỏe của con gái .
Sau gần một năm sống tại vùng Kinh tế mới, chồng tôi xin được mấy ngày phép, leo lên xe đò về Đà Nẵng thăm vợ con. Ra tù đã gần một năm mà anh cũng không khá gì mấy. Người vẫn gầy gò, da vẫn xanh xao...Anh kể, tuy mang tiếng là bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Thanh niên Xung phong nhưng anh vẫn phải lao động quần quật như những người TNXP đó. Công việc tại trạm xá thì đúng ra chẳng cần đến trình độ bác sĩ vì thuốc men quanh đi quẩn lại chỉ là mấy thứ dược thảo, y cụ thì thiếu thốn...
Trở lại vùng KTM không bao lâu thì chồng tôi bị bệnh nặng, phải về Sài gòn chữa trị. Cũng may anh được một vị giáo sư, thầy dạy anh ở đại học Y khoa và một bác sĩ đàn anh tận tâm chữa trị nên cũng qua được cơn ngặt nghèo. Sau một thời gian nằm bệnh viện và về nhà nghỉ ngơi, thì thời hạn đi TNXP của anh đã chấm dứt, anh chính thức về làm việc tại Sài gòn. Sau đó, anh phải nhờ Sở Y tế can thiệp mới vào lại hộ khẩu nhà cha mẹ được. Đến khi đó thì chồng tôi mới xin được hộ khẩu cho tôi và con gái...
Tôi đem con gái trở lại Sài gòn khoảng sau mùa hè 1979. Mẹ tôi bảo “Ngưu Lang - Chức Nữ tân thời đã được xum họp rồi đấy !”. Kể từ ngày đám cưới cho đến lúc ấy là năm năm rưỡi, chưa bao giờ vợ chồng tôi sống chung dưới một mái nhà liên tục được hai tháng. Còn nếu kể từ khi chồng tôi tự đi vào tù thì cũng “chỉ” mới hơn bốn năm, nhưng lúc đó tôi thấy sao mà thời gian dài vô tận với bao nhiêu khổ cực, đau đớn, tủi nhục. Đó là khoảng thời gian đen tối nhất trong đời vợ chồng tôi mà mãi đến bao nhiêu năm sau, những gì đã xảy ra vẫn còn in hằn mãi trong tâm trí của tôi.
D. H.


(*) BS Vĩnh Chánh có tặng cho chồng tôi tập truyện “Tháng ngày tao loạn” do anh viết. Đọc truyện “Đằng sau mặt trăng” mới biết BS Vĩnh Toàn, ân nhân của gia đình chúng tôi năm nào lại chính là anh ruột của BS Vĩnh Chánh.