Lời tòa soạn: Trường Y Hà Nội là một trong những trường đại học ra đời sớm nhất và nổi tiếng nhất ở Việt Nam, là cái nôi đào tạo ra những bác sĩ đầu ngành nổi tiếng như các ông Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung. Nhưng ít ai biết rằng, dù phát triển y tế là công việc cấp bách để duy trì ổn định xã hội và thúc đẩy kinh tế nhưng Trường Y Hà Nội lại có một quá khứ nhọc nhằn, có những lúc số y sĩ được đào tạo trong một khóa chưa đầy một bàn tay. Sự phát triển của Trường Y gắn liền với mâu thuẫn giữa mục tiêu chính trị của những nhà cầm quyền và mục đích khoa học của các giảng viên, giữa nền y học phương Tây và phương thức chữa bệnh truyền thống và cả trong bối cảnh chiến tranh ngổn ngang. Tiếp nối chuỗi bài về Đại học Luật Đông Dương, Tia Sáng xin giới thiệu đến với bạn đọc trường Đại học Y Đông Dương với lịch sử đầy thăng trầm của nó.
Trương Y Đông Dương, mặt tiền tòa nhà chính. Nguồn: La Dépêche coloniale illustrée. 15 décembre 1908.
Một trong những mốc khởi đầu của Trường Y Hà Nội là từ Nghị định số 565 ngày 12/8/1898 của toàn quyền Đông Dương Paul Doumer nhằm thiết lập một Ban nghiên cứu những điều kiện tổ chức và vận hành một trường y. Theo nghị định này, Ban có sáu thành viên, gồm năm bác sĩ và một dược sĩ. Trưởng ban là bác sĩ Hénaff, Giám đốc Bệnh viện Chợ Quán Sài Gòn.1
Theo quan điểm của Paul Doumer, mục tiêu trước nhất của Trường Y Hà Nội không chỉ phải đào tạo được những bác sĩ đủ năng lực mà còn tham gia nghiên cứu khoa học về bệnh lý và xử lý các dịch bệnh hoành hành tại vùng Viễn Đông tác động đến những người châu Âu và người bản địa. Viễn kiến của ông về trường Y được nhắc đến trong báo cáo về tình hình Đông Dương năm 1901 rằng việc đào tạo tại Đông Dương một lực lượng y sĩ châu á bởi người Pháp sẽ là một phương tiện tích cực mở rộng ảnh hưởng văn hóa Pháp. Y sĩ được đào tạo tại Trường Y Hà Nội, ở lại hoặc đến các cơ sở y tế bên ngoài Đông Dương, sẽ phục vụ cho nước Pháp, đồng thời sẽ phục vụ cho nhân loại.2
Một điều thú vị là Trường Y ban đầu được dự kiến đặt tại Sài Gòn (Trưởng ban nghiên cứu việc thành lập trường cũng là bác sĩ Pháp ở Sài Gòn) nhưng cuối cùng lại chuyển hướng đặt ở Hà Nội. Lý do lựa chọn Hà Nội là những người thẩm định dự án thành lập dựa trên “số lượng và bản chất của các bệnh tác động đến dân Bắc Kỳ, tầm quan trọng của cư dân trong vùng này của thuộc địa, và sự cận kề với các tỉnh của Trung Quốc vốn đã diễn ra các hoạt động y học của Pháp”.3
Trường Y Hà Nội được thành lập chính thức vào tháng 1/1902. Ban đầu, tòa nhà chính của Trường Y Hà Nội được đặt ở làng Thái Hà, cách trung tâm Hà
Nội khoảng 5 km, gần với một bệnh viện mà ở đó có các hoạt động giảng dạy lâm sàng. Bệnh viện có tổng năm phòng, khoảng 40 giường bệnh, chật hẹp, khá xa trung tâm đô thị. Xung quanh bệnh viện, người ta có thể thấy những ao tù là nơi làm tổ của muỗi vằn. Một thời gian ngắn sau khi khai giảng, gần như tất cả sinh viên của trường và cả những người châu Âu ở đó đã bị sốt.
Thăng trầm buổi đầu thành lập
Mặc dù cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng Trường Y lại có một khởi đầu khá bài bản về mặt học thuật. Hiệu trưởng đầu tiên của trường là bác sĩ nổi tiếng Yersin. Ông cũng là người giảng dạy về động vật học. Ngoài ra còn có hai vị giáo sư thực thụ khác được tuyển từ Pháp sang thông qua một kỳ thi, bác sĩ Le Roy Des Barres và bác sĩ Degorce, họ đều là cựu nội trú của bệnh viện ỏ Paris. Hai vị giáo sư này sẽ ở lại, gắn bó lâu dài với trường và sau này họ sẽ lần lượt trở thành hiệu trưởng. Có hai người được giao phụ trách giảng dạy tiếng pháp và các khoa học căn bản. Hai người khác nữa phụ trách giảng dạy và một phiên dịch.4
Nghị định 565 thành lập ban nghiên cứu Y khoa của Paul Doumer.
Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau đó, khi toàn quyền mới của Đông Dương là Paul Beau nhậm chức, số phận của Trường Y bị đảo lộn hoàn toàn. Paul Beau cho rằng hoạt động nghiên cứu ở Trường Y là không cần thiết: “Cơ quan này không nên là một trung tâm nghiên cứu cao cấp được giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ở bậc cao nhất, mà là một cơ sở hướng dẫn nghề nghiệp. Đó không phải là cung cấp cho người học kiến thức khoa học tiên tiến nhất, mà là đào tạo các y sĩ bản địa, những người sẽ là trợ lý tốt của các bác sĩ châu Âu”.5
Quan điểm của Paul Beau trái ngược hoàn toàn với quan điểm của bác sĩ Yersin, người luôn mong muốn Trường Y sẽ là một cơ sở giáo dục và nghiên cứu ở trình độ cao. Hiệu trưởng Yersin đã cảm nhận được bóng tối bao phủ lên Trường Y ngay từ khi Paul Beau lên nắm quyền: “Từ những dấu hiệu, tôi đã nhận thấy rằng thời kỳ vàng son đã kết thúc đối với chúng ta, và chúng ta đã chịu tổn thất một cách ghê gớm khi ngài Doumer đi khỏi Đông Dương”.6 Cuối cùng, bác sĩ Yersin đã rời khỏi Hà Nội vào ngày 9/7/1904 để tới đảm nhiệm vị trí lãnh đạo Viện Nghiên cứu Pasteur Nha Trang7. Ông đã chỉ trích chính sách của Paul Beau một cách nặng nề: “Với những ý tưởng của vị toàn quyền hiện thời, không có gì hi vọng cho tương lai của các sinh viên, những người sẽ đi ra từ ngôi trường của chúng ta. Họ đã bị kết án trước bởi định kiến mà không có sự xét xử. Người ta chỉ muốn tạo ra các y tá, điều mà tôi không thể chấp nhận”.8
Nhưng đó vẫn chưa phải là những ngày đen tối nhất của Trường Y. Người kế nhiệm Paul Beau là Antony Klobukowski còn có những chính sách hà khắc hơn. Vào năm 1908, khi Antony Klobukowski lên nắm quyền, ông đã đóng cửa Đại học Đông Dương khi trường mới chỉ hoạt động được một năm học. Tuy trường Y không phải chịu số phận đáng thương như vậy, nhưng phải chịu đựng rất nhiều khó khăn từ những chính sách hẹp hòi: Dù tiền phụ cấp cho giảng viên được tăng lên nhưng lại hạn chế bớt quyền của hiệu trưởng, xóa bỏ ban quân y bị xem là không hữu ích ; Giảm số lượng sinh viên tuyển vào, ấn định còn sáu sinh viên9 (một cho Lào, một cho Campuchia và bốn cho Việt Nam). Nhà cầm quyền biện hộ cho hành động của mình như sau: “Vô tác dụng và nguy hiểm khi đào tạo số lượng y sĩ vượt quá số lượng vị trí làm việc mà chúng ta có thể bố trí cho họ”.10
Nhóm sinh viên trường y và giảng viên trong trang phục thực hành. Nguồn: La Dépêche coloniale illustrée, 15 décembre 1908.
Hậu quả là mỗi năm trường chỉ đào tạo được rất ít y sĩ Đông Dương: năm 1913 chỉ có bốn y sĩ tốt nghiệp và năm 1914 chỉ hai y sĩ ra trường. Số lượng ấy không đủ cho nhu cầu tại các cơ sơ y tế. Vậy đâu là lí do thực sự của quyết định giảm đi số sinh viên? Trong một báo cáo về Trường Y từ 1911-1913 có đoạn: “Biện pháp này là hậu quả của một định hướng chính trị mới với mong muốn rằng An Nam (Việt Nam) không vượt ra được giới hạn của ruộng đồng và định hướng chính trị đó xuất phát từ căn nguyên cho rằng người An Nam có học thức sẽ trở thành kẻ thù của chúng ta”.11
Đến khi Antony Klobukowski hết nhiệm kì, Albert Sarraut lên làm toàn quyền Đông Dương năm 1911, số phận Trường Y mới bắt đầu khởi sắc. Nhà cầm quyền lúc đó nhận ra rằng cần cấp bách cải tổ Trường Y mới mong đáp ứng được nhu cầu lớn về các y bác sĩ ngoài thực tế.
Quan điểm về sự nguy hiểm của những người bản xứ có học thực vì thế cũng được nhìn nhận lại. Cũng trong báo cáo về Trường Y năm 1911-1913 có đoạn: “Thật không chính xác khi cho rằng người bản xứ có học sẽ trở thành những kẻ thù nguy hại của chúng ta”.12
Dưới thời Albert Saraut, Trường Y có tên là Trường Y Đông Dương và có những bước phát triển quan trọng: Năm 1914, ban Dược được thành lập để đào tạo các dược sĩ phụ tá; Năm 1919, mở thêm khóa giảng dạy về khoa học gồm vật lý, hóa học và tự nhiên; Năm 1920 thành lập lại Ban quân y vốn bị bãi bỏ vào năm 1909. Trong đó, việc mở thêm khóa giảng dạy về khoa học tự nhiên năm 1919 là bước đầu tiên để Trường Y trở thành một cơ sở giáo dục đại học thực sự giống như mô hình chính quốc.
Toàn quyền Albert Saraut cho rằng xét về mọi phương diện, sẽ tốt hơn nếu Trường Y Đông Dương đáp ứng tốt hơn yêu cầu khắt khe nhất của giáo dục y tế đầy đủ. Khi đó, các sinh viên sẽ chỉ đến Paris trong thời gian cần thiết để trải qua các bài kiểm tra lâm sàng và bảo vệ luận án của họ. Chuyển đổi Trường Y thành một trường toàn cấp là sự hoàn thiện cần thiết của việc tổ chức giáo dục đại học ở Đông Dương. Ý tưởng này được đặt ra từ năm 1918 nhưng đến năm 1921 mới chính thức được thực hiện và do trường mãi không tuyển đủ số lượng sinh viên, do khó khăn trong bổ nhiệm giảng viên và tổ chức nghiên cứu thực hành mà đến năm 1933, trường Y mới trở thành Trường Y Dược toàn cấp Đông Dương và năm 1941 mới được dùng danh xưng là Đại học Tổng hợp Y Dược Đông Dương.
Đôi nét về giảng viên tại Trường Y Đông Dương
Như chúng ta đã biết, vào lúc thành lập trường, chính quyền Pháp không đào tạo tại Đông Dương những bác sĩ có trình độ như bên Pháp. Vì lúc đầu họ lo ngại rằng nếu đẩy nhanh tốc độ phổ biến khoa học, sớm đào tạo tầng lớp có trình độ cao như chính quốc ngay tại thuộc địa thì họ sẽ có thể trở thành lực lượng quan trọng trong cuộc đấu tranh chống lại nước đô hộ.
Nhóm sinh viên trường y và giảng viên trong trang phục thực hành. Nguồn: La Dépêche coloniale illustrée, 15 décembre 1908.
Nhưng để tối ưu việc khai thác thuộc địa, hạn chế chi phí cho chính quốc thì lại cần phải đào tạo nhân lực tại chỗ, trong đó có việc đào tạo có đội ngũ y bác sĩ, dược sĩ, hộ sinh. Để giải quyết mâu thuẫn này, người Pháp đành phải chọn giải pháp mở trường y nhưng lúc đầu còn rất hạn chế về số lượng cũng như cắt giảm đi chương trình đào tạo. Y, bác sĩ ra trường cũng bị hạn chế về quyền làm việc, họ chỉ được đóng vai trò phụ tá cho bác sĩ Pháp.
Những bác sĩ, giáo sư trí thức Pháp có tư tưởng tiến bộ cũng bị nằm trong khuôn khổ của chính sách này của nhà cầm quyền. Họ chỉ có thể đưa ra những đề xuất, kiến nghị, nhưng họ không phải là người có quyết định cuối cùng. Trường hợp bác sĩ Yersin là một ví dụ điển hình rõ nét. Ông phải từ bỏ lý tưởng của mình về một trường y thực sự vì Toàn quyền Paul Beau không đồng quan điểm với ông. Cần phải đặt trong bối cảnh chính trị như vậy để hiểu được những cố gắng, nỗ lực của các giáo sư bác sĩ, giảng viên Pháp đã đến và làm việc tại Trường Y Đông Dương.
Phân tích các niên giám về Đông Dương, danh sách thống kê nhân sự, nhìn tổng thể, có thể thấy những giáo sư Pháp đến làm việc tại Trường Y từ 1902 đến 1945 tập trung vào ba thời kỳ chính : những năm đầu tiên sau khi thành lập trường ; những năm thuộc thập niên 1920 và những năm thuộc thập niên 1930. Trong mỗi thời kỳ lại có hai nhóm, nhóm sẽ ở lại làm việc lâu dài, gắn bó với trường, và nhóm chỉ ở lại trong khoảng thời gian ngắn vì những lý do khác nhau. Do điều kiện về tư liệu có hạn, chúng tôi không thể đề cập chi tiết đến toàn bộ tất cả các giảng viên, mà chỉ có thể đi vào chi tiết hơn ở một vài giảng viên trong mỗi thời kỳ, coi như đại diện cho các giảng viên đã từng có những đóng góp cho sự phát triển của trường Y Hà Nội.
Những giảng viên đến vào thời kỳ đầu tiên gồm có các bác sĩ Yersin, Capus, Jacquet, Degorce, Le Roy Des Barres và Cognacq. Bác sĩ Yersin là vị Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y Đông Dương, ngay từ đầu ông đã muốn xây dựng nhà trường thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao. Ông là một trí thức Pháp được người Việt yêu mến. Dù ông không có nhiều thời gian gắn bó với Trường Y vì lý do như đã đề cập trong phần đầu, nhưng ông đã nêu cao tinh thần vì khoa học, vì học sinh thân yêu, vì sự phát triển của nhà trường. Ba vị bác sĩ cuối cùng trong danh sách trên là những người ở lại làm việc lâu dài : Bác sĩ Cognacq từ 1904-1921; Bác sĩ Degorce từ 1902-1928 ; Bác sĩ Le Roy Des Barres từ 1902-1934. Cả ba vị sẽ lần lượt kế tiếp nhau trở thành Hiệu trưởng Nhà trường sau Bác sĩ Hiệu trưởng Yersin. Năm 1904, Bác sĩ Cognacq được bổ nhiệm là người đứng đầu Trường Y. Mặc dù đồng thời phụ trách nhiều chức vụ, ông đã đảm bảo việc lãnh đạo nhà trường đến năm 1922 khi được bổ làm Thống sứ Nam Kỳ.13
Ngay từ những ngày đầu tiên của Trường Y, hai vị Bác sĩ cựu nội trú của bệnh viện Paris là Le Roy des Barres và Degorce đã được tuyển dụng sang để phụ trách giảng dạy lâm sàng. Họ đã giúp Hiệu trưởng Cognacq hoàn thành vai trò người đứng đầu nhà trường. Cả hai nhà thực hành y học tài năng này đã trở thành những giáo sư đầu tiên của Trường Y Hà Nội.
Trong một báo cáo về tình hình Đông Dương năm 1913 có đoạn viết: “Giảng dạy lâm sàng được thực hiện tại Bệnh viện Bảo hộ (nay là Bệnh viện Viêt Đức), dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ Le Roy des Barres và Degorce ; nhờ vào hai vị giáo sư bác sĩ ưu tú này, những sinh viên đã có thể tìm thấy, trong những phòng bệnh họ hay lui tới, ngọn nguồn quý giá nhất từ hoạt động giảng dạy sinh động, thực tế, hữu ích ở cấp độ cao nhất mà nếu không có điều ấy thì sẽ không thể có học và thực hành y khoa”.14
Trong những năm 1920, Trường Y đón nhận thêm những bác sĩ tiến sĩ Polidor, Raymond, Naudin, Keller, Cartoux đến công tác. Từ 1930 đến 1940, Trường Y được tăng cường một lực lượng nhận sự giảng dạy rất cần thiết và hiệu quả, đó là các bác sĩ Lucas Championnière, Joyeux, Sollier, Grenierboley, Blondel, Rivoalent, Montagné và các giáo sư cao cấp Toullec, Galliard, Deleas, Huard, Masias và Meyer May. Những giảng viên này cùng với các giảng viên đến trong những năm 1920 đã đóng vai trò quan trọng vào thời kỳ trường chuyển dần từ đào tạo bác sĩ Đông Dương tiến lên đào tạo bác sĩ tiến sĩ giống như Pháp. Trong số những vị này, chúng tôi đề cập nhiều hơn đến những vị mà chúng tôi có được thông tin. Đầu tiên là bác sĩ tiến sĩ Cartoux, sinh ngày 19/3/1889, được tuyển vào công chức tại Đông Dương năm 1926 và làm việc tại Trường Y Hà Nội đến tận năm 1945.15 Ông là giáo sư đại học “được các sinh viên quý như một ông thầy giỏi và một người bạn vì tuổi trẻ dễ thông cảm nhau. (...) Ông xứng đáng là người là cụ Nguyễn Du miêu tả trong hai câu “Phong tư tài mạo tuyệt vời. Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”.16
Giáo sư bác sĩ Lucas Championnière là một tấm gương sáng của sinh viên. Ông được sinh viên biết đến không chỉ là thành viên một gia đình có truyền thống về y học hiện đại. Ông là cháu nội của bác sĩ Just Lucas-Championnière (1803-1858), người sáng lập tờ báo y khoa và thực hành giải phẫu, đây là tờ báo chuyên ngành đầu tiên cho phổ biến y học dành cho bác sĩ đa khoa, bố ông cũng là bác sĩ. Giáo sư Lucas Championnière có một di ngôn gây cảm hứng về sứ mạng cao đẹp của y khoa và của thầy thuốc, bác sĩ: “Bác sĩ, đó là vị sứ giả đầu tiên của văn minh ; y học, đó là bước chân thực sự đầu tiên hướng đến cuộc sống tốt hơn mà chúng ta phải mang đến”.17 Năm 1936, người ta có thể bắt gặp ở Hà Nội một bệnh viện tư nhân mang tên là "Bách khoa Y viện Lucas Championnière" mà một trong những sáng lập viên là bác sĩ Đặng Văn Ngữ.
Vào tháng 10/1935, bác sĩ Henri Galliard (sinh năm 1891), giáo sư cao cấp của Khoa Y Paris, đã được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Y Đông Dương. Ông được học trò miêu tả là một người thầy tử tế. Ông đã lãnh đạo trường vượt qua những gian khó trong giai đoạn thế chiến thứ hai, đồng thời tăng số lượng sinh viên đáng kể từ 147 (giai đoạn 1939-1940) lên 226 (vào thời kì 1944-1945). Ông là người trực tiếp đào tạo và giữ bác sĩ Đặng Văn Ngữ lại công tác với vai trò trợ lý. Sau đó, dù rất muốn học trò của mình ở lại công tác do thấy làm việc hiệu quả, nhưng để tốt cho sự phát triển của học trò, ông đã giới thiệu bác sĩ Đặng Văn Ngữ sang Nhật Bản tiếp tục bổ túc thêm về y học.18
Một nhận vật khác cũng rất gắn bó với Trường Y là giáo sư bác sĩ Pierre Huard. Năm 1933, ông làm ở bệnh viện ở Marseille, Pháp rồi sau đó ông đến Hà Nội làm lãnh đạo về phẫu thuật tại bệnh viện. Năm 1936, ông về Pháp nghỉ phép sáu tháng, rồi tranh thủ thời gian này ông thi đỗ bằng Cao cấp nghiên cứu (agréré) rồi làm việc ở châu Phi. Nhưng rồi ông luôn nghĩ về Hà Nội và quyết định về đây vào cuối năm 1940 và được bổ nhiệm là cán bộ ngoại hạng. Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp là một học trò, rồi cộng sự thân cận và tiêu biểu của ông trong lĩnh vực giải phẫu. Ông công tác tại Hà Nội cho đến 1945. Khi trường y được mở lại tại Hà Nội thời kỳ 1946-1954, ông chính là Hiệu trưởng của trường giai đoạn này.
Nhà Trường còn có những giáo sư nổi tiếng khác. Giáo sư bác sĩ Meyer May cũng là một điển hình. Ông đến Hà Nội trong những năm 1930 cùng với kỹ thuật y khoa Paris. Ông đã tìm hiểu những kỹ thuật sáng tạo nhất tại Bệnh viện Beaujon ở Paris và Bệnh viện của Khoa Y ở Lille (Pháp). Những kỹ thuật này đã được áp dụng ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Tháng 6/1940 khi GS. Huard lên đường về Pháp, Giáo sư Meyer-May đã thế chỗ trên cương vị là giáo sư lâm sàng. Do tư tưởng bài Do Thái dâng cao trong Đại chiến II, để tránh rủi do, vì là người gốc Do thái, ông đã phải bí mật sang Mỹ vào cuối năm 1940. Trước khi đi Mỹ, ông đã kịp góp phần vào đào tạo một số bác sĩ tiến sĩ tại Trường Y Hà Nội, trong số này có bác sĩ Tôn Thất Tùng, một học trò thân cận của ông.19
Nghiên cứu các niên giám của Trường Y Hà Nội từ 1935 đến 1945 cho thấy các giáo sư, giảng viên cùng các sinh viên và cộng sự, hằng năm đều có nhiều nghiên cứu khoa học. Kết quả các nghiên cứu được công bố hằng năm. Hoạt động đó đã góp phần hiệu quả vào công tác đào tạo tại trường và phát triển y học.□
------
1 Là bệnh viện xưa nhất ở Tp. Hồ Chí Minh, vào thời điểm đó là nơi điều trị bệnh truyền nhiễm, tâm thần và bệnh phong và đồng thời cũng là trung tâm huấn luyện Y Khoa, đào tạo y tá.
2 Paul Doumer, Situation de l’Indochine, op.cit, p107,108.
3 Paul Doumer, Situation de l’Indochine, op.cit, p107.
4 Exposition coloniale internationale. Paris 1931. Indochine française. Section générale. Direction générale de l’instruction publique, École de plein exercice de médecine et de pharmacie de l’Indochine, Impr. d’Extrême-Orient (Hanoï) 1931.
5 Beau Paul, Situation de l’Indochine 1902-1907, tome 2, p.297
6 Jacques Gonzalès, Histoire de la naissance et du développement de l’École de Médecine de Hanoï, op.cit, p.63.
7 Jacques Gonzalès, Histoire de la naissance et du développement de l’École de Médecine de Hanoï, op.cit, p.63.
8 Jacques Gonzalès, Histoire de la naissance et du développement de l’École de Médecine de Hanoï , op.cit, p63.
9 Gouvernement général de l’Indochine, Rapport au Conseil supérieur, session ordinaire de 1910, Impr d’Extrême-Orient, Hanoi-Haiphong 1910, p.100.
10 Gouvernement général de l’Indochine, Rapport au Conseil supérieur, session ordinaire de 1910, Impr d’Extrême-Orient, Hanoi-Haiphong 1910, p.100.
11 ANOM, Fonds privées, 9PA/9, École de Médecine de Hanoi. Réorganisation. (École de Médecine 1911-1913)
12 ANOM, Fonds privées, 9PA/9, École de Médecine de Hanoi. Réorganisation. (École de Médecine 1911-1913)
13 L’Écho annamite, 6 novembre 1939
14 Gouvernement général de l’Indochine, Rapports au Conseil de gouvernement, session ordinaire de 1913, deuxième partie, p 604,605.
15 Selon « Annuaire administratif de l’Indochine (1920-1937) » et «Annales de l’École supérieure de Médecine et de Pharmacie de l’Indochine », (Tome I-X, de 1935 à 1944)
16 Lê Văn Khải, Truyện y sĩ, truyện y khoa, Saigon 1971, trích trong "100 năm Đại học Y Hà Nội, những kỷ niệm", Hà Nội 2002, tr.34.
17 Nguyên văn tiếng Pháp là "Le médecin, c’est le premier ambassadeur de la civilisation ; la médecine, c’est le premier pas tangible vers le mieux vivre que nous devons apporter", được trích dẫn vào phần đầu luận án tiến sĩ của bác sĩ Bửu Hiệp bảo vệ vào năm 1936 tại Trường Y Hà Nội với chủ đề «La médecine française dans la vie annamite » (Y học Pháp trong đời sống Việt Nam).
18 Đặng Văn Ngữ, Trở về với quê hương kháng chiến, tapchisonghuong.com.vn, ngày 26.12.2014.
19 Chúng ta có thể vào intenet để tìm kiếm một video "Phỏng vấn bác sĩ Trần Duy Hưng". Bác sĩ Trần Duy Hưng là một nhân chứng lịch sử, qua lời kể của ông, chúng ta thấy được một phần mối quan hệ tốt đẹp của các giáo sư Pháp và các sinh viên thời đó, trong đó có đoạn ông kể về giáo sư Meyer May với những lời trân trọng (nội dung này nằm ở đoạn đầu của clip dài 55 phút 23 giây).