Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2022

MỘT SỐ ĐÓNG GÓP VÀO Y KHOA CỦA TRƯỜNG Y KHOA HÀ NỘI (1940-1952) và CỦA TRƯỜNG Y KHOA SÀIGÒN (1954-1975)

 

GS Trần Ngọc Ninh, Trần Xuân Ninh, Nguyễn Lương Tuyền

(Trích TSYS (Tập San Y Sĩ) số phát hành 30/4/2020)

Năm 1977, hai năm hơn hai tháng, sau khi nước Cộng Hòa Việt Nam bị xâm lăng và cưỡng chiếm bởi bộ đội chính qui của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa theo Chủ Nghĩa Cộng Sản, gia đình tôi, Trần Ngọc Ninh, đã vượt biên để thoát khỏi chế độ mới và giữ vững sự tin tưởng ở tư tưởng Cộng Hòa Tự Do.

Một sáng Chủ Nhật tháng 7 năm 1977, chúng tôi qua một đêm không ngủ, đã thoát ra khỏi nhà riêng ở đường Trần Nhật Duật, Sàigòn, qua mặt hai tổ Công An ở hai bên nhà, lên một cái xe taxi Renault xanh, đi thẳng từ lúc tờ mờ, xuống Long An, chờ đợi gần cả một ngày ở ngoài bãi vắng với toán Công An đi lại rầm rập để họp tổ. Gần sáu giờ chiều mới có thuyền đến đón đưa ra cửa bể để vào lúc nửa đêm, vợ chồng tôi và hai đứa con chưa đầy 20 tuổi, trèo lên một cái tầu sắt ọp ẹp chở dừa trên sông để băng ra ngoài biển với hi vọng trốn thoát cái chế độ trại tập trung và nô lệ tư tưởng Nhân Dân chủ nghĩa (Populism) Cộng Sản băng hoại.

Chúng tôi đã đi thoát

Cuộc vượt biên đã qua, đến nay là 43 năm. Tôi còn 4 năm nữa sẽ 100 tuổi. Chúng tôi ra đi trong vắng lặng và gấp rút nên không từ biệt được một ai ngoại trừ Mẹ già của tôi. Tôi vẫn tiếc rằng không có một buổi họp cuối cùng cho tất cả các sinh viên còn lại và các sinh viên đã thoát li. Tôi nghĩ rằng tôi có bổn phận phải ghi lại những đóng góp y khoa của Trường mà ở đó tôi đã được học và đã dậy học. Đối với Lịch Sử Y Khoa, điều này là điều mà chúng ta và toàn thể nhân dân cả nước ta phải lấy làm kiêu hãnh như Trường Paris đã đưa ra quan niệm vô trùng (asepsie) của Louis Pasteur trong khi mổ bệnh nhân hay Trường và Bệnh Viện Johns Hopskins, ở đó Halstead đã dậy sự dùng bao tay để hoàn thành sự mổ vô trùng và dùng cái kẹp có tên ông để kẹp các mạch máu bị cắt. Sự lớn lao của một phát minh (découverte) hay sự tân tạo (invention) là kết quả của những sáng tác (créations). Các đóng góp của Trường Y Khoa Hà Nội và Sàigòn không có được cái tầm vóc như cái bao tay của Halstead hay một gợi ý của Pasteur nhưng chúng cũng là những niềm vui và hãnh diện của tất cả người Việt chúng ta.

Tôi sinh năm 1923 và vào học Trường Y Hà Nội năm 1941; vì loạn lạc và chiến tranh nên sự học thất thường, nhiều khi gián đoạn, nói gọn thì hầu hết ở Bệnh Viện Phủ Doãn, còn gọi là BV Yersin và là ở sách chứ Trường thì tê liệt và hầu như chết từ năm 1941 đến năm 1952, là năm tôi đi Pháp và đi Anh để học chuyên môn về Phẫu Khoa Chỉnh Hình (Orthopedics = Trực Nhi) và Phẫu Khoa Tiểu Nhi (Pediatric Sur- gery = Phẫu Nhi). Tôi học rất nhanh và bỏ về nước năm 1954 khi đất nước bị chia đôi. Tôi về Sàigòn, thủ đô của nước Cộng Hòa Việt Nam (République du Việt Nam), để xây dựng một Trường Y Khoa mới, xứng đáng với Thế kỷ XX. Những điều này tôi đã kể lại trong một cuốn sách nhỏ: «Một chút Lịch Sử về Giáo Dục Y Khoa ở Việt Nam» xuất bản bởi Hội Y Sĩ Việt Nam, Montréal, Canada.

Tôi không biết những phát minh và tân tạo ở các khoa chuyên môn khác của Trường Thuốc và Bệnh Viện Hà Nội và Sàigòn trong thời kỳ này.

Những đóng góp của Trường mà tôi biết, giới hạn vào những điều tôi thấy và làm, cốt để ghi lại một chút Lịch Sử Y Khoa trong một thời để hậu thế xét soi và đem lại cho các Bác Sĩ và Y Tá, đã phải cắt đứt cuộc đời học vấn của mình, có một chút tin tưởng và hãnh diện.

Tôi nhờ hai người ‘’học trò’’ cuối cùng đã thành công, thành danh ở nước ngoài là: BS Trần Xuân Ninh (nguyên Nội Trú chính Chief Resident của Giáo Sư Orvar Swenson ở Chicago) và BS Nguyễn Lương Tuyền (cựu Giáo Sư Trường Y Khoa McGill ở Montréal, Canada) bổ túc cho trí nhớ lung lay của tôi. Và tôi xin tạ lỗi với các đồng nghiệp cũ của tôi ở Hà Nội và Sàigòn vì đã không biết đến những đóng góp của những Khoa khác ngoài Phẫu Khoa.

A. Đóng góp của Trường Y Khoa Hà Nội trước 1941.

Lúc này tôi chưa vào Trường, Trường hoàn toàn thuộc sự điều khiển của người Pháp, theo mẫu của Trường Y Paris (từ 1936).

1. Giáo sư Pierre Huard mà tôi gọi là Thầy vì học vấn ngoài Y Khoa (ông còn là một sử gia) và vì tư tưởng (ông chủ trương Trường là của Việt Nam và Việt Nam phải độc lập)

Ông vừa hoàn thành sự khảo sát về ‘’ Nhọt trong gan’’ với một cuốn sách đồ sộ với đầu đề ấy. Trong sự khảo sát của Ông, Ông thường dùng kim chọc vào các nhọt, hút mủ và bơm thuốc cản quang có I (Iode) vào để định sự to lớn và vị trí của nhọt.

Có một hai lần, mũi kim đi ra ngoài nhọt và đâm vào bầu thận (bassinet, pyelos). Ông bơm thuốc vào và có quang hình của thận với ống thận (uretère).

Lại có lần ông đâm phải ống mật (canal cholédoque) và thấy quang hình của túi mật và cả hệ thống ống mật.

Trong một cuốn sách của một giáo sư người Anh, tôi được đọc là sự kiện thứ hai đã mở đầu cho sự chụp Đảm quang ảnh (Cholangiog- raphy).

Tôi nghĩ là quang ảnh Bầu thận trực tiếp (Pyélographie descen- dante) cũng là do sự lầm lẫn kể trên. Trong khoa học, những khám phá bất ngờ như trên là thường. Nguyên lí Archimède là một thí dụ. Nay người ta làm quang ảnh của thận và bầu thận bằng cách bơm thuốc cản quang vào tĩnh mạch (IVP Intra-Venous Pyelography) nên bỏ sự tiêm trực tiếp.

2. Lấy mô làm sinh thiết bằng kim (Ponction-Biopsie)

Tôi thấy một BS lớn dùng một cái kim khá lớn có lõi đâm vào mặt sau lồng ngực, ở khoảng giữa xương sườn số 10-11, đến mặt gan thì cái lõi nhọn được rút ra, cây kim được xoay mấy vòng và được ấn sâu vào gan chừng độ 1.5 phân (1.5 cm); một ống tiêm lớn được lắp vào kim và hút, đồng thời cái kim được rút ra. Ống tiêm được thụt và cây kim nhả ra một thỏi gan từ lòng ống vào một cái hộp Pétri để đem ngay xuống phòng thí nghiệm để nhuộm và cắt mỏng để xem dưới kính hiển vi.

Tôi đã được xem cái kim sinh thiết: đầu nó ngang bằng và sắc bén để khoan gan. Cái lõi của nó dài hơn và nhọn để qua thịt.

Kim sinh thiết được dùng để lấy mô của gan, của thận, của phổi và của tủy xương để xét về Bệnh học (anatomie pathologique, Patholo- gy). Tiện lợi nhưng tôi thấy rất ít dùng.

B Thời chiến tranh độc lập (Pháp-Việt)

Tôi là sinh viên lưu trú (Interné (?) và Nội trú (Interne), thi Tiến Sĩ Y Khoa năm 1948 và làm Bác sĩ Thường trú (Médecin Résident) của Bệnh Viện Phủ Doãn, còn được gọi là Bệnh viện Yersin và là Trưởng Khu Lâm sàng (Chef de Clinique). Nội trú Phạm Biểu Tâm chỉ huy Bệnh viện rồi làm Giám Đốc và đồng thời là Giám Đốc Trường Quân Y (thời Quốc Trưởng Vĩnh Thụy (Bảo Đại), Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân). Giáo Sư P. Huard, đại diện Tổng Thống Pháp René Coty, nói rằng phải đổi Đại Học Đông Dương (Université de l’Indochine) là Đại Học Việt Nam (Université du Viet Nam). Không có giấy tờ gì chứng minh sự thay đổi này, nhưng với Bác sĩ Phạm Biểu Tâm, Bệnh viện Yersin là thuộc Việt Nam.

B1. Hai bệnh đặc thù ở Việt Nam:

a/ Bệnh Filariose (Bệnh Kí sinh trùng chỉ Filaire Wucheria Ban- crofti)

Ký sinh trùng này có trong bùn lầy của Việt Nam và Ai Cập (Egypte), sinh sôi ra nhiều sau những trận lụt ở lưu vực Sông Cái (Hồng Hà) và sông Nil.

Người dân quê Việt Nam sống trong bùn lầy, nước đọng, cấy cầy trong ruộng, mò cua móc ốc trong ao, có khi bị sán chỉ (microfilaire) đục da chân vào trong người rồi vào trong những mạch lympha (lâm ba quản, lymphatiques) lên những hạch lympha (ganglions lympha-tiques) và làm nghẽn sự tuần hoàn của lympha ở bẹn, chúng tạo ra bệnh chân voi (éléphantiasis); lên đến các hạch ở sau dạ dầy (esto- mac, bao tử), chúng ăn vào thập nhị chỉ tràng (duodénum) và thận làm thoát các thức ăn đã tiêu hóa thành chất chyle qua nước tiểu: bệnh chylurie (chyle-niệu).

Định bệnh phải tìm ra sán chỉ trong máu. Sán chỉ ở trong các hạch chỉ vào máu ban đêm. Y Tá phải thức suốt đêm để lấy máu mỗi giờ, đưa đến phòng thí nghiệm để soi kính hiển vi tìm sán.

Tôi chỉ biết lờ mờ về cái vòng sinh hoạt (cycle vital) của sán chỉ. Một bữa đi xem bệnh với Thầy Huard, tôi hỏi ông, ông cũng không nhớ rõ nhưng nói với tôi rằng ông chỉ nhớ là xưa ông Bancroft cho bệnh nhân đái vào giấy lọc (papier-filtre) và thấy microfilaires. Tôi liền nghĩ rằng cũng có thể cho làm mươi cái lọ rộng miệng và lấp lỏng miệng lọ bằng giấy lọc rồi cho bệnh nhân bị chylurie đái đêm vào từng lọ mỗi lần thức giấc ban đêm. Sáng ngày, tôi mang các lọ nước đái đến phòng thí nghiệm, úp các nắp giấy của mỗi lọ vào miếng kính và lắp vào dưới mắt kính hiển vi, thì thấy trên mỗi kính từ một đến bẩy tám sợi chừng hai phân có những ngấn xám. Lần đầu tiên được thấy sán chỉ. Đến bây giờ sau bẩy mươi năm, tôi chưa quên.

Tôi thích thú và viết một bài bằng tiếng Pháp rồi đưa cho Thầy Huard xem. Thầy viết ngay tên Thầy trước tên tôi và gửi bài ấy cho Tạp chí Bulletin de l’Institut Pasteur de Paris. Hai năm sau, Thầy về Pháp và ở lại Le Caire, kinh đô của Ai Cập, ba ngày để đi thăm Viện Bảo Tàng Le Caire.

Sáng ngày đó, Thầy tiếp một phái đoàn ba Bác Sĩ Ai Cập. Họ nói rằng thấy tên Thầy trên báo cáo của máy bay nên tìm đến để cảm ơn và thông báo rằng sự tìm Wucheria Bancrofti ở Ai Cập trước đây cũng bằng sự thử máu đêm nay theo phương pháp lọ nước đái đêm, và sự thay đổi ấy đã tiết kiệm cho ngân sách Y Tế cả ngàn bạc và được đón tiếp với vui mừng bởi Y giới Ai Cập.

b/ Chứng ‘’lớn lá lách_ Splénomégalie‘’

Khi còn trẻ ở Hà Nội, tôi được dạy rằng Lá lách (phiên âm la rate của Pháp) là vì bệnh sốt rét (paludisme, malaria) thường là do muỗi đốt và truyền vào máu giống ký sinh trùng (Plasmodium falciparum, malariae, hay vivax). Các hồng huyết cầu, bị nhiễm Ký sinh trùng, đến lá lách để chết.

Tôi thường thấy những bệnh nhân bị mất máu trong bụng vì lá lách bị rập vỡ, phải trình cấp trên để mổ gấp. Có một bữa trực, tôi thấy một bệnh nhân bị phang đòn gánh vào cạnh sườn có triệu chứng bị mất máu nội vì lá lách bị vỡ. Tôi cho gọi Nội trú Nguyễn Trinh Cơ sang xem bệnh nhân ở phòng.

Phòng này xa phòng của các Nội trú. Ông không có quyết định. Sớm hôm sau, BS Tôn Thất Tùng cho đưa lên nhà mổ để mổ gấp. Tôi bị khiển trách vì bỏ qua một trường hợi cần mổ gấp, nhưng trên hồ sơ bệnh lí, tôi có ghi là đến xem bệnh nhân hai lần ban đêm và có cho mời Nội trú xuống xem. Anh Nội trú Cơ, sau này (1976) được cử làm Bộ Trưởng Bộ Y Tế của nhà nước Bắc Việt.

Ở Bệnh Viện Nhi Đồng Sàigòn, tôi có mổ cho 3 hay 4 bệnh nhân ở tuổi 5-12 năm. Trong tiền sử không có bệnh sốt rét và lá lách cũng rất lớn, nhưng bị vỡ không phải vì bị phang đòn gánh vào cạnh sườn như ở Hà Nội mà chỉ vì đã ngã.

Không biết vì sao mà lá lách bị lớn và dễ vỡ. Tôi hỏi các đồng nghiệp làm về Nội Khoa thì được G S Lê Xuân Chất, Huyết học (Héma- tologie) cho biết là đồng bào Thượng ở Cao Nguyên bị một bệnh thiếu máu di truyền về Huyết Sắc tố (hemoglobin, Hb). Huyết sắc tố này do một đột biến (mutation) trong tiền sử đã sinh ra và là HbF do sự điện phân (électrophorèse) tìm ra. Ở Thái Lan có Hb E, ở Trung Hoa có Hb H. Các trẻ có huyết sắc tố này có sức đề kháng chống bệnh sốt rét nên không chết sớm, nhưng những hồng huyết cầu (hématies) mang những huyết sắc tố bất bình thường này không hoạt động được như hồng huyết cầu của người bình thường; chúng đến bỏ xác tại lá lách làm lá lách lớn dần từ rất sớm. Các lá lách này cũng dễ bị vỡ. Con của những gia đình có vợ hay chồng là người Thượng (Jarai hay Stieng vv…) cũng có thể có Hb F và lá lách lớn. Bệnh thiếu máu vì huyết sắc tố F cũng hơi giống như bệnh thiếu máu có hồng huyết cầu lưỡi liềm (sickle - cell anemia) vì huyết sắc tố S (Hb S).

B2. Bệnh hiếm thấy ở thế giới.

a/ Bệnh Còi Xương (Rachitisme, Rickets)

Bệnh này xưa rất thông thường ở những xứ trong vòng Hàn đới như Anh, Thụy Điển (Suède), Na Uy (Norvège), Pháp, Đức nhung gần như không có ở các nước thuộc Nhiệt đới như Việt Nam và nóng hơn ở Phi Châu. Tôi được học rằng ánh nắng của mặt trời kích thích sự làm ra Vitamine D (calciférol) dưới da nên bệnh còm xương hiếm bị.

Ở Hà Nội, khi đi học, tôi không thấy, nhưng ở Sàigòn tôi thấy ba bệnh nhân, ở tuổi từ 5 tới 10 tuổi bị đau ở cổ tay. Chụp quang tuyến X các đầu xương thì là bệnh còi xương như trong sách. Các bệnh nhân này chưa bị cong xương và được chữa bằng Vitamine D mỗi ngày. Bố Mẹ được dạy phải cho trẻ chạy chơi ngoài trời và uống Vitamine D và Calcium mỗi ngày.

b/ Bệnh Sinh Xương Bất Hoàn (Osteogenesis Imperfecta)

Một bệnh bẩm sinh rất hiếm.

Tôi thấy hai bệnh nhân, một trai, một gái. Chúng đều gầy còm và buồn bã. vì chúng đi không vững, đụng đâu nhẹ cũng gẫy xương. Những xương dễ gẫy là xương ống chân (tibia) xương đùi (fémur), xương cẳng tay (radius, cubitus). Tôi không thấy chúng bị gẫy xương bàn tay và bàn chân. Chụp quang ảnh thì thấy các xương dài của tay và chân đều khẳng khiu, gầy, mỏng và có những vết gẫy cũ đã liền, như được tả trong sách. Nhưng bệnh nhân Việt Nam không có mắt xanh. Bệnh này chưa thấy được nói tới trong sách Y học Pháp.

Cả hai bệnh nhân đều được chữa. Các xương gẫy bị phá ra như mới gẫy. Các chỗ gẫy, cũ cũng như mới, được sắp xếp lại cho ngay thẳng và đóng đinh Kuntscher vào ống tủy. Sau khi vết mổ được may lại, cái chân hay tay vừa được mổ, được bó bột nhẹ trong một, hai tháng.

Không có sự trắc trở gì trong sự lành xương. Các bệnh nhân được tập đi và dùng tay làm việc nhẹ nhàng một cách an tòan. Cháu gái còn phải ngồi xe lăn do mẹ đẩy nhưng hoạt động nhiều hơn và vui vẻ hơn..

Năm 1982, tôi nhận được thư và ảnh của cháu trai báo tin rằng đã đỗ Tiến Sĩ (?) về Khoa Học Vi Tính (Computer Sciences) ỏ Sài Gòn.

c/ Bệnh Giả-Khớp bẩm sinh (Pseudarthrose congénitale)

Lần đầu tiên tôi thấy bệnh này là ở Nhà thương Phủ Doãn, Hà Nội, trên một cháu trai 7 tuổi. Thầy Huard bảo rằng bệnh không chữa được. Tôi mới làm một cái xương ống chân (tibia) chắp lại bằng gióng sắt, dùng dụng cụ Bowals trong một hộp đồ mổ mà chưa có ai dùng.

Chưa đầy tháng sau thì cái gióng sắt bị long đinh, phải mổ lại để gỡ sắt ra nhưng xưong nhất định không lành. Sau này đọc sách thấy Giáo Sư Putti ở Itali mổ một bệnh nhân bị Giả-khớp xương tibia dến 42 lần mà không thành công, phải cưa cẳng chân.

Putti được coi là một trong những Giáo Sư Phẫu khoa Chỉnh hình giỏi nhất thế giới thời ấy.

Tôi tự an ủi là chỉ mới có một thất bại.

Sang Pháp học, tôi bắt đầu ở Lyon với GS Guilleminet. Ông dạy tôi rằng phương pháp mổ Giả-khớp bẩm sinh hay nhất là phép mổ của W. Boyd ở Campbell Clinic ở Mĩ. Ông chữa được sáu trường hợp bằng cách dùng hai cái nẹp lấy ở xương ống của mẹ đứa trẻ bị bệnh nhưng cứ để tại chỗ để nuôi trong một tuần rồi mới mổ lại, lấy ra lắp vào hai cạnh của xương ống bị giả khớp, bắt bốn hay sáu đinh ốc vào để giữ hai cái nẹp trên chỗ bị bệnh.

Hai cái nẹp phải dài và dầy dặn, bắt bốn hay sáu cái đinh ốc là kiểu dùng cho xương ống (os compact) và được lắp vào, hai hay ba cái đinh từ ngoài vào trong và hai hay ba cái còn lại từ trong ra ngoài để ráp chặt hai cái nẹp qua chỗ bị giả khớp.

Mô bệnh đã được nạo ra cho thật hết và chỗ xương trống rỗng được đắp đầy và chặt bởi xương sốp nạo ra từ đầu trên xương tibia của mẹ.

Khi sự mổ đã hoàn tất, chân bệnh được bó bột chắc trong sáu tháng; mỗi lần thay bột, chân cháu được chụp quang ảnh để theo rõi.

Kết quả rất tốt.

Có một vấn đề còn làm tôi thắc mắc. Một số bệnh nhân bị Giả- khớp bẩm sinh có những vết đen (pigmented) trên da.

Những bệnh nhân bị giả-khớp có khi chỉ bị xương tibia gồ lên ở đúng giữa khúc 2/3 trên và khúc 1/3 dưới trên ống xương tibia khi mới sinh ra. Chụp quang tuyến X thì thấy ở chỗ ấy có một cục tròn nhẵn lì, không xương ở trong ống xương. Xương cong dần, rất nhanh, rồi gẫy và thành ngay giả khớp (pseudarthrose). Sự gẫy và thành giả khớp nhiều khi xẩy ra ngay trong bụng mẹ, vì những co bóp của tử cung và những cử động của bào thai.

Vì những sự kiện ấy, tôi nghĩ rằng giả-khớp bẩm sinh là do một bệnh và có thể gọi là ‘’Giả khớp bệnh bẩm sinh’’. Bệnh gì? Vì nhiều bệnh nhân có những vết nhám đen, tôi nghĩ là bệnh Recklinghausen trong xương. Mô bệnh và cả vết đen (pigmented) ở da lưng cùng một vết đen trên đỉnh đầu được gửi đi khám nghiệm bệnh học (Patholo- gy). G S Đào Hữu Anh nhận đúng là bệnh Recklinghausen.

Một năm sau có Giáo Sư B. (đã hơn 50 năm qua tôi quên mất tên ông) dậy khoa Bì-Bệnh (Dermatology) ở Y Khoa Đại Học Paris qua Sàigòn, tôi đem nhữnh sinh thiết của bệnh nhân bị Giả-khớp bẩm sinh ra hỏi. Ông cũng nói là Bệnh Recklinghausen như trong sách.

Ba năm sau nữa, được giới thiệu với B.S, Dahlin ở Mayo Clinic, là một trong ba người giỏi nhất về bướu và bệnh xương về Bệnh học. Tôi lại gửi một bộ sinh thiết của bệnh nhân để xin ý kiến Ông. Ông trả lời bằng thư là Fibrous Dysplasia.

Tôi không dám nghi ngờ gì về hai định bệnh trên của hai Giáo Sư trên mà tôi không có cái hân hạnh được làm học trò. Nhưng tôi tự đặt một câu hỏi: bệnh Fibrous Dysplasia của xương có phải là một thể của Bệnh Recklinghausen của mô giữa các tế bào thần kinh hay không? Câu hỏi trên của tôi chưa có câu trả lời.

d/ Bệnh Recklinghausen ở ruột non (Iléon)

Một bữa BS Trần Xuân Ninh mổ một cháu chừng 10-12 tuổi bị ốm dần và bón, bụng chướng và có một cục cứng trong bụng. Ông gọi tôi vào xem vì thấy có một khúc dài chừng 20cm ở phần cuối của ruột non bị cứng và sần sùi mầu trắng, không co bóp, không động đậy, nhưng không phải là Bệnh Crohn. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được thấy bệnh ruột ấy mà không biết là bệnh gì? Linh tính (Instinct) tôi nghĩ là bệnh Recklinghausen ở ruột non và tôi cho mở các khăn chùm trên người bệnh nhân ra thì thấy rõ ràng các vết đen trên bụng và trên chân bệnh nhân (1)

(1) Trường hợp này đã được báo cáo ở báo Acta Medica Vietna- mica, trước khi có ý kiến của hai Giáo sư (B. và Dahlin), rồi được trình bầy tại lớp học của GS James Miles ở University of Colorado Medical School (1979) và ở Campbell Clinic, lớp của GS Boyd.

Khúc ruột bị bệnh được cắt bỏ và ruột được nối lại. Khám nghiệm Bệnh Học cho thấy là bệnh Recklinghausen ở ruột non. Bệnh nhân khỏi bệnh ở Bộ Tiêu hóa.

Có một trường hợp tương tự được trình bày ở Société de Chirur- gie ở Paris.

e/ Bệnh Lồng Ruột Cấp Tính ở trẻ dưới ba tuổi (Invagination in- testinale aigue du nourrisson

Đây là một bệnh cần cấp cưú. Trẻ nhỏ như bị một bữa thiếu sữa, thiếu bột. khóc (Ca dao: Cái ngủ mày ngủ cho sâu, Mẹ mày đi đi cấy đồng sâu chưa về) đòi ăn rồi khóc đau, (tiếng khóc và nhịp khóc khác đi), ruột quặn lên mà rỗng không rồi đẩy một khúc ruột non ở quãng cuối cùng vào trong khúc dưới. Khúc ruột bị lồng, bị bóp chặt nên bị nghẹt máu nên thâm lại rồi chết nếu không được tháo gỡ ra.

Định bệnh thì dựa vào sự khám bụng, thấy bụng mềm, có một chỗ đau và cũng ở đó nếu nắn khéo và nhẹ tay khi thấy môt khúc thịt lẫn với ruột, ở vùng quanh rốn.

Tháo tã ra thì thấy một đốm máu như đờm, lầy nhầy ở chỗ lỗ đít. Đó là cái dấu hiệu đích xác của bệnh lồng ruột cấp tính của trẻ nhỏ trong cái khung cảnh đột nhiên đau bụng mà không có phân. BS Trần Xuân Ninh, khi bị gọi lên khoa Nội của Bệnh Viện Nhi Đồng, thường thấy.

Bệnh lồng ruột cấp tính ở trẻ nhỏ (nourrissons, infants) có ở Pháp, Anh, Đức, Ý và Mĩ nhưng không có nhiều như ở Việt Nam. Tôi nghĩ là vì sự thiếu dinh dưỡng của người mẹ và những đòi hỏi của công việc đồng áng đối với người phụ nữ Á Đông là hai nguyên nhân lớn của bệnh lồng ruột cấp tính ở tuổi sơ sinh.

Bệnh Lồng Ruột mãn tính ở trẻ lớn (Infants,children và adoles- cents)

Được thấy ở những nước Đông Âu, Bulgarie, Hungarie, Roumanie và cũng có ở Miền Bắc Việt Nam trong thời có nạn đói (Ất Dậu) và những năm mất mùa. Vì đói cơm trong những tuổi đang lớn, những trẻ đã biết chạy chơi ngoài đường ở Bắc Việt, thường ăn rất tạp. Lúc tôi lên 7 đến 12 tuổi, tôi nhặt những quả bàng, quả ổi, ăn châu chấu và cà cuống rang, may là không sao. Nhưng khi là sinh viên ‘’tập sự’’ tại nhà thương Phủ Doãn 6 tháng, tôi thấy hai trường hợp. BS Tôn Thất Tùng có viết một bài, kể những hiểu biết và kinh nghiệm của ông về bệnh này. Bài viết của ông vất lại ở trong đống giấy vụn của Bệnh Viện, khi ông ra hậu phương và may mắn đã được để vào Luận án Tiến sĩ y khoa của BS Nguyễn Bá Khả (1948).

Ở Bệnh viện Nhi Đồng Sàigòn, từ năm 1955 đến năm 1978, tôi không thấy một trường hợp nào của Bệnh lồng ruột mãn tính.

f/ Trật Khớp hông Bẩm Sinh (luxation congénitale de la hanche, Congenital dislocation of the hip)

Tật hay Bệnh này, tôi thường thấy ở Pháp, I-ta-li; ít hơn ở Anh, Đức, không hiếm ở Nữu Ước, Washington DC, là những thành phố đông đúc, lại có nhiều người Í, người Pháp. Bệnh lan truyền sang Thổ Nhĩ Kỳ (Turquie), Ai Cập (Egypte), Liban, Ba Tư (Perse, Iran) và miền Tây Ấn Độ (India).

Ở Việt Nam không có bệnh này cũng như ở Trung Hoa, Nhật Bản, Nam Dương (Indonésie)

Tôi học Trực Nhi trẻ con (Orthopédie Infantile) với GS Pierre Petit tại bệnh Viện St Vincent de Paul, Paris VI cùng với BS Meary. Năm 1953, BS Meary được Hội Thương Khoa và Phẫu Khoa Trực Nhi (So- ciété Francaise de Traumatologie et de Chirurgie Orthopédique) Pháp Quốc giao cho việc viết bản Báo Cáo về Trật Khớp Xương Hông Bẩm sinh. Mỗi sáng Thứ Hai, trong ngày khám bệnh của hai Ông Thầy và Bạn, tôi được khám 6-8 đứa trẻ về bệnh này, từ lúc ban đầu đến mấy năm sau khi việc điều trị đã hoàn thành. Tôi được học cách tìm bệnh bằng dấu hiệu Ortolani trên khớp hông của trẻ sơ sinh. Sự theo rõi bệnh khi đang chữa được xem trên các quang ảnh X mỗi tháng, rồi 3 rồi 6 rồi 12 tháng cho đến tuổi 12 năm nếu sự tiến triển tốt. Nhưng trong hơn hai mươi năm ở Sàigòn, làm việc ở Bệnh Viện Nhi Đồng, tôi không thấy một đứa trẻ nào bị cái tật này.

Tôi vẫn yên trí rằng không có người Việt Nam nào bị trật khớp hông ở tuổi sơ sinh.

Bỗng một buổi sáng năm 1984, có hai ông bà từ San Francisco xuống, bồng một cháu gái bé mới sinh được 2 tháng. Hai người đều là người Việt và là cha mẹ của cháu bé. Bà mẹ nói ‘’cháu bị tật ở hông’’.

Tôi đặt cháu lên bàn, gỡ hết tã lót ở phần dưới của người cháu, thấy cái chân phải ruỗi thẳng và ít động đậy. Tôi nghi là Trật khớp hông và thử tìm dấu hiệu đặc thù mới được tả của bệnh : Ortolani

+ (có) : trật khớp hông phải. Tôi cho cháu đi chụp X quang lại, thấy đúng và bảo hai cha mẹ cháu là tôi phải cho cháu vào bệnh viện mới chữa trị được. Ông cha nói : ‘’ Bác sĩ chữa được hả? Chúng tôi đã đem cháu đến nhiều Bác sĩ ở San Francisco - BS Việt Nam và cả BS Mĩ nữa- nhưng không có ai nhận chữa cho cháu cả. Hỏi mãi mới có một ông chỉ cho đến Bác sĩ.

Lại một vấn đề nữa: tôi gửi cháu bé đến 4 bệnh viện ở đây. Không bệnh viện nào có khu trẻ em cả và đều từ chối. Một tuần sau mới có một Bệnh Viện Toàn khoa ở Stanton nhận cháu.

Trong Bệnh viện tôi cho treo chân phải cháu lên ở độ co 90 độ, một tuần 7 ngày. Sau khi khám nghiệm bằng quang ảnh rằng đầu xương đã vào khớp, tôi làm bột cho cháu hai đùi ở thế co 90 độ, rạng 30 độ xoay 0 độ. Bột được thay sau 14 ngày (vì cháu lớn lên nên bột trở nên chặt), 3 lần trong hai tháng. Chụp X- quang xong vẫn thấy tốt và chắc, tôi cho cha mẹ cháu bồng cháu về San Francisco và chụp quang ảnh mỗi tháng trong 6 tháng cháu bé về San Francisco. 4 tháng biết lẫy (lật), 7 tháng biết bò, 10 tháng lò dò biết đi. Tôi dặn cha mẹ cháu không được bó tã và chăn chặt, chỉ được cho cháu mặc quần và để cho cháu đạp chân tự do trên giường hay trong nôi như người dân quê Việt Nam.

Là vì tôi đã hiểu rằng bệnh Trật Khớp Hông của trẻ sơ sinh không phải là một bệnh di truyền (héréditaire) hay bẩm sinh (congénitale), mà là một bệnh do văn hóa.

Sau khi rời sự học ở Pháp, tôi mới được đọc một cuốn sách Mĩ- lâu ngày tôi đã quên tên tác giả và đầu đề -. Sách nói rằng ở Cổ Hi Lạp, các trẻ sơ sinh được kéo cho hai chân thẳng băng và bó chặt. Bìa sách có một hình chụp một đồng tiền cổ với hình khắc một đứa trẻ được bó như thế. Tác giả nói rằng đó là nguyên nhân của sự Trật Khớp Hông ở trẻ sơ sinh. Cái thai nằm trong bụng mẹ thì co tròn, hai đùi áp vào bụng và ngực. Các cơ đều như thế, cơ co đùi (psoas) còn rất ngắn, cơ rạng đùi (moyen fessier) cũng thế. Kéo cái chân cho thẳng ra thì những bắp cơ này, không dài ra được, sẽ kéo cho đầu xương đùi trật ra ngoài hốc chén (cotyle) của xương hông. Rồi các tã lót được bọc chặt hai cái chân như ta bó giò, để hai chân thẳng băng từ thân xuống và giữ chặt cái đùi đã bị kéo thẳng và trật ra khỏi cái hốc chén của xương chậu (bassin, os iliaque) ở yên trong cái thế bị trật kinh niên suốt đời. Việc chữa rất khó khăn và tế nhị. Ông thần Vulcain bị thọt cẳng có lẽ cũng vì đã được mẹ bó giò.

Alexandre Đại Đế đã dẫn quân Hi Lạp đi chinh phục và chiếm cứ Ai Cập, Ba Tư (Perse) và Tây Âu. Các vợ lính được thăm chồng đi định cư ở những đất do lính Hi lạp cai trị. Các bà đã hướng dẫn dân bản xứ hội nhập văn minh cao cấp của Cổ Hi Lạp và bắt chước cả cách bó chân con sau khi đẻ. Sự trật khớp hông bẩm sinh lan truyền về phương Đông đến nước Iran (Ba tư) và Pakistan ngày nay chưa giứt bỏ.

Sau đó thì La Mã (Roma) chinh phục Hi Lạp và thu nhập nền văn minh Hi Lạp: triết học, kiến trúc, điêu khắc, trồng nho và ô liu (olive) và bó chân con cho thẳng như người lớn. Tật trật khớp hông lan truyền khắp các thuộc địa của Đế quốc La Mã: Í (Italia) Y Pha Nho, Pháp, Đức, Anh ….. và từ Tây Âu sang Tân Thế Giới. Đến cuối thế kỷ thứ XX thì truyền sang một cháu bé Việt Nam sinh ở Hoa Kì.

Vào khoảng năm 2000, lúc rời phòng mạch để đi thăm bệnh nhân nằm ở Bệnh Viện, tôi thấy một cô chừng 20 tuổi ngồi ở phòng đợi với một ông già. Cháu nói rằng cháu bị trật xương đùi khi mới sanh và đã được tôi chữa khỏi. Tôi bảo cô đứng dậy và đi cho tôi xem. Cô đi bình thường, chạy, nhẩy như một người bình thường. Cô cho tôi biết là cô đã học College, đã đậu cuối năm và đã được nhận vào Trường Y Khoa ở Stanton. Cô nói rằng cô muốn học chuyên môn về Orthope- dics (mà tôi dịch theo từ nguyên là Trực Nhi (Ortho-paedics, nhưng hầu hết các BS gọi là Chỉnh Trực). Tôi bảo cô rằng tôi rất mừng là đã chữa cho cô khỏi một tật rất khó chữa của văn minh Hi La.

B3. Bệnh không hiếm trên thế giới. Một vài nét đặc biệt được chứng minh.

Gẫy xương cánh tay (bras) ở trên khuỷu (coude, elbow) = gẫy trên trùy (fracture supra-condylienne).

Gẫy trên trùy khá thông thường ở trẻ từ 5 đến 15 tuổi- là tuổi chạy nhẩy, nô đùa của người ta, không chừa nước nào.

Ở Việt Nam, có khi tôi nắn xương và bó bột nhưng thường thì xiên kim Kirchner và treo tay với khuỷu ở thế co 90 độ. Về sau này, tôi mổ ở mặt trước khuỷu để gỡ động mạch (và tĩnh mạch) cánh tay (artère et veine humérale) và thần kinh giữa (nerf médian) nếu bị kẹt giữa hai đầu xương gẫy.

Sự không thấy mạch ở cổ tay và không đo được huyết áp ở cổ tay là hai dấu hiệu bắt buộc phải mổ. Sau khi xem xét rõ và gỡ những bộ phận này ra khỏi chỗ gẫy, nếu thấy động mạch bị nghiến quá nặng, ta phải cắt và nối lại động mạch. Sau đó thì sắp xếp lại xương và dùng hai cái kim Kirchner để làm bất động (fixation interne) chỗ gẫy đã nắn lại thật đúng.

Một bữa có Giáo Sư O. (tôi quên tên), dậy Orthopedics tại Bristol (Anh Quốc) sang thăm Bệnh Viện Nhi Đồng Sàigòn, ông thấy hai đứa trẻ bị gẫy xương đùi bị treo giò theo phép của Boehler (ở Vienna), nằm chung một giường, đang đánh bài tam cúc với nhau. Ông cười và nói: «BS Tran, ông đã giải quyết được sự buồn, cô đơn khi nằm lâu trong Bệnh Viện».

Đến một giường khác, có một bệnh nhân bị treo tay ở khuỷu, ông nói: ‘’tôi cũng treo tay những gẫy trên trùy nặng, nhưng có một điều không giải quyết được là sự xoay (rotation) của khúc dưới.

Tôi trả lời: ’’không có cách nào trừ sự mổ và làm bất động bằng sự sắp xếp lại rồi đóng đinh. Nhưng nếu không mổ thì khi kéo xương, tôi cố để lòng bàn tay trông thẳng về miệng bệnh nhân. Ông khen hay và nói rằng:’’ rất thực tế ‘’.

Tôi không nói với ông về nguyên nhân của Hội chứng Volkman mà tôi nghĩ là vì bị kẹt động mạch và thần kinh giữa trong chỗ xương gẫy (cũng chưa công bố) và đã khảo cứu về mécanisme hồi ở Paris (1953) và sự phải mổ gấp khi mạch ở cổ tay không đập.

C. Một vài nhận xét mới và có nghĩa lí trong vài bệnh thông thường.

c1/ Bướu lympha-quản (Lymphangioma) ở trẻ con.

Gọi là bướu vì nó nổi cục ở một bên, đằng trước cổ nhưng theo thiển ý là một tật gây ra bởi sự tắc nghẽn đường tuần hoàn lympha bẩm sinh ở một khu hạch lympha (ganglions lymphatiques).

Khu hạch bị nghẽn thường ở phía sau xương quai xanh (subcla- vian), nhưng một lần tôi đã thấy bướu lymphatique ở trung bích (me- diastin) khi làm việc ở Hoa Kì.

Mổ ra thì thấy một chùm như thể chùm nho xanh nhạt ngay dưới da, sau xương mỏ ác (sternum); mỗi bong bóng nước vàng nhạt, nhỏ hơn quả nho, các bong bóng khít vào với nhau, cả trăm hòn phải bóc ra và thấy những sợi dây thần kinh nhỏ ra ngoài da, quấn quít quanh các hòn phải bóc ra và rồi phải cắt vì chằng chịt nhiều lắm, biết rằng như thế thì da cổ sẽ bị mất cảm giác nhưng khi thấy rằng không thể bóc được vỏ các bong bóng để gỡ ra ngoài thì cũng phải cắt bỏ, nhưng rồi có một bệnh nhân chừng 7 tuổi bị bướu lympha quản ở cổ bên trái, không bằng lòng mổ. Chúng tôi cho chụp hình và cho ông bố mang con về. Mấy năm sau, ông bố mang con trở lại thì bướu đã xẹp lép; da ở cổ nhăn nhúm như cái khăn trải giường quá rộng mới tung ra. Tôi cho chụp ảnh cháu bé.

Năm 1971, chúng tôi khảo sát các cas bệnh bị bướu lympha quản. Bác sĩ Gross ở Boston viết trong cuốn Pediatric Surgery rằng lym- phangioma không bao giờ tự nhiên tiêu đi. Bài viết của chúng tôi đăng trên báo Journal of Pediatric Surgery với ảnh của bệnh nhân nói trên được kể ra với hình chụp trong bộ Pediatric Surgery cùa các tác giả Keith W. Holder, Thomas M.Ashcraft et al…

Về phần chúng tôi, có sự thay đổi trong sự mổ lympha-quản, là vẫn cố gỡ những bong bong nước ở cổ càng nhiều càng tốt và cố tránh cắt các dây thần kinh bắt ngang trện. Hay cũng làm như thế với các bong bong nổi nhưng vào sâu hơn thì cắt vỡ, còn thì chọc thủng và luồn mấy sợi lông đuôi ngựa (crin) để thông dần (drainage) trong 1-4 ngày. C2. Ruột gìà cự đại bẩm sinh (Mégacolon congénital) hay bệnh Hirschsprung

c2/ Ruột gìà cự đại bẩm sinh (Mégacolon congénital) hay bệnh Hirschsprung

Bệnh này không hiếm. Tôi (TNN) được thấy 1 cas khi còn là sinh viên năm thứ hai. Bệnh nhân chừng năm tuổi, ốm teo, nằm ở giường, có mẹ ngồi cạnh, ở Bệnh Viện Phủ Doãn trên đường Trường Thi tức Borgnis Desbordes Hà Nội (sau có tên là Bệnh Viện Yersin rồi BV Việt Đức).

Mình còn trẻ, thấy đứa bé bị bệnh thì sợ lắm. Hỏi bà mẹ thì được bà cho biết cháu không ỉa được, chỉ thỉnh thoảng năm thì mười họa, khi một tuần, khi hai tháng, tự nhiên khóc rồi ra một cục phân, rắn chắc to bằng cổ tay, rồi hết, ‘’Bảo nó rặn thì nó không biết “rặn” là làm thế nào?‘’. Ông Thầy đến và giảng rằng phân đóng chắc ở ruột già (đại tràng, colon) lên đến ruột non, đầy trong bụng, uống thuốc sổ không ra, thụt nước vào chỉ chướng thêm và có khi chết. Mổ thì chỉ biết cắt bỏ cái colon bị chướng, có khi cắt hết cái đại tràng, liều lắm thì cả khúc Iléon (phần cuối của ruột non). Kết quả là bệnh nhân chết vì sự mổ phiêu lưu, chỉ Ông Thầy lớn mới dám làm. Hoặc chết về sau đó vì phân lại đọng lại ở khúc trên và bệnh nhân thiếu ăn, kém dinh dưỡng (hội chứng ruột ngắn), người thì cứ tóp lại dần còn cái bụng cứ căng ra thêm sau mỗi bữa ăn chỉ chừng vài thìa. Vài ba bữa sau không thấy bệnh nhân nữa mà tên nó không được lên bảng mổ, một phần vì ông Thầy cũng không biết mổ ra sao cho đứa trẻ sống mà hết bệnh. Sự kiện đó đã làm cho tôi nảy ra ý muốn học mổ trẻ con. Thêm vào đó, vào năm 1948 khi tìm tài liệu để hiểu cái sinh lý bệnh học (physio-pathologie) của các chấn thương lồng ngực để viết luận án trình khi thi Y Khoa Bác Sĩ của Pháp, tôi thấy rằng trong mười năm (1938—1948) tại Bệnh viện đã nhận 6 bệnh nhân bị lồng ruột (invagination intestinale) mà để chết cả sáu!

Vào năm 1951-52, tôi được đọc một chương trong bộ Pediatric Surgery của BS Gross ở Boston (phải mua dollars của Unesco ở Par- is rồi gửi cho nhà xuất bản Sanders ở Mĩ) và một bài về Mégacolon congenital ở báo Revue de Chirurgie của GS Pierre Huard cầm sang và vứt trên bàn của ông ở Bệnh viện, tôi mới biết rằng BS Ovar Sw- enson ở Boston đã tìm ra nguyên nhân của bệnh Mégacolon và cách chữa bệnh ấy.

Nguyên nhân của bệnh Ruột già cự đại của trẻ con không ở trong cái ruột già chương phình mà ở khúc sau là trực tràng (rectum) và có thể một phần ruột già sigmoid. Phần này bẩm sinh, không có những tế bào của thần kinh tự động tại chỗ điều khiển sự cử động tự nhiên (autonome) của ruột khi bị kích thích bởi cục phân ở trong. Phân đi tới thì bị ngưng lại và không vào ruột thẳng (rectum) và không làm mót ỉa.

Để chữa bệnh, phải cắt bỏ cái trực tràng hình thù tốt như thường và đem cái đại tràng phình lớn, chứa đầy phân tùy theo cái tuổi của đứa trẻ, thông ra ngòai ở lỗ đít hay trên bụng. Sự đại tiện sẽ thông thường mỗi ngày.

Đây là điều mà BS Orvar Swenson đã định ra sau 7 năm nghiên cứu ở Bệnh viện Memorial Children’s Hospital ở Boston.

Khi tôi sang Pháp học thì ở Lyon, không có một ai biết đến những khám phá mới này vì Thầy trò trong bốn năm qua chỉ học tiếng Đức và không có sách, báo Anh Mĩ. Lên Paris học giáo sư Pierre Petit thì biết rằng Ông đã mổ thành công hai cas Mégacolon congénital trước khi tôi tới nhưng không có một cas mới nào. Sang đến Luân Đôn thì thấy ông Thầy Denis Brown mổ Hypospadias và chữa Chân thọt (Pied bot) bằng những giầy đi ngược-chân phải đi giầy trái-của ông, nhưng không có Mégacolon.

Về Sàigòn năm 1953, mở Khu Phẫu Nhi Khoa (Phẫu khoa Tiểu nhi) ở Bệnh viện Nhi Đồng. Năm thứ nhất, tôi có hai bệnh nhân, hai và ba tuổi, bị chứng ‘’không biết ỉa’’ và sài mòn, thân người xẹp lép như quả ớt khô: Mégacolon !

Nhưng tôi không biết mổ trực tràng và chỉ biết rằng Thầy Huard và BS Phạm Biểu Tâm mổ Bà chị của tôi, một nữ Giáo Sư thể dục, bị Ung Thư trực tràng năm 1950. Ba ngày sau thì Bà chết.

Tôi biết phép mổ của Swenson trong sách của Gross nhưng không được thấy. Thấy người sắp chết mà không cứu là có tội. Tôi liều mổ sau khi cho truyền máu và serum. Một phép lạ là cả hai đều sống và ‘’biết ỉa‘’. Tôi gọt trực tràng của chúng sát thành ruột trước khi cắt bỏ và đem cái đại tràng đã rỗng một phần xuống lỗ đít. Nốí cái đại tràng cự đại vào một cái lỗ đít nhỏ bé vô dụng của một đứa bé là một việc rất tinh tế nhưng sự khó khăn nhất của phép mổ Swenson với tôi là việc gọt cái trực tràng có vẻ hiền lành nhưng là có tật bẩm sinh thầm kín. Tôi sợ cắt phải những giây thần kinh li ti ở sâu trong cái chậu (bassin) lẫn lộn với các mạng sơ (conjonctif) nâng đỡ các cơ quan trong chậu (pelvic): bọng đái, tử cung hay tiền- hộ-tuyến. Vì thế trong những năm 1955-1970, tôi đi trong tầng cơ (musculeuse) của trực tràng mà không biết rằng ở Italie, GS Soave cũng làm thế (phép mổ của Soave).

Năm 1968 tôi gửi Anh Trần Xuân Ninh sang Chicago học giáo sư Orvar Swenson. Sau một năm anh được cử làm Chief Resident, và ít lâu sau anh đã thay ông Swenson mổ các trường hợp bệnh riêng của ông Swenson.

Dưới đây là phần tường thuật của anh Trần Xuân Ninh. (xin xem ở cuối bài)

c3/ Nang chương ống mật chính (dilatation cystique congénitale du canal cholédoque, Congenital cystic dilatation of the common duct)

Bệnh không hiếm. Chúng tôi có 12 cas trong 22 năm. Sáu cas đầu đã được chúng tôi nghiên cứu và công bố trên: Revue des Maladies du Tube digestif và Annale de Chirurgie Infantile ở Pháp và được trình trong Luận án Tiến Sĩ Y Khoa của BS Nguyễn Thành Long.

Sáu cas đầu đã được mổ theo Gross: Nối và mở cái nang vào Thập nhị chỉ tràng (Anastomose cysto-duodénale) theo Gross. Một ca chết, năm ca sống và khỏi bệnh.

Điều khám phá ra là những bướu nang này bị sinh ra là vì phần cuối của ống dẫn mật lớn teo nhỏ bẩm sinh, làm cho ống mật ở trên bế tắc, mật không vào được thập nhị chỉ tràng làm phình ra. Sự bất thường bẩm sinh được chứng minh khi chúng tôi mở thập nhị chỉ tràng và thông ống dẫn mật chính, ngược từ núm lớn (caroncule ma- jor) lên nang ống mật rồi chụp quang ảnh. Thấy phần của ống dẫn mật nhỏ như một sợi len lông cừu nhỏ. Sự tương tự với ruột già cự đại (Mégacolon) rất hấp dẫn nhưng chúng tôi không biết cơ cấu của Choledoque thế nào. Có hay không có tế bào thần kinh riêng? Và không dám kết luận. Tìm mãi chỉ thấy trong một cuốn Anatomie của Mayo Clinic nói về cơ cấu của núm lớn và cơ thắt ống mà thôi.

Sáu ca đầu chúng tôi nối mở (anastomose) cái nang vào thập nhị chỉ tràng. Trong những ca sau, nang được cắt thiên sang thành ngoài và dưới vì thấy nang nở về phía ấy. Cas đầu tiên chết là ở một cháu mới 1 tuổi. Vì cái chết, chúng tôi nghĩ rằng có lẽ còn để lại cái nang thì sự tiết mật vào ruột vẫn không bình thường ngay sau khi mổ nên quyết định trong các cas sau sẽ cắt bỏ cái túi nang đi và nối thẳng ống dẫn mật vào thập nhị chỉ tràng, nhất là ở cháu bé dưới một tuổi mặc dầu sự mổ có khó hơn. Sau này gặp lại GS Pierre Petit, ông cho tôi biết rằng kinh nghiệm của ông cũng giống như của tôi và ông cho biết rằng bệnh này gây ra một sự mất cơ cấu của gan nặng hơn cả tật ống mật bị tịt (không thông) trong atrésie du foie (gan không thành?) theo nhận định của bác sĩ Lê Tấn Vĩnh, trưởng phòng thí nhiệm của bệnh viện St Vincent de Paul. Giáo sư Petit nay cũng cắt bỏ cái túi (nang) mật đi và chắp nối cái ống mật lớn còn lại vào thập nhị chỉ tràng.

Sáu cas bướu nang ống mật vì ống mật bị tịt sau cùng của chúng tôi được cắt bỏ cái nang, để lại khúc dưới vì còn có ống Wirsung của pancreas (tụy tạng) và nối lại khúc trên của ống dẫn mật vào ruột. Có một cas chết, các cas khác đều sống bình thường.

c4/ Tuần hoàn ngoại trong bệnh lao xương khớp đầu gối (circu- lation latérale des tumeurs blanches du genou).

Trong bệnh lao xương khớp đầu gối mà y học Âu Tây trong thế kỷ XVII gọi là tumor alba, có một dấu hiệu quan trọng là sự nổi các gân máu tĩnh mạch quanh và trên khớp gối. Dấu hiệu này thường được nhận thấy trong bệnh lao xương khớp gối nhưng không được rõ ràng ở khuỷu tay (elbow) và cổ chân, không biết có hay không trong bệnh lao xương sống (thường được gọi là Mal de Pott), nhưng tôi nghĩ rằng cũng có mà không xuất hiện ở cao độ như ở đầu gối (genou).

Dấu hiệu tĩnh mạch nổi trong bệnh lao đầu gối là một dấu hiệu quan trọng và cổ điển (classique) nhưng không biết nguyên do vì sao.

Khi ở Pháp về, tôi nghĩ rằng phải có một đề tài lớn để nghiên cứu, và đề tài lớn mà tôi chọn sẽ là bệnh lao xương khớp. Bệnh này là một bệnh khá nhiều người bị ở Việt Nam và ‘’những nước đang phát triển’’ và ngay cả ở Pháp và Mĩ. Các khảo cứu về Bệnh học (Pathology) ở Đức và Pháp đã chứng minh rằng các củ lao (tubercule) trong Lao gan và Lao xương đùi là folliculaire, caséeux hay Langhans- cellu- lar, đều không có mạch máu vào (avasculaire) nhưng sự sinh bệnh (pathogénie) của sự nổi tĩnh mạch ở đầu gối và ở đùi vẫn còn chưa được hiểu rõ ràng.

Để tìm hiểu, vào năm 1968, tôi chọn một ông bệnh nhân bị lao đầu gối phải và dùng kim tiêm và thuốc cản quang Iode đâm vào động mạch đùi (artère fémorale) để làm quang ảnh động mạch này bên chân phải. Đồng thời cũng làm quang ảnh động mạch đùi bên trái. Quang ảnh (arteriographie) động mạch đùi trái (bình thường) rất rõ. Bên chân bên phải, quang ảnh động mạch được thấy cùng với quang ảnh tĩnh mạch đùi (phlébographie) trên đầu gối.

Chờ một lúc cho thuốc cản quang tiêu hết, tôi lấy máu tĩnh mạch đùi ở hai bên bẹn (kỹ thuật kín) để đem ngay xuống phòng thí nghiệm thử độ oxygène trong máu: kết quả là độ oxygène tĩnh mạch bên phải cao hơn bên trái một cách rõ rệt. Bệnh viện lúc đó không có nhiệt kế để đo độ nóng ở da đầu gối. Tôi nghĩ là có sự chênh lệch phải > trái.

Với hai thí nghiệm trên, tôi nghĩ rằng ở đầu gối bị lao, đã mọc ra những mạch máu mới nối các động mạch cuối cùng vào các tĩnh mạch thuộc đầu gối bệnh. Khám phá nhỏ này bổ túc cho sự kiện đã biết từ trước rằng không có máu vào trong các củ lao ở gan và xương.

Tôi thuyết trình về nguyên nhân của sự căng phồng các tĩnh mạch trong bệnh lao xương- khớp rất rõ ràng ở đầu gối ở Hội nghị của Khoa Chấn thương và Trực Nhi (Société de Traumatologie et de Chirurgie Orthopédique) ở Paris vào năm 1962. Ở phòng họp ra, tôi thấy một ông già chạy theo. Tôi ngừng lại và hỏi : ‘’Xin cho biết quí danh và có điều gì muốn hỏi không’’? Ông già đáp lại : ‘’ Tôi là X’’. Tôi giật mình vì ông (mà nay vì tuổi tác tôi đã quên tên) cùng với GS Sorrel là hai người giỏi nhất ở Pháp về bệnh lao xương-khớp.

Tôi xin lỗi và nói : ‘’ Thưa Thầy, tôi có học ở sách của Thầy’’. Ông già tiếp tục bảo tôi rằng :’’Sư tìm tòi của anh rất thú vị và tỏ ra rằng người ta vẫn còn khảo sát và phát minh được với một ống tiêm, không cần phải có kính hiển vi điện tử (microscope électronique). Tôi muốn hỏi anh, khám phá của anh có một áp dụng thực tế nào không ngoài sự giảng giải một dấu hiệu lâm sàng (signe clinique)’’. Tôi trả lời: ’’Thưa Thầy, tôi nghĩ rằng sự cắt đứt tuần hoàn vào các củ lao là nguyên nhân làm cho sự điều trị bệnh lao xương - khớp bằng thuốc kháng sinh (Antibiotiques : steptomycinevà rimifon) phải liên tục và lâu dài, ít nhất là chín tháng, trong khi sự điều trị kháng sinh bệnh lao phổi có khi ngắn, chỉ ba tháng’’.

c5/ Bệnh liệt nửa người dưới: biến chứng của bệnh lao xương sống thường được gọi là bệnh Pott (Paraplégie pottique)

Lao xương sống ngực - lưng (mal de Pott thoraco-lombaire) sinh ra một sự gồ lưng (gibbosité thoraco-lombaire) có một biến chứng rất nặng là bệnh liệt hạ bán thân. Bà Sorrel Déjeune ở Pháp đã khảo cứu về biến chứng này và đã viết một cuốn sách lớn trên đề tài này. Bà mổ xác của trên một trăm bệnh nhân và kết luận rằng bệnh Pott tạo ra ba chứng (lésions) :

1_ sự gồ trong (gibbosité interne) ở thân hai đốt sống. 2_ nhọt lao kết thành chất caséum sau chỗ gồ trong. 3_ màng tủy dầy lên (pachyméningite)

Ba chứng này là nguyên nhân của sự liệt hạ bán thân.

Ông Seddon, Giáo sư tại British Orthopaedic Council và tại Royal National Orthopedic Hospital cũng mổ tử thi của hơn trăm bệnh nhân bị liệt hạ bán thân vì lao xương sống và công nhận hai biến chứng đầu 1,2 là nguyên nhân sự liệt hạ bán thân nhưng không có nguyên nhân thứ ba là sự dầy màng tủy. Ông nghĩ rằng màng tủy không bị dầy thì có thể mổ để gọt cái gồ xương và cái nhọt lao đã kết đặc. Chứng liệt hạ bán thân của bệnh Pott không phải là một bệnh không chữa được. Nhưng chính ông không dám mổ vào thân xương sống. Ông bàn luận với một phẫu gia thần kinh (neurochirurgien) và ông này ưng thuận mổ các bệnh nhân bị liệt hạ bán thân vì bệnh Pott của ông Seddon. Kết quả rất tốt, các bệnh nhân đều khỏi, sự tử vong rất ít.

Tôi được nghe ông Seddon giảng về sự mổ để chữa sự liệt trong bệnh Pott ở Lyon, rồi tôi sang London theo học ông Seddon ở Royal National Orthopedic Hospital ba tháng. Nhưng không được xem ông Thầy mổ xương sống để gỡ tủy, chỉ được học ông về bệnh Poliomyelite và những vết thương đứt dây thần kinh ngoại vi.

Về Việt Nam, tôi có khá nhiều bệnh nhân, đàn ông cỡ 30-50 tuổi bị liệt hạ bán thân vì bệnh Pott. Không chữa thì thương, tôi đành đọc lại sách của ông Seddon rồi giảng lại cho một bệnh nhân về sự nguy hiểm nhưng hi vọng về sự mổ thân xương sống. Bệnh nhân trả lời :’’Nếu có chết thì là tại số, chứ liệt hai chân và đái cũng không được thì thà là chết ‘’

Tôi mổ cho bệnh nhân và ba ngày sau thì ông nhúc nhích được ngón chân. Bốn tháng sau, với sự tập luyện vật lí trị liệu của Cô Lê Thuấn Hoa, bệnh nhân đi lại được với hai cây nạng.

Được khuyến khích bởi kết quả tốt, tôi đã mổ cho 11 bệnh nhân nữa. Có một bệnh nhân chết, còn 10 bệnh nhân khỏi bệnh. Sự thành công này được báo cáo ở Hội Chấn thương và Trực nhi ở Paris năm 1962 và tôi gửi bài báo đến ông Seddon ở London.

D. Những cái mới trong Giáo dục Y Khoa tại Hà Nội sau 1948 và ở Sàigòn sau 1954

Phẫu khoa (Chirurgie) được giảng dạy tại Hà Nội, tại Bệnh Viện Phủ Doãn, đổi tên là BV Yersin (rồi sau nữa là BV Việt Đức). Các Giáo Sư Pháp Le Roy des Barres, Jacques Mayer May và Pierre Huard. các phụ giáo là BS Hồ Đắc Di, BS Tôn Thất Tùng.

Sau 1949, Bác sĩ Phạm Biểu Tâm là Giáo Sư. Tại Sàigòn, sự thực tập Phẫu khoa là ở Bệnh Viện Chợ Rẫy dưới sự hướng dẫn của Bác Sĩ Trần Quang Đệ.

Tại Bệnh viện Phủ Doãn, Hà Nội, Phẫu khoa chỉ có ‘’Phẫu Khoa Toàn thể ‘’, giới hạn trong sự mổ dạ dầy (estomac), ruột (intestin grêle và colon) cưa chân và cắt tay, với sự gây mê bằng cái chụp mặt Om- brédane.

Năm 1949 tôi khởi sự việc gây mê mới bằng ống thông McGill với những máy của Waters sản xuất tại Pháp. Trong thời gian ấy, Paris và London cũng đang chuyển sang gây mê mới. Việc mổ bệnh nhân được an toàn hơn và tôi mổ được bướu cổ (goiter) theo Halstead. Việc gây mê để mổ sau này ở Sàigòn được tiếp tục bởi Cô Lê Thị Thuần, GS Ngô Gia Hy và GS Nguyễn Khắc Minh.

Bắt đầu từ năm 1955 và nhất là từ năm 1965, Trường Y Khoa Saigon được mở lại tại Sàigòn với một Campus mới và Bệnh viện Chợ Rẫy (GS Trần Quang Đệ, phụ giáo là Bác Sĩ Đặng Văn Chiếu), Bệnh viện Bình Dân (GS Phạm Biểu Tâm và các Phụ Giáo). Nhiều chuyên khoa Phẫu khoa được mở ra và được sáp nhập vào Chương trình Phẫu Khoa Toàn Thể. Đó là một sáng kiến của Y Khoa Sàigòn vì trên thế giới. tất cả các chuyên khoa này đều thuộc Chương trình Hậu Đại Học (Post Graduate, Post Doctorate Curriculum). Các chuyên viên giáo dục của Hội Y Sĩ Hoa Kì (American Medical Association) hỏi tôi rằng tại sao tôi lại cho Phẫu Nhi Khoa (Chirurgie Pédiatrique) vào sự học của các sinh viên chưa có bằng Y Khoa Bác Sĩ và đã học Phẫu Khoa Toàn thể ưu hạng. Tôi trả lời: Với tôi Phẫu Nhi Khoa là Nhi Khoa (Pediatrics) cho các sinh viên đang học Bác Sĩ (Graduate Education). Lên Hậu Đại Học, Phẫu Nhi Khoa tức là Phẫu Khoa Tiểu nhi.

Trong thời gian tôi làm việc ở Bệnh Viện Nhi Đồng Sàigòn, nhiều bệnh nhân của tôi là do sinh viên Y Khoa đem tới từ Bệnh Viện Từ Dũ (dậy đỡ đẻ) và từ những gia đình trong Đô thành. Một cô bệnh nhân, hiện đang sống ở Mĩ với chồng người Mĩ, đã bỏ ý định tự tử khi được tôi mổ, chữa tật ngoẹo cổ (torticolis) chỉ hai ngày trước khi tôi và gia đình xuống tầu vượt biên (1977).

Tôi mở đầu khoa Gây Mê. Bs Nguyễn Hữu (sau này là Giáo Sư) dạy phép tiêm thuốc tê vào mạng thần kinh cánh tay (Plexus Brachial) ở nách để mổ tay và bàn tay. Tôi học sự gây mê mới trong cuốn sách Anesthésie moderne của GS Mayer May và được huấn luyện về Nội soi Khí quản và Thực quản,Vị quản (Gastroscopie)

Tôi học thông Thanh Quản và đã móc thành công một con cá rô thọt vào thanh quản của một cháu bé đi mò cá ở ruộng và cứu nó khỏi chết. Sự kiện hi hữu này được trình bầy tại Hội Khoa Tai Mũi Học ở Paris bởi một ông Thầy đến ở Hà Nội hai tháng. Ông cũng dậy chúng tôi sự thông khí quản mò bằng những ống McGillđể gây mê.

Sau năm 1954, tại Sàigòn có những chuyên khoa mới là:

- Khoa Tim (Cardiologie)

- Khoa Bệnh lao.

- Phẫu Khoa Óc (Neuro Chirurgie, GS Đặng Văn Chiếu)

- Khoa Bướu và Ung Thư (Chirurgie du cancer, GS Nguyễn Xuân Chữ và GS Đào Đức Hoành)

- Khoa Tiết Niệu (Urologie, GS Ngô Gia Hy)

- Phẫu Nhi Khoa (Chirurgie Pédiatrique, GS Trần Ngọc Ninh ở trong và ở trên những Khoa Cổ điển).

*

Tôi rời Sàigòn và chế độ xã hội Chủ Nghĩa bóp méo và nền «Y Khoa Nhân dân2….0» chủ trương kết hợp một một Y Khoa Khoa học phôi thai và Nghề Thuốc Dân Tộc (Tầu Việt Nam hóa) đến nay là hơn 42 năm.

Trái tim của tôi vẫn hướng về đất nước và Nhân dân Việt Nam. Kí ức của tôi vẫn đầy những hình ảnh và sự yêu thương những cuộc đời chỉ có những hi vọng không thành của con người Việt Nam.

Số Bác Sĩ rời khỏi nước sau ngày 30-4-1975 khá đông. Những Bác sĩ cựu sinh viên Y Khoa Đại Học Đường Hà Nội sau 19-12-1946 và Y Khoa Đại Học Sàigòn cũng không ít..

Tôi nhận sự chịu đựng và can đảm của các anh các chị khi đổi đời. Bài giảng bữa nay đã khá dài nhưng còn thiếu, chưa đủ vì tôi không biết những sáng tác của các Khoa khác trong trường. Đối diện với Y Khoa Mĩ, Pháp, Đức, Ý…..những nước đã tiếp thu chúng ta, các anh các chị nhiều khi có tự ti mặc cảm nhưng sự hội nhập rất rực rỡ của các anh các chị là một chứng minh rằng nền Giáo Dục Y Khoa ở Sàigòn của nước Cộng Hòa Việt Nam không phải là dở và bên những thiếu kém về kinh tế, tài chính cũng có những sáng tác đáng giá. Bài giảng cuối cùng và cuối đời của tôi mong rằng sẽ đem lại cho các anh, các chị một niềm tự tin và tự hào xứng đáng.

Xin chào các anh và các chị - cựu sinh viên của Y Khoa Đại Học Sàigòn.

Trần Ngọc Ninh


Phần tường thuật của BS. Trần Xuân Ninh

Đọc đến đây BÀI GIẢNG CUỐI CÙNG của giáo sư Trần Ngọc Ninh, quí vị và các bạn biết rằng tôi, Trần Xuân Ninh năm 1968 được giáo sư Ninh gửi sang Children’s Memorial Hospital ở Chicago để học với giáo sư Orvar Swenson về cách trị liệu bệnh Hir- schsprung’s disease (congenital megacolon/ruột già cự đại bẩm sinh). Giáo sư Swenson là người nổi danh thế giới vì đã tìm ra phương pháp giải phẫu để chữa cái bệnh cho tới lúc đó kể là trầm kha, không chữa được. Dĩ nhiên tôi vô cùng sung sướng được vinh dự đó. Và tôi cũng vô cùng may mắn nữa, vì năm đó Cộng sản Hà nội mở trận tổng công kích Mậu Thân, mọi xuất ngoại đều bị bãi bỏ vì lệnh tổng động viên tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đưa ra. Nhưng tôi đã được đi sang Mỹ vì một tình cờ kỳ diệu, - một phép lạ - không tưởng tượng được, khiến từ đó tới nay tôi tin cuộc đời có số. Nhưng kể chi tiết sự kỳ diệu ra ở đây chỉ làm mất thì giờ của tất cả. Ngoài vấn đề nghề nghiệp chuyên môn, chuyến đi này làm tôi mở mắt thấy được nhiều thứ, tạo điều kiện cho tôi sống ung dung trên đất Mỹ, theo ý hướng của mình, từ khi định cư ở Mỹ ngày mồng 2 tháng 3 năm 1979, sau chuyến vượt biển mùa bão năm 1978 trên chiếc thuyền nhỏ “hai bloc đầu bạc” dài chừng trên dưới 10 mét chứa 75 người, trong đó có ba đứa nhỏ dưới ba tuổi mà một đứa là con trai tôi. Tất cả sống sót trừ đứa con tôi chết khát (gia đình tôi không có nước riêng đem theo vì tin tưởng người tổ chức hứa hẹn rằng trên tàu đủ nước), miệng còn ngậm thìa nước mưa tới quá muộn. Chiếc thuyền đã không chìm mặc dầu chỉ như chiếc lá tre bồng bềnh giữa biển với những đợt sóng cao to như những rặng núi nối tiếp ruổi tới. (Lại vì số mệnh nữa!).

Năm 1968, Mỹ đang đi vào năm thứ tư của chính sách The Great Society của tổng thống Lyndon Johnson mà căn bản là xóa nghèo nàn và bất công chủng tộc. Các chương trình xã hội đủ loại được đề ra để nâng đỡ người da đen nhằm bù lại các thiệt thòi mà họ đã chịu từ thời chế độ nô lệ. Trong cái không khí xã hội chính trị thuận lợi như vậy, một bác sĩ nhỏ bé gầy gò là tôi từ một nước Việt nam đang có chiến tranh với Mỹ đã không bị một kỳ thị nào ở một nhà thương nhi đồng lớn hạng nhất nước Mỹ là Children’s Memorial Hospital (CMH), trong thành phố Chicago đứng thứ nhì Hoa kỳ, chỉ sau New York City. (May là hồi đó Donald Trump chưa làm tổng thống, mà chỉ là một thanh niên con nhà giầu, lấy cớ có một cái gai xương chút xíu ở chân (exostosis) trên quang ảnh X để xin hoãn vào lính đi Việt Nam). Phong trào phản chiến mới nổi, loe ngoe vài thanh niên đứng ở trung tâm buôn bán Chicago mỗi cuối tuần đông người qua lại phát truyền đơn chống chiến tranh).

Ngoài ra, có lẽ còn vì một điều khác nữa. Là giáo sư Orvar Swenson vốn người Thụy điển, di cư sang Mỹ lúc ông 8 tuổi theo thân phụ là thợ mộc chuyên làm bánh xe (xe ngựa là phương tiện di chuyển chính thời đầu thế kỷ 20 ở Mỹ). Cho nên ông bắt đầu làm mộc từ lúc thiếu thời: cùng với anh ruột kiếm tiền tiêu bằng cách làm các que gỗ để chà ra lửa bán cho hướng đạo sinh. Vì cha mẹ chết sớm, ông phải tiếp tục kiếm sống bằng nghề mộc, và tốt nghiệp trung học năm 21 tuổi rồi đi học y khoa. Thực tập ở Bos- ton Lying in Hospital là nơi mà ông đã tìm ra cách giải phẫu chữa bệnh Hirschsprung, nhờ sự cần cù kiên nhẫn tìm hiểu và quan sát. Nói cho rõ thì ông đã được giao cho trông coi các bệnh nhân bị Hirschsprung’s disease táo bón kinh niên, người gầy còm, bụng to phình. Nhiệm vụ này không có gì hứng thú, nếu không nói là khổ cực, vì chỉ là rửa ruột (wash-out) đầy phân hàng ngày. Trong khi đàn anh là Robert E Gross thì chiếm các bệnh mổ ngon lành. Ông đã cặm cụi vào phòng thí nghiệm cơ thể bệnh lý (pathology) nghiên cứu tìm hiểu, rốt cuộc tìm ra nguồn gốc bệnh và trở thành người tìm ra cách chữa. Lúc tôi sang học ở Chicago thì ông đã là Trưởng khoa Giải phẫu tiểu nhi ở đó được 8 năm và 60 tuổi. Nói cho rõ thì có lẽ vốn là người nhập cư cho nên ông dễ thông cảm với người ngoại quốc đến Mỹ là tôi chăng.

Vì rằng tôi đã có kinh nghiệm ở bệnh viện Nhi Đồng Sài gòn cho nên tôi chỉ muốn đi học những gì cần thiết. Hội Y khoa Hoa kỳ AMA là cơ quan cấp học bổng đồng ý. Cho tôi theo một chương trình tu nghiệp ghi rõ là “tailored program” về giải phẫu tiểu nhi với học bổng tiêu chuẩn chung lúc đó là 240 đô la. Giáo sư Swenson thấy đó là ít quá theo suy nghĩ của ông nên đã đòi AMA trả cho ông mỗi tháng 100 đô la gọi là tiền giấy tờ điều hành theo rõi hồ sơ của tôi, và cho tôi thêm 100 đô la đó. Tôi xin giáo sư Swenson cho ở trong một phòng thuộc khu trực cho các resident và thư viện của nhà thương, bên kia đường nối với nhà thương bằng một đường hầm, trả 30 đô la một tháng. Có bếp lò và chỗ rửa bát. Ngày ba bữa ăn sáng, trưa chiều là ở cafeteria nhà thương, tổng cộng chừng 3 đô la.

Theo tinh thần học “tailored program” sau mỗi ba tháng thì thảo luận lượng giá với giáo sư trưởng khu để sẽ tiếp tục ra sao. Ở nguyên tại chỗ hay đi một trung tâm giải phẫu tiểu nhi khác. Thoạt đầu lúc mới sang tôi được làm fellow, đứng phụ mổ thứ hai cho giáo sư Swenson trong các bệnh cự đại ruột già, còn người chief resident là phụ thứ nhất. Ngoài ra, tôi đi theo người này khám bệnh hàng ngày, nhưng không có trách nhiệm gì cả. Có lần thấy anh ta làm cutdown (mổ lấy tĩnh mạch cổ chân để truyền nước biển cho một bệnh nhân có các tĩnh mạch quá nhỏ không chích được) với một khay dụng cụ mà nhìn tôi thấy hết hồn vì có đầy đủ các dụng cụ mà tôi không từng thấy trên khay mổ lớn trong phòng mổ bệnh viện Nhi đồng Sàigòn nghèo nàn của tôi lúc mới đến thực tập. Một hôm dường như muốn thử tôi, người chief resident hỏi có muốn làm cutdown không. Tôi nói OK. Và đã làm tất cả trong chừng mươi phút kể từ khi sát trùng da, trải khăn, chính thuốc tê rồi dùng một cái kẹp nhỏ đầu cong cho vào căng mép da ra, xuống tận sát xương, móc cái tĩnh mạnh lên, rồi cho ống nylon truyền máu vào. Làm nhanh như thế chẳng có gì lạ, bởi vì tôi bắt đầu làm dénudation veineuse (cutdown) lúc đi thực tập Nhi khoa năm thứ ba, do một đàn anh hơn tôi 3 lớp, là Tiêu Minh Thu chỉ dẫn. Anh Thu là người gác cùng ngày với tôi. Anh ân cần bảo tôi nếu bị gọi xem bệnh mà có gì không biết thì cứ hỏi anh, bất cứ lúc nào. Tôi đã mãi không tìm ra cái tĩnh mạch, tuy rằng có đọc chỉ dẫn trong Petite chirugie của nhà xuất bản tạp chí Revue du Praticien. Bởi vì tôi chỉ loay hoay trong lớp mỡ dưới da, không đi thẳng xuống sát xương, chỉ vì nghĩ rằng tĩnh mạch thì nằm trong lớp mỡ. Tôi quý anh Thu từ đó, cho tới bây giờ còn thăm hỏi liên lạc, dù rằng về sau anh là phụ giáo cho cha Lichtenberger (mô học), chẳng có liên hệ gì với chuyên khoa của tôi.

Trong cuộc họp đầu tiên với giáo sư Swenson để lượng giá, ông đã hỏi tôi là muốn ra sao. Tiếp tục ở Children’s Memorial Hospital hay muốn đi chỗ khác. Tôi thấy có nhiều thứ để học, các dụng cụ máy móc theo rõi trẻ sơ sinh, cách vận hành cũng như sự liên hệ chặt chẽ giữa khu giải phẫu và khu cơ thể bệnh lý. Tôi nghĩ chỉ ở Children’s học chưa chắc đã thấu đáo hết, đi một nơi khác mất công thích ứng, và trong đầu còn bật ra câu nói “đá lăn hoài không thể mọc rêu”. Cho nên tôi nói với giáo sư là muốn ở lại. Ông đồng ý và nói nếu vậy ông sẽ cho tôi làm chief resident năm tới và như vậy thì tôi sẽ phải chịu trách nhiệm trực gác như một resident. Tôi đã cám ơn đúng phép. Và chẳng lấy gì làm thích thú vì đã từng làm quá nhiều ở Nhi Đồng Sàigon. Lúc đó tôi không biết rằng xin được vào làm resident ở giải phẫu tiểu nhi rất khó khăn vì không có nhiều trung tâm giải phẩu tiểu nhi trên cả nước Mỹ, ngoài ra còn phải đã học xong giải phẫu tổng quát người lớn. Thời gian đầu trực gác như một resident nghĩ lại thấy thật lý thú. Tôi đọc sách tiếng Anh thạo, nói tiếng Anh đủ dùng, nhưng chưa từng giao thiệp nhiều nên nghe không rõ qua điện thoại. Vì thế, khi y tá gọi có việc thì dù to nhỏ gì tôi cũng chỉ nghe vài câu rồi nói tôi lên ngay để biết rõ sự thể trước khi quyết định. Và vì thế mà tôi (về sau mới biết) được đánh giá là người rất chăm chỉ và tận tâm lo việc.

Nói về việc học mổ với giáo sư Swenson thì phép mổ Swenson chỉ thực hiện khi trẻ bệnh tối thiểu cân nặng 18 lbs. Lúc mới sinh, chỉ làm sinh thiết để định chỗ ruột già bình thường phải mở ra ngoài (colostomy) làm chỗ thoát phân cho đứa bé tới khi nó được 18lbs. Miếng sinh thiết này bề ngang chừng 2mm, bề dài chừng 10mm, cắt từ thành ngoài ruột già qua hết tầng cơ ruột xuống tới tận lớp niêm mạc, mà không được làm thủng lớp này. Giáo sư Sw- enson giảng giải kỹ lưỡng, và làm cho tôi xem trên bệnh nhân của ông. Nhưng ông đã làm thủng ruột vào phút chót (lúc đó ông đã 61 tuổi, tay không còn linh hoạt và mắt đã đeo kính). Tôi đã phụ ông rất gọn gàng nhanh chóng chặn phân làm dơ chung quanh. Từ những lần sau, ông cho tôi làm, và không lần nào tôi làm thủng ruột, tuy làm một cách rất nhanh nhẹn. Không phải vì “khéo tay”. Nhưng vì tôi đã dùng kỹ thuật xử dụng dao “cắt-quét” tôi chế ra để mổ, thay chiếc kéo Mayo cùn, nhay mãi mới đứt, mặc dầu những o bế mài dũa bởi ông Nguyễn hữu Chí y tá trưởng phòng mổ Nhi Đồng. Nhờ kinh nghiệm phụ giáo sư Trần Ngọc Ninh mổ ở Nhi đồng trong một số bệnh megacolon, không nhiều, ở những trẻ bệnh sống sót èo uột bụng to tới bệnh viện lúc 5-6 tuổi, tôi đã phụ giáo sư Swenson hiệu quả. Vì thế, ông đã cho tôi mổ các bệnh của ông và ông chỉ đứng phụ một lát với người chief resident (tên là Joseph Sherman). Khoảng đầu năm 1970, ông giao cho tôi một trường hợp megacolon với Joe Sherman, lúc đó đã là giảng sư khoa giải phẫu (assistant professor) phụ giúp, mổ biểu diễn và thu hình để đem ra chiếu ở hội nghị thường niên của American Academy of Pedi- atrics ở Chicago. Cuộc mổ hoàn hảo. Nhưng vào phút chót, trước khi buộc mũi khâu chót nối ruột già với hậu môn, vì đứa bé tỉnh dậy cục cựa nên từ phía trên bụng miếng plastic dán vào da bụng che vùng xương mu hở ra, làm chẩy một giòng như nước mắt từ ổ bụng xuống! Cuốn phim phải bỏ, không dùng được vì hình ảnh tạo ấn tượng là kỹ thuật vô trùng bị phạm này! Ông Swenson cùng duyệt xem cuốn phim với tôi, không nói gì! Còn tôi thì thấy ngượng ngùng xấu hổ. Chắc chắn là ông thất vọng vì không có phim trình bầy trong buổi hội như dự tính.

Joe Sherman sau là bạn thân với tôi. Anh trở thành giáo sư về Pediatric Surgery ở Northwestern University Feinberg Medical school. Khi vượt biển sống sót, tạm trú ở trại tỵ nạn Jose Fabella Center (nơi dành cho những người tàn tật, vô năng) Mandaluyong Manila Phi luật Tân cuối năm 1978 (cùng với bác sĩ Nguyễn Việt Cường và Nguyễn Văn Đức đến trước tôi ít lâu), tôi vì mặc cảm thất bại đã không liên lạc với Joe. Bởi lúc rời CMH cuối năm 1970, tôi đã nói với Joe rằng tôi về VN với mục đích biến khu giải phẫu bệnh viện Nhi đồng Sài gòn theo mẫu CMH (!) và sẽ mời anh sang thăm. Xin nói thêm rằng giáo sư Swenson vào kỳ Giáng Sinh 1969, nói nếu tôi muốn thì ông sẽ giới thiệu với giáo sư trưởng khoa cơ thể bệnh lý W. Boggs ở CMH để học thêm một năm, sau khi làm chief resi- dent, như ông để mà trở thành một “well versed” pediatric surgeon (nguyên văn những chữ ông dùng mà tôi còn nhớ, vì sau đó tôi phải tra tự điển để hiểu well versed là gì) như là ông đã làm ở Boston. Tôi từ chối vì chẳng thích bao nhiêu cái môn xem kính hiển vi và mổ tử thi. Thay vào đó, sau khi làm xong chief resident ông đã giới thiệu cho tôi đi tu nghiệp quan sát mỗi nơi 2 tuần tại những trung tâm giải phẫu tiểu nhi có tiếng mà trưởng khoa ông quen thân. Ở Columbus Ohio (Dr Clatworthy), ở New York (Dr Santulli), ở Boston Lying in Hospital (Dr Fisher), ở Philadelphia (Dr Koop), Children’s Medical Center ở Boston Mass. (Drs Eraklis và Filler), The Hospital for Sick Children, Great Ormond St London, KInderchirurgische Klinik ở Bremen (Dr Rehbein) và cả Hopital St Vincent de Paul của giáo sư Pierre Petit ở Paris. Trục trặc là lúc gần đến tháng 7 hỏi AMA tôi mới biết chương trình tu nghiệp này của tôi AMA không phụ cấp vì khoa trưởng Y khoa đại học lúc đó là bác sĩ Phạm Tấn Tước phản đối! (Từ năm thứ nhất khi đi thực tập ở khu Nội thương bệnh viện Chợ Rẫy trong các buổi trình bệnh, thời giáo sư Rivoalen làm trưởng khoa tôi nhớ bác sĩ Tước người hơi mập mạp, da đen đen, nói hơi lắp bắp). Tôi quyết định tự bỏ tiền ra đi (nhờ tiền để dành được vì lương chief resident của Giáo sư Swenson). Nhưng giấy tờ sang Pháp lúc đó không dễ nếu không có đề nghị chính thức của trường. Thế mà tôi đã đi sang Âu châu được. (Lại vì số mạng đưa đẩy, và thực là như thế, vì thực tế là không có cổ cánh hay quen biết lớn)

Từ trại tỵ nạn Mandaluyong, tôi viết thư cho một người bạn là bác sĩ Ấn Độ học trước tôi với giáo sư Swenson đang làm ở Jef- ferson University Hospitals, Philadelphia. Anh này báo cho Joe Sherman. Joe đã viết thư cho cố thượng nghị sĩ Cộng hòa nổi tiếng Charles Percy can thiệp với cao ủy Liên hiệp quốc ở Manila về vấn đề người tỵ nạn cho tôi sớm sang Mỹ. Cũng chính vì thế mà anh chàng cao ủy người Thụy sĩ tôi còn nhớ tên là Blatter này ghét, tìm đủ cách không cho tôi đi Mỹ, và đẩy sang Úc, nhưng không xong. Kể ra tại sao thì dài dòng, nhưng vắn tắt thì chỉ là vì tôi có số định cư ở Mỹ! Năm 1980 lúc tôi về Chicago học tiếp 3 năm General surgery (cũng nhờ sự giới thiệu của giáo sư Swenson) để có đủ credit trở lại Pediatric surgery, Joe còn nói với tôi nếu muốn thì khi xong suôi mọi sự anh sẽ giới thiệu cho làm trưởng khu giải phẫu tiểu nhi ở Cook County Hospital, thay một bác sĩ trưởng khu Phi luât Tân về hưu. Tôi từ chối. Vì đã có ý hướng khác, sau cuộc đổi đời, VC chiếm miền Nam. Một phần vì trong thời gian tập trung cải tạo, tôi gặp một số bạn đồng tù nghe tên tôi từ khi còn ở ngoài, nói đại ý rằng làm bác sĩ như ông thì cứu cho nhiều bệnh nhân thật, nhưng nếu ông không làm bác sĩ mà làm việc khác thì có lẽ giúp được nhiều người không bệnh hơn! Phần khác, sống dưới chế độ Việt cộng chứng kiến những điều bất nhân bất nghĩa đã khiến tôi sinh chán đời, có ý định ra khỏi nước rồi thì làm gì cũng được, không cần trở lại làm nghề bác sĩ nữa là nghề mà tôi thấy áp lực đòi hỏi quá mức đối với tôi lúc đó. Và thực sự tôi đã làm như thế, trong hơn một năm, mặc đầu do sự khuyến khích, và ngay cả thúc giục, của anh Nguyễn đức Tuệ tôi đã dự kỳ thi Flex lấy bằng hành nghề 3 tháng sau khi đặt chân tới San Francisco, và đậu ngay.

Trong thời gian định cư ở Chicago, tôi đã có dịp lái xe đến nhà thăm giáo sư Swenson ở Rockport, Maine, năm 1995 nhân chuyến đi dự lễ tốt nghiệp Brown University ở Providence, Rhode Island,

Hình BS TXN gập lại Ông GS O. Swenson vào năm 1995 tại nhà Ông GS ở Rockport, Maine USA. Hình chụp lại từ cuốn sách: ‘’ Một chút lịch sử của YKĐH Saigon của GS Trần Ngọc Ninh , do Hội Y Sĩ VN tại Canada ấn hành năm 2002.

Hình BS TXN gập lại Ông GS O. Swenson vào năm 1995 tại nhà Ông GS ở Rockport, Maine USA. Hình chụp lại từ cuốn sách: ‘’ Một chút lịch sử của YKĐH Saigon của GS Trần Ngọc Ninh , do Hội Y Sĩ VN tại Canada ấn hành năm 2002.

của con gái lớn của tôi. Lúc đó ông đã 86 tuổi, khỏe mạnh. Và hãnh diện khoe với tôi về những công việc ông làm quanh nghề mộc mà ông biết từ nhỏ. Ông chỉ cho tôi cái tàu ông đang tu bổ để hàng năm di chuyển từ Maine là nơi ông đang ở mùa hè, sửa soạn cho chuyến xuống Fort Pierce Florida nghỉ về mùa đông. (Ông vốn là người say mê lái thuyền - truyền thống Viking? ). Ông cũng chỉ cho xem những đồ gỗ trong nhà ông đã làm. Và còn khoe là lai rai có đi dự các cuộc họp về Megacolon ở ngoại quốc khi được mời. Sau đó tôi liên lạc với ông đều đều, bằng phone. Ông gửi cho tôi cam khi ở Florida. Tôi biếu ông các món ăn cổ điển của Mỹ vào dịp nghỉ lễ cuối năm. Cho đến khi ông về dưỡng già ở Charleston, SC, không liên lạc được nữa. Ông mất năm 103 tuổi, tôi được biết qua The Journal of Pediatric Surgery.

Đến đây, tôi thấy rằng đã quá đủ những điều mà giáo sư Trần Ngọc Ninh muốn tôi viết thêm vào bài giảng cuối cùng của Giáo sư, về chuyến đi học ở Chicago với giáo sư Swenson. Tôi tự nghĩ ít ra là về chuyên môn tôi đã không làm các giáo sư thất vọng. Nhưng mà cũng quan trọng cho tôi là tôi còn học thêm được nhiều điều về con người và xã hội Mỹ vào thời kỳ mà tôi nghĩ là ở cao điểm phát triển nhân văn. Tôi nghĩ giáo sư Trần Ngọc Ninh cũng vui về điều này, khi thấy có đứa học trò không chỉ biết chúi đầu vào dao mổ và ống chích. Đặc biệt là học được từ một người di cư đến nước Mỹ lúc 8 tuổi, sống bằng nghề mộc, rồi thành người mở đầu cho chuyên khoa giải phẫu tiểu nhi của Mỹ, nổi tiếng thế giới, là giáo sư Orvar Swenson. Ông cũng là người cùng các bác sĩ tiên phong trong ngành giải phẫu tiểu nhi nửa sau thập niên 1960 vận động thành lập chuyên khoa giải phẫu tiểu nhi Hoa kỳ. Đến năm 1975 thì chuyên khoa mới được chính thức thành lập. Các đồng nghiệp đó đều thi để lấy bằng chuyên khoa này. Giáo sư Swenson không thi và là người không có bằng chuyên khoa giải phẫu tiểu nhi Hoa kỳ.

Tôi hiểu thấm thía rằng ở đời chỉ sợ không kham nổi việc muốn làm cần làm, chứ không sợ không có danh chức để làm.

Từ trái sang phải: BS Trần Xuân Ninh, GS Trần Ngọc Ninh

Từ trái sang phải: BS Trần Xuân Ninh, GS Trần Ngọc Ninh

Trần Xuân Ninh
Ngày 13 tháng 3/2020