Thân gửi các bạn"Cựu Sinh Viên Y Khoa Saigon" bài kí sự sau đây:
NỘI TRÚ BINH VIỆN BÌNH DÂN
1968 -1970
THỜI KHÓI LỬA
*
LỜI PHI LỘ: Những dòng bút ký ngắn sau đây, tường thuật lại những biến cố xảy ra tại Trường Y Sàigòn từ năm 1967-1971 và sau đó...do sự can thiệp của phái bộ Hội Đoàn Bác sĩ Mỹ -American Medical Association tại Saigòn (AMA-SAIGON) vào nội bộ Trường Y Saigon. Những sử liệu của bài viết này đều dựa trên những điều tường thuật của quyển sách thời danh SAIGON MEDICAL SCHOOL do 3 người viết: CH William Ruhe MD, Norman Hoover MD và Ira Singer PhD, tất cả ba vị này đều là nhũng người lãnh đạo và cố vấn cho cuộc can thiệp đẩm máu, của phái bộ AMA vào Trường Y Saigon từ năm 1967. Tập sách SAIGON MEDICAL SCHOOL do chính cơ quan AMA, xuất bản tại Mỹ năm 1988.
ĐàoNhư-Bác sĩ Đào Trọng Thể.
* * *
Võ Thành Phụng! Bây giờ anh ở đâu? Còn khỏe không? Dù sao đi nữa, khi anh đọc được những dòng hồi kí ngắn của tôi sau đây về Nội Trú Bịnh Viện Bình Dân những năm 68-70, anh cũng không đến nổi giận tôi. Mà có giận, cũng chả sao. Biết làm sao bây giờ. Viết về Nội Trú Bình Dân trong khoảng thời gian trên, mà không có Võ Thành Phụng thì chán chết, mất đi hứng thú như buổi lễ tốt nghiệp Trường Y Sàigòn mà không có Vũ Sexy!
Võ Thành Phụng không phải là gương mặt gồ ghề nhất, nổi nhất, trong hàng ngũ Nội Trú Bình Dân thời ấy, nhưng anh là gương mặt đặc biệt. Anh vào nội trú vào năm 66-67 đúng vào lúc phái bộ AMA của Mỹ tại Sàigòn (AMA-SAIGON) quan tâm đến cơ cấu tổ chức của Trưởng Y Saigòn. Họ rất thành khẩn muốn chấn chỉnh lại Trường Y Saigon từ cơ cấu tổ chức đến chương trình giảng dạy (curriculum) của trường. Nhưng họ cũng biết rằng không dễ gì làm chuyện đó, khi ảnh hưởng của Tây còn quá mạnh. Còn Trường Y Saigon lúc đó còn chủ quan, chưa học được bài học của sự sụp đổ của Đệ Nhất Cộng Hòa, cái chết của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và hai bào đệ của ông, không chịu hiểu rằng khó mà cưỡng lại ý muốn của người Mỹ, nhất là những ý muốn của AMA tại Sàigòn (AMA-SAIGON) trong trường hợp này xem chừng rất có lý. Chúng ta phải hiểu người Mỹ chứ. Họ làm sao vui vẻ được khi họ bỏ tiền ra xây cất một Trường Y Saigon đẹp, thiết bị tối tân và tiến bộ, để rồi các ông giáo sư người Pháp và giáo sư người Việt thân Pháp dạy sinh viên Y khoa Saigòn với ngôn ngữ Pháp và dạy theo chương trình và tư tưởng Pháp. Nhưng ngặt một điều là, Trường Y Saigòn và bịnh viện Bình dân Saigòn liên hệ với nhau như anh em sanh đôi. Ai cũng biết, tiền thân của bịnh viện Bình Dân Sàigòn là bịnh viện Phù Doãn, Hà Nội. Nhưng trước 75, mấy ai trong chúng ta được biết Bịnh Viện Bình Dân Sàigòn là bịnh viện duy nhất trực thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục Sàigòn. Bịnh viện Bình dân Saigòn liên hệ mật thiết với Trường Y Saigon. Giáo sư Phạm Biểu Tâm, Trưởng Khối Phẫu Thuật của bịnh viện Bình Dân còn được gọi là Khối Phẫu Thuật “B”, Ông cũng là Khoa Trưởng Trường Y Sàigon. Những bịnh viện khác: Chợ Rẫy, Nguyễn Văn Học, Nhi Đồng, Từ Dủ, Hùng Vương, Hồng Bàng, Chơ Quán...đều trực thuộc bộ Y-tế. Giáo sư Trần Quang Đệ, Trưởng Khối Phẫu Thuật của bịnh viện Chợ Rẫy, còn được gọi là Khối Phẩu Thuật “A”, trực thuộc bộ Y tế. Giáo sư Trần Quang Đệ lại cũng là Viện Trưởng Viện Đại Học Saigon. Viện Đại Học Sàigon trực thuộc Bô Quốc Gia Giáo Dục, đứng trên chóp bu Trường Y Saigòn. Hai khối phẫu thuật “A” và “B” lớn nhất của Saigòn thời ấy làm việc riêng rẻ, không hề liên hệ hay hợp tác với nhau trong một công trình nghiên cứu nào cả. Mỗi người một giang sơn, việc ai nấy lo. Hai ông Trưởng Khối Phẫu thuật “A”và”B” không nhìn nhau qua một đường thẳng, mà họ phải nhìn nhau qua một đường chéo ngoằn ngoèo. Đó là cái lối sắp xếp tréo cẳng ngỗng như vậy của mấy quan Tây thực dân trước khi họ rút.
Không hiểu, bàng quan thiên hạ thì sao, bản thân tôi, mãi đến năm 1989 tôi mới biết được những điều kỳ bí ở trên là nhờ tôi đọc quyển sách: SAIGON MEDICAL SCHOOL do ba người viết: C.H.William Ruhe M.D, Norman William Hoover M.D. và Ira Singer PhD, Hội Đoàn Bác Sĩ Mỹ, AMA, xuất bản tại Mỹ năm 1988. Chắc các bạn còn nhớ Bác sĩ: Norman W. Hoover? Có một thời ông ta dược coi như là Dean của Trưòng Y Sàigòn. Chúng ta luôn luôn nhớ câu nói‘để đời’ của giáo sư Nguyễn Hữu trước khi ông rời khỏi khu Nội trú Bình dân, đi Pháp: “Có Nguyễn Hữu thì không có Hoover, có Hoover thì không có Nguyễn Hữu”! Có người nào đó vô tình diễn dịch câu ấy thoát ý: “Có Tây thì không có Mỹ, có Mỹ thì không có Tây”. Đó là hậu quả của sắc luật do ông Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ ban hành: bãi bỏ chức năng Khoa Trưởng Trường Y, thế vào đó bằng một ủy ban (Faculty Committee) gồm có 5 người do ông ta chỉ định! Nhận định về sắc luật này, nhóm tác giả SAIGON MEDICAL SCHOOL viết:
“Dean Phạm Bieu Tam, MD, a man who was revered for his academic achievement, he had been the first and only Dean of the University Of Saigon Faculty of Medicine, and he had held office for 13 years, was removed by governmental fiat in violation of the charter of the University, on the pretext that he favored the use of foreign language for instruction..” (1)
Cách chức một giáo sư Khoa Trưởng sau 13 năm tựu chức, có nhiều uy tín và được nhiều người mến mộ và kinh phục, chỉ vì ông ta cho phép được dùng tiếng ngoại quốc để giảng dạy. Ai cũng hiểu đó không phải là lý do chính đáng. Chắc chắn phải có những thúc đẩy, những áp lực khác sau lưng Tướng Kỳ. Chín năm sau, chính Tướng Kỳ thú nhận, nhóm tác giả SAIGON MEDICAL SCHOOL tiết lộ:
“Nine years later he was to write: ‘It appeared lately that the background of the ‘Coup de Faculté’ was more complex and it would need some research for anyone to have a clear picture!”.(2)
Sắc luật của Tướng Kỳ (3-1967) ra đời vô tình trùng hợp với sư có mặt của Hobbart A. Reimann, MD, tại Saigon, tháng 2-1967...Tháng 6-1967, Norman W. Hoover, bác sĩ phẫu thuật chấn thương và chỉnh trực của trường y thời danh, Mayo Clinic, thuộc bang Minnesota Mỹ đến Saigon. Bác sĩ Hooverliền được chỉ định thay thế bác sĩ Reimann làm giám đốc (Field Director) của AMA-SAIGON. Nhân đây tôi muốn giới thiệu một vài dòng về thân thế và tầm cỡ của bác sĩ Norman W. Hoover. Muốn biết rõ thân thế và tầm cỡ của một người nào, điều thìch hợp nhất là chúng ta chỉ cần biết qua thân thế và sự nghiệp của người mà họ thay thế. Tôi muốn nói để biết rõ bác sĩ Hoover chúng ta chỉ cần biết thân thế và sự nghiệp của bác sĩ Reimann, giám đốc AMA
-SAIGONlúc ấy mà bác sĩ Hooverthay thế. Nhóm tác giả SAIGON MEDICAL SCHOOLlược thuật thân thế của bác sĩ Reimann như sau:
“The First Field Director (AMA-SAIGON) was Hobart A. Reimann, MD, who had a long and distinguished career as professor of medicine at the Minnesota, Jefferson, and Hahnemann medical colleges, and experienced abroad with the China Medical Board at Peking Union Medical College, and in Lebanon, Indonesia, Iran, Afghanistan, and Honduras ...His arrival in Saigon (February 1967) coincided with important changes in medical administration ordered by Prime Minister Nguyen Cao Ky (3-1967). The Dean of the medical school was dismissed and replaced by a faculty committee...”(3)
Hobbart A. Reimann, MD, bề thế kinh nghiệm, dạn dày như vậy mà vẫn bị Norman W. Hoover, MD, thay thế. Như thế thì ta biết Hoover, MD, là ‘tay cự phách’ như thế nào! Tôi và các Nội-trú bịnh viện Bình Dân của những năm 68-70 vinh dự được bác sĩ Norman W. Hoover và Giáo sư bác sĩ Hoàng Tiến Bảo trường Y Saigon, cầm tay chỉ dạy kỹ thuật điều trị bịnh lao cột sống (Pott’s Disease) bằng phẫu thuật (Hogdson’s Operation). Tôi được giáo sư bác sĩ Norman W. Hoover gửi tặng quyển sách SAIGON MEDICAL SCHOOL vào năm 1989 từ văn phòng AMA ở đường Dearborn, Chicago.
Sau sắc luật của Tướng Kỳ, là cú Mậu Thân. Saigòn hổn loạn và Trường Y thật xô bồ, kẻ lên người xuống, chà đạp nhau. Kẻ theo Tây, người theo Mỹ. Ai hơn, ai thua thì không biết, chỉ có sinh viên Trường Y bị thiệt thòi: Trường đóng cửa liên miên. Lợi dụng sinh viên, bên này bắt chẹt bên kia, bãi khóa đình công dài dài. Bịnh viện Bình Dân được xây cất giữa Quận Ba Saigòn, trên đường Phan Thanh Giản, gần chợ Vườn Chuối và khu Bàn Cờ, một khu đông dân nhất của Saigòn thuở ấy. Nằm giữa một “Saigòn Tạp Pín Lù” vào thời ấy, bịnh viện Bình Dân làm sao tránh khỏi ảnh hưởng của thời cuộc. Dù vậy, khu nội trú cửa Bịnh viện Bình dân lúc nào cũng hoạt động hăng say, chặt chẽ, nghiêm túc.
Vâng, Võ Thành Phụng là một gương mặt đặc biệt! Không đặc biệt sao được? Anh là người Nam, dám làm nội trú của Khoa Chấn Thương và Chỉnh Trực tại bịnh viện Bình Dân và “patron” của anh là Giáo sư Thạc Sĩ Trần Ngọc Ninh, một Conservator người Bắc, ông cũng là đương nhiệm Bộ Trưởng-Văn Hóa. Tôi là bạn chí thân với Võ Thành Phụng từ thời năm PCB. Tuy nhiên sau này tôi ở lại lớp nhiều lần cho nên khi Võ Thành Phụng vào Nội trú, tôi còn ở năm thứ Ba. Võ thành Phụng là người sống tự lập. Những năm anh học y khoa anh sống bằng nghề précepteur, kèm trẻ tại tư gia các gia đinh người Pháp tại Saigon. Anh được trả lương rất là hậu hỉ. Những năm 61-63, tôi biết, khi đó, tiền anh kiếm bằng nghề dạy học được lắm, gần bằng lương bộ-trưởng cùng thời. Dĩ nhiên anh phải là rất xuất sắc về Toán. Anh rất đam mê về khoa học. Những cô đầm học trò của anh thuôc thế hệ Yé Yé thời đó, thật xinh đẹp. Có cô sau một năm học trở thành người yêu của thầy. Cũng YéYé, cũng ra riết lắm!
Tôi nhớ lại, tôi được nhận làm nội trú ủy nhiệm vào khỏang đầu năm học 69, sau khi tôi bị tai nạn xe Jeep nhà binh Mỹ cán gẫy kín xuơng đủa và sai khớp cổ chân trái, hồi cuối Mậu Thân. Lúc ấy tôi đang học năm thứ tư. Tôi được Thầy Hoàng Tiên Bảo điều trị. Nhớ ơn Thầy và cũng vì bản thân đã một lần chịu đựng tai biến của chấn thương, nên đầu năm thứ năm tôi xin đầu quân làm nội trú ủy nhiệm khu chấn thương và chỉnh trực tại bịnh viện Bình Dân. Khi được nhận làm nội trú ủy nhiêm, tôi tìm hiểu ngay những sinh viên nội trú đang ở trong khu nội trú (dorm) bịnh viện Bình Dân. Tôi rất ngạc nhiên bác sĩ Nghiêm Đạo Đại và ông lão làng nội trú Võ Thành Phụng vẫn còn trong dorm nội trú Bình dân. Khi gia nhập vào khu nội trú, tôi luôn nhớ nhập tâm là tôi là người lớn tuổi nhất trong khu nội trú và tôi cũng là người duy nhầt là nội trú ủy nhiệm (interne fonctionnel) tất cả anh em đều nội trú thực thụ (interne titulaire). Biết phận mình, tôi rất thủ thế. Tôi được may mắn, bác sĩ nguyên nội trú, Nghiêm Đạo Đại, cho tôi vô ở cùng chung phòng với anh. Nội trú Võ Thành Phụng liên tiếp nhiều năm được bầu làm chủ tịch, “xếp sòng” của khu nội trú. Anh cũng là ‘ông bầu” của những cuộc vui của khu nội trú. Giáo sư Đào Đức Hoành là người trực tiếp chịu trách nhiệm tinh thần và tổ chức của Khu Nội Trú Bình Dân. Dĩ nhiên giáo sư Đào Đức Hoành nhiều khi phải đối phó chật vật với nội trú Võ thành Phụng, một trưởng khu nội trú chịu chơi và quá cởi mở! Anh em nội trú cho tôi hay, trước đó, giáo sư Đào Đức Hoành nhiều lần khiển trách nội trú Võ Thành Phụng là anh đã tổ chức những cuộc vui cuối năm trong khu nội trú với Vũ Sexy, anh làm bại hoại và suy đồi đạo đức của sinh viên nội trú. Nhưng nói là nói vậy, sau đó giáo sư Đào Đức Hoành lúc nào cũng quí nội trú Võ Thành Phụng, một nội trú tài ba và tận tụy của bịnh viện Bình Dân trong mấy năm qua. Còn về Võ Thành Phụng, anh ấy bảo với anh em: “Thầy là cha mẹ răn đe con cái, là chuyện thường. ‘Moi’ muốn làm sao cho anh em mình vui là được rồi”. Đó là trật tự sẵn có, được sắp xếp trong nhiều năm của khu nôi trú Bình dân, trước khi tôi dọn vào hồi tháng 8/1969…
Tôi cũng xin nói thêm về anh lao công của khu nội trú Bình dân, anh Tư Dược. Tư Được nom có vẻ gầy, chân đi hàng hai, răng hô, anh đem một vợ và ba con nhét vào trong một phòng 6 mét vuông, dành cho y công, ăn và ở trong bịnh viện luôn! Tư Được chăm sóc vệ sinh của khu nội trú và đồng thời anh cũng chăm sóc cà phê buổi ăn sáng, ăn trưa và ăn tối của sinh viên nội trú. Cà phê của anh làm cho chúng tôi uống, thật đặc biệt. Nếu nó đắng thì cũng may vì nếu ai có chút tâm hồn lãng mạn khi nghe ‘Ly Cà Phê Đắng’ thì cũng thích thích. Đằng này không. Nó chua và chát, mầu đen sẫm, uống vào nghe nó nhờ nhợ. Nhưng uống mãi rồi cũng quen và chúng tôi cho nó một cái tên nghe rất thời trang:’Cà Phê Tư Được’
Cũng như toàn thể sinh viên nội trú thuộc bịnh viện Bình dân trong những năm 67, 68, 69, nội trú Võ Thành Phụng làm việc thật là hăng say. Anh chấp hành nghiêm chỉnh những phương án điều trị của các giáo sư cho bịnh nhân, anh chăm sóc và chịu trách nhiệm Phòng Ngoại Chẩn của Chấn Thương và Chỉnh trực. Anh thăm bịnh phòng thuộc khu phận sự bác sĩ Patron của anh. Trong những ‘ca’ mổ chọn lọc (elective surgery) dành cho giáo sư ‘patron’ của anh, nội trú Võ Thành Phụng bao giờ cũng vô phòng mổ trước, lo sửa soạn bịnh nhân cẩn thận. Anh luôn luôn là người ‘First Aid’ cho ông ta trong những ‘ca’ mổ của ông ta tại bịnh viện Bình dân, cũng như những bịnh viện tư ở ngoài: Saint Paul, Triều Châu, Sùng Chính v.v. Những sinh viên nội trú của Khu Ung Thư, Giải phẩu Tổng quát, Tiết niệu cũng làm như vậy tương xứng với Patron của họ. Tôi thấy anh cũng như tất cả các sinh viên nội trú khác, tất bật túi bụi cả ngày, chạy từ bệnh phòng, lên phòng mổ, chăm nom phòng ngoại chẩn, phụ các giáo sư dạy lâm sàng cho các sinh viên đi thực tập. Anh cũng là chuyên viên thuyết trình những Cas Presentation.. Trong những dịp tổ chức hội hè: cuộc vui cuối năm, Giáng sinh, Tết nhất, hay những dịp Lễ Tốt Nghiệp Y Khoa Saigòn mà không có Võ Thành Phụng nhúng tay vào là chắc chắn mất vui. Anh là “ông bầu” của những tiết mục hấp dẫn, nhất là Vũ Sexy. Anh thường hay say li bì. Mỗi chiều, cứ đúng sáu giờ chiều và không phải trực, anh lên phòng nội trú, tắm rửa, ăn diện vào, lái chiếc Lambretta ra ngòai ăn tối ở một nhà hàng nào đó. Sau đó ghé thăm em út. Khuya nào anh về cũng say mèm. Bước vào lầu nội trú là anh la ó om xòm! Năm đầu còn có người dám chỉ trích anh, hay phàn nàn, nhưng sau rồi anh em cũng quen.Vã lại càng về sau các nội trú mới, càng kính nể anh, vì ai cũng biết cái tánh hay say rượu rất dể thương của anh. Chỉ có tôi là bạn lâu đời của anh, tôi chưa hề thấy anh ấy say sưa lần nào. Về chuyện này, anh hoàn toàn giữ kín với tôi. Còn vấn đề bạn gái thì anh ấy chân thành công khai. Vào những tối cuối tháng mười năm 70, tôi không hiểu tại sao Võ Thành Phụng say li bì, khuya nào cũng say và la ó om sòm. Có một tối anh về lúc khuya, anh say khước dựng chiếc xe Lambretta không nỗi. Bước vào lầu ba, lầu nội trú, anh la ó om xòm, Rồi một lúc, vào khoảng 5 phút sau, anh vào phòng anh, anh im bặt. Tôi sợ anh ấy, có khi quá chén anh bị trụy tim mạch không chừng. Tôi bèn xô cửa phòng anh bước vào. Võ Thành Phụng đang ngồi bên cạnh bóng đèn chong thức, hai tay ôm đầu. Nghe bước chân tôi, anh ngước mắt nhìn tôi, bất ngờ anh hỏi:
- ‘Toi’ có biết hồi trưa này?
- Hồi trưa này là sao?
- Hồi trưa này một nhóm sinh viên y và có cả các thầy giáo nữa họ có ý kéo đến văn phòng khoa trưởng Phan Tấn Tước, hình như họ làm áp lực muốn ông ấyphải đi...
- ‘Moi’ biết ‘toi’ quí giáo sư PhanTấn Tước...
Võ Thành Phụng vụt đứng dậy, chạm phải cây đèn. Cây đèn chao chao rồi ngã xướng chân giường. Anh quát lớn:
- Trời ơi! Thích hay không thích! Quý hay không quí cái mẹ gì! Từ ngày bãi nhiệm giáo sư Phạm Biểu Tâm đến bây giờ, kẻ lên người xuống, máu đổ thịt rơi. Hai giáo sư bị giết chết chỉ trong vòng hai tháng. Họ ném một sinh viên từ trên lầu xưống. Chết ngắt! Bây giờ họ muốn gì? Họ muốn gì? Họ muốn giềt những ai nữa đây? Họ muốn giết các Thầy còn lại nữa sao? Anh quát tháo ầm ỉ. Anh đuổi tôi ra khỏi phòng. Anh ngồi xuống hai tay bưng mặt khóc rưng rưng. Tôi đến dựng lại cây đèn, dìu anh đến nằm trên giường, kéo chăn đắp ấm cho anh. Anh nghiêng người, tôi thấy quần anh ướt. Anh say quá rồi. Tôi thương anh vô hạn. Tôi đi nhẹ vế phòng, lên giường nằm, cố ru giấc ngủ. Bây giờ là hơn hai giờ sáng. Tôi nghe Nghiêm Đạo Đại đang ngon giấc. Anh thở thật đều. Anh đang ngủ, một giấc ngủ vô cùng bình yên. Tôi nghĩ về Nghiêm Đạo Đại…Tôi nghĩ về Võ Thành Phụng…Hai người đều là những con người ưu tú của ‘Xã-Hội-Sinh Viên Y-Khoa Saigon’thời ấy, thông minh, kiệt xuất, thương người, hy sinh cho sự nghiệp Y học. Nhưng tại sao bề ngòai các anh khác nhau nhiều quá. Người thì có đời sống hài hòa an lạc, kẻ thi có cuộc sống đầy xôn xao giao động. Tôi đi vào giấc ngủ với một thoáng bâng khuâng. Sáng hôm sau, nhìn đồng hồ thấy đã hơn 8 giờ, bác sĩ Nghiêm Đạo Đại đã xuống thăm bịnh phòng từ sáng sớm, tôi vội mặc áo chạy qua phòng nội trú Võ Thành Phụng xem sao?. Tôi thấy anh chàng trong áo blouse trắng, thơm phức. Anh ngước mắt nhìn tôi. Tôi bảo:
- ‘Moi’ đến mời ‘toi’ một chầu “Cà phê Tư Được” đây.
Võ Thành Phụng đi theo tôi, vừa cúi xuống rót cà phê, anh vừa nhìn xuống lầu nơi bãi đậu xe. Anh la lớn:
- Không được! Tên nào nghịch quá trời, xô xe lambretta của ‘moi’ ngã.
- ‘Toi’ có chắc không? Hồi khuya đêm qua, ‘ông’ ngất ngưỡng trở về, dựng xe đâu có nổi!
- Đêm qua ‘moi’ về sớm, ngủ hết biết!
Và anh vụt chạy xuống lầu. Tôi nhìn theo anh. Tôi mừng. Anh không còn nhớ những gì xảy ra trong đêm qua.
Sau gần 40 năm, khi ngồi lại viết đến giai đọan này tôi vẫn còn ngậm ngùi khi nghĩ về Võ Thành Phụng, người bạn chí thân của thời tuổi trẻ. Tôi hồi tưởng lại những gì xảy tại Trường Y Sàigòn trong những năm tháng 67-70 và sau đó. Những thay đổi, những xáo trộn của nhà trường đã ảnh hưởng tai hại và đau thương trong trên tâm hồn người sinh viên y khoa thuở đó. Giáo sư Phạm Biểu Tâm, một vị lương y mẩu mực, được mọi người ngưỡng vọng, sau 13 năm giử chức Khoa Trưởng Trường Y, bị bãi nhiệm năm 67. Một ủy ban gồm năm người do tướng Kỳ chỉ định, thay thế ông. Ba tháng sau có một cuộc bình bầu giữa năm người trong ủy ban đó: giáo sư Ngô Gia Hy, giáo sư Trần Anh, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, giáo sư Lê Minh Trí và bác sĩ Nguyễn Thế Minh. Kết quả: giáo sư Ngô Gia Hy đắc cử làm Khoa Trưởng trường Y Saigòn vào tháng 5 năm1967. Theo lời tường thuật của nhóm tác giả SAIGON MEDICAL SCHOOL, hai tháng sau, vào tháng 7/67 giáo sư Ngô Gia Hy tuyên bố sẽ ra tranh cứ Thượng Nghị Sĩ Sàigòn, ông liền bị tố cáo là kẻ dùng chức năng Khoa Trưởng Trường Y để mưu đồ chính trị. Ông bị truất quyền khoa trưởng trong vòng ba tháng. Bác sĩ Vũ Thị Thoa, đương nhiệm Phó Khoa lên làm Khoa trưởng lâm thời. Ba tháng sau, tháng 10/67 giáo sư Ngô Gia Hy thất cử Thương Nghi Sĩ, ông trở lại làm Khoa Trưởng trường Y Saigòn. Lần trở lại này, uy tín của ông sụp đổ.
Chắc chúng ta ai cũng thắc mắc về “sắc luật” của Tướng Kỳ 1967, vi phạm nền tự trị Đại học, bãi chức Khoa Trưởng Trường Y và thế vào bằng một ủy ban gồm có 5 người do ông ta chỉ định. Nhất định phải có kẻ hoạt đầu chính trị đứng sau lưng Tướng Kỳ. Hay cũng có thể có ‘bàn tay lông lá’ nào đó bắt buộc Tướng Kỳ phải chấp nhận “planning” như vậy. Theo nhóm tác giả của SAIGON MEDICAL SCHOOL, chính Bác sĩ Lê Minh Trí tự nhận mình là kẻ đứng sau Tướng Kỳ trong vụ này:
“The fact was an ambitious young man, Lê Minh Trí, MD, claimed to be, and was, the instigator. He believed that medical education in Vietnam had to be changed, knew many of changes that needed to be made, and believe that they could be made quickly only by removal of those who self-interest seemed to be serve by the status quo” (4)
. Bác sĩ Lê minh Trí mới vừa từ Mỹ về, sau 6 năm tu nghiệp y khoa tại Mỹ. Cũng như các bác sĩ khác đi tu nghiệp lâu năm tại Mỹ, ông cũng được cấp bằng PhD tại Mỹ. Bác sĩ Lê Minh Trí mới trở về Trường Y Sàigòn, chiếc áo ông mặc chưa kịp ráo mồ hôi, mà ông đã có tên sẵn trong danh sách Ngũ Đầu Chế của Tướng Kỳ. Lạ thật! Liệu những lập luận ở trên của nhóm bác sĩ Ruhe, Hoover, và Singer PhD về bác sĩ Lê Minh Trí có đúng sự thật không? Hay đó chỉ là giả thiết, tệ hơn nữa, nếu đó là sự bịa đặt? Chắc có lẽ cũng vì thế, cùng ý nghĩ đó, chín năm sau, trong một phút ăn năn, Tướng Kỳ hy vọng sau này sẽ có ai soi rọi lại làm sáng tỏ vấn đề phức tạp này:
“It appeared lately that the background of the ‘Coup de Faculté’ was more complex and it would need some research for anyone to have a clear picture ..”
- Ngày 29/1/68, biến cố Mậu thân, tòan thể Đại học Saigòn đóng cửa. Tất cả sinh viên đi học Quân Sư Học Đường.
- Ngày 1 tháng 4/ 68 Đại học Saigòn mở cửa lại.
- Ngày 2/5/68, Mậu Thân đợt 2, Trường lại đóng cửa!
- Ngày 18/6/68 trưòng mở cửa lại. Niên khóa năm đó kết thúc muộn vào ngày 15 / 8/ 68..
- Tháng 9/68, theo lời tường thuật của nhóm tác giả SAIGON MEDICAL SCHOOL, bác sĩ Lê Minh Trí được Tướng Kỳ bổ nhiệm làm Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Cùng thời gian đó Viện Trưởng Viện Đại học Saigòn, giáo sư Trần Quang Đệ đi nghỉ hè ở Pháp. Cũng như mọi năm trước, giáo sư Trần Quang Đệ có thói quen hay ở lại nấn ná bên Pháp một thời gian khá lâu, sau mỗi vụ nghỉ hè. Với tư cách Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Bác sĩ Lê Minh Trí cách chức giáo sư Trần Quang Đệ, nguyên Viện Trưởng Viện Đại Đọc Saigòn, tố cáo ông ta là kẻ đào nhiệm. Bác sĩ Lê Minh Trí liền chỉ định giáo sư Trần Anh lên làm Viện Trưởng Viện Đại Học Sàigòn. Giáo sư Trần Anh lúc đó cũng đã thay thế giáo sư Nguyễn Hữu làm giám đốc Viện Cơ Thể Học.
- Ngày 1/11/68 lại một cuộc vận động bầu bán cái ghế Khoa Trưởng Trường Y Saigon! Người đắc cử lại là Bác sĩ Phan Tấn Tước, giáo sư phụ giảng (professeur délégué). Theo nhóm tác giả SAIGON MEDICAL SCHOOL: “Ông ta là một người ít được nhiều người biết đến”. Ngày bác sĩ Phan Tấn Tước nhậm chức, nhóm tác giả SAIGON MEDICAL SCHOOLviết :“he came into office as a dark horse .”!(5)Thật sự, tôi không hiểu họ muốn nói gì về bác sĩ Phan Tấn Tước qua từ “dark horse”. Dù sao sự ‘Lên Ngôi Khoa Trưởng’ của bác sĩ Phan Tấn Tước cũng tạo được một tình thế ổn định hành chánh cho Trường Y Saigòn, tuy là một sự ổn định tạm bợ.
- Ngày 6/1/69 bác sĩ Lê Minh Trí, đương kim Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục Sàigòn bị ám sát chết. Nói về cái chết của Bác sĩ Lê Minh Trí, nhóm tác giả SAIGON MEDICAL SCHOOL viết: “Bác sĩ Lê Minh Trí là người trẻ, tham vọng, ăn nói không biết kiềm chế, đi lại không cần bảo vệ”. Và lạ lùng thay, nhóm bác sĩ Ruhe, Hoover và Ira Singer Ph.D viết thêm một điều mà chúng ta chưa hề nghe nói đến bao giờ: “bác sĩ Lê Minh Trí tự hào về quá khứ của ông: Ông đã được rèn luyện thành một chiến sĩ du kích trong rừng sâu theo phong tràoViệt Minh, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp”! Nhắc về sự kiện này, nhóm tác giả SAIGON MEDICAL SCHOOL viết:
“Dr Trí had been away from Vietnam for 6 years taking graduate training in the US ..He was proud to have been a trained guerilla in the jungle fighters with the Viet Minh during the war with the French. He was fearless. He spoke without restraint and traveled without protection...”(6)
Sau đó hai tháng, bác sĩ Trần Anh, Viện Trưởng Viện Đại Học Sàigòn, giám đốc Viện Cơ Thể Học Saigòn, bị ám sát chết cách nhà ông 100 mét, lúc ông đang đi bộ từ Trường Y trở về nhà ông trong khu Đại Học Xá Minh Mạng.
Một bầu không khí khủng hoảng và lo sợ phủ xuống Trường Y Sàigòn. Ai ai cũng hiểu cái chết của giáo sư Bộ Trưởng Lê Minh Trí và Giáo sư Trần Anh, Viện Trưởng viện đại học Saigòn, đều có liên quan đến sự can thiệp của phái bộ AMA-SAIGON của Mỹ vào nội tình Trường Y Saigon. Nhất là người ta nhớ lại, cách đó không lâu, trong thời gian giáo sư Ngô Gia Hy còn làm Khoa Trưởng, cùng tại Trường Y Saigon một nam sinh viên y khoa năm thứ tư bị ném xuống từ lầu cao, từ lầu Bio-Chemistry. Người sinh viên ấy chết không kịp trăn trối được một lời!.Nhóm tác giả SAIGON MEDICAL SCHOOL viết về những suy nghĩ của ban giảng huấn Trường Y Sàigòn như sau:“Sau đó một thời gian dài, ban giảng huấn người Việt của trường Y Saigon tỏ vẻ sợ sệt và lạnh nhạt với phái bộ Mỹ/ AMA-SAIGON ”. Nói về cái chết của bộ trưởng Bác sĩ Lê Minh Trí và Viên Trưởng viện Đại Học Saigon bác sĩ Trần Anh và thái độ nghi kỵ sợ sệt của ban giảng huấn người Việt Trường Y Saigon đối với nhân viên Tổ chức AMA-SAIGON lúc đó, nhóm tác giả ‘SAIGON MEDICAL SCHOOL’viết:
“The stability within the facility was uneasy at best and fell entirely on January 6, 1969, with the assassination of the Minister of Education, Dr Tri. A grenade was thrown into his automobile. Just two months later Dr Anh, the Rector of the University was killed by multiple gunshot inflicted at closed range while he walked from his medical school to his home one block away. The mystery that surrounded the two assassinations produced an atmosphere of apprehension throughout the medical school. It had particular significance to AMA because it was generally concluded that the assassinations, by whatever by opposing force, were related to the medical school changes to which the U.S.had contributed. The Faculty of Medicine asked that the project continue but that it operate as unobtrusively as possible, since no one knew what part association with Americans may have played in the fate of DR Tri and Anh. For a long time afterward, the Vietnamese Faculty show restraint in its association with Americans”…(7)
Liền sau đó có nhiều biến cố và nhiều khủng hoảng xảy ra liên tiếp tại Trường Y Saigon. Những ngày thi cuối năm phải dời đổi nhiều lần...Ngày thi cuối năm của niên khóa 1970 được ấn định vào ngày 10 /8/70. Nhưng vào thời khỏang này sư liên hệ giữa giáo sư khoa trưởng Phan Tấn Tước và ban giảng huấn Trường Y Sàigòn trở nên suy đồi. Ban giảng huấn và một số sinh viên yêu cầu giáo sư Khoa Trưởng phải từ nhiệm. Giáo sư Phan Tấn Tước từ chối. Lại bãi khóa đình công, không thi cử. Mãi đến tháng Nov/70 cuộc thi cuối năm mới bắt đầu, sau khi biết chắc giáo sư khoa trưởng Phan tấn Tước sẽ từ nhiệm.
- Tháng 12/70: Bác sĩ giáo sư Đào Hữu Anh, đương kim phó khoa trưởng lên làm Khoa trưởng lâm thời Trường Y Saigòn, cũng là lúc bác sĩ giáo sư Phan Tấn Tước từ nhiệm.
Bác sĩ Đào Hữu Anh là một nhân vật trầm mặc, kín đáo. Ông là giáo sư Chủ nhiệm Khoa Cơ Thể Bệnh Học-AnatomyPathology, Trưởng phòng xét nghiệm Anapath của Trường Y Saigon. Sau những năm tu nghiệp ở Mỹ, ông trở lại trường Y Saigòn vào những năm 60. Sau đó không hiểu từ thế lực nào, hay là vì ông có quá khứ đạo đức y học tốt, giáo sư bác sĩ Đào Hữu Anh luôn luôn ‘nắm chặt’chức Phó Khoa trường Y Saigòn cho đến ngày 30/4/75.
- Tháng 12/71 bác sĩ giáo sư Đặng Văn Chiếu được bình bầu lên làm Khoa Trưởng Trường Y Sàigon. Đánh dấu giai đoạn lịch sử này, nhóm tác giả SAIGON MEDICAL SCHOOL hạ bút:
“At the end of 1971 there was hope for internal stability in the medical school with the election of Đang Van Chieu, MD, as Dean, Dr Chieu, Professor and Chairman of Department of Neurological Surgery was elected as a favorite of both sides and not concession of either. With his entry into office in January, 1972 there seemed to be real promise of prolonged period of cooperation”(
Những lời phát biểu ở trên của nhóm bác sĩ Ruhe, Hoover và Ira Singer PhD có vẻ chủ quan phấn nào khi họ bảo giáo sự Đặng Văn Chiếu được bình bầu làm khoa trưởng Trường Y là do sự ủng hộ của cả hai phía Việt và Mỹ chứ không phải do sự nhường nhịn của bên này hoặc bên kia. Thật sự, giáo sư Đặng Văn Chiếu, người Nam, ông vốn dĩ điềm đạm, hòa nhã, ông được mọi người và sinh viên mến chuộng, ông được sự ủng hô của cả hai phía Việt cũng như Mỹ, nhất là từ phía phái bộ AMA-SAIGON. Thật sự, vào thời khoảng giáo sư Đặng văn Chiếu lên làm khoa trưởng, vào tháng 12/1971, lúc ấy tất cả ban giảng huấn người Việt cũng như sinh viên Trường Y Saigòn, hoàn toàn mệt mõi, khiếp sợ, chán chường trước mọi sự thay đổi và chết choc. Trường Y Saigon đã trả giá quá đắt cho sự can thiệp đẩm máu của phái bộ AMA-SAIGON, bằng cái chết của hai giáo sư Lê minh Trí, Trần Anh và sinh mạng của hai sinh viên y khoa ‘rớt’ từ lầu cao xuống trong sân của Trường Y Saigon. Ho chết không trối trăn được một lời. Tinh thần Trường Y Saigòn vào thời điểm này coi như đã thuần. Mọi người đều hy vọng ngày giáo sư Đặng Văn Chiếu nhậm chức khoa trưởng Trưởng Trường Y Saigon, tháng 12/1971 sẽ mở đầu một thời kỳ hòa bình, ổn định, hợp tác về lâu về dài giữa Trường Y Saigon và phái bộ AMA-SAIGON. Sau ngày nhậm chức của giáo sư Đặng Văn Chiếu, cũng có những xáo trộn trộn. Nhưng giáo sư Đặng Văn Chiếu đều vượt qua những xáo trộn ấy nhờ sự ủng hộ tích cực của Mỹ và Việt. Giáo sư Đặng Văn Chiếu vẫn là Khoa trưởng Trường Y Sàigòn đến 30/4/75, ngày Saigòn thất thủ. Giáo sư Đặng Văn Chiếu và gia đình sau đó được di chuyển sang Mỹ an toàn.
Bây giờ nhớ lại cái chết tức tưởi của thầy và bạn, chúng ta vô cùng thương tiếc họ. Đồng thời chúng ta cũng thật sự kiêu hãnh về truyền thống Trường Y Saigòn và bịnh viện Bình Dân, luôn luôn gìn giữ nếp cao đẹp, mặc dầu dưới bất cứ áp lực của thời thế có tệ hại cách mấy đi nữa, sinh viên Trường Y vẫn tiếp tục đi học và đi thực tâp tại các bịnh viện, trừ những khi sinh viên Saigòn phải tham dự Huấn Luyện Quân Sự Học đường. Sinh viên nội trú, các bác sĩ, các giáo sư, luôn luôn có mặt trong bịnh viện, bên cạnh bệnh nhân, cũng như tiếp tục học hỏi, giảng dạy và theo đuổi những công trình nghiên cứu. Tại bịnh viện Bình Dân, các giáo sư, các bác sĩ cùng tập thể nội trú, các sinh viên y, luôn luôn qui tụ xung quanh thầy Phạm biểu Tâm, (dù choThầy đang tại chức khoa trưởng hay bị bãi nhiệm), và các giáo sư Ngô Gia Hy, giáo sư Trần Ngọc Ninh, giáo sư Hòang Tiến Bảo, giáo sư Đào Dức Hoành…tích cực công tác phẫu thuật, giảng dạy, nghiên cứu, ngày cũng như đêm. Những năm 68, 69, 70 là những năm Khu Phẩu Thuật “B” bịnh viện Bình Dân phát triển những cơ sở kỹ thuật tiến bộ mới. Các sinh viên nội trú ngoại (surgical)phần nhiều tụ tâp về đây. Bác sĩ Norman William Hoover, bác sĩ phẩu thuật chuyên về Chấn Thưong Chỉnh Trực tại Trường Y thời danh của Mỹ, Mayo Clinic, tại Minnosota. Ông ta đến Viêt nam 1967 thay thế bác sĩ Reimann làm Giám Đốc (Field Director) của AMA-SAIGON. Ông đến Bịnh viện Bình Dân, hợp tác với Giáo Sư Hoàng Tiến bảo, giáo sư Trần ngọc Ninh, nội trú Võ Thành Phụng phát triển công trình nghiên cứu mới về phẫu thuật trong điều trị Lao Cột Sống: Hogdson’s Operation(9). Giáo sư Trần Ngọc Ninh, giáo sư Hoàng Tiến Bảo với sự công tác của nội trú Võ Thành Phụng kiện toàn phẫu thuật thay thế khóp háng (Hip Release), khớp gối (knee release) và đóng đinh cổ xương đùi (Smith Petterson Nailing), đóng đinh gẫy kín xương chầy. Giáo sư Hòang Tiến Bảo cùng các cộng sự viên của ông, nội trú Nguyễn Quang theo đuổi công trình nghiên cứu Bướu Các Phần Mềm (Tumeurs des Parties molles) và thẩm định tánh chất của Bướu Tế Bào Lớn (Giant cell Tumors). Tôi cũng được vinh dự tham gia trong các công trình kể trên của khu Chấn thương và Chỉnh Trực mặc dầu một vai trò thứ yếu. Cùng trong những năm này tại Khu Ung Thư bịnh viện Bình Dân, Giáo sư Đào Đức Hòanh tận lực phát triển kỹ thuật giải phẫu Wertheim, và Halsted (10) đến độ nhuần nhuyễn tân kỳ với sư cộng tác của Bác sĩ Dương, nội trú Nguyễn Chấn Hùng và sau đó là nội trú Lâm văn Năm. Ở khu giải phẩu tổng quát của giáo sư Phạm Biểu Tâm, với sự cộng tác của bác sĩ Huấn, bác sĩ Tuyến, bác sĩ Lân, bác sỹ Nghiêm Đạo Đại, và nội Trú Văn Kỳ Chương. Khu tiết niệu của giáo sư Ngô Gia Hy, với nội trú Đặng Phú Ân, Nguyễn Hiệp và tất cả các khu khác đều theo đuổi những công trình nghiên cứu và phát triển chuyên biệt. Nhận xét về những dữ kiện này, phái bộ AMA Sàigòn đành phải thú nhận sự thật như sau::
“War and Politics obviously interfered with the process of medical education in Vietnam. Nevertheless, medical students continued to apply themselves and continue to learn medicine even during the most serious disruptions…Perhaps this provides evidences that students continue to seek knowledge at any opportunity if available, even though adverse conditions interfere with the regular teaching process”(11)
“Tại Việt Nam Chiến tranh và Chính trị gây ra nhiều cản trở trong việc Giáo Dục Y khoa… Mặc dầu vậy, tập thể sinh viên Y khoa vẫn tiếp tục học hỏi trao dồi ngay cả những lúc mà Chiến tranh và Chính trị gây ra tình trạng xáo trộn và thật tê hại…Có thể nói rằng người sinh viên trường Y Saigon luôn luôn tìm tòi học hỏi ở bất cứ cơ hội thuận tiện nào, ngay cả những lúc trong những điều kiện tiêu cực khó khăn cho việc giảng dạy”
Có điều làm chúng ta ngạc nhiên, trong phần bạt hậu (Epilogue) của SAIGON MEDICAL SCHOOL các tác giả kiêu hãnh khi họ lập lại lời khen tặng của báo chí của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khen tặng họ vào ngày 1/5/1975:
“The Americans are not very good at fighting a war, but they do know how to build a very good medical school ”(12)
Vâng, người Mỹ biết làm thế nào để xây dựng một Trường Y tân kỳ, tiến bộ về kỹ thuật. Nhưng người Mỹ xây dựng Trường Y Saigòn bằng sự can thiệp đẩm máu vào nội bộ tổ chức của Trường Y Saigòn một cách quá tệ hại. Viết tới đây, mặc dầu tôi đã là công dân Mỹ hơn 20 năm, tôi vẫn thấy mình chưa vượt khỏi cái bóng của quá khứ, chưa vượt khỏi số phận người dân của quốc gia nhược tiểu, bị đô hộ, bị cai trị.
Thời gian nhanh như bóng câu qua cửa! Mới đó mà anh em nội trú Bình Dân Saigon những
năm 68-70 xa nhau gần 40 năm! Biết bao vật đổi sao dời. Biết bao mất mát không gì đền bù nổi.
- Cách đây mấy năm, Thầy Phạm Biểu Tâm qua đời tại Cali.
- Thầy Đặng văn Chiếu vừa qua đời vào ngày 27/6/2004, tại Cerratos, California!.
- Thầy Ngô Gia Hy vừa qua đời tại TPHCM vào ngày 26/10/04!
- Thầy Hoàng Tiến Bảo vừa qua đời vào ngày 20/1/2008 tại Alhambra / California…
- Giáo sư Nguyễn Hữu cũng vừa qua đời tạ Brest- Phápvào ngày 15 tháng 10 năm 2008
- Bác sỉ Trần Minh Tùng, người anh đầu đàn khả kính và thân thiết của chúng ta cũng vừa qua đời tại Calivào ngày 22 tháng 10 năm 2008…
Còn ai nữa trong các Thầy, trong các bạn bè đã ra đi trong sự lãng quên của chúng ta? Cuộc đời và Chiến tranh, chúng ta đã mất hút nhau trong màu khói lửa.
Võ Thành Phụng! Bây giờ anh anh ở đâu? Anh còn khoẻ không? Anh vẫn tiếp tục dạy học tại trường Y Saigòn? Anh vẫn trao dồi phẫu thuật hằng ngày? Anh còn có những đêm say sướt mướt nữa không? Còn có ai để anh chia sẻ trong cơn say? Tôi lúc nào cũng nghĩ về anh. Tôi luôn luôn nuối tiếc, những năm tháng nội trú tại Binh viện Bình Dân Sàigòn 68-70 như “Thời Vàng Son” trong cuộc sống của chúng ta, của bạn bè cùng thế hệ. Biết bao nhiêu thay đổi ở ngoài đời, biết bao nhiêu thay đổi trên ghế Khoa Trưởng Trừơng Y Saigòn, trong những năm tháng đó! Ấy thế mà mỗi khi các giáo sư, các bác sĩ, các sinh viên nội trú, các sinh viên y khoa bước vào phía trong cánh cửa của bịnh viện Bình dân, luôn luôn với một tâm hồn không bao giờ thay đổi, tình nghĩa trước sau như một, cùng nhau đoàn kết, phục vụ bịnh nhân, nghiên cứu phát triển ngành nghề. Thầy trò, anh em, gắng bó, cùng dìu dằt nhau đi qua những chặn đường khó khăn của lịch sử, của đất nước.
Võ Thành Phụng, tôi mong anh còn khoẻ. Tôi mong anh đọc đuợc những dòng bút kí ngắn này. Mong các thầy, anh em chúng ta, những ai còn sống sót sẽ gặp lại nhau trên quê hương Việt Nam.../
ĐÀO NHƯ
(Bác sĩ Đào Trọng Thể)
Oak park, Illinois, USA
4/21/05
Sửa chữa lần cuối ngày:3/3/2009
Đào Như
(Bác sĩ Đào Trọng Thể)
thetrongdao2000@yahoo.com
NB: Bác sĩ Võ Thành Phụng, Giao sư Đầu Ngành Chấn Thương và Chỉnh Trực trường Y Saigon đã qua đời tại Saigon vào năm 2011.
GHI CHÚ
( 1)- Saigon Medical School, Edi. 1988, trang 54
(2)- Saigon Medical School, Edi. 1988, trang 54
(3)- SaigonMedical School, Edi. 1988, trang 39
(4)- Saigon Medical School, Edi. 1988, trang 54
(5)- Saigon Medical School, Edi. 1988, trang 56
(6)- Saigon Medical School, Edi. 1988, trang 54
(7)- Saigon Medical School, Edi. 1988, trang 56
(8)- Saigon Medical School, Edi. 1988, trang 58
(9)- Hogdson’s Operation: Kỹ thuật phẫu thuật của bác sĩ Hogdson trong điều trị lao cột sống
thực hiện đầu tiên tại HongKong. Chính bác sĩ Norman W. Hoover là người đầu tiên truyền
bá và giảng dạy phương pháp này tại Orthopedic Department Bịnh viện Bình Dân Saigon
năm 1968 cho các nội-trú.
(10)- Wertheim: Phẫu thuật cắt bỏ tử cung, phần phụ và hạch trong điều trị ung thư tử cung
Halsted: phẫu thuật cắt bỏ nhủ hoa cơ bắp kế cận và hạch trong điều trị ung thư vú.
(11)- Saigon Medical School, Edit.1988 - trang 60
(12)- Saigon Medical School, Edit, 1988 - trang 259