Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

LỊCH SỬ BỆNH UNG THƯ Lần theo dấu vết từ Thượng cổ thời đại đến nay


Thầy thuốc ưu tú – BS. Phó Đức Mẫn
(Phỏng dịch: The History of Cancer – American Cancer Society)


            Nghiên cứu ung thư là công việc mà nhiều thầy thuốc và nhà khoa học trên thế giới đã đóng góp công sức với những khám phá về cơ thể học, sinh lý học, hóa học, dịch tễ học, và rất nhiều chuyên ngành khoa học khác có liên hệ để đến ngày nay tạo thành ngành ung bướu học. Những tiến bộ về kỹ thuật và sự gia tăng liên tục của những kiến thức mới về bệnh ung thư đã làm cho ngành này trở thành một lãnh vực phát triển nhanh nhất của nền Y học hiện đại.
A.    LỊCH SỬ NGUYÊN SƠ CỦA UNG THƯ
1.                                Định nghĩa ung thư
            Bệnh ung thư bắt đầu khi tế bào của một vùng cơ thể tăng trưởng vượt qua sự kiểm soát của cơ thể đó. Có rất nhiều loại ung thư, nhưng tất cả đều khởi phát từ việc phá rào kiểm soát tăng trưởng của các tế bào bất thường.
            Ung thư là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ hai ở Mỹ: Khoảng một nửa số đàn ông và một phần ba số phụ nữ sẽ mắc phải ung thư trong cuộc đời họ. Ngày nay, hàng triệu người đang sống với bệnh ung thư hoặc đã trải nghiệm qua căn bệnh này.
2.                                Những mô tả cổ đại về ung thư
            Suốt trong lịch sử, bệnh ung thư đã được ghi nhận xảy đến ở con người và các thú vật. Như vậy không có gì ngạc nhiên khi ngay từ thuở sơ khai của lịch sử, con người đã ghi chép về căn bệnh này. Sự kiện hiển nhiên ngay từ buổi đầu là bệnh ung thư được tìm thấy trên xương hóa thạch, trên xác ướp Ai Cập cổ, và trong ghi chép của các cổ thư.
            Sự tăng trưởng gợi ý là một ung thư xương, tên khoa học: Osteosarcoma, đã được tìm thấy trên xác ướp. Dấu tích hủy xương sọ do ung thư đầu cổ cũng đã được tìm thấy.
            Mô tả của con người lâu đời nhất về ung thư (dù rằng thời đó chưa hề có từ ung thư) được tìm thấy ở Ai Cập khoảng 3000 năm trước Công nguyên: đó là cổ thư Edwin Smith, là bản sao một phần của sách cổ Ai Cập về ngoại khoa chấn thương. Có 8 trường hợp bướu hoặc loét ở vú đã được đốt lấy đi bằng dụng cụ thích hợp. Bài viết cũng ghi nhận về căn bệnh này là “không có cách chữa”.
3.                                Nguồn gốc từ “ung thư”
            Nguồn gốc của từ “ung thư” được gán cho thầy thuốc Hy Lạp Hippocrates (460-370tr CN), người được xem là ông tổ ngành y. Hippocrates dùng các từ “carcinos” và “carcinoma” để mô tả loại bướu không loét và loại bướu loét. Theo tiếng Hy Lạp thì các từ đó để chỉ con cua, có lẽ vì hình dạng của bướu với các lan tỏa giống như các ngón tay gợi ý hình ảnh con cua tám cẳng hai càng! Thầy thuốc người La Mã Celsus (28 – 50 sau CN) đã dịch từ Hy Lạp sang từ La Tinh là: cancer (cũng có nghĩa là con cua). Galen (130 – 200 sau CN), một thầy thuốc Hy Lạp nổi tiếng khác, dùng từ “oncos” (có nghĩa là sưng) để mô tả bướu này. Sự tương đồng về ý tưởng – hình tượng con cua của Hippocrates và Celsus vẫn được dùng để mô tả các bướu ác hay ung thư, còn từ mà Galen dùng thì ngày nay sử dụng để gọi tên ngành khoa học nghiên cứu về ung thư là oncology, và gọi những người chuyên trị ung thư là oncologist.

B.     UNG THƯ QUA CÁC THẾ KỶ, TỪ THẾ KỶ 16 ĐẾN THẾ KỶ 18

            Trong thời kỳ Phục hưng bắt đầu từ thế kỷ 15, các thầy thuốc đã tìm tòi và hiểu biết nhiều về cơ thể con người. Các nhà khoa học như Galileo, Newton bắt đầu áp dụng những phương pháp khoa học và sau đó được ứng dụng vào nghiên cứu bệnh tật. W. Harvey (1578 - 1657) mổ xác chết để khảo sát, nhờ đó hiểu được sự tuần hoàn của máu qua trái tim và đi khắp cơ thể (1628), điều mà trước đó vẫn còn là một bí ẩn.
            Năm 1761, Giovanni Morgagni (1682 - 1771), ở Padua, Ý, đã thực hiện việc mà chưa ai từng làm (nhưng ngày nay là việc làm thông thường của thầy thuốc ung thư) là mổ tử thi để mô tả những bất thường tìm thấy trong cơ thể người bệnh có liên quan đến căn bệnh. Việc làm này chính là nền tảng khoa học cho nghiên cứu ung thư.
            Nhà phẫu thuật nổi tiếng người Scotland là John Hunter (1728 - 1793) cho rằng một vài ung thư có thể điều trị được bằng phẫu thuật, và ông đã mô tả để giúp cho các phẫu thuật viên có cơ sở quyết định mổ loại ung thư nào: Nếu bướu không xâm lấn vào mô lân cận và “lúc lắc” được thì không có gì là sai khi phải mổ lấy đi.
            Một thế kỷ sau đó, ngành tê-mê ra đời đã cho phép các nhà phẫu thuật phóng tay hơn; từ đó đã phát triển ra nhiều loại phẫu thuật trị ung thư tỷ như phẫu thuật đoạn nhũ tận gốc (radical mastectomy).

C.    UNG THƯ Ở THẾ KỶ 19

            Thế kỷ 19 đã nhìn thấy sự ra đời của ngành ung bướu khoa học nhờ việc sử dụng kính hiển vi để quan sát và nghiên cứu các mô bệnh. Rudolf Virchow (1821 - 1902), người được xem là cha đẻ ngành bệnh học tế bào (cellular pathology), đã xây dựng nền tảng cho ngành bệnh học hiện đại của ung thư. Tương tự như Morgagni đã kết hợp quan sát mắt thường qua mổ tử thi với diễn tiến lâm sàng của bệnh ung thư, Virchow đã liên kết việc khảo sát mô bệnh học dưới kính hiển vi (microscopic pathology) với bệnh ung thư.
            Phương pháp này không chỉ cho phép hiểu biết rõ hơn về những tác hại của ung thư mà còn hỗ trợ cho sự phát triển của ngành giải phẫu ung thư (cancer surgery). Các mẫu mô của cơ thể được phẫu thuật viên mổ lấy ra nay đã được khảo sát và xác định chính xác chẩn đoán của bệnh. Nhà bệnh học cũng có thể báo cho nhà phẫu thuật biết là cuộc mổ đã lấy trọn khối bướu ung thư đi hay chưa.

D.    NHỮNG LÝ THUYẾT ĐẦU TIỀN VỀ NGUYÊN NHÂN UNG THƯ

            Từ thời xa xưa, người thầy thuốc đã rất mù mờ rối trí về các nguyên nhân gây bệnh ung thư. Người Ai Cập cổ thì cho đó là hình phạt của các thần linh.
1.      Lý thuyết thể dịch
            Hippocrates cho rằng cơ thể người ta có bốn loại thể dịch: máu – dịch tiết (phlegm) – mật vàng và mật đen. Khi bốn loại thể dịch đó cân bằng thì con người khỏe mạnh bình thường. Và người ta tin rằng khi có sự gia tăng hay sụt giảm của bất cứ loại thể dịch nào thì sẽ sinh ra bệnh. Sự gia tăng của mật đen tại bất cứ nơi nào trong cơ thể sẽ sinh ra bệnh ung thư ở nơi đó. Lý thuyết sinh ung này được chuyển tiếp đến người La Mã, được Galen chấp nhận thông qua ghi chép trong các bài giảng về y học của ông và trở thành khuôn mẫu bất khả tranh cãi trong suốt thời kỳ Trung cổ kéo dài hơn 1300 năm. Trong thời kỳ này, việc nghiên cứu cơ thể con người, bao gồm cả việc mổ xẻ tử thi bị nghiêm cấm bởi các lý do tôn giáo nên đã hạn chế những tiến bộ của kiến thức y học.
2.      Lý thuyết về dịch lymph.
            Trong các lý thuyết nêu ra nhằm thay thế lý thuyết thể dịch về nguyên nhân sinh ung có lý thuyết về dịch lymph (hay dịch bạch huyết). Sự sống được tin là do sự luân chuyển liên tục và hài hòa của các loại thể dịch đi qua các bộ phận đặc của cơ thể. Trong tất cả các loại thể dịch thì quan trọng nhất là máu và dịch bạch huyết (lymph), một loại dịch trong, quan trọng tương đương với máu. Hai ông Stahl và Hoffmann nêu lý thuyết là ung thư được sản sinh ra vì dịch bạch huyết lên men và thoái hóa đưa đến thay đổi về độ đậm đặc, độ toan và độ kiềm. Lý thuyết này nhanh chóng được nhiều người ủng hộ. John Hunter chấp nhận là bướu phát triển từ dịch lymph liên tục luân chuyển trong cơ thể bởi máu.
3.    Lý thuyết về chồi tân sinh hay mầm gốc (blastema).
Năm 1838, nhà bệnh học người Đức, Johannes Muller (1801 - 1858), chứng minh là bướu ung thư được cấu tạo bởi tế bào chứ không phải là dịch lymph, nhưng ông lại tin là tế bào ung thư không phát triển từ tế bào lành mà từ những chồi tân sinh hay mầm gốc (blastema) ở giữa các mô bình thường của cơ thể. Học trò của ông là Rudolf Virchow, nhà bệnh lý học nổi tiếng người Đức, sau đó xác định rằng tất cả các tế bào – kể cả các tế bào ung thư – đều sinh ra từ các tế bào khác.
4. Lý thuyết về sự kích thích mãn tính
            Virchow cho là kích thích mãn tính là nguyên nhân sinh bệnh ung thư, nhưng ông lại tin tưởng sai lầm là “ung thư phát triển giống như một chất lỏng”. Trong thập niên 1860, nhà phẫu thuật người Đức là Karl Thiersch (1822 - 1895) cho rằng ung thư di căn thông qua sự lan tràn của tế bào ung thư chứ không thông qua bất cứ loại dịch nào.
5. Lý thuyết về sang chấn hay chấn thương
            Mặc dù đã có những tiến bộ trong hiểu biết về ung thư, ở những năm cuối 1800 sang đến thập kỷ 1920 thì vẫn có một số người tin rằng chấn thương là nguồn gốc sinh ung thư. Niềm tin này không thay đổi mặc dù qua thực nghiệm trên thú vật đã chứng minh lý thuyết này là không đúng.
6. Lý thuyết do bệnh lây nhiễm
            Zacutus Lusitani (1575 - 1642) và Nicholas Tulp (1593 - 1674), hai thầy thuốc ở Hà Lan, kết luận gần như cùng lúc là bệnh ung thư có tính lây nhiễm. Hai ông đã cùng kết luận như thế sau khi ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc ung thư vú sống chung cùng nhà. Lusitani và Tulp lần lượt công bố lý thuyết lây nhiễm vào năm 1649 và 1652. Hai ông cũng đề nghị bệnh nhân ung thư nên được cách ly, tốt nhất xa ngoài các tỉnh, thành để phòng tránh sự lây nhiễm. Trong thế kỷ 17 và 18 có những người đã tin là bệnh ung thư có tính lây nhiễm. Thật vậy, bệnh viện ung thư đầu tiên của Pháp, năm 1779 đã bị buộc phải di dời ra ngoài thành phố. Ngày nay, chúng ta đã biết là bản thân bệnh ung thư không lây nhiễm, thế nhưng một vài loại virut, vi khuẩn hay ký sinh trùng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư ở người.

E.     NHỮNG HIỂU BIẾT HIỆN ĐẠI VỀ NGUYÊN NHÂN UNG THƯ

1.   Sinh ung từ virut và các chất sinh ung hóa học
            Năm 1915, Katsusaburo Yamagiwa (1863 - 1930) và Koichi Ichikawa (1888 - 1948), hai nhà bệnh học người Nhật của Viện Đại học Tokyo, lần đầu tiên gây ra ung thư trên thú vật thí nghiệm bằng cách phết chất hắc ín (nhựa đường) lên da thỏ. Hơn 150 năm qua đi kể từ khi người thầy thuốc thành London là John Hill cho rằng hút thuốc lá là một nguồn sinh ung. Rồi nhiều năm nữa lại qua đi cho đến một ngày thuốc lá được “tái phát hiện” là nguồn sinh ung nguy hại nhất trong tất cả các chất sinh ung mà con người biết được.
            Ngày nay, người ta công nhận và tránh xa nhiều chất đặc hiệu có thể gây bệnh ung thư: chất nhựa than đá (coal tars) cùng những phụ chất (như chất benzene), một vài chất hydrocarbon, chất aniline (bào chế thuốc nhuộm), asbestos (chất khoáng dạng sợi dùng trong xây dựng để chống nắng, nóng) và nhiều chất khác nữa. Các bức xạ iôn – hóa từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả ánh sáng mặt trời cũng được biết là có tính sinh ung. Để đảm bảo an toàn cho người dân thường, nhiều chính quyền đã ra quy định về định mức an toàn chuẩn cho nhiều hợp chất, bao gồm benzene, asbestos, hydrocarbon trong không khí, arsenic trong nước uống, và các chất phóng xạ.
            Năm 1911, bác sĩ Peyton Rous (1879 - 1970) kiêm nhà virut học người Mỹ thuộc Viện Rockefeller – New York đã mô tả một bệnh ung thư ở gà gây nên bởi virut, về sau được gọi là bệnh Rous Sarcoma. Với công trình này, năm 1968 Rous nhận giải thưởng Nobel về Y học. Ngày nay nhiều loại virut được nhận diện có liên quan đến ung thư ở người, thí dụ như:
§   Nhiễm khuẩn lâu dài với virut viêm gan B và C có thể gây nên ung thư gan
§   Một trong những loại virut bệnh mụn rộp (Herpes virus) là con virut Epstein-Barr, tác nhân gây bệnh Infectious Mononucleosis có liên hệ với bệnh ung thư mũi họng và bệnh ung thư hạch bạch huyết không phải dạng Hodgkin (non-Hodgkin’s lymphoma)
§   Những người mắc bệnh do virut làm yếu hệ miễn dịch (HIV)  có nguy cơ cao mắc một số bệnh ung thư, đặc biệt là bệnh Kaposi Sarcoma và bệnh lymphoma không phải dạng Hodgkin.
§   Các virut sinh u nhú ở người (HPV) có liên hệ với nhiều loại ung thư, đặc biệt là ung thư cổ tử cung, âm đạo, hậu môn và dương vật. Một vài loại ung thư đầu và cổ (thường là lưỡi và hạch hạnh nhân hay amiđan) có liên hệ với các virut nguy hiểm cũng thuộc nhóm HPV. Ngày nay đã có nhiều loại thuốc chủng để phòng ngừa lây nhiễm các nhóm HPV.
Tính đến năm 2014, Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu Ung thư (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhận diện trên 100 chất sinh ung hóa học, vật lý và sinh học. Nhiều tổ chức khoa học thế giới đã tìm ra những nguyên nhân sinh ung trước cả những hiểu biết của các nhà khoa học về sự phát triển của bệnh ung thư. Ngày nay, những nghiên cứu đã khám phá nhiều chất sinh ung mới, giải thích cách nào chúng gây nên ung thư và đề xuất phương thức phòng chống.
Từ giữa thế kỷ 20, các nhà khoa học đã được trang bị máy móc dụng cụ cần thiết để nghiên cứu một số vấn đề phức tạp về hóa học và sinh học còn chưa được sáng tỏ. James Watson (1928 - ) và Francis Crick (1916 - 2004) đã khám phá ra cấu trúc hóa học chính xác của DNA – cấu trúc cơ bản của gen – và hai ông đã được nhận giải thưởng Nobel Y học năm 1962.
DNA đã được xem là căn bản của mã di truyền và có chức năng đưa ra các lệnh cho toàn bộ các tế bào. Sau khi đã học được cách giải bộ mã di truyền này, các nhà khoa học có thể hiểu được hoạt động của gen và bằng cách nào mà nó có thể bị thương tổn bởi các đột biến di truyền (thay đổi hoặc có lỗi ở gen). Những kỹ thuật tiên tiến về hóa học và sinh học đã giúp giải thích nhiều câu hỏi phức tạp về bệnh lý ung thư.
Các nhà khoa học bây giờ đã hiểu là ung thư có thể gây nên bởi các chất hóa học, phóng xạ và virut, và hình như đôi khi bệnh ung thư có tính di truyền (hoặc lưu truyền) trong gia đình. Nhưng một khi các hiểu biết về DNA và gen càng ngày càng rõ ràng thì họ lại học được là chính những hư hoại của DNA bởi các chất hóa học và phóng xạ hay bởi sự xâm nhập của một chuỗi DNA do virut sản sinh thường đã chủ động làm sinh ra bệnh ung thư. Và việc mô tả và định vị chính xác điểm hư hoại trên một gen nào đó là ở trong tầm tay.
Các nhà khoa học tìm ra là đôi khi các gen hư hỏng mang tính di truyền, và đôi khi những gen di truyền này bị hư hỏng ở các điểm mà một vài loại hóa chất cũng có thể gây thương tổn. Nói cách khác đa số các chất sinh ra ung thư (carcinogens) gây nên thương tổn di truyền (đột biến gen): Điều đó rất giống như đột biến gen có thể di truyền và tạo thành những ung thư cùng loại nếu càng nhiều đột biến gen được đưa thêm vào.
Không cần biết cách nào mà đột biến đầu tiên xuất hiện (bẩm sinh hay tự phát), các tế bào được tăng trưởng từ tế bào đột biến sẽ sản sinh ra những nhóm tế bào bất thường (được gọi là dòng tế bào – clones – hoặc là bản sao của tế bào bất thường). Các dòng tế bào đột biến tiến triển với thời gian thành nhiều dòng tế bào ác tính, và cứ thế ung thư tiến triển bởi nhiều gen bị tổn thương và gen bị đột biến. Sự khác biệt lớn lao giữa các mô bình thường với mô ung thư là những tế bào bình thường mang DNA hư hoại thì chết đi, còn tế bào ung thư mang DNA hư hoại thì không chết. Việc khám phá ra sự khác biệt then chốt trên lý giải nhiều câu hỏi đã gây rối trí các nhà khoa học trong nhiều năm trước.

2.   Các gen sinh ung và các gen khóa/ ức chế bướu
            Trong thập niên 1970, các nhà khoa học khám phá ra hai nhóm hay họ gen đặc biệt quan trọng có liên quan đến ung thư: các gen sinh ung và các gen ức chế bướu.
            Gen sinh ung (oncogenes): Các gen này làm cho tế bào tăng trưởng mất kiểm soát và trở thành tế bào ung thư. Chúng được hình thành bởi thay đổi hay đột biến ở vài gen bình thường của tế bào nên gọi là gen tiền sinh ung (proto - oncogenes). Gen tiền sinh ung là các gen mà bình thường tham dự vào việc kiểm soát tế bào phân chia như thế nào và vào độ biệt hóa của tế bào mới (độ phát triển thành chức năng đặc trưng của tế bào trong cơ thể).
            Gen ức chế bướu (tumor suppressor genes): đó là các gen bình thường làm chậm sự phân chia tế bào, sửa chữa các sai lệch của DNA và báo cho tế bào biết khi nào thì chết (cơ chế này được gọi là cái chết được lập trình của tế bào - apoptosis). Khi gen ức chế bướu không hoạt động tốt, các tế bào tăng trưởng mất kiểm soát, và từ đó sinh ra ung thư.
Sẽ dễ hiểu hơn nếu ta xem tế bào giống như cái xe ô-tô. Để nó vận hành trôi chảy thì phải có cách kiểm soát nó chạy nhanh chậm như thế nào. Một gen tiền sinh ung giống như bàn đạp ga – nó giúp cho tế bào tăng trưởng và phân chia. Một gen sinh ung có thể so sánh với bàn đạp ga bị kẹt dính làm cho tế bào tăng trưởng và phân chia mất kiểm soát. Một gen ức chế bướu thì giống như bàn đạp thắng của xe ô-tô, bình thường nó không cho phép tế bào phân chia quá nhanh. Khi có sự sai lệch đối với gen, ví dụ như một đột biến gen, khiến cho nó ngưng hoạt động – giống như xe mất thắng – thì sự phân chia tế bào sẽ không được kiểm soát nữa.
Các nhà nghiên cứu y học đã dần dần nhận diện được các gen sinh ung, các gen ức chế bướu bị làm tổn thương bởi hóa chất và bởi bức xạ; và một khi các gen bị tổn thương đó được di truyền thì nó sẽ dẫn đến ung thư. Ví dụ như trong thập niên 1990 khám phá ra hai gen gây vài loại ung thư vú: gen BRCA1 và BRCA2, là một bước tiến bộ mới vì có thể sử dụng những gen này để tìm ra những người có nguy cao mắc bệnh ung thư vú.
Người ta đã khám phá ra rằng nhiều gen khác có mối liên hệ với những bệnh ung thư di truyền (lưu truyền) trong gia đình, như là các ung thư đại tràng, trực tràng, thận, buồng trứng, tuyến giáp, tụy tạng, và bướu hắc tố ở da. Ung thư di truyền trong gia đình không thường gặp như ung thư phát triển tự nhiên (là ung thư gây nên bởi hư hoại DNA khởi phát trong cuộc sống của người đó). Ung thư có mối liên hệ di truyền chỉ có tỷ lệ ít hơn 15% của tất cả các ung thư. Thế nhưng việc hiểu rõ nhóm ung thư này cũng quan trọng vì với những nghiên cứu tiếp theo về di truyền thì ta có thể tìm ra thêm nhiều nhóm người nữa có nguy cơ cao mắc ung thư.
Khi mà các nhà nghiên cứu nhận thức được tầm quan trọng của những biến đổi di truyền đặc trưng trong ung thư, họ sẽ sớm tiến hành phát triển các mô thức điều trị nhắm đích (thuốc hoặc hóa chất khác có tác dụng tranh chỗ với các phân tử đặc trưng) để khắc phục các hậu quả của những biến đổi này tác động lên gen ức chế bướu và gen sinh ung.

F.     LỊCH SỬ DỊCH TỄ HỌC UNG THƯ

            Trong thế kỷ 18 có ba nhận định khoa học quan trọng khai phóng lãnh vực dịch tễ học ung thư, ngành khoa học nghiên cứu các nguyên nhân, sự phân bố và việc kiểm soát bệnh ung thư.
o  Năm 1713, thầy thuốc người Ý là Bernardino Ramazzini (1633 - 1714) ghi nhận sự vắng mặt “ảo” của ung thư cổ tử cung cùng với tần suất tương đối cao của ung thư vú ở các nữ tu; và ông lấy làm lạ tự hỏi phải chăng đây có mối liên hệ với lối sống độc thân của các nữ tu? Nhận xét này là một bước tiến quan trọng hướng đến việc nhận diện và hiểu rõ tầm quan trọng của nội tiết tố và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục với nguy cơ mắc ung thư.
o  Năm 1775, Percival Pott (1714 - 1788) của bệnh viện Bartholomew ở London đã mô tả một bệnh ung thư do nghề nghiệp ở những người làm nghề thông ống khói: đó là bệnh ung thư da bìu gây nên bởi chất bồ hóng bám đọng vào các xếp nếp của da bìu. Khảo cứu của ông đã kéo theo nhiều nghiên cứu khác nhận diện một số phơi nhiễm nghề nghiệp gây nguy cơ sinh ung để cung cấp cho y tế cộng đồng những biện pháp làm giảm nguy cơ sinh ung do nghề nghiệp.
o  Thomas Venner ở London là người đầu tiên đã cảnh báo về những nguy hiểm do hút thuốc lá trên tạp chí Via Recta của ông từ năm 1620. Ông đã viết: “Lạm dụng thuốc lá gây nên tổn thương não và mắt, làm chân tay run rẩy và làm mệt tim”. Mãi 150 năm sau, vào năm 1761, chỉ vài thập kỷ sau khi việc hút thuốc lá để vui chơi giải trí trở nên phổ biến ở London, John Hill đã viết cuốn sách tựa đề: Cảnh báo về việc lạm dụng chất Snuff (Snuff là lá thuốc lá chế biến thành bột để hít bằng mũi). Các báo cáo đầu tiên liên kết thuốc lá với ung thư đã làm tiền đề cho những nghiên cứu về dịch tễ học trong nhiều năm sau đó (thập niên 1950 - 1960) cho thấy hút thuốc lá dẫn đến ung thư phổi (báo cáo của Hội Ngoại Khoa Tổng Quát của Mỹ năm 1964: Hút Thuốc Lá và Sức Khỏe).
            Các nhà dịch tễ học tiếp tục tìm kiếm thêm các yếu tố có thể gây ung thư (giống như việc hút thuốc lá, như béo phì, tia cực tím) cũng như các việc giúp phòng chống ung thư (thể dục thể thao, chế độ ăn lành mạnh). Công cuộc khảo cứu này cung cấp những điều thực tiễn giúp ngành Y tế công cộng hướng dẫn người dân thường thông qua những khuyến cáo hoặc điều hòa sinh hoạt cần thiết.
            Khi mà các nhà sinh học phân tử tìm hiểu sâu hơn về các yếu tố sinh ung hoặc phòng chống ung thư thì thông tin đạt được sẽ dùng cho nghiên cứu về dịch tễ học phân tử: Đó là nghiên cứu những tương tác giữa gen và các yếu tố ngoại lai.

G.    LỊCH SỬ CỦA TẦM SOÁT VÀ PHÁT HIỆN SỚM UNG THƯ

            Công việc tầm soát (rà tìm) dựa vào các khám nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng và các loại thử nghiệm khác để tìm ra một căn bệnh – như là bệnh ung thư – trên người khỏe mạnh không có triệu chứng. Thử nghiệm đầu tiên được sử dụng tầm soát ung thư là “Thử nghiệm Pap – Pap test”. Thử nghiệm này được George Papanicolaou (1883 - 1962) triển khai lúc đầu như một phương pháp nghiên cứu tìm hiểu rõ về chu kỳ kinh nguyệt. Papanicolaou nhanh chóng nhận thấy tiềm năng phát hiện sớm ung thư cổ tử cung của thử nghiệm này và đã báo cáo giải trình kết quả nghiên cứu của ông vào năm 1923. Lúc đầu đa số các thầy thuốc tỏ ra hoài nghi, và phải mãi đến thập kỷ 1960 Hiệp Hội Ung Thư Mỹ (ACS) khuyến khích sử dụng thử nghiệm này thì Pap test mới được phổ biến rộng rãi. Từ thời điểm đó trở về sau, người ta ghi nhận tử suất do bệnh ung thư cổ tử cung tại Mỹ giảm khoảng 70%.
            Kỹ thuật mới chụp nhũ ảnh phát triển vào cuối thập niên 1960 được Hiệp Hội Ung Thư Mỹ chính thức khuyến cáo sử dụng tầm soát ung thư vú từ năm 1976.
            Hiệp Hội Ung Thư Mỹ có phát hành những hướng dẫn cơ bản bao gồm các phương pháp phát hiện sớm các loại ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư đại trực tràng, nội mạc tử cung, phổi và tiền liệt tuyến; cùng với việc theo dõi định kỳ các bệnh ung thư theo phái tính và độ tuổi, có thể bao gồm các xét nghiệm đối với các loại bệnh ung thư tuyến giáp, ung thư xoang miệng, ung thư da, ung thư hạch bạch huyết, tinh hoàn và ung thư buồng trứng.




H.    THẾ KỶ 21 VÀ NHỮNG TIẾN BỘ TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ

1.      Phẫu trị

            Những thầy thuốc và những nhà ngoại khoa từ thượng cổ thời đại đã biết bệnh ung thư có thể tái phát sau khi đã được mổ cắt bỏ. Celsus, thầy thuốc người La Mã đã viết: “Sau khi được mổ lấy đi, ngay lúc sẹo mổ hình thành thì bệnh đã có thể trở lại”.
            Galen, thầy thuốc Hy Lạp ở thế kỷ thứ 2, nổi danh là bậc thầy ngành Y với các trước tác về y học của ông được lưu truyền suốt hơn ngàn năm, có quan điểm về bệnh ung thư giống như Hippocrates. Ông cho rằng bệnh nhân khi đã được chẩn đoán bị ung thư là không thể chữa khỏi được. Quan điểm này đã là mô hình mẫu cho các thế hệ thầy thuốc về điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư trong nhiều thế kỷ.
            Mặc dù Y học đã có tiến bộ và phát triển trong một số nền văn minh cổ đại nhưng tiến bộ về điều trị ung thư thì rất ít oi. Việc tiếp cận căn bệnh này phần lớn vẫn theo lối mòn của Hippocrates và Galen. Ngoài một vài dị biệt nhỏ lẻ thì việc tin tưởng rằng bệnh ung thư không thể chữa khỏi vẫn tồn tại đến tận thế kỷ 21. Điều này kích động nỗi sợ hãi của con người đối với căn bệnh này. Thậm chí ngày nay, một số người vẫn cho là ung thư không chữa được nên chần chờ trì hoãn việc đi khám chuyên khoa và để trôi qua thời điểm tốt nhất chữa khỏi căn bệnh của mình. Thầy thuốc cổ đại cho rằng ung thư một khi đã tiến xa thì không thể chữa khỏi và ung thư nếu mổ lấy đi sẽ còn nguy hiểm hơn là không làm gì cả. Galen có viết về chăm sóc ung thư vú sau mổ lấy trọn khối bướu ở một giai đoạn sớm. Phẫu trị thời đó thật thô sơ với nhiều biến chứng trong đó quan trọng nhất là chảy máu, mất máu. Mãi đến thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20 các biến chứng đó mới chấm dứt nhờ có những tiến bộ cơ bản về ngoại khoa tổng quát và ngoại khoa ung thư.
            Trước sự phát hiện ra các loại thuốc tê – mê đã có nhiều phẫu thuật viên nổi tiếng. John Hunter (1728 - 1793), Astley Cooper (1768 - 1841) và John Warren (1753 - 1815) là những thầy thuốc ngoại khoa sau cùng đón nhận sự cổ súy về kỹ năng mổ xẻ chính xác và nhanh lẹ của đại phẫu sư. Kể từ năm 1846 trở đi khi mà ngành tê – mê đã sẵn sàng với những tiến bộ nhanh chóng thì thế kỷ kế tiếp được tôn vinh là “Thế kỷ của những nhà phẫu thuật”.
            Ba nhà phẫu thuật tiên phong đóng góp cho khoa học kiêm nghệ thuật của Ngoại khoa ung thư là Theodor Billroth (1829 - 1894) ở Đức, William Handley (1872 - 1962) ở Anh và William Halsted (1852 - 1922) ở Mỹ với chỉ định “phẫu thuật ung thư” đối với bướu ác ở một vùng cơ thể: mổ lấy trọn khối bướu và các hạch bạch huyết đi kèm theo.
            William S. Halsted, giáo sư ngoại khoa tại Đại học John Hopkins, phát triển phẫu thuật đoạn nhũ tận gốc vào thập niên cuối thế kỷ 19. Kỹ thuật của ông dựa một phần vào quan điểm của William S. Handley, nhà ngoại khoa thành London, Anh Quốc. Handley tin là ung thư lan tràn đi từ bướu nguyên phát. (Quan điểm chung về phẫu thuật đoạn nhũ tận gốc có thể trả về cho Lorenz Heister (1683 - 1758), phẫu thuật viên người Đức. Heister đã viết những ý tưởng của ông về phẫu thuật đoạn nhũ và cắt rộng một mảng tuyến vú mang bướu trong cuốn sách của ông tựa đề “Chirurgie”, xuất bản năm 1719). Halsted không tin là ung thư lan tràn bằng đường máu. Và ông tin phẫu thuật tại chỗ đúng cách lấy trọn khối ung thư thì có thể chữa khỏi bệnh. Nếu về sau ung thư có thể xuất hiện ở một vị trí khác trên cơ thể thì là do một cơ chế riêng. Niềm tin này giúp ông hoàn chỉnh kỹ thuật đoạn nhũ tận gốc, và đã trở thành kỹ thuật cơ bản cho Phẫu trị ung thư trong gần một thế kỷ. Mãi đến thập niên 1970, những công trình nghiên cứu ca – chứng đã chứng minh là phẫu thuật ít rộng lớn hơn vẫn cho kết quả tốt tương đương cho phần lớn phụ nữ bị ung thư vú. Ngày nay, kỹ thuật đoạn nhũ tận gốc hầu như không còn ai thực hiện, và ngay cả đoạn nhũ tận gốc biến đổi cũng ít được làm hơn trước. Bây giờ đa số phụ nữ mắc ung thư vú được mổ “cắt rộng bướu nguyên phát” (lumpectomy) rồi sau đó phối hợp với xạ trị.
            Cùng thời điểm mà Halsted và Handley phát triển các loại phẫu thuật tận gốc thì có những nhà ngoại khoa khác đã nêu câu hỏi: Điều gì quyết định là cơ quan nào sẽ bị ung thư lan tràn đến? Stephen Paget (1855 - 1926), phẫu thuật viên người Anh có kết luận: tế bào ung thư lan tràn theo đường máu đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, nhưng chỉ có thể phát triển ở một vài cơ quan thôi. Bằng một lý luận xuất sắc về lô-gich học ông nêu ra sự tương đồng giữa di căn ung thư và sự phát triển của các hạt hoa được gió tung bay đi khắp hướng, nhưng sau đó chỉ sống và nảy mầm trên vùng đất thích hợp (“seed and soil”).
            Kết luận này của Paget là một giả thuyết đúng đắn và tinh tế nhưng chỉ được các kỹ thuật tân tiến về sinh học tế bào và sinh học phân tử xác minh…mãi một trăm năm sau. Sau này, sự hiểu biết về cơ chế của di căn ung thư đã trở thành yếu tố khóa xác nhận các giới hạn của ngoại khoa ung thư. Nhưng đồng thời nhờ vậy đã thúc đẩy các thầy thuốc tìm tòi các mô thức điều trị khác sử dụng sau phẫu trị để tìm diệt những tế bào ung thư lan tràn trong cơ thể người bệnh. Đồng thời nhờ vậy họ có thể thực hiện phẫu thuật ít tàn phá hơn để điều trị nhiều loại ung thư. Đến nay thì những mô thức mới đó còn có thể sử dụng hỗ trợ trước phẫu trị.
            Ở những thập niên cuối thế kỷ 20, các nhà ngoại khoa đã phát triển được nhiều thao tác kỹ thuật tốt hơn nhằm giảm đến tối thiểu các mô lành phải lấy đi khi mổ cắt bướu ung thư. Giống như xu hướng từ đoạn nhũ đến chỉ cắt rộng bướu, tiến bộ này cũng được chia sẻ khi mổ cắt bỏ bướu xương hay bướu phần mềm ở tay, chân mà không cần phải đoạn chi cho một số trường hợp chọn lọc; hoặc là không làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn cho một số lớn trường hợp ung thư trực tràng, bảo tồn được cơ vòng hậu môn và sự bài tiết tự nhiên. Sự phát triển tiến bộ như thế không chỉ tùy thuộc vào hiểu biết rõ hơn về căn bệnh và vào các dụng cụ mổ tinh tế hơn mà còn tùy thuộc vào cả sự phối hợp phẫu trị với hóa trị và / với xạ trị.
            Cho đến cuối thế kỷ 20, chẩn đoán ung thư thường dựa vào “phẫu thuật thám sát”: Mổ vào xoang bụng, lồng ngực để phẫu thuật viên có thể lấy mẫu mô bướu làm xét nghiệm ung thư. Bắt đầu từ thập niên 1970, những tiến bộ của các kỹ thuật hình ảnh học như siêu âm, chụp điện toán cắt lớp (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp xạ hình điện toán với hạt positron (PET) đã thay thế phẫu thuật thám sát, chỉ cần sự hướng dẫn qua màn huỳnh quang để chọc kim đúng vào khối bướu làm sinh thiết.
            Ngày nay, người thầy thuốc dùng kỹ thuật ống soi mềm với dây thủy tinh dẫn nguồn sáng hoặc đưa máy quay phim vi ti vào trong cơ thể để quan sát. Phẫu thuật viên mổ với những dụng cụ đặc biệt qua những ống nhỏ xuyên qua da bằng vết cắt nhỏ xíu. Những dụng cụ đặc chủng giúp quan sát và thao tác mổ trong xoang bụng hay lồng ngực (phẫu thuật nội soi bụng, ngực). Với những dụng cụ tương tự và ống nội soi, người thầy thuốc đã mổ cắt lấy đi vài loại bướu trong thực quản, trong đại tràng hay trong bọng đái bằng cách mượn đường đi qua các lỗ tự nhiên của cơ thể như miệng, hậu môn, lỗ tiểu.
            Những phương cách ít sang chấn nhằm tiêu hủy khối bướu mà không phải mổ cắt đi đang được nghiên cứu hoặc đang được sử dụng. Phẫu thuật đông lạnh sử dụng chất ni-tơ lỏng hoặc loại máy hình que làm đông lạnh và giết chết khối bướu. Lasers cũng được sử dụng “cắt” vào mô thay lưỡi dao mổ, đốt và tiêu hủy các ung thư ở cổ tử cung, thanh quản, gan, trực tràng, da và nhiều cơ quan khác. Phẫu thuật bằng sóng siêu tần (Radiofrequency ablation - RFA) dùng máy có ăng-ten truyền sóng siêu tần đặt vào bướu để đốt cháy bướu.

2.      Điều trị nội tiết tố

            Một khám phá khác của thế kỷ 19 góp phần tạo dựng nền tảng cho một phương pháp quan trọng trong phòng ngừa và điều trị ung thư: Điều trị nội tiết tố.
            George Thomas Beatson (1848 - 1933), tốt nghiệp Đại học Edinburgh năm 1874, đã lưu tâm đến mối liên hệ giữa buồng trứng và sự tạo sữa của tuyến vú. Năm 1878 ông khám phá ra tuyến sữa của thỏ ngưng tiết ra sữa khi ông cắt bỏ đi hai buồng trứng. Ông mô tả kết quả này trong báo cáo ở Hội Nội – Ngoại khoa Edinburgh năm 1896: “Tôi nhận thấy rất thú vị là một cơ quan kiểm soát và chỉ huy sự bài tiết của một cơ quan khác”.
            Khi nhận ra tuyến vú được “kiểm soát” bởi buồng trứng, Beatson quyết định thử nghiệm thêm bằng cách cắt bỏ hai buồng trứng ở bệnh nhân mắc ung thư vú tiến xa. Ông cũng nghi ngờ là “buồng trứng có thể là nguyên nhân kích thích tạo nên ung thư tuyến vú”. Và ông đã khám phá ra tác dụng kích thích của nội tiết tố nữ của buồng trứng đối với ung thư tuyến vú, nhất là trước khi chính bản thân của nội tiết tố đó chưa được khoa học tìm ra (đó là estrogen). Khám phá của Beatson là nền tảng của liệu pháp nội tiết tố ngày nay, tiêu biểu là Tamoxifen và các chất ức chế men aromatase được dùng để điều trị hoặc phòng ngừa ung thư vú.
            Nửa thế kỷ sau khám phá của Beatson, Charles B. Huggins (1901 - 1997) – bác sĩ chuyên khoa niệu của Đại học Chicago – báo cáo sự thoái triển ngoạn mục của di căn của ung thư tiền liệt tuyến sau khi hai tinh hoàn được cắt bỏ đi. Công trình này đem lại cho ông giải thưởng Nobel Y học năm 1966. Về sau, thuốc ức chế nội tiết tố nam được phát hiện có hiệu quả điều trị ung thư tiền liệt tuyến.
            Nhiều nhóm thuốc mới – như là thuốc ức chế men aromataz, luteinizing – hormone releasing – hormone (LHRH) cùng với các chất đồng đẳng và các chất ức chế và còn với nhiều thuốc khác nữa, đã thay đổi mạnh mẽ cách mà ung thư vú và ung thư tiền liệt tuyến được điều trị. Các nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn cách thức nội tiết tố tác động đến sự phát triển của ung thư đã dẫn đến các tiến bộ trong việc phát triển những loại thuốc mới để điều trị ung thư, đồng thời cũng giúp các nhà nghiên cứu hướng về những phương thức mới trong sử dụng thuốc nhằm giảm thiểu nguy cơ sinh ung ở tuyến vú và tuyến tiền liệt.

3.      Xạ trị

            Năm 1896, Wilhem Conrad Roentgen (1845 - 1923), giáo sư vật lý người Đức, đã trình bày một báo cáo độc đáo tựa đề là: “Về một loại tia mới”. Roentgen gọi là “tia X”, “x” là ký hiệu của ẩn số trong thuật ngữ toán học. Bài báo cáo đã nhanh chóng gây tiếng vang toàn cầu. Chỉ trong vài tháng nhiều hệ thống máy được chế tạo ra để sử dụng tia X cho chẩn đoán bệnh; và chỉ sau ba năm tia phóng xạ đã được dùng để điều trị ung thư.
            Năm 1901, Roentgen đã nhận giải thưởng Nobel đầu tiên về Vật lý. Xạ trị khởi nghiệp với Radium cho điều trị và với các máy sử dụng tia X liều thấp cho chẩn đoán. Tại nước Pháp, một bước đột phá quan trọng xảy ra khi người ta khám phá ra việc sử dụng một liều phóng xạ mỗi ngày trong nhiều tuần đã giúp gia tăng chữa khỏi ung thư. Nhiều phương thức và nhiều loại máy móc xạ trị đã được phát triển rầm rộ từ dạo đó.
            Bước sang đầu thế kỷ 20, ngay sau khi phóng xạ bắt đầu được dùng để chẩn đoán và điều trị ung thư, người ta lại khám phá thêm là phóng xạ cũng gây ra ung thư song song với điều trị ung thư. Những người đầu tiên làm trong ngành quang tuyến đã dùng da của cánh tay mình để thử độ mạnh của liều phóng xạ phát ra từ máy, mục đích để tìm ra liều chỉ gây một đốm ửng đỏ da (erythema dose): Đó là liều hằng ngày cho một lần xạ trị. Sẽ không ngạc nhiên khi nhiều người trong nhóm nhân viên này về sau mắc phải bệnh ung thư máu do việc phơi nhiễm liên tục với tia phóng xạ.
Những tiến bộ về vật lý phóng xạ và kỹ thuật vi tính ở phần tư cuối thế kỷ 20 đã hỗ trợ thao tác các bức xạ chuẩn hơn. Xạ trị quy ước (Conformal radiation therapy: CRT) sử dụng hình ảnh cắt lớp điện toán, rồi đến những máy vi tính đặc biệt để vẽ bản đồ thật chính xác vị trí của ung thư trong không gian ba chiều. Bệnh nhân được lắp ráp vào người một khuôn bằng nhựa dẻo để giữ cho bộ phận cơ thể lúc nào cũng ở vị trí cố định cho mỗi lần xạ trị. Chùm tia xạ được tính toán phù hợp với mô hình của bướu và phóng tia xạ vào khối bướu theo nhiều trục khác nhau. Xạ trị - điều chỉnh cường độ (Intensity – modulated radiation therapy: IMRT) cũng giống như xạ trị quy ước (CRT), nhưng dần dần với những chùm tia photon nhắm vào bướu theo nhiều hướng khác nhau thì có thể điều chỉnh được cường độ của chùm tia. Việc này cho phép kiểm soát tốt hơn vì làm giảm luồng tia phạm đến mô lành quanh bướu trong khi vẫn tập trung vào bướu liều xạ cao nhất.
            Một kỹ thuật tương đương: Xạ trị quy ước với chùm tia proton (Conformal proton beam radiation therapy) dùng cách tiếp cận tương tự để xạ trị nhắm vào đích bướu, nhưng thay vì tia X thì dùng chùm tia proton. Proton là một thành phần của phân tử gây tác hại ít nhất cho các mô mà nó xuyên qua nhưng lại tiêu diệt tế bào hiệu quả nhất ở cuối đường đi của nó. Như vậy thì chùm tia proton sẽ được phóng nhiều vào bướu đồng thời giảm thiểu liều tác hại cho mô lành kế bên.
            Xạ phẫu theo hình ảnh ba chiều (Stereotactic radiosurgery) hay xạ trị theo hình ảnh ba chiều (Stereotactic radiation therapy) mô tả các kỹ thuật xạ trị nhằm đưa một liều phóng xạ cao và chính xác vào một khối bướu nhỏ. Từ ngữ “phẫu” có hơi cường điệu vì thực tế không có động tác cắt mổ nào cả nhưng kết quả lại y như nhau: làm tan biến khối bướu. Vị trí ung thư thường được áp dụng kỹ thuật này là bướu não. Một máy gia tốc thẳng, hoặc một máy xạ trị đặc biệt như Gamma Knife (Dao gamma) hay Cyber Knife (Dao vũ trụ) có khả năng điều trị theo cách này.
            Xạ trị trong mổ (Intraoperative radiaton therapy - IORT) là kỹ thuật điều trị bằng tia phóng xạ trong lúc mổ. Tia phóng xạ được đưa trực tiếp vào khối bướu hoặc vào mô chung quanh bướu sau khi ung thư được mổ lấy đi. Kỹ thuật này thuận lợi để điều trị các ung thư trong xoang bụng hay vùng chậu và cho các ung thư có khuynh hướng dễ tái phát. IORT giảm tối đa khối mô chịu ảnh hưởng của chùm tia phóng xạ bởi vì có thể xê dịch mô lành ra xa trong lúc mổ và rồi sau đó gom lại, nhờ thế cho phép chiếu một liều xạ tối đa vào khối ung thư.
            Những hóa chất gây biến đổi hay là gây cảm ứng xạ là những chất làm cho ung thư nhạy hơn với phóng xạ (chất kích nhạy xạ: chemical radiosensitizers). Mục đích tìm ra những chất kích nhạy xạ nhằm phát triển các hoạt chất làm cho khối bướu đáp ứng tốt hơn với phóng xạ mà không tổn hại mô lành. Các nhà nghiên cứu cũng gia công tìm kiếm những chất giúp bảo vệ tế bào lành trước tác hại của phóng xạ.

4.      Hóa trị

Trong Thế chiến thứ hai, những người thuộc lực lượng Hải quân Mỹ thường phải đối mặt với chất khí cải cay (khí mù – tạc, mustard gas) trong những hoạt động quân sự. Độc tính của chất khí cải cay làm biến đổi tủy xương và ảnh hưởng đến các tế bào máu. Cũng trong thời kỳ này, quân đội Mỹ đã nghiên cứu một số hóa chất liên quan đến chất khí cải cay có nhiều công dụng trong chiến tranh đồng thời xây dựng một số biện pháp phòng chống. Trong khi tiến hành nghiên cứu này người ta nhận thấy một hợp chất là Nitrogen mustard có tác dụng chống lại một loại ung thư của hệ thống hạch bạch huyết gọi là bệnh Lymphoma. Hợp chất này được sử dụng làm chuẩn chế tạo một loạt hoạt chất tương tự nhưng có tác dụng tốt hơn gọi là hoạt chất alky-hóa (alkylating agents). Hoạt chất alky-hóa tiêu diệt tế bào ung thư nhanh hơn vì gây hư hoại các DNA của chúng.
            Không bao lâu sau khám phá ra chất Nitrogen mustard, bác sĩ Sidney Farber (1903 - 1973) ở Boston đã chứng minh chất Aminopterin – một hợp chất từ sinh tố Folic acid – làm thuyên giảm các bệnh nhi bị bệnh bạch cầu cấp. Aminopterin đã chặn lại một phản ứng hóa học then chốt mà DNA cần để nhân đôi phân tử. Aminopterin lại là tiền thân của Methotrexate là thuốc mà ngày nay người ta vẫn còn dùng điều trị ung thư. Từ đó các nhà nghiên cứu khác đã tìm ra nhiều loại thuốc có tác dụng ngăn chặn nhiều chức năng trong sự tăng trưởng và nhân đôi tế bào. Thời đại của Hóa trị đã mở ra từ đấy.
            Ung thư di căn lần đầu tiên được trị khỏi vào năm 1956 khi mà Methotrexate được dùng để điều trị một loại ung thư hiếm gặp: Ung thư nhau (Ut rau – choriocarcinoma). Rồi nhiều năm trôi qua những thuốc hóa trị đã điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân ung thư. Trong thập niên 1960 đã có những báo cáo đầu tiên về kết quả của hóa trị bao gồm kết quả đáp ứng thuốc lâu dài và ngay cả trị khỏi nhiều bệnh nhân mắc bệnh Hodgkin và bệnh ung thư máu hay bạch cầu cấp ở trẻ em. Điều trị khỏi bệnh ung thư tinh hoàn cũng được ghi nhận vào thập kỷ kế tiếp…Nhiều loại ung thư khác cũng đã được kiểm soát trong thời gian dài với hóa trị, mặc dù chưa trị được khỏi bệnh. Ngày nay đã có nhiều tiếp cận nhằm tăng cường tác dụng đồng thời giảm thiểu độc tính của hóa trị, bao gồm:
-        Nhiều loại thuốc mới, nhiều công thức phối hợp thuốc và thêm nhiều kỹ thuật mới đưa thuốc vào trong cơ thể được tìm ra.
-        Nhiều cách tiếp cận mới với những thuốc nhắm vào đích đặc hiệu hơn cho các tế bào ung thư (như là điều trị kết hợp với Liposome và điều trị với kháng thể đơn dòng) và làm giảm các tác dụng phụ nhiều hơn.
-        Thuốc làm giảm thiểu các tác dụng phụ như là các loại yếu tố kích thích dòng tế bào (colony – stimulating factors), các hoạt chất bảo vệ (chemoprotective agents) như Dexraroxane và Amifostine, và các chất chống nôn ói.
-        Chất vượt qua sự đề kháng đa thuốc (khi mà bệnh ung thư không đáp ứng với nhiều hóa chất đặc trị thông thường).
Thời kỳ đầu của thế kỷ 20, chỉ những ung thư nhỏ và tương đối khu trú mới có thể mổ cắt lấy trọn là được trị khỏi. Về sau, xạ trị sử dụng sau phẫu trị nhằm kiểm soát những phần bướu nhỏ phải để lại sau phẫu thuật. Sau cùng, hóa trị được bổ sung để tiêu diệt những phần nhỏ khác của bướu vượt ra ngoài tầm kiểm soát của phẫu trị và xạ trị. Hóa trị sau phẫu trị được gọi là hóa trị hỗ trợ (Adjuvant chemotherapy). Hóa trị hỗ trợ được sử dụng đầu tiên điều trị ung thư vú và cho kết quả tốt. Về sau mô thức điều trị này được áp dụng cho ung thư đại tràng, ung thư tinh hoàn và nhiều ung thư khác.
Khám phá quan trọng nhất trong hóa trị là xác định ưu điểm của phối hợp sử dụng nhiều loại thuốc trị ung thư (combination chemotherapy) mà không chỉ dùng một loại thuốc. Nhiều loại bệnh bạch cầu với tăng trưởng cực nhanh và cả các bệnh Lymphoma (ung thư các tế bào tủy xương và hạch bạch huyết) đáp ứng rất tốt với phối hợp các thuốc đặc trị, và những nghiên cứu ca – chứng cho phép làm tăng dần tác dụng của các kiểu phối hợp thuốc. Ngày nay, nhiều loại ung thư được chữa khỏi nhờ sự phối hợp hài hòa của các thuốc đặc trị.
Việc tiếp cận phương thức điều trị bệnh nhân ung thư trở nên khoa học hơn khi các công trình nghiên cứu ca – chứng được thực hiện rộng khắp toàn cầu. Những nghiên cứu này so sánh kết quả của các phương pháp điều trị mới với cách điều trị kinh điển đã giúp hiểu biết tốt hơn về ưu điểm cũng như nhược điểm của từng phương pháp. Các nghiên cứu này giúp kiểm tra những lý thuyết về ung thư thông qua những kết quả khoa học cơ bản của Labo – xét nghiệm, đồng thời cũng kiểm tra những ý tưởng khoa học phác họa qua bệnh cảnh lâm sàng của người bệnh. Đó là điều cần thiết cho sự tiến bộ và phát triển khoa học dài lâu.

5.      Điều trị miễn dịch

Hiểu biết tốt hơn về sinh học của tế bào ung thư đã dẫn đến việc phát triển sự sản xuất những tác nhân sinh học có tính bắt chước một số tín hiệu tự nhiên mà cơ thể dùng để kiểm soát sự tăng trưởng của tế bào. Các thực nghiệm trên lâm sàng với những tác nhân sinh học này cho thấy đây là phương pháp điều trị có tác dụng tốt đối với nhiều loại ung thư. Nguyên lý của phương thức này là làm thay đổi đáp ứng sinh học của tế bào ung thư (biological response modifier: BRM) nên gọi là điều trị sinh học hoặc điều trị miễn dịch.
Một số tác nhân sinh học xuất hiện tự nhiên trong cơ thể, ngày nay đã có thể được bào chế trong phòng thí nghiệm – Ví dụ như các interferons, interleukins và nhiều loại cytokines khác. Những chất này khi đưa vào cơ thể người bệnh có tác dụng bắt chước hoặc thúc đẩy phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Chúng tác động trực tiếp gây hư hoại sự tăng trưởng của tế bào ung thư hoặc gián tiếp giúp các tế bào lành khỏe kiểm soát các tế bào ung thư.
Một trong những ứng dụng ngoạn mục của điều trị sinh học đến từ việc nhận diện được một vài chất “đích” của bướu – gọi là kháng nguyên ung thư – rồi nhắm tìm một kháng thể trúng với kháng nguyên – đích đó. Phương pháp này đầu tiên được dùng để phát hiện ra bướu rồi chẩn đoán ra ung thư, và rồi gần đây hơn được dùng để tiêu diệt tế bào ung thư. Với những kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong thập niên 1970, các nhà khoa học đã bào chế hàng loạt kháng thể đơn dòng được chuyên biệt hóa nhắm đích là những thành tố hóa học của tế bào ung thư. Các phương pháp được tinh luyện với kỹ thuật kết hợp lại DNA làm gia tăng tác dụng điều trị và giảm thiểu các tác dụng phụ. Vào cuối thập niên 1990, điều trị lần đầu tiên bằng kháng thể đơn dòng với Rituximab (Rituxan) và Trastuzumab (Herceptin) cho ung thư vú và bệnh lymphoma đạt kết quả khả quan. Ngày nay thì các kháng thể đơn dòng được dùng thường quy điều trị một số bệnh ung thư, và nhiều chất khác cũng đang tiếp tục được tìm kiếm.
Các nhà khoa học cũng nghiên cứu những thuốc chủng có tác dụng gia tăng phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại tế bào ung thư. Năm 2010, thuốc Sipuleucel – T (Provenge) đã được FDA phê chuẩn, đó là một loại thuốc chủng cho ung thư tiền liệt tuyến di căn và đề kháng với nội tiết tố. Không giống như các thuốc chủng ngừa khác, Provenge kích thích khả năng tấn công tế bào ung thư của hệ miễn dịch của cơ thể. Phương pháp này giúp một số bệnh nhân nam bị ung thư tiền liệt tuyến sống lâu hơn, nhưng không điều trị khỏi bệnh được. Đó là một bước tiến quan trọng của điều trị ung thư.

6.      Điều trị nhắm đích

Cho đến cuối thập niên 1990, gần như tất cả thuốc trị ung thư (ngoại trừ các nội tiết tố) hoạt động bằng cách tiêu diệt tế bào ung thư đang trong thời kỳ sao chép DNA và chia thành hai tế bào mới. Những thuốc hóa trị này cũng diệt một số tế bào lành nhưng tác động chủ yếu đến tế bào ung thư.
Điều trị nhắm đích tập trung vào các cơ chế kiểm soát sự tăng trưởng, phân chia và lan tràn của tế bào ung thư cũng như vào tín hiệu thúc đẩy tế bào ung thư chết theo cách tự nhiên (con đường bình thường của tế bào lành bị thương tổn hay già đi). Điều trị nhắm đích hoạt động theo nhiều cách khác nhau.

a.      Các chất ức chế tín hiệu tăng trưởng tế bào

Các yếu tố tăng trưởng là những chất giống nội tiết tố đến báo cho tế bào biết khi nào tăng trưởng, khi nào phân chia. Vào thập niên 1960, nhiệm vụ của các yếu tố này được ghi nhận đầu tiên là trong thời kỳ phát triển của phôi và trong việc sửa chữa các mô bị thương tổn. Về sau người ta biết là hình thái bất thường hoặc lượng cao bất thường của các yếu tố tăng trưởng góp phần vào sự tăng trưởng và lan tràn của tế bào ung thư. Các nhà nghiên cứu cũng bắt đầu hiểu được bằng cách nào các tế bào nhận ra những yếu tố trên và đáp ứng theo chúng; và bằng cách nào các yếu tố tăng trưởng tác động vào các tín hiệu trong tế bào gây nên những bất thường ở tế bào ung thư. Các thay đổi trong đường truyền của tín hiệu đã được xác nhận là nguyên nhân gây nên sự biến đổi bất thường của tế bào ung thư.
Trong thập niên 1980, các nhà khoa học tìm ra đa số các yếu tố tăng trưởng và nhiều chất khác có nhiệm vụ nhận biết và đáp ứng các yếu tố này lại là vật phẩm của các gen sinh ung. Trong các điều trị nhắm đích đầu tiên có khả năng ức chế tín hiệu tăng trưởng gồm có: Trastuzumab (Herceptin), Gefitinib (Iressa), Imatinib (Gleevec) và Cetuximab (Erbitux). Ngày nay còn nhiều chất khác nữa sẵn sàng được sử dụng.

b.      Các chất ức chế sự tăng sinh mạch máu

Tăng sinh mạch là cơ chế tạo ra các mạch máu mới: Angiogenesis – Từ này gồm hai từ Hy Lạp: Angio là mạch máu, và genesis là khởi sinh, tân sinh. Bình thường đó là cơ chế bảo vệ sức khỏe cơ thể: Những mạch máu mới được tân tạo giúp cơ thể sửa chữa các mô bị thương tổn và làm lành lặn các vết thương. Thế nhưng ở người bệnh ung thư thì cơ chế này tạo lập ở bướu những mạch máu nhỏ li ti giúp bướu tăng trưởng!
Các chất chống tăng sinh mạch là loại điều trị nhắm đích với những thuốc hoặc hoạt chất khác ngăn chặn bướu tạo thêm mạch máu mới cần thiết để nó tăng trưởng. Từ đầu thập niên 1970, Judah Folkman (1933 - 2008) là người đầu tiên nêu ra quan điểm này. Nhưng phải đợi mãi đến 2004 thì mới có chất ức chế tăng sinh mạch đầu tiên là Bevacizumab (Avastin) được công nhận. Bevacizumab được dùng điều trị ung thư đại trực tràng tiến xa, ung thư thận và ung thư phổi. Về sau Bevacizumab được nghiên cứu điều trị cho nhiều loại ung thư khác. Từ năm 2004 đến nay, nhiều loại thuốc mới với khả năng ngăn chặn tăng sinh mạch đã được bổ sung vào danh mục.

c.      Các thuốc kích đẩy cái chết lập trình của tế bào

Apoptosis hay cái chết lập trình của tế bào là một cơ chế tự nhiên qua đó những tế bào có DNA hư hỏng nặng khó tự sửa chữa – như tế bào ung thư chẳng hạn – có thể bị kích thích và thúc đẩy phải chết. Nhiều phương pháp điều trị ung thư (bao gồm cả xạ trị và hóa trị) gây nên những biến đổi ở tế bào cuối cùng dẫn đến cái chết của tế bào ung thư. Thế nhưng các thuốc trong nhóm điều trị đích thì lại khác vì chúng nhắm chuyên biệt vào đích là những thành tố của tế bào có chức năng kiểm soát sự sống và chết của tế bào.

I.       TIẾN BỘ CỦA KHẢ NĂNG SỐNG CÒN CỦA NGƯỜI BỆNH UNG THƯ

Chỉ trong vài thập niên vừa qua thì dự hậu (hay là viễn cảnh tương lại) của những người phải đối mặt với bệnh ung thư không được thuận lợi như hiện nay. Trong thập niên 1970 ước chừng 1/2 người bệnh ung thư sống được 5 năm (theo thuật ngữ ung thư thì một người mắc bệnh ung thư hoàn tất điều trị, sau đó sống không bệnh được 5 năm thì được xem là khỏi bệnh). Ngày nay thì nhiều hơn 2/3 bệnh nhân ung thư đã qua điều trị sống được lâu hơn thế. Riêng ở Mỹ hiện có hơn 14 triệu người sống khỏi bệnh ung thư.
Vì có nhiều người hơn sống khỏi bệnh ung thư, nên có nhiều quan tâm hơn tập trung vào chất lượng sống và những kết quả về lâu về dài đối với những người khỏi bệnh này. Các nhà khoa học nghiên cứu hành vi đã tìm tòi và học hỏi kỹ hơn những vấn đề mà người khỏi bệnh ung thư phải đối mặt. Một số vấn đề có liên quan đến y học thí dụ như tác dụng phụ kéo dài vĩnh viễn của điều trị, hay khả năng xuất hiện một ung thư thứ nhì gây nên bởi chính việc điều trị, rồi sự cần thiết của điều trị lâu dài và việc theo dõi y tế định kỳ. Còn những vấn đề khác nữa thí dụ như những khó khăn thách thức về tâm lý, về xã hội, cụ thể như làm sao có được bảo hiểm y tế, hay sự phân biệt đối xử của chủ sử dụng lao động, rồi những thay đổi trong mối quan hệ đưa đến chứng sợ bị xâm hại, hoặc là phải học cách sống dưới áp lực căn bệnh sẽ tái lại.
Ung thư là từ mà người ta thường sợ hãi khi phải nói ra trước công chúng, và người ta cũng rất khó khăn chấp nhận là người đã được thoát khỏi bệnh ung thư. Ngày nay có nhiều người nổi tiếng và nhiều nhà lãnh tụ trên thế giới đã thẳng thắn trao đổi và chia sẻ những trải nghiệm về bệnh ung thư của chính bản thân họ. Viễn cảnh bệnh ung thư là bệnh chữa khỏi được và nỗi sợ hãi phải sống với quá khứ gắn liền với căn bệnh này đang dần dần thay đổi.

J.      UNG THƯ Ở THẾ KỶ 21

Sự phát triển kiến thức về sinh học ung thư của chúng ta đã đem lại những tiến bộ quan trọng trong phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị ung thư. Các nhà khoa học đã tìm tòi học hỏi được rất nhiều về bệnh ung thư trong hai thập niên vừa qua, vượt xa những hiểu biết thu lượm được trong suốt tất cả bao nhiêu thế kỷ trước đây. Thế nhưng vẫn chưa đủ để xoay chuyển được vấn đề, dù rằng tất cả kho kiến thức này đã dựa trên những hiểu biết và khám phá đạt được thông qua quá trình làm việc vất vả của các nhà khoa học tiền bối. Chúng ta biết là vẫn phải tiếp tục học hỏi tìm tòi để khám phá thêm nữa.
Nghiên cứu về bệnh ung thư đang tiến bộ trên rất nhiều lãnh vực nên thật khó để lựa chọn vấn đề nào là tiến bộ quan trọng nhất. Sau đây là một vài thí dụ:
·        Càng nhiều phương thức điều trị nhắm đích: Khi càng tìm tòi học hỏi về sinh học phân tử của bệnh ung thư thì các nhà nghiên cứu lại càng tìm ra nhiều đích phân tử cho những thuốc mà họ mới tổng hợp. Dần dần, cùng với càng nhiều kháng thể đơn dòng hơn và ít chất ức chế đường truyền, các nhà nghiên cứu đang phát triển được những nhóm phân tử mới như antisense deoxynucleotides và small interfering RNA (siRNA). Các nghiên cứu cũng đang được thực hiện để phát minh các thuốc nhắm hướng đích nhằm tấn công cả các protein sản sinh ra bởi các đột biến gen đặc trưng trong tế bào ung thư.
·        Điều trị miễn dịch: Thuốc nhắm vào các điểm kiểm soát miễn dịch đang được phát triển để hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể tiêu diệt mạnh hơn tế bào ung thư.
·        Nhiều phát triển hơn về di truyền ung thư: Các nhà nghiên cứu nhắm vào các đột biến gen tác động ở một số người bệnh tạo nên đáp ứng tốt hơn với một vài loại thuốc nào đó.
·        Kỹ thuật nano: Kỹ thuật mới trong sản xuất vật liệu tạo ra thành những hạt siêu nhỏ đưa vào trong cơ thể giúp cho các kỹ thuật hình ảnh dễ dàng tìm ra vị trí của khối bướu. Đồng thời kỹ thuật này cũng hỗ trợ phát triển những đường dẫn mới để đưa thuốc điều trị đến tế bào ung thư một cách chuyên biệt và hiệu quả hơn.
·        Phẫu thuật robot: Cụm từ này mô tả việc vận hành các dụng cụ mổ qua điều khiển các tay cầm robot dưới sự kiểm soát của một phẫu thuật viên. Hệ thống robot đã được sử dụng thực hiện nhiều phẫu thuật điều trị ung thư: Cắt tuyến tiền liệt là phẫu thuật thường được làm nhất trong phẫu trị ung thư. Với những tiến bộ không ngừng về cơ học và vi tính thì các nhà nghiên cứu tin tưởng trong tương lai sẽ có những hệ thống robot giúp mổ các bệnh ung thư tận gốc hơn với sang chấn phẫu thuật tối thiểu.
·        Expression profiling và proteomics
Expression profiling cho phép các nhà khoa học xác định một cách tương đối sản lượng của hàng trăm thậm chí hàng ngàn phân tử (bao gồm cả các protein làm ra bởi RNA, DNA, thậm chí bởi một tế bào hay một loại mô) trong một lần thao tác. Biết được loại protein nào có mặt trong tế bào có thể giúp cho nhà khoa học thêm thông tin về hoạt động của tế bào đó. Trong ung thư điều này giúp phân biệt tế bào có độ ác tính cao với tế bào có độ ác tính thấp, và có khi giúp tiên đoán loại thuốc nào mà bướu có khả năng đáp ứng tốt hơn.
Kỹ thuật proteomics còn dùng để tiến hành thử nghiệm tầm soát ung thư. Đối với phần đông các loại ung thư, việc đo đạc lượng của một protein trong máu là không thật hữu ích để phát hiện sớm ung thư. Thế nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng vào việc so sánh một cách tương đối lượng của nhiều loại protein sẽ hữu ích hơn; và khi tìm thấy lượng của vài loại protein này cao và lượng của vài loại protein khác thấp thì thông tin có được sẽ hữu ích cho phương pháp điều trị và cho dự hậu sau điều trị của bệnh. Các protein và vài loại phân tử khác có thể được tìm thấy trong hơi thở ra, đây là việc mà hiện nay đang được tập trung tiến hành để tìm xem có thể phát hiện dấu chứng sớm của ung thư phổi. Đây là lãnh vực nghiên cứu rất lý thú và hứa hẹn sẽ sớm cho những hiểu biết sâu hơn về bệnh ung thư phổi và ung thư đại trực tràng.

PHỤ LỤC

I.        CHÚ GIẢI CỦA NGƯỜI DỊCH

Bài “The History of Cancer” của ACS đọc kỹ sẽ cảm nhận được tính lịch sử sâu sắc và tính chuyên môn khoa học cao.
Trong bài có một số từ hay cụm từ chuyên khoa về ung thư học và sinh học phân tử ung thư chưa có từ tiếng Việt tương hợp. Người dịch ghi lại, kèm theo chú giải với mong muốn giữ được sự xuyên suốt khi đọc bài dịch.
1.      Trang 5: Gen BRCA1 và BRCA2. Đây là 2 gen thuộc nhóm ức chế bướu. BRCA1 được tìm ra năm 1990, nằm ở nhánh dài của nhiễm sắc thể 17, BRCA2 được tìm ra năm 1995, cũng ở nhánh dài của nhiễm sắc thể 13. Những protein sản xuất bởi 2 gen này ngăn chặn không cho tế bào tăng trưởng và phân chia quá nhanh hoặc không kiểm soát được. Đột biến ở các gen này có nguy cơ làm tăng tỷ lệ phụ nữ mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng lên gấp 4 – 5 lần.
Nói thêm: Nữ tài tử Angelina Jolie (AJ, sinh 1975) được phát hiện có đột biến gen BRCA1, được giải thích có nguy cơ 87% mắc ung thư vú và 50% mắc ung thư buồng trứng. Mẹ của AJ, bà Marcheline Bertrand mất vì ung thư buồng trứng năm 56 tuổi (2007). AJ đã tiến hành làm đoạn nhũ dưới da hai vú kèm tạo hình vú năm 2013, và cắt bỏ hai buồng trứng năm 2015.
2.      Trang 9: Aromatase và các chất ức chế aromatase. Ung thư vú là loại ung thư có liên hệ với nội tiết tố estrogen. Khoa học đã khám phá estrogen có khả năng kích thích tế bào ung thư vú tăng trưởng. Ở phụ nữ tiền mãn kinh mắc ung thư vú, người ta vô hiệu hóa tác dụng của estrogen bằng cách hủy hai buồng trứng (cắt bỏ hoặc xạ trị). Tuy nhiên còn một số mô khác của cơ thể vẫn tổng hợp và sản xuất estrogen với lượng ít hơn. Aromatase là chất men cần thiết cho sự tổng hợp estrogen. Các chất ức chế aromatase giúp triệt tiêu sự sản xuất estrogen của cơ thể, vì vậy có công dụng phòng ngừa và điều trị ung thư vú ở phụ nữ đã mãn kinh.
Tamoxifene (Nolvadex) đã được sử dụng từ 1977 là một chất thuộc nhóm SERMs (Selective estrogen receptor modulator) có tác dụng tranh chỗ gắn vào thụ thể estrogen (ER) cản không cho estrogen gắn vào để được hoạt hóa: Tamoxifene là hoạt chất đầu tiên điều trị ung thư vú. Những chất ức chế aromatase là loại thuốc đời sau, tiêu biểu là Anastrozole (Arimidex) và Letrozole (Femara).
LHRH: Luteinizing – hormone releasing – hormone. Một khám phá quan trọng về nội tiết học là tìm ra một nhóm nội tiết tố của vùng dưới đồi não bộ (hypothalamus). Đó là nhóm Gonadotropine – releasing hormones, gồm có Follicle stimulating – hormone releasing – hormone (FSH-RH) và Luteinizing – hormone releasing – hormone (LH-RH).
LH-RH hoặc các chất đồng đẳng tranh chỗ với tín hiệu mà tuyến tiền não thùy tiết ra kích thích buồng trứng tiết ra estrogen. Sử dụng LH-RH cũng là một cách loại trừ tác dụng của estrogen để điều trị ung thư vú. Công trình khám phá nhóm nội tiết tố này đã đem lại giải thưởng Nobel sinh lý học năm 1977 cho ba nhà khoa học là Roger Guillemin, Andrew Schally và Rosalyn Yalow.
3.      Trang 10: Alkylating agents/ Hoạt chất alkyl – hóa. Đây là nhóm thuốc không phải nội tiết tố lần đầu tiên sử dụng điều trị ung thư.
Trong thế chiến thứ nhất, chất khí cải cay – mustard gas mà hoạt chất là sulfur mustard được sử dụng làm vũ khí hóa học. Năm 1943, ở Bari – Ý, sau một tai nạn với chất khí cải cay, những người bị phơi nhiễm làm xét nghiệm máu thấy các dòng tế bào máu giảm mạnh, nhất là bạch cầu, do tủy xương bị ức chế. Tình cờ người ta tìm ra một hoạt chất có tác dụng trị ung thư máu (bệnh bạch cầu). Hoạt chất này là nhóm Alkyl CnH2n+1 gây hư hoại DNA làm tế bào ngừng phân chia và chết đi.
Chất đầu tiên tổng hợp làm thuốc trị ung thư là Cyclophosphamide. Sau đó nhiều chất khác tiếp tục được tổng hợp, tập hợp thành 3 nhóm:
-        Nhóm cổ điển: Cyclophosphamide, Melphalan, Chlorambucil, Ifosfamide
-        Nhóm đồng dạng với gốc Platinum: Cisplatine, Carboplatin, Oxaliplatin
-        Nhóm không cổ điển: Procarbazin, Altretamin
4.      Trang 11: Điều trị kết hợp với Liposome. Một vấn đề liên quan đến hóa trị: Phần lớn các ung thư có dạng bướu đặc với một số thuộc tính đặc biệt như là bất thường về hệ máu nuôi, bất thường của các thụ thể, biến đổi của vi môi trường quanh bướu về độ toan, về các loại men như thiolase… Đó là những hạn chế tác dụng đối với các thuốc hóa trị. Để bảo vệ số lượng và chất lượng của thuốc đặc trị các nhà khoa học tìm kiếm các vi chất (nano - particles) để làm chất vận chuyển – Liposome là một chất vi vận chuyển (nanovector) có khả năng bảo toàn và chuyên chở thuốc trong máu, đến tập trung tối đa quanh bướu và lựa chọn các đích phân tử chính xác nên sẽ đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
5.      Trang 12: Interferons, Interleukins, Cytokines.
Cytokines là một nhóm proteins có trọng lượng phân tử nhỏ tác động đến các tế bào ở gần nó và tạo ảnh hưởng như một chất điều hòa và kích thích miễn dịch. Cytokines được sản xuất bởi nhiều loại tế bào khác nhau trong cơ thể như đại thực bào, tế bào lymphô B và T và một số tế bào khác vì vậy được chia thành nhiều nhóm khác nhau, trong đó quan trọng nhất là Interferons, Interleukins. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và tổng hợp được các Interferons, Interleukins để sử dụng làm thuốc kích thích và làm tăng phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại virut, vi khuẩn, ký sinh trùng xâm nhập và cả tế bào ung thư.
6.      Trang 14: Antisense deoxynucleotides: Về kỹ thuật các nhà khoa học kết hợp lệch đôi hai đoạn nửa chuỗi DNA (lệch đôi hay ngược đôi các nucleobase) để thử nghiệm một phương pháp điều trị gọi là antisense therapy. Đầu tiên nhắm vào các bệnh di truyền hay lây nhiễm có liên hệ với gen đột biến – thí dụ như bệnh tiểu đường, viêm khớp, bệnh amyotrophic lateral sclerosis – qua nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy phương pháp điều trị này có tiềm năng kích thích tác dụng miễn dịch của cơ thể, và khi kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư kinh điển sẽ làm gia tăng hiệu quả điều trị.
Năm 2014, có hai loại thuốc antisense đã được FDA phê duyệt. Formivisen (Vitravene) chữa bệnh viêm kết mạc do Cytomegavirus và Miproversen (Kynamro) chữa bệnh tăng cholesterol có tính gia đình.
Các nhà khoa học tin rằng kết hợp điều trị antisense với kháng thể đơn dòng sẽ làm gia tăng hiệu quả của hóa trị và xạ trị. Một công trình nghiên cứu lớn trong điều trị pha II và pha III bệnh ung thư phổi đang được tiến hành sẽ sớm cho kết quả.
7.      Trang 14: Small interfering RNA (SiRNA): Về kỹ thuật là các thành phẩm tương tự như antisense deoxynucleotides (đoạn chuỗi từ 13 – 15 nucleotides) với đoạn chuỗi từ 21 – 23 nucleotides. Vì số lượng nucleotides lớn hơn nên cần có chất vi vận chuyển (nano vectors) để đưa vào đến tế bào. Bước đầu thực nghiệm cho thấy có tiềm năng điều trị một số bệnh của hệ thần kinh trung ương. Bước kế tiếp là thử nghiệm điều trị một số bệnh ung thư di căn vào gan với kết quả sơ khởi là bệnh ung thư ổn định được 6 tháng kèm theo sự thoái triển của di căn ở gan.
SiRNA được hy vọng là một phương thức mới đưa thuốc đích vào đến tế bào, giúp nhận diện các đích mới của một số bệnh như viêm gan, HIV và bệnh ung thư.
8.      Trang 14: Expression profiling/ Gene expression profiling (GEP)
Ung thư là bệnh biểu hiện sự tăng trưởng và phân chia của tế bào không kiểm soát được. Nguyên nhân do các gen điều hòa sự phát triển và biệt hóa của tế bào bị hư hỏng do đột biến. Những đột biến này thông qua sự phân chia liên tục của tế bào sẽ hiện diện ở tất cả các tế bào ung thư.
Tạm hiểu GEP là kỹ thuật sinh học phân tử nhằm giải mã sự biểu hiện của cả ngàn gen, biết được hoạt động của tế bào ở từng thời điểm qua thu thập số lượng và chất lượng các protein được tế bào sản xuất. Những thông tin ngày giúp phân loại bướu chính xác hơn, và giúp tiên đoán diễn tiến cũng như hiệu quả điều trị trên người bệnh ung thư.
9.      Trang 14: Kỹ thuật Proteomics
Proteome là bộ của tất cả protein được bộ phận cơ thể - loại mô – hoặc tế bào sản xuất được phân tích và giải trình bằng kỹ thuật sinh học phân tử.
Nghiên cứu bộ các protein giúp tìm ra các protein có dính líu hay gắn kết với một căn bệnh. Sau đó với thông tin về cấu trúc 3D của protein người ta sẽ tìm loại hóa chất nào chen được vào protein và tác động vào tế bào bệnh.
Đồng thời, khi nghiên cứu về bộ protein các nhà khoa học sẽ tìm được những khác biệt đặc trưng trên lãnh vực di truyền của cá nhân và dùng làm cơ sở tổng hợp thuốc ứng hợp với cá nhân đó.
Mặt khác, cũng qua nghiên cứu về bộ protein, các nhà khoa học sẽ tìm ra trình tự những protein chính trên một mẫu riêng nhưng khác biệt trên một mẫu khác: ví dụ như mẫu tế bào bệnh với mẫu tế bào khỏe mạnh. Nếu tìm ra một protein nào đó chỉ có ở tế bào bệnh thì đó có thể là một đích nhắm tốt để sản xuất thuốc đặc trị nhắm đích. Trong tương lai, với những tiến bộ mới của kỹ thuật sinh học phân tử sẽ giúp tìm ra các protein sử dụng như chất đánh dấu sinh học để chẩn đoán ung thư sớm nhất.

II.        LỜI BẠT

            Quả đất và con người đã có từ bao triệu năm. Thời tiền sử là từ sáu triệu năm đến ba ngàn năm trăm năm trước thời đại bây giờ (TĐBG). Người tối cổ sống trên quả đất bốn triệu năm trước, tiến hóa thành người tinh khôn đã bốn vạn năm trước TĐBG.
            Một vạn năm trước TĐBG là thời đá mới đánh dấu một cuộc cách mạng trong đời sống của người tinh khôn: Biết trồng trọt chăn nuôi, biết dùng da thú che thân và bắt đầu có “văn hóa”.
            Chỉ ba ngàn năm trước công nguyên, cổ thư Edwin Smith đã mô tả 8 trường hợp bướu hoặc loét ở vú được đốt lấy đi là ghi nhận đầu tiên về bệnh ung thư ở người.
            Trong khoảng bảy trăm năm từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên đến thế kỷ thứ 2 sau công nguyên: Hippocrates, ông tổ ngành Y rồi các bậc thầy như Celsus, Galen vẫn loanh quanh với những lý thuyết mơ hồ về nguyên nhân ung thư và các thầy thuốc thời đó vẫn mù mờ loay hoay điều trị một căn bệnh không thể chữa khỏi.
            Phải đến thời Phục hưng thế kỷ 15 trở đi, sang các thế kỷ 16, 17, 18 nền khoa học mới có những tiến bộ đáng kể đem lại những hiểu biết cụ thể hơn về bệnh ung thư.
            Thế kỷ 19 sang thế kỷ 20 là thời điểm bản lề của khoa học nói chung và y học nói riêng với những kiến thức mới khám phá vững chắc và đúng đắn: Cụ thể là ở những thập niên cuối thế kỷ 20 sang thập niên đầu thế kỷ 21. Giải Nobel Y học năm 1962 được trao cho James Watson và Francis Crick với khám phá cấu trúc hóa học của DNA để biết được mã di truyền của gen người là công trình cột mốc mở toang bí ẩn của sự sống. Nghiên cứu nối tiếp nghiên cứu trên thế giới đã giúp các nhà khoa học hiểu chính xác những nguyên nhân gây ung thư, những yếu tố nguy cơ nội tại và ngoại lai dần dần được tìm ra. Các phương pháp điều trị ung thư nhờ đó đã thay đổi, trở nên đặc hiệu hơn và hoàn thiện hơn.
            Trong tương lai một vài thập niên nữa, bệnh ung thư chắc chắn sẽ không còn là nỗi ám ảnh ghê gớm của con người, mà trở thành một căn bệnh như bao nhiêu bệnh khác: Phòng ngừa tốt, chẩn đoán sớm và điều trị khỏi lâu dài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      American Society of Clinical Oncology. Clinical Cancer Advances 2009: Major Research Advances in Cancer Treatment, Prevention and Screening. Accessed at www.cancer.net/patient/ASCO%20Resources/Research%20and%20Meetings/CCA_2009.pdf on June 8, 2012.
2.      American Society of Clinical Oncology. Clinical Cancer Advances 2010: ASCO’s Annual Report on Progress Against Cancer. Accessed at www.cancer.net/patient/Publications%20and%20Resources/Clinical%20Cancer%20Advances/CCA_2010.pdf on June 8, 2012.
3.      American Society of Clinical Oncology. Clinical Cancer Advances 2011: ASCO’s Annual Report on Progress Against Cancer. Acessed at www.cancer.net/patient/Publications%20and%20Resources/Clinical%20Cancer%20Advances/CCA_2011.pdf on June 8, 2012.
4.      American Society of Clinical Oncology. Progress & Timelines Accessed at www/.cancerprogress.net/timeline/major-milestones-against-cancer on June 12, 2014.
5.      Contron R, Kumar V, Robbins S. Robbins Pathologic Basis of Disease, 4th ed. Philadelphia, Pa: WB Saunders; 1989.
6.      CureToday. Timeline: Milestones in Cancer Treatment. Accessed at www.curetoday.com/index.cfm/fuseaction/article.show/id/2/article_id/631 on June 7, 2012.
7.      Devita VT Jr, Rosenberg SA. Two Hundred Years of Cancer Research. N Engl J Med. 2012; 366 (23): 2207 – 2214.
8.      Diamandopoulus GT. Cancer: An historical perspective. Anticancer Res.1996;16:1595 – 1602.
9.      Gallucci BB. Selected concepts of cancer as a disease. From the Greecs to 1900. Oncol Nurs Forum. 1985;12:67 – 71.
10. Hajdu SI. A Note from History: Landmarks in History of Cancer, Part 1. Cancer.2011; 117 (5): 1097 – 1102.
11. Hajdu SI. A Note from History: Landmarks in History of Cancer, Part 2. Cancer.2011; 117 (12): 2811 – 2820.
12.  Hajdu SI. A Note from History: Landmarks in History of Cancer, Part 3. Cancer.2012; 118 (4): 1155 – 1168.
13. Hajdu SI. A Note from History: Landmarks in History of Cancer, Part 4. Cancer.2012; 118 (20): 4914 – 4928.
14. Hajdu SI. Darvishian F. A Note from History: Landmarks in History of Cancer, Part 5. Cancer.2013; 119 (8): 1450 – 1466.
15. Hajdu SI. Vadmal M. A Note from History: Landmarks in History of Cancer, Part 6. Cancer.2013; 119 (23): 4058 – 4082.
16. Harvey AM. Early contributions to the surgery of cancer: William S. Halsted, Hugh H. Young and Johh G. Clark. John Hopkins Med-J. 1974;135:399 – 417.
17. Institut Jules Bordet. The History of Cancer. Accessed at www.bordet.be/en/presentation/history/cancer_e/cancer1.htm on June 8, 2012.
18. Kardinal C, Yabro J. A conceptiual history of cancer. Semin Oncol. 1979; 6:396 – 408.

Last Medical Review: 6/12/2014
Last Revised: 6/12/2014
2014 Copyright American Cancer Society

Bài dịch: 03.3.2016 – 10.10.2016