Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

Ước mơ thành sự thật

1- ƯỚC MƠ

   Tôi mê xem đá banh từ lúc còn nhỏ, lúc còn ở Cao Miên. Niềm say mê đó theo tôi đến khi tôi về VN và cho đến tận bây giờ.
     Trước ngày mất nước tôi thường đến sân Cộng Hòa xem các trận cầu giữa các đội bóng nổi danh thời đó như Tổng Tham Mưu, CSQG, Cảng Saigon... Lúc ấy ít khán giả nên tôi được ngồi khán đài có mái che (khán đài A). Nhưng sau ngày đó,tôi đâu có đủ tiền để được ngồi khán đài A nữa. Sau 75,khán giả đến sân rất đông, nhất là khi có những đội nổi tiếng của Miền Bắc như CLBQĐ, CAHN, TCĐS... vào Saigon đá giao hữu. Để có chổ ngồi tốt,tôi phải đến sân  vận động rất sớm,ngồi bên khán đài B (khán đài nầy không có số). Tôi phải đến sân vào khoảng 12g trưa, chịu dải nắng dầm mưa (đúng nghĩa đen) 3 giờ để xem trân đấu bắt đầu lúc15g trận đấu (hình như lúc đó Vỏ Quốc Chí (CO) cũng chịu cảnh như tôi vì bạn ta cũng ghiền xem đá banh).
    Trong lúc chờ đợi dưới trời lúc mưa lúc nắng, tôi nhìn qua khán đài A (giờ đó còn trống trơn) mà lòng ao ước một ngày nào đó tôi lại được ngồi bên kia. Mơ thì vẫn mơ nhưng lúc đó tôi thấy không có một tia hy vọng nào cả. Vậy mà... 

   2- ƯỚC MƠ thành SỰ THẬT   
   Nhờ một phép lạ các bạn.
   Tôi lúc đó đang làm tại phòng cấp cứu khoa lây 1 với Lê Khắc Bình (BN). Chúng tôi chia giường để phụ trách bn. Bs trưởng khoa là bs Bùi Xuân Vĩnh, một bs từ Miền Bắc vào, tuổi đã cao, nói tiếng Pháp rất cừ, tài ăn nói thì khỏi chê (nghe nói là bà con rất gần với Đại Sứ Bùi Diễm, và hình như ông đang ở biệt thự của vị Đại Sứ nầy). Ông không phải là Bs Nhi Khoa. Khi chuyễn BV Đồn Đất (BV Grall củ), chuyên trị bệnh cho cán bộ trung cấp, thành BV Nhi Đồng 2, ông ở lại làm việc có lẽ vì đã lớn tuổi. Như đã nói, vì có biệt tài ăn nói, ông là gương mặt quen thuộc của Truyền Hình Tp với các buổi thuyết giảng,hay giải đáp các thắc mắc về bệnh trẻ em cho người dân Tp. Tôi hơi dài dòng về ông bs nầy, là để cho các bạn thấy vì sao ông được các giới lảnh đạo Tp tin tưởng tuyệt đối... nhưng đó là một sai lầm chết người.
     Tôi và BN cùng phụ trách phòng cấp cứu cho Bs Vĩnh, nghĩa là nếu bệnh nhẹ thì nằm khu lây 1, còn bệnh nặng hay trở nặng thì chuyển qua phòng cấp cứu của chúng tôi, được gọi là C/C lây. Bs Vĩnh phụ trách các phòng VIP, dành cho con cái các VIP của Tp. Câu chuyện của tôi là về con của một ông VIP ngành TDTT, ông Lê Bửu, Giám Đốc sở TDTT tphcm mà chúng tôi gọi thân mật là 'Anh Hai"(sau nầy Ông Vỏ Văn Kiệt đưa lên làm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục TDTT VN, hàm Bộ Trưởng,lúc đó ngành TDTT không có Bộ Trưởng).
      Một buổi sáng vào làm việc, tôi thấy trên giường tôi phụ trách, có một bé gái khoảng 4,5 tuổi gì đó đang được "vô nước biển", tổng trạng không được tốt lắm. Cô y tá cho hay bé nầy được chuyển khuya qua từ phòng VIP của Bs Vĩnh vì bị trụy mạch và theo Bs trực hôm đó là do bị SHX. Như thế có nghĩa là bs TK của tôi và bác Bình, đã mắc sai lầm nghiệm trọng trong chẩn đoán. Chắc ông nghĩ đây chỉ là một ca viêm họng thông thường, nên cho nằm phòng VIP mà không có sự theo dỏi đặc biệt của bệnh SXH (thật ra sai lầm của ông có thể hiểu được vì tôi đã gặp rất nhiều cas như vậy của các Bs không chuyên về bệnh nầy, tại vì viêm họng có trong 90% trường hợp SXH và Tiểu Cầu chỉ giảm dưới 100.000/mm3 sớm nhất là ngày thứ ba sau sốt (thường là ngày thứ 4). Tôi đã phải trả lời không biết bao nhiêu lần cho các bà mẹ,sau khi mất đứa con thân yêu vì sự nhầm lẩn chết người nầy của các Bs điều trị không biết gì về bệnh SXH. Sự nhầm lẩn của Bs Vĩnh vô tình củng tạo ra một tình huống hi hửu:khoa lây 1 của chúng tôi không nhận các ca SXH vì đã có khoa Lây 2, chuyên bệnh SXH. Có lẽ vì tình trạng đứa bé nặng quá nên phải đưa qua phòng c/c của chúng tôi thay vì khoa Lây 2.
      Bây giờ tới phần diển biến bệnh đứa bé. Tôi lúc đó có thể nói đã có nhiều kinh nghiệm về SXH (ở NĐ1, NĐ2 tôi đều có làm tại khoa SXH), nhưng chưa bao giờ gặp một trường hợp quá ư là lạ lùng như thế nầy:trụy mạch cứ tái diển,xuất huyết tiêu hóa nặng và kéo dài). Tôi không  tài nào nhớ nổi đã dùng không bao nhiêu chai Normal Saline, bao nhiêu chai macromolecules, bao nhiêu chai máu. Tiêm truyền nhiều đến nổi không còn veines để tiêm.Tôi nhớ tôi phải làm denudation veineuse ở 2 cổ chân, rồi sau đó phải nhờ Bs khoa ngoại đến làm denudation ở cả 2 khuỷa tay.
 Còn có một một sự hết sức lạ lùng nữa. Nếu ai đã từng điều trị bệnh SXH nặng, chắc cũng đã từng chứng kiến cảnh đau lòng nầy: tình trạng đang tốt dần lên rồi ổn định. Bổng nhiên đứa nhỏ bị run (do " sốc nước biển"). Sau đó co gồng và ngưng thở( giống hệt như bị Viêm Nảo). Tôi đã gặp cả trăm,cả ngàn lần choc do tiêm truyền, không ai chết cả. Ngược lại cho tới lúc đó tôi chưa thấy đứa bé bị SXH nào choc tiêm truyền mà sống trừ duy nhất bé nầy, choc TT tới 3 lần mà không chết!
    Thường,trong SXH,sinh mạng bn sẽ được giải quyết trong 7 ngày. Con ''anh Hai" đươc "kéo" tới ngày nầy. Ai nấy cũng đều mừng mà tôi là người mừng nhất. Bn của tôi đã anh dũng chống chọi với lưởi hái tử thần đang cận kề cổ từng giây,từng phút, từng ngày và đã chiến thắng. Tôi muốn ôm bé vào lòng và nói "cám ơn con", con đã giúp bác hiểu thế nào sức chiến đấu để sống của con người và người Bs đừng bao giờ buông xuôi, hoặc mất hết hy vọng khi bn tim còn đập, phổi còn hoạt động,não còn làm việc.
      Đứa bé chỉ còn bị phù, khám tim phổi không có gì đặc biệt ngoài giảm phế âm 2 đáy phổi, điều bình thường ở bn SXH nặng,phải truyền dịch nhiều (thời đó không có làm CVP). Sáng hôm đó Bs Dương Quang Trung, GĐ SYT đến thăm đứa nhỏ (trước đó ông cũng đến thăm một vài lần) và hỏi tôi tình trạng đứa bé như thế nào? Tôi tự tin, trả lời một cách chắc nịch: đứa bé đã qua cơn nguy hiểm, không còn gì để lo! Vậy mà...
      Tối hôm đó tôi về nhà (4,5 ngày trước đó, tối nào tôi cũng ngủ ở BV, cùng anh Hai theo yêu cầu thiết tha của anh (anh Hai rất "biết điều", tối nào anh cũng bồi dưởng với thức ăn ngon, bia bọt đầy đủ, anh biết tôi là dân chịu ăn nhậu). Tuy có mệt nhưng vui các bạn.
       Trời lúc đó hiu hiu lạnh,hình như vào cuối tháng 12. Vào khoảng hơn 10g, tôi bổng thấy buồn buồn, lòng không yên.Tôi mới nói với nhà tôi: "anh ra ngoài môt chút, lấy xe dạo vài vòng Tp cho đở buồn."Tôi khoát chiếc blouson rồi lấy xe đi. Các bạn có biết tôi đi đâu không? Sau lượn vài vòng Tp, tôi vào BV! Mới vừa dựng chiếc xe Suzuki Dame cà tàng của tôi, thì thấy "anh Hai" hơ hải chạy đến,nói "Giỏi, Giỏi, mầy tới coi con Hương coi, nó sắp chết rồi". Tôi xanh mẳt, vội chạy lên phòng và thấy bn của tôi đang "thở ngáp cá". Tôi giựt chiếc Stheto và nghe phổi con bé: đầy ran nổ!
       Tôi quyết định chụp phổi ngay dù đứa bé đang hấp hối. Nhưng phải làm cho thật nhanh. Phòng XQ BV tuy không xa, khoảng 200 m cách C/C Lây, nhưng với tình trạng nặng như thế, không thể ôm đứa bé, bình O2, chai dịch truyền mà chạy đến phòng XQ cho được. Tôi điện xin một chiếc xe hơi để chở đứa nhỏ.Tất cả đều làm rất nhanh. Kết quả về:2 phế trường "trắng xóa"(dân trong nghề hay gọi " 2 phổi nát bét"). Tôi biết đây là một trường hợp bị bội nhiểm  một phần do những manoeuvres intempestives mà chúng tôi đã sử dụng một phần vì hệ thống miễn nhiễm của bé đang rất yếu.
      Tôi liền chỉ định tiêm TM 2 thứ thuốc: Lincomycine và Gentamycine. Nhưng cô y tá trực hôm đó cho biết BV không còn lincomycine, chỉ có gentamycine! Trời,lúc đó đã gần 12g khuya, các chợ trời thuốc tây đã đóng cửa (thời gian đó BV thường thiếu thuốc, thân nhân bn phải ra chợ trời mua thuốc điều trị cho con em). Làm sao bây giờ? Tới đây các bạn sẽ thấy rất rỏ: con người có số.
      Sau một vài giây bức đầu bức tóc,tôi bổng nhớ ra:trong tủ thuốc của phòng C/C chúng tôi có lincomycine! Số là trước đây tôi có quen với một Bs Pháp, là medecin traitant của TLS Pháp tại TPHCM qua sự giới thiệu của bà DQH. Cậu ta còn rất trẻ và làm Bs điều trị cho Consulat, thay thế cho 18 tháng nghĩa vụ QS. Cậu hay xuống C/C Lây để tôi chỉ dẩn về nghề nghiệp. Sau 18 tháng làm việc tại TLS, cậu trở về Pháp. Trước khi đi cậu đem cho tôi một bịt thuốc và nói: tôi có một số thuốc để lại cho vous, để dùng cho bn nào cần (bịt thuốc đó tôi để trong tủ của phòng và người giử chìa khóa là cô y tá trưởng). Tôi"mừng hết lớn" vội vã kêu cô y tá trực đem thuốc ra chích cho bn. Cô trả lời:"Dạ,chiều nay chị Trí (cô y tá trưởng) đem chìa khóa tủ về rồi, không mở tủ thuốc được."Nhà cô Trí không biết biết ở đâu mà trời thì khuya lơ khuya lất rồi. Lại gian nan! Phải cạy tủ thôi và tôi đã nhờ Bảo Trì. Nói thật, lúc đó, dù đã có đủ thuốc điều trị nhưng tôi cũng không hy vọng lắm. Vậy mà...
      Vào khoảng hơn gần 5 g, tôi ra xem đứa bé. Tôi rất ngạc nhiên (trong sự hạnh phúc vô bờ), đứa bé hồng hào trở lại, thở gần như bình thường, các signes vitaux được cải rất nhiều. Đút sthetho vô nghe các thấy râles crepitants không biết đi đâu chơi gần hết. Trong đời và mãi cho tới bây giờ tôi chưa gặp một trường hợp thứ hai.
    Vài ngày sau đó bé Việt Hương, con gái út "anh Hai", được đưa qua ICU của bác CO để hồi phục sức khỏe.
     Và cũng từ ngày đó, 3 chúng tôi luôn được tặng vé VIP, để xem đá banh.Emoji
       Riêng đối với tôi, ƯỚC MƠ đã THÀNH SỰ THẬT.
    
         VZ

Cám ơn VG chia xẻ những kinh nghiệm nơi quê nhà. 
Nó nói lên sự thật là các bạn ta được đào tạo thành các BS đầy đủ khả năng để giúp mọi người. 
Thân mến 
HT 

Cám ơn Hxx và cám ơn anh Hà,đã viết tốt về em.
 Giỏi