HOÀNG ĐẾ CỦA BÁCH BỆNH
SIDDHARTHA MUKHERJEE
Siddhartha Muhherjee là bác sỹ Mỹ gốc Ấn Độ, sinh năm 1970. Ông tốt nghiệp bác sỹ năm 2000, Đại học Harvard.
Từ năm 2003 đến năm 2006 ông được huấn luyện về bệnh ung thư ở Trung tâm Ung thư Dana Farber, thuộc Harvard Medical School ở Boston, Massachusetts. Từ năm 2018 ông là Associate Professor ở Viện Đại học Columbia.
Siddhartha Mukherjee viết quyển Hoàng Đế Của Bách Bệnh trong sáu năm (2004 – 2010) gồm sáu chương, dày 571 trang; được Simon & Schuster xuất bản năm 2010. Năm 2011, Hoàng Đế Của Bách Bệnh (HĐCBB) nhận giải thưởng Pulitzer về thể loại Tổng quát – không giả tưởng. Tạp chí Time đưa HĐCBB vào danh sách 100 quyển sách khoa học giả tưởng hay nhất mọi thời đại.
Năm 2015 Ken Burns lấy cảm hứng từ HĐCBB dàn dựng thành phim tài liệu truyền hình PBS, lấy cùng tên với quyển sách và nhận được một giải thưởng Emmy.
Hoàng Đế Của Bách Bệnh là một quyển lịch sử về bệnh ung thư có tính khoa học cao và tính nhân văn sâu sắc. Lướt qua hàng ngàn năm từ thời thầy thuốc Ai Cập cổ Imhotep đến Hippocrates rồi Galen.
Từ thế kỷ XVI khi khoa học và Y học chuyển mình phát triển, từ thời điểm đó có nhiều giả thuyết về nguyên nhân bệnh ung thư và đã gây tranh luận suốt hàng thập kỷ.
Lịch sử bệnh ung thư là cả một câu truyện dài về sự kiên cường bền chí; về sự khéo léo tinh tế hoặc sự may mắn bất ngờ của con người, nhưng cũng về niềm kiêu ngạo, tính gia trưởng độc đoán và cả sự tin tưởng hiểu biết sai lầm của con người làm khoa học.
Với ngòi bút thuần túy chuyên môn khoa học kết hợp với thời sự văn học, Siddhartha Mukherjee đã tường thuật những sự kiện y học thật chi tiết và chính xác về không gian và thời gian, về các nhân vật với đầy đủ tiểu sử cá nhân.
Tác giả kể lại những khám phá, những cuộc thử nghiệm, những thất bại, những thành công và cả những cái chết.
Các sự kiện khoa học được mô tả sinh động và chi tiết của tất cả những người tham gia, từ thầy thuốc đến người bệnh.
Ý tưởng chỉ đạo của HĐCBB gồm hai nội dung:
-
Đầu tiên xoáy vào các công trình tìm kiếm các loại thuốc điều trị ung thư; khởi đầu với bệnh ung thư bạch cầu, sau đó chuyển sang một vài bệnh ung thư thuộc hệ bướu đặc.
Đến khi các nhà nghiên cứu có trong tay một số thuốc đặc trị mới, thử nghiệm thành công không nhiều, đôi khi chỉ tạm bợ một thời gian ngắn rồi bệnh tái phát.
Lúc đó mới tỉnh ngộ là không chỉ có một bệnh ung thư, mà có nhiều loại ung thư. Điều trị thất bại là vì đi sai cơ chế. Và lúc đó mới liên tưởng đến binh pháp Tôn Tử:
Biết mình mà không biết người thì thua nhiều hơn thắng.
Từ đó phải chuyển sang bước thứ nhì là tìm hiểu tế bào ung thư.
Khi mà có trong tay cả một kho thuốc điều trị ung thư thì sự khó khăn là kết hợp thuốc thế nào, với liều lượng ra sao để đạt hiệu quả tối ưu và tác dụng phụ tối thiểu.
Rất nhiều công thức đã được thử nghiệm; cũng phải trải qua nhiều thất bại mới có được phác đồ điều trị tốt nhất. Về sau lại được sự hỗ trợ của kỹ thuật ghép tủy xương giúp tránh bị suy tủy, giữ hồng cầu bạch cầu người bệnh được ổn định.
Nội dung dung thứ hai quan trọng hơn, là tìm hiểu nguyên nhân bệnh ung thư là gì?
– thì vẫn lại là một cuộc chiến đấu cam go, đầy sóng gió.
Lý thuyết về mất cân bằng của bốn loại thể dịch trong cơ thể người của Hippocrates là không tưởng. Lý thuyết gia tăng mật đen của Galen cũng không đúng: các nhà khoa học không tìm thấy bóng dáng của mật đen khi giải phẫu khối bướu.
Năm 1858 Rudolf Virchow (1821–1902) ghi nhận sự tăng sinh bất thường của tế bào ung thư, nhưng ông nghĩ là ung thư đến từ môi trường sinh lý chung quanh tế bào.
Walther Flemming (1843–1905) khảo sát tế bào nhuộm anilin phát hiện trước khi tế bào phân chia thì trong nhân tế bào có những sợi màu xanh – tìm hiểu sâu hơn thì tế bào của các sinh vật đều có những sợi màu xanh trong nhân của nó.
Tìm hiểu kỹ hơn thì các loài sinh vật đều có những sợi xanh này khi tế bào ở trong giai đoạn phân bào. Khảo sát tiếp thì phát hiện các loại sinh vật khác nhau về số lượng sợi xanh, và ở người thì có 46 sợi xanh.
Gregor Mendel thí nghiệm với cây đậu cho là những đặc điểm di truyền được truyền đi trong các gói rời, không chia tách được. Mendel không biết gọi là thứ gì đã truyền tải từ cây đậu mẹ sang cây đậu con, đậu cháu. Về sau các nhà khoa học đặt tên cho các sợi xanh là: nhiễm sắc thể (chromosome).
Theodor Boveri nghiên cứu trứng nhím biển kết luận là nhiễm sắc thể mang thông tin cần thiết cho sự tăng trưởng bình thường của tế bào. Năm 1914 ông viết về nguồn gốc của ung thư:
“Nguyên nhân đơn nhất của ung thư là sự hỗn loạn của nhiễm sắc thể màu xanh, chứ không phải là mật đen”.
Các nhà khoa học đã có được kết luận là sự bất thường nằm ngay trong tế bào ung thư. Nguyên nhân của bệnh ung thư có thể là nội sinh.
Ở một lãnh vực khác, các nhà khoa học có thêm những phát hiện mới về bệnh ung thư:
-
Percival Pott ghi nhận mối liên hệ của ung thư da bìu ở trẻ em làm nghề thông ống khói ở Luân Đôn mà khởi nguồn từ phơi nhiễm thường xuyên với bồ hóng trong ống khói nhà.
-
Peyton Rous phát hiện loại ung thư Sarcoma ở gà do nhiễm virus và đặt tên là Rous Sarcoma Virus - RSV.
-
Rồi đến chất a-mi-ăng trong công nghiệp có liên hệ với bệnh ác tính Mesothelioma ở màng phổi.
Tóm lại có hai lý thuyết về nguyên nhân ung thư: nội sinh và ngoại sinh.
Rất nhiều nghiên cứu, rất nhiều thử nghiệm trên động vật và sau chót trên người đã giúp suy ra nguyên nhân bệnh ung thư là một hạt gì đó trong tế bào.
Mãi đến năm 1940 người ta mới biết hạt đó là gene ở trong nhân tế bào.
-
Gene về chức năng là thừa kế mang đặc điểm sinh học di truyền từ tế bào thế hệ này sang thế hệ khác
-
Và về vật lý được mang trong nhân tế bào dưới dạng nhiễm sắc thể
-
Và về hóa học gồm các acid deoxyribonucleic / DNA
→ Từ đó hình thành học thuyết trung tâm của sinh học phân tử ung thư: Với thông tin di truyền từ DNA → RNA → Protein.
Với sự phát triển của sinh học và sinh học phân tử từ cuối thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu tập trung vào một số bệnh ung thư để khảo sát về Gene.
Tiếp tục tìm hiểu thì tìm ra gene có hai loại khác nhau:
-
Một loại gene khi bị kích hoạt và đột biến thì chỉ đạo cho tế bào phân chia nhanh bất thường rồi thành ung thư: gọi là gene sinh ung
-
Ngược lại, bình thường chỉ huy sự phân bào có kiểm soát, nhưng khi bị đột biến thì ngưng hoạt động, thả cho tế bào ngưng phân chia: gọi là gene kháng ung
Đầu tiên từ RSV (Rous Sarcoma Virus) các nhà khoa học tìm ra gene “rsv”, rồi từ bệnh di truyền “u nguyên bào võng mạc” gây mù mắt ở trẻ em tìm ra gene “Rb”.
Ví dụ dễ hiểu: gene “src” bình thường nhận tín hiệu thích hợp thì làm tăng sự phân bào. Ở dạng đột biến thì làm tăng sự phân bào thái quá, giống như xe bị “kẹt chân ga” → gọi là gene sinh ung.
Ngược lại, gene “Rb” được xem là gene kháng ung, bình thường thì ngăn chặn sự phân bào, tương tự cái “thắng” của xe. Khi đột biến thì “thắng” bị vô hiệu hóa → làm tế bào phân chia ào ào.
Cũng có thể ví trong bộ gene sinh vật có các gene “dương” có chức năng bật sáng lên và gene “âm” có chức năng tắt cho tối lại.
Đến năm 1999, các nhà khoa học đúc kết lại các nét đặc trưng của ung thư – Liệt kê những thay đổi cơ bản trong sinh lý tế bào nhằm chi phối sự phát triển ác tính của tế bào:
-
Tự cung cấp các tín hiệu tăng trưởng do hoạt hóa các gene sinh ung
-
Không nhạy cảm với các tín hiệu ức chế tăng trưởng: tế bào ung thư bất hoạt các gene kháng ung
-
Trốn tránh sự chết tế bào theo lập trình tự nhiên
-
Khả năng nhân đôi vô hạn: hoạt hóa gene đặc hiệu làm tế bào ung thư trở nên bất tử
-
Sinh mạch liên tục: tế bào ung thư phát triển mạch máu nuôi khối u
-
Xâm lấn mô lân cận và di căn xa: tế bào ung thư có thể lan rộng và định cư nơi khác
→ Từ đó các nhà khoa học tìm tòi, nghiên cứu và phát triển thuốc nhắm trúng gene sinh ung: liệu pháp nhắm đích ra đời!
Các nhà khoa học đã kiên trì nghiên cứu để biết các gene gây đột biến là những gene nào, và chúng đã làm thế nào để phát triển một bệnh ung thư; rồi từ đó chỉ ra ba hướng đi mới cho Sinh học Ung thư.
Các nhà khoa học cũng đã xác định bộ gene người có mười ba (13) đường tín hiệu chính để gene đột biến gây ung thư; rồi cũng đã xác định cứ hai trăm (200) gene thì có một gene đột biến – Đồng thời cũng biết có hai nhóm gene đột biến:
-
Nhóm thụ động do lỗi khi sao chép DNA thì không gây ảnh hưởng gì;
-
Nhóm còn lại sẽ thúc đẩy tăng trưởng theo hành vi của tế bào ung thư – gọi là Gene "người cầm lái".
Ba hướng đi mới của Y học ung thư là:
-
Điều trị: Xác định các gene đột biến "người cầm lái" để tìm ra liệu pháp nhằm trúng gene này để vô hiệu hóa nó.
-
Phòng ngừa: Các tác nhân nội sinh gây ung thư, xác định các yếu tố nguy cơ ngoại sinh (thuốc lá, vi khuẩn…)
-
Làm mới lại việc can thiệp điều trị với sự lưu tâm đến hành vi khiêu khích nhất của tế bào ung thư là sự bất tử của chúng mà khoa học chưa giải thích được nguyên nhân.
Câu trả lời gây tranh cãi là sự bất tử của tế bào ung thư cũng được vay mượn từ sinh lý bình thường: phôi người và nhiều cơ quan trưởng thành sở hữu một quần thể rất nhỏ tế bào gốc có khả năng tái tạo vô hạn khi cần thiết – còn bình thường thì chìm trong một giấc ngủ sinh lý.
Bệnh ung thư đã được xác định là xuất phát từ những gene lỗi trong bộ gene người. Bộ gene người đã được giải trình hoàn tất năm 2003 – Một kế hoạch đã được phác thảo sau đó nhưng kết quả phải chờ lâu mới được công bố vì nó phức tạp hơn nhiều: đó là giải trình tự đầy đủ bộ gene các tế bào ung thư ở người, khi hoàn thành sẽ gọi là Bản Đồ Gene Ung Thư (Cancer Genome Atlas – CGA).
Bộ gene người có khoảng hai mươi ngàn gene, các nhóm nghiên cứu tiên phong ước đoán bước đầu sẽ nhắm vào mười ba ngàn (13.000) gene.
Bert Vogelstein (1949), chuyên gia người Mỹ về sinh học phân tử ung thư có nói:
"Cuộc cách mạng trong nghiên cứu ung thư có thể tổng kết bằng một câu nói đơn giản: Ung thư thực chất là bệnh của gene."
Cuối năm 2024 – đầu năm 2025, khoa học toàn thế giới hợp lại đã thành hình Bản đồ Thế giới Ung thư (Mapping The World Of Cancer).
Một bước tiến bộ quan trọng; hy vọng trong tương lai gần căn bệnh Ung thư sẽ trở thành một bệnh thường quy dễ chẩn đoán và điều trị khỏi –
Mong thay!
Download bản PDF của sách theo link sau đây: TẠI ĐÂY:
https://drive.google.com/file/d/1RjLIv_O8ry4c1LPYzM-Dl6SeMTkiErQG/view