Võ Văn Châu
Võ Văn Châu là bác sĩ chuyên khoa 2,[1] thầy thuốc ưu tú,[2] nguyên trưởng khoa vi phẫu – tạo hình Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cùng với Nguyễn Huy Phan ở phía Bắc được đánh giá là những người đặt nền móng cho vi phẫu thuật Việt Nam.[3]
Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]
Võ Văn Châu sinh năm 1947 tại Tiền Giang.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn năm 1972 ông trở thành phẫu thuật viên và nổi tiếng cần cù, chăm chỉ khi đang học bác sĩ nội trú.
Những năm đầu sau ngày Việt Nam thống nhất 1975, ông là bác sĩ, trưởng khoa ngoại Trung tâm Y tế quận Tân Bình (nay là Bệnh viện Tân Bình). Tại đây, đầu những năm 1980, ông đã nghiên cứu, khâu nối thành công các ngón tay bị đứt rời. Sự kiện trên đã tạo tiếng vang vì đây là một bệnh viện tuyến huyện, trong khi nhiều cơ sở y tế khác phải bó tay.[2][4] Sau những thành công tại Trung tâm Y tế quận Tân Bình, ông được đưa về công tác và làm cố vấn chuyên môn tại khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh. Ông nghỉ hưu năm 2008 nhưng vẫn tiếp tục làm việc, nghiên cứu và đạo tạo về vi phẫu thuật cho các tỉnh Nam Bộ, Trung Bộ của Việt Nam.
Võ Văn Châu mất năm 2013, thọ 67 tuổi. Ông cùng với Nguyễn Huy Phan được đánh giá là những người đặt nền móng cho vi phẫu thuật Việt Nam. Ngày 22 tháng 6 năm 2013, hàng trăm Giáo sư, bác sĩ có mặt tại hội nghị khoa học thường niên chấn thương chỉnh hình đã dành một phút tưởng nhớ ông khi Hội Chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Min bình chọn, tôn vinh Võ Văn Châu là "Nhân vật chấn thương chỉnh hình" năm 2013.[2]
Sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]
Vi phẫu thuật[sửa | sửa mã nguồn]
Những năm 1980, vi phẫu thuật là khái niệm chỉ có trong sách vở, chưa có thầy đào tạo, hướng dẫn nên ông tìm cách tự mày mò học hỏi, chế tạo dụng cụ y tế. Võ Văn Châu ra chợ đồ cũ tìm mua ống nhòm, kính hiển vi cũ rồi tự chế tạo kính phẫu thuật, tự xoay xở làm labo thực nghiệm. Ông lại tự nghiên cứu để chế tạo các sợi chỉ nhỏ như tơ nhện bằng cách ngâm và tách rời các sợi nhỏ của loại chỉ may thường. Tại Sài Gòn ông là người đầu tiên nghiên cứu vi phẫu thuật vào năm 1982, áp dụng vào khâu ngón chân tay đứt lìa. Từ việc tự nghiên cứu, rồi được đi đào tạo tại Pháp với những thầy giỏi, ông phổ biến cho các đồng nghiệp, mở lớp chuyên ngành vi phẫu (cho đến năm 2012, các tỉnh từ Quảng Trị trở vào đều có người theo học).[1][3]
Năm 1984, ông đã áp dụng vi phẫu thuật trong việc khâu nối chi đứt lìa và chuyển ghép vạt da trong các phẫu thuật tái tạo và phục hồi chức năng. Năm 1985, ông nghiên cứu thành công và chế tạo ra kim, chỉ khâu vi phẫu và thiết kế các dụng cụ vi phẫu cũng như phổ biến các kiến thức về vi phẫu, cách bảo quản tay chân bị đứt lìa qua các phương tiện truyền thông đại chúng... Những câu chuyện từ Trung tâm Y tế quận Tân Bình gây tiếng vang, ông được đưa về Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 4 năm 1987, dụng cụ kim chỉ khâu vi phẫu tự chế của ông đã được cấp bằng sáng chế quốc gia.[2][4]
Năm 1990, bác sĩ Huỳnh Hòa Thanh cùng Ban Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh mời ông đảm nhiệm chức vụ Trưởng đơn vị Vi phẫu - Tạo hình đầu tiên của Việt Nam. Tiếp đó, năm 1997, ông thành lập khoa Vi phẫu - Tạo hình đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần đưa vi phẫu Việt Nam sang trang mới.[3] Bác sĩ Lê Chí Dũng- Nguyên Chủ tịch Hội Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, Khoa Vi phẫu - Tạo hình của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực này. Võ Văn Châu cũng thành lập bộ môn Vi phẫu - Tạo hình của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Thành phố Hồ Chí Minh.[4]
Đào tạo[sửa | sửa mã nguồn]
Võ Văn Châu đã đào tạo về vi phẫu thuật, phát triển lĩnh vực này cho Thành phố Hồ Chí Minh, rồi ra các tỉnh lân cận. Nhưng cho tới khi ông qua đời năm 2013, mong muốn thành lập hội chuyên về vi phẫu thuật của Việt Nam của ông vẫn không thực hiện được. Để phục vụ các lớp đào tạo, ông đã viết tám cuốn sách về vi phẫu thuật. Những cuốn sách ghi những kinh nghiệm trong quá trình công tác thực tiễn trong nước, tham gia hội thảo và nghiên cứu học tập tại một số nước như Pháp, Anh, Thái Lan.[1]
Tại Thành phố Hồ Chí Minh[sửa | sửa mã nguồn]
Từ khi nghỉ hưu năm 2008 Võ Văn Châu vẫn làm việc cho nhiều bệnh viện như Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Triều An....[1] Ông đã giúp phát triển khoa chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Nhân dân 115[2], thành lập phân bộ môn vi phẫu - tạo hình và giảng dạy sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), xây dựng đội ngũ phẫu thuật viên và mạng lưới vi phẫu - tạo hình cho Thành phố Hồ Chí Minh. Võ Văn Châu được Hội Chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh bình chọn, tôn vinh là "Nhân vật chấn thương chỉnh hình" năm 2013.
Phát triển ra các tỉnh thành khác[sửa | sửa mã nguồn]
Từ năm 1994, Võ Văn Châu cùng đồng nghiệp liên tục mở lớp đào tạo cho các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Kiên Giang, Cần Thơ...Tuy ông có mong muốn phát triển vi phẫu thuật ra cả nước, nhưng Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh là bệnh viện cấp thành phố, nhiệm vụ đào tạo chỉ cho khu vực, không ảnh hưởng như bệnh viện cấp trung ương. Sau đó, được sự giúp đỡ của ông, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã mở các khóa đào tạo phẫu thuật viên cho cả nước, đặc biệt là các tỉnh thành miền Trung, miền Nam. Ông từng sang Campuchia để giúp đỡ, đào tạo và chuyển giao công nghệ vi phẫu thuật.[1][2]
Năm 1995, 1996 ông đã cố gắng thành lập Hội chuyên về Vi phẫu Việt Nam nhưng không thành công.[1]
Tác phẩm[sửa | sửa mã nguồn]
Sau khi nghỉ hưu vào năm 2008, Võ Văn Châu càng say mê nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện 60 đề tài khoa học được báo cáo tại các hội nghị trong và ngoài nước. Ông là tác giả đầu tiên và viết nhiều nhất, tới tám cuốn sách về vi phẫu thuật của Việt Nam.[1] Sách của ông viết từ các kỹ thuật cơ bản cho đến chuyên sâu, từ vi phẫu thuật mạch máu, thần kinh cho đến phẫu thuật tái tạo tứ chi.[4]
Vinh danh[sửa | sửa mã nguồn]
Ông được nhà nước Việt Nam phong tặng:
- Danh hiệu Thầy thuốc ưu tú[2]
- Huân chương Lao động hạng 3[1]
Ngoài ra ông còn nhận nhiều phần thưởng cao quý khác như: Chiến sĩ thi đua nhiều năm liền, nhiều bằng khen các cấp, bằng sáng chế, bằng lao động sáng tạo, giải thưởng y học...[4]
Câu nói[sửa | sửa mã nguồn]
“ | Tôi xin khẳng định trong nghề này (nghề Y), sự hồi phục của người bệnh, sự thành công của điều trị là niềm vui lớn nhất của bất kỳ bác sĩ nào. Phần thưởng lớn vô cùng, đừng nói tiền bạc. Thứ hai, không phải bác sĩ nào cũng giống nhau. Không phải tất cả đều quan trọng hóa tiền bạc, dù ai cũng phải ăn, phải sống, lo cho vợ con và những mối quan hệ phải lo. Thứ ba, vì lý do có những người này người kia xấu tốt thì một ngành nghề có thể bị mang tiếng, nhưng hãy nghĩ lại. Nếu một ngành nghề đều tốt hết thì chỉ có trong mơ. Chính sự khác biệt tạo nên toàn cảnh xã hội. Cảnh sát giao thông cũng thế. Không có họ, chết người tệ gấp ngàn lần. Chỉ nhìn một số để đánh giá một ngành nghề, bôi bẩn người làm tốt là không nên. Thầy cô cũng thế. Đừng suy nghĩ quá đáng. Nếu chúng ta đặt lại vấn đề, liệu có thể nhìn lỗi nhỏ, vài chấm đen rồi vứt luôn tờ giấy trắng, là bất công. Phải chấp nhận cái muôn mặt.[1] | ” |
— Võ Văn Châu, 2012, theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần |
“ | Sở thích ư? Tôi đi chơi mút chỉ. Chủ nhật không làm việc, xách xe đi chơi nơi nào mình thích. Có khi chạy ra Vũng Tàu cùng với một số người bạn, ngắm cảnh trên đường đi. Tới nơi, chỉ cùng nhau ngồi uống ly cà phê đá cũng thích. Tôi không ghiền thuốc lá, rượu, bài bạc, chỉ đi mổ là vui thôi..[1] | ” |
— Võ Văn Châu, 2012, theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần |
“ | Tôi đã bò sau thế giới 20 năm. Cũng may là tôi đã cố gắng và bò kịp. | ” |
— Võ Văn Châu, 2009, trả lời Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh |
“ | Thế giới họ nghiên cứu vào năm 1960, mãi 1982 tôi mới bắt đầu, vậy là chúng ta bò sau họ hơn hai mươi năm. Bây giờ dù đã tiến bộ, vi phẫu ở Việt Nam đã tiến hành được những loại phẫu thuật như các nước Âu – Mỹ, nhưng chưa theo kịp họ về trình độ y tế, trang thiết bị dụng cụ và nghiên cứu cơ bản. Mình không phải dở, nhưng bị những giới hạn về tài chính. Những vấn đề kỹ thuật đỉnh cao còn nhiều cái khó. Mình cũng làm được nhưng ở mức độ thấp hơn. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực thì mình không kém.[1] | ” |
— Võ Văn Châu, 2012, theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần |
“ | Gần như ở các nước phát triển đều có Hội chuyên về Vi phẫu, Việt Nam chưa có, dù vào năm 1995–1996 tôi đã cố gắng thành lập.[1] | ” |
— Võ Văn Châu, 2012, theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần |
“ | Tiền khám có khi mấy chục ngàn đồng nhưng bà con miền Bắc vào khám, chi phí đi lại, ăn ở cũng ngốn hết bốn, năm triệu đồng. Rồi khi mổ, có khi lại quay về Bắc, tốn thêm chừng đó tiền nữa. Thật là xót! | ” |
— Võ Văn Châu, 2009, trả lời Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh |
“ | Công lao của kỹ thuật viên rất lớn nhưng mình chỉ giúp bệnh nhân hồi phục 50% thôi. Muốn khỏe mạnh hoàn toàn phải nhờ vào sự tận tụy của các anh chị em điều dưỡng. Lần sau khi báo cáo, các em nhớ lưu ý điều này nhé! | ” |
— Võ Văn Châu, lời góp ý học trò khi báo cáo thành tích |
“ | Bằng sáng chế quốc gia thì có thật, tôi nhận vào năm 1987. Nhưng không có chuyện độc quyền trong ngành y, vì sự nghiệp bảo vệ con người. Đã nhiều nơi sử dụng. Trong y khoa, ai tìm ra phương pháp, sáng kiến thì đều để cho mọi người áp dụng chữa bệnh. Chỉ riêng những hình ảnh, thí dụ, chứng tỏ là của một tác giả nào đó. Những phương pháp kỹ thuật thì không độc quyền trong ngành y. Sáng chế chỉ khâu của tôi, nhiều nơi cũng áp dụng. Nhưng sau này hàng nhập bên ngoài dễ dàng. Khoảng năm 1993-1994 có rất nhiều rồi, khó khăn đã được giải quyết.[1] | ” |
— Võ Văn Châu, 2012, theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần |
Gia đình[sửa | sửa mã nguồn]
Võ Văn Châu có ba người con đều theo nghề Y trong đó một người theo chuyên ngành của ông.[1]
Học trò tiêu biểu[sửa | sửa mã nguồn]
- Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Phú: Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115[2]
- Bác sĩ Vũ Minh Đức: Khoa Chấn Thương Chỉnh Hình Bệnh viện Nhân dân 115[2]
Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]
- ^ a b c d e f g h i j k l m n “Đâu vì "một bộ phận" mà bôi bẩn nghề y”. Vietnamnet. 9 tháng 12 năm 2012. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2015..
- ^ a b c d e f g h i Lê Thanh Hà (24 tháng 6 năm 2013). “Bác sĩ Võ Văn Châu - người "truyền lửa" vi phẫu thuật”. Báo Tuổi trẻ. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2015.
- ^ a b c Yên Thảo (28 tháng 12 năm 2009). “Bác sĩ Võ Văn Châu: Người khai hoang vi tiểu phẫu”. Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 29 tháng 1 năm 2015.
- ^ a b c d e Theo Bác sĩ Lê Chí Dũng, Nguyên Chủ tịch Hội Chấn thương Chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh trong bài báo "Người soi sáng cho hoạt động vi phẫu thuật tại Việt Nam" trên "Nhà báo & Công luận", ngày 19/07/2013
Bác sĩ Võ Văn Châu: Người khai hoang vi tiểu phẫu
Sau giải phóng, phẫu thuật viên Võ Văn Châu được phân công về Trung tâm Y tế quận Tân Bình (TP.HCM). Ông liên tục tiếp nhận những ca đứt lìa ngón tay, bàn tay từ các khu công nghiệp gần đó nhưng chẳng biết làm gì hơn ngoài cắt bỏ. Nghĩ đến cảnh đời khuyết tật của công nhân, ông quyết tìm cho ra kỹ thuật nối liền chi đứt lìa.
Khởi nguồn từ đồ tự chế
Muốn nối các mạch máu nhỏ phải có kính hiển vi, kim, chỉ khâu vi phẫu. Nhưng thời đó giá bộ kim chỉ tới 17 USD, tương đương 7.000 đồng VN trong khi lương bác sĩ chỉ có 60 đồng. Bí thế, ông lấy kim tiêm cho ăn mòn điện phân đến khi nhỏ nhất, lấy sợi chỉ chất liệu polyester nhúng vào nước sôi và kéo thật mảnh. Kính hiển vi cũng được chế từ ống nhòm ngoài chợ trời. Bộ đồ nghề tự chế ấy của ông đã nối thành công nhiều ngón chân, bàn tay đứt lìa trong niềm vui sướng của công nhân nghèo.
Chị HN (nữ công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận) từng đau đớn nghĩ về kiếp tật nguyền khi bị máy ép keo cắt đứt cả năm ngón tay. Gặp bác sĩ Châu, sau một giấc ngủ dài, chị thấy bàn tay còn hai ngón. Thì ra bác sĩ đã đưa hai ngón chân chị lên làm hai ngón tay. Không lâu sau, ngón cái và ngón út đã làm thành vòng tròn và chị có thể cầm nắm mọi thứ.
27 năm trong nghề, ngọn lửa đam mê vi phẫu trong bác sĩ Châu vẫn rực cháy. Ảnh: YÊN THẢO
Anh K. ở Hà Giang có nằm mơ cũng không nghĩ rằng hai cánh tay ngủ yên suốt 20 năm nay lại có ngày choàng tỉnh để được ôm vợ con vào lòng. Tay phải anh bị xe nghiến nát. Bác sĩ Châu đã khéo léo chuyển ghép vạt da che phần xương lộ và chuyển khớp chân lên làm khớp khuỷu tay.
Những câu chuyện thần kỳ từ Trung tâm Y tế quận Tân Bình đã gây tiếng vang. Ông được đưa về BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM. Tháng 4-1987, dụng cụ kim chỉ khâu vi phẫu tự chế của ông đã được cấp bằng sáng chế quốc gia. 10 năm sau, khoa vi phẫu đầu tiên ở Việt Nam ra đời tại bệnh viện này, đưa vi phẫu Việt Nam sang trang mới.
Từ 32 giường, sau vài tháng bệnh viện phải tăng lên 42 giường vẫn không đủ. Bác sĩ Châu nghĩ ngay tới chuyện đào tạo. Không đợi học trò đến tìm, ông đến tận nơi để đào tạo tại chỗ. Chẳng mấy chốc ông đã có học trò rải khắp từ Quảng Trị vào đến Cà Mau. “Tôi đã bò sau thế giới 20 năm. Cũng may là tôi đã cố gắng và bò kịp” - bác sĩ Châu ví von về hành trình khai hoang vi tiểu phẫu từ dụng cụ tự chế của mình.
Ma lực từ vi tiểu phẫu
Mỗi ngày bác sĩ Châu đứng trong phòng mổ 8-10 tiếng, có khi gần cả ngày. Ông hay đùa có tiền cũng không có thời gian để ăn. Bữa trưa của ông chính là viên kẹo ngậm để khỏi hạ đường huyết. Thương thầy, học trò nảy ra sáng kiến lấy dây nước biển, một đầu nối vào lon nước ngọt, đầu kia luồn qua khẩu trang để truyền dịch coca cho thầy.
Điều gì khiến một người về hưu như ông vẫn nhịn đói, nhịn khát, nhịn ngủ đứng cả ngày trong phòng mổ để đổi lấy 70.000 đồng/ca mổ. Điều gì khiến một bác sĩ đã 62 tuổi vẫn leo lên xe đò đang đêm ra Bình Định mổ một mạch tới nửa đêm rồi leo lên xe đò về lại Sài Gòn chuẩn bị cho ca mổ mới? Ông nheo mắt: “Đó là ma lực. Niềm vui chiến thắng trong mỗi ca mổ là gương mặt hạnh phúc của bệnh nhân”. Ma lực ấy đã cuốn ông đi từ ca mổ này đến ca mổ khác suốt 27 năm trong nghề.
Ông khơi dòng cho ngành vi tiểu phẫu nhưng ông quan niệm chẳng ai là tác giả tuyệt đối của thành công này. Người viết có lần được dự một buổi giao ban tại khoa Chấn thương chỉnh hình BV Nhân dân 115, nơi ông làm cố vấn chuyên môn.
Hôm đó, một bác sĩ trẻ đứng lên báo cáo thành công của một ca mổ khó. Bác sĩ Châu chỉ lẳng lặng lắng nghe và vỗ tay tán thưởng rồi nhẹ nhàng góp ý: “Công lao của kỹ thuật viên rất lớn nhưng mình chỉ giúp bệnh nhân hồi phục 50% thôi. Muốn khỏe mạnh hoàn toàn phải nhờ vào sự tận tụy của các anh chị em điều dưỡng. Lần sau khi báo cáo, các em nhớ lưu ý điều này nhé!”. Các chị điều dưỡng ai cũng vui, còn anh bác sĩ trẻ lại có thêm một bài học từ người thầy đáng kính.
Trong ông đôi khi còn có cả ưu tư về những chuyện chẳng liên quan đến ca mổ. Ông băn khoăn: Tiền khám có khi mấy chục ngàn đồng nhưng bà con miền Bắc vào khám, chi phí đi lại, ăn ở cũng ngốn hết bốn, năm triệu đồng. Rồi khi mổ, có khi lại quay về Bắc, tốn thêm chừng đó tiền nữa. “Thật là xót!” - ông như phân bua cho dự định phối hợp với một số bệnh viện ngoài đó để mở một đơn vị vi phẫu. Bước đầu là khám lọc bệnh và tái khám để giảm nhẹ chi phí trước mổ và sau mổ. Khi đã có nhân lực sẽ phẫu thuật trực tiếp để bệnh nhân không phải đi lại tốn kém. “Chắc là khó khăn nhưng không đi thì khi nào mà đến được!” - bác sĩ Châu nói khẳng khái, cũng như hồi nghĩ ra cây kim tự chế buổi đầu tiên.
Với bác sĩ Châu, thành công trong nghề y đơn giản là bệnh nhân hài lòng. Ông kể có hai anh chị nọ, mỗi người liệt một cánh tay, đi khám và phẫu thuật cùng một ngày. Mổ xong, ông hẹn một tháng sau mới tái khám, song chẳng hiểu vì sao cứ mỗi tuần họ lại đi khám một lần. Nhưng sau đó thì không thấy đến nữa. Hỏi ra mới biết họ đã cưới nhau rồi. Bác sĩ Châu cười hóm hỉnh: “Có đủ tay ôm nhau rồi thì họ đâu có cần đến với mình nữa. Đó cũng là niềm vui của mình đấy!”. |
YÊN THẢO
Bác sĩ Võ Văn Châu - người "truyền lửa" vi phẫu thuật
TT - Dù ông đã mất nhưng ngọn lửa ấy sẽ không bao giờ tắt... Ông là thầy thuốc ưu tú Võ Văn Châu, nguyên trưởng khoa vi phẫu - tạo hình Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM.
Sáng 22-6, hàng trăm giáo sư bác sĩ có mặt tại hội nghị khoa học thường niên chấn thương chỉnh hình đã dành một phút tưởng nhớ người bác sĩ tài hoa, đức độ khi ông được Hội Chấn thương chỉnh hình TP.HCM bình chọn, tôn vinh là “Nhân vật chấn thương chỉnh hình” năm 2013.
Tại lễ tôn vinh, bác sĩ Trần Thanh Mỹ - giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP - kể từ nhỏ bác sĩ Châu đã mơ có một ngày trở thành bác sĩ phẫu thuật để chữa lành các vết thương cho người bệnh. Ông đã trở thành phẫu thuật viên ngay sau khi tốt nghiệp ĐH Y khoa Sài Gòn năm 1972 và nổi tiếng cần cù, chăm chỉ khi đang học bác sĩ nội trú. Những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, ông là bác sĩ, trưởng khoa ngoại Trung tâm Y tế Tân Bình (nay là Bệnh viện Tân Bình).
Cách đây hơn 30 năm, vi phẫu thuật là khái niệm chỉ có trong sách vở, chưa có thầy đào tạo, hướng dẫn nên ông tìm cách tự mày mò học hỏi, chế tạo dụng cụ y tế. Ông ra chợ đồ cũ tìm mua ống nhòm, kính hiển vi cũ rồi tự chế tạo kính phẫu thuật, tự xoay xở làm labo thực nghiệm. Ông lại tự nghiên cứu để chế tạo các sợi chỉ nhỏ như tơ nhện bằng cách ngâm và tách rời các sợi nhỏ của loại chỉ may thường. Có kính phẫu thuật, có chỉ may nhưng để gắn được sợi chỉ nhỏ xíu vào kim là điều vô cùng khó khăn.
Để có được cây kim phù hợp, đêm đêm ông cặm cụi ngồi gọt, giũa, mài nhỏ các kim, tách đôi đít kim rồi luồn chỉ vào kim dưới kính lúp, kính hiển vi. Cuối cùng, ông đã có đủ “đồ nghề” để phẫu thuật khâu nối thành công các ngón tay đứt rời cho bệnh nhân ở một bệnh viện tuyến huyện đầu những năm 1980, trong khi các cơ sở y tế lớn của cả nước hầu hết còn chưa làm được.
Năm 1984, ông đã áp dụng vi phẫu thuật trong việc khâu nối chi đứt lìa và chuyển ghép vạt da trong các phẫu thuật tái tạo và phục hồi chức năng. Năm 1985, ông nghiên cứu thành công và chế tạo ra kim, chỉ khâu vi phẫu và thiết kế các dụng cụ vi phẫu cũng như phổ biến các kiến thức về vi phẫu, cách bảo quản chi bị đứt lìa qua các phương tiện truyền thông đại chúng...
Một trong những học trò của ông, TS.BS Nguyễn Đình Phú - phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 - kể từ khi nghỉ hưu (năm 2008), bác sĩ Châu đã hết lòng đào tạo các bác sĩ và giúp phát triển khoa chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện 115. Nhờ ông, bệnh viện đã có đội ngũ bác sĩ vi phẫu giỏi nghề. Kết quả thành công cao nhất là các bác sĩ trẻ đã nối được những chi bị đứt lìa cho người bệnh, phẫu thuật thành công nhiều ca bị liệt tùng thần kinh cánh tay.
PGS.TS.BS Lê Chí Dũng - nguyên chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình TP.HCM - kể sức làm việc của bác sĩ Châu gần như là vô hạn. Ông ngồi lì phẫu thuật cả ngày trong phòng mổ, miệng ngậm viên kẹo đường để phòng ngừa hạ đường huyết... Khi không mổ, ông lại miệt mài trên bục giảng, trong phòng phẫu tích, thực nghiệm để hướng dẫn cho các học viên đến từ mọi miền đất nước. Dấu chân ông in đậm khắp các tỉnh thành miền Trung, miền Nam, có khi qua tận Campuchia để giúp đỡ, đào tạo và chuyển giao công nghệ vi phẫu thuật cho các địa phương.
Bác sĩ Võ Văn Châu sinh năm 1947 tại Tiền Giang. Lúc sinh thời, ông đã tổ chức 11 khóa bồi dưỡng vi phẫu thuật cho các bác sĩ ở nhiều bệnh viện, tổ chức hai khóa bồi dưỡng chăm sóc bệnh nhân vi phẫu - tạo hình cho điều dưỡng, xây dựng đội ngũ phẫu thuật viên và mạng lưới vi phẫu - tạo hình cho các tỉnh thành và TP.HCM, thành lập phân bộ môn vi phẫu - tạo hình và giảng dạy sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM)... Đâu vì "một bộ phận" mà bôi bẩn nghề yVì lý do có những người này người kia xấu tốt thì một ngành nghề có thể bị mang tiếng, nhưng hãy nghĩ lại. Chỉ nhìn một số để đánh giá một ngành nghề, bôi bẩn người làm tốt là không nên - Bác sĩ Võ Văn Châu. Vì lý do có những người này người kia xấu tốt thì một ngành nghề có thể bị mang tiếng, nhưng hãy nghĩ lại. Chỉ nhìn một số để đánh giá một ngành nghề, bôi bẩn người làm tốt là không nên. - Bác sĩ Võ Văn Châu Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Văn Châu, người đầu tiên thành lập đơn vị Vi phẫu thuật của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh, giúp khâu ngón tay chân đứt lìa của bệnh nhân. Ông từng tự chế dụng cụ để phẫu thuật trong những thời kỳ khó khăn. Giờ đây, dù đã rời chức vụ, ông vẫn làm việc cho nhiều bệnh viện như Bệnh viện Nhân dân 115, Triều An…, vẫn tiếp tục mổ dưới kính hiển vi những trường hợp phải khâu nối, xử lý những cấu trúc nhỏ như các mạch máu cứu các bộ phận cơ thể bệnh nhân. Ông đã từng nói, cố gắng để không còn “bò sau thế giới hai mươi năm”… Người dân thường dễ hiểu với những chuyên khoa chữa các bệnh phổ biến như tim mạch, tiểu đường, hoặc ngành mổ xẻ, nhưng còn ít biết về vi phẫu thuật. Vậy bác sĩ có thể nói một cách thật dễ hiểu về ngành này? Trước đây quen gọi là vi phẫu thuật, nôm na là mổ những cái nho nhỏ. Giờ gọi là vi phẫu. Ta vẫn nghe trong phẫu thuật có đại phẫu, trung phẫu (ruột thừa, xương nhỏ...), tiểu phẫu (rách da, nốt ruồi...). Vi phẫu là phẫu thuật dưới kính hiển vi, khâu nối, bóc tách, cắt, xử lý cấu trúc thật nhỏ (có khi tới nửa milimét). Đây là một chuyên khoa sâu của chấn thương chỉnh hình. Báo chí gọi ông là "người khai hoang". Như vậy trước đó, ngành này "bị bỏ hoang" sao? Do nhu cầu ít hay do vấn đề chuyên môn kỹ thuật? Theo tôi biết thì trên thế giới đã bắt đầu từ năm 1920, nhưng bỏ bẵng một thời gian, mãi đến năm 1960 mới nghiên cứu lại. Thời kỳ tôi làm, ở Việt Nam có hai người: Hà Nội có GS Nguyễn Huy Phan học và nghiên cứu ở Liên Xô về, áp dụng cho phẫu thuật hàm mặt ở Bệnh viện 108. Tại Sài Gòn tôi là người đầu tiên nghiên cứu vào năm 1982, áp dụng vào khâu ngón chân tay đứt lìa. Trước đó không có ai làm. Từ việc tự nghiên cứu, rồi được đi đào tạo tại Pháp với thầy rất giỏi, tôi phổ biến cho các đồng nghiệp anh em bác sĩ nào có quan tâm, mở lớp chuyên ngành vi phẫu. Cho đến nay, các tỉnh từ Quảng Trị trở vào, đều có người theo học ở nhiều lớp khác nhau. Chuyện khâu nối, anh em ở tỉnh cũng đã làm được. Có thể nói, bác sĩ đã khám phá từ một vùng đất hết sức trống trải để nay có ngành vi phẫu. Cái kính hiển vi do ông làm từ ống nhòm được dùng rất nhiều trong thời gian dài. Có người bảo chìa khóa mở ra ngành vi phẫu là từ sợi chỉ khâu do ông tự chế. Câu chuyện thế nào, thưa ông? Những năm 1980 đó, đất nước nghèo khó. Lương bác sĩ 60 đồng, mà một sợi chỉ khâu nhập 17 USD, tức gấp mấy lần lương bác sĩ (đến bây giờ giá cũng còn 550 ngàn đồng, gần như 100% do Mỹ sản xuất). Tôi phải dùng sợi chỉ thường rồi ngâm, chế biến cho thành sợi chỉ phẫu thuật nhỏ như sợi tơ nhện đảm bảo đúng yêu cầu. Tôi dùng ống nhòm pháo binh thời chiến để chế ra kính mổ, dùng được trong thực tế. Nghèo quá mà muốn có dụng cụ hành nghề nên tôi mày mò tự chế.
Nghe nói ông được công nhận bằng sáng chế phát minh độc quyền? Bằng sáng chế quốc gia thì có thật, tôi nhận vào năm 1987. Nhưng không có chuyện độc quyền trong ngành y, vì sự nghiệp bảo vệ con người. Đã nhiều nơi sử dụng. Trong y khoa, ai tìm ra phương pháp, sáng kiến thì đều để cho mọi người áp dụng chữa bệnh. Chỉ riêng những hình ảnh, thí dụ, chứng tỏ là của một tác giả nào đó. Những phương pháp kỹ thuật thì không độc quyền trong ngành y. Sáng chế chỉ khâu của tôi, nhiều nơi cũng áp dụng. Nhưng sau này hàng nhập bên ngoài dễ dàng. Khoảng năm 1993-1994 có rất nhiều rồi, khó khăn đã được giải quyết. Lúc đó ông nói mình cố "bò sau thế giới hai mươi năm". Bây giờ, khoảng cách ấy được rút ngắn thế nào rồi, thưa ông? Thế giới họ nghiên cứu vào năm 1960, mãi 1982 tôi mới bắt đầu, vậy là chúng ta bò sau họ hơn hai mươi năm. Bây giờ dù đã tiến bộ, vi phẫu ở Việt Nam đã tiến hành được những loại phẫu thuật như các nước Âu - Mỹ, nhưng chưa theo kịp họ về trình độ y tế, trang thiết bị dụng cụ và nghiên cứu cơ bản. Mình không phải dở, nhưng bị những giới hạn về tài chính. Những vấn đề kỹ thuật đỉnh cao còn nhiều cái khó. Mình cũng làm được nhưng ở mức độ thấp hơn. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực thì mình không kém. Xin bác sĩ cho biết một số ca khó mà ông đã làm gần đây? Những trường hợp ngày càng phức tạp chúng ta cũng giải quyết được nhiều rồi. Khâu nối đứt lìa chi. Rơi ngón tay cái, khâu lại cử động như bình thường. Có ca tôi lấy hai ngón chân đưa lên làm hai ngón tay. Một cô giáo được đưa ngón chân lên tay, sau năm năm vẫn cử động bình thường, rất tốt... Không thể nhớ hết được các trường hợp. Một em bé cho tay vào máy cán đất làm gạch bị cán đứt tới vai, vậy mà người học trò của tôi khâu thành công. Có cả bệnh nhân từ Campuchia nửa đêm gọi, chúng tôi cũng nói họ đưa qua để chữa. Vậy bây giờ, cái gì là khó nhất mà ông muốn chinh phục? Có nhiều cái khó. Có thể nói cái gì cũng khó. Hiện nay tôi đang theo đuổi một việc khó mà một số nước không làm được, hoặc làm được ở mức độ thấp, đó là liệt mạng thần kinh cánh tay. Chẳng hạn một người bị té xe, tay không cử động được, phải tái tạo ra sao. Có người mất gần hết bên tay, thế thì đời chỉ còn làm được mỗi việc đi bán vé số thôi chứ gì? Phải cứu chữa ra sao? Đó là nói nôm na cho dễ hiểu thế thôi... Nhiều chuyện lắm. Nhiều việc được đặt ra. Kể cả chuyện đưa khớp ngón chân lên tay, thay thế khớp khuỷu... Tôi phải tìm ra một số phương pháp, những kỹ thuật đặc biệt khâu nối thần kinh, mạch máu. Mạng thần kinh cánh tay bị đứt, phải mổ, ghép dây thần kinh cho người ta sử dụng được tay. Nếu bệnh nhân đến sớm, lâu nhất trong vòng sáu tháng thì tốt, để lâu sẽ khó. Những tìm tòi này tôi phổ biến theo cách nghề truyền nghề để áp dụng trong thực tế. Mạch máu, thần kinh chằng chịt, như hình ảnh mạng nhện các loại dây điện chăng khắp thành phố... Không hình dung nổi bác sĩ có thể nối ghép "mớ bùng nhùng" đó. Bằng từ ngữ thông thường, ông có thể giải thích cho người bình thường có thể hình dung ra công việc của ông? Ví với mạng điện là đúng đấy. Ví đơn giản như máy phát điện truyền đến mô-tơ, mở máy. Đứt trên cao thì như hư nhà máy phát điện, phải kéo dây cắm vào nhà máy khác. Từ máy phát điện lên lưới chia nhánh đến từng nhà. Dây thần kinh cũng vậy. Năm nhánh cánh tay chạy đan xen đến cơ thể, chỉ huy các cử động. Có những bệnh nhân liệt mạng thần kinh cánh tay đã hai mươi năm... Những dây thần kinh thay đổi, thế mới khó. Đã phẫu thuật cho bệnh nhân nhiều năm, nay bác sĩ đã lớn tuổi, lại mổ nối ghép những thứ nhỏ li ti, xin hỏi tuổi tác có ảnh hưởng nhiều không? Mắt tốt thì không lo, nhưng dù mắt tốt hay kém đi cũng đều nhìn qua kính lúp, hiển vi, trừ người chỉ còn một mắt mới không làm được. Hai mắt mới nhìn được ảnh nổi có độ sâu. Nhưng nếu chỉ có một mắt thì chẳng có ai lại đi làm nghề này. Tôi vẫn mổ nhiều ca mỗi tuần, trung bình bốn, năm ca. Giờ đây tôi không bị ràng buộc ở một bệnh viện nào. Hồi xưa ông từng nói "có tiền cũng không có thì giờ để mà ăn". Bây giờ đã đỡ hơn chưa, thưa ông, và làm sao ông chịu đựng được một công việc như vậy? Nói vậy là hết sức chính xác. Bây giờ vẫn thế. Một ca mổ kéo dài sáu, tám tiếng, có khi mười hai tiếng là bình thường. Không có lúc nào để ăn. Có cục kẹo bỏ túi phòng khi tụt đường huyết thì bỏ miệng ngậm. Cơm trưa ăn vào đầu chiều tối. Gần như không ăn cơm trưa. Phải chịu thôi. Không thể bỏ ca mổ giữa chừng được. Có khi tôi còn cần bốn bác sĩ chia làm hai kíp mổ, một kíp mổ phía trên, kíp kia đồng thời mổ phía dưới. Vậy có ảnh hưởng tới sức khỏe không, thưa ông? Có bác sĩ phụ mổ đã xỉu. Người bác sĩ phẫu thuật đứng nhiều, dễ mắc bệnh trĩ. Kém vận động. Chỉ run tay là sai. Sai số tính bằng micromét. Có khi nín thở khi khâu, nhịp tim cũng làm kim rung. Trước lúc vào ca mổ không được uống cà phê, phòng tim đập mạnh. Không được vận động nặng. Bác sĩ có mắc bệnh nghề nghiệp gì không? Ăn uống không điều độ, dạ dày là bệnh đầu tiên. Các bác sĩ rất dễ mắc bệnh trĩ. Đầu cúi suốt trên kính hiển vi, tay giữ cứng, dễ thoái hóa đốt sống cổ, lưng. Tư thế ngồi không thoải mái, phải theo tư thế vết thương bệnh nhân. Nhiều người thấy bác sĩ lúc ngoài sáu mươi tuổi vẫn lên xe đò ra tận Buôn Ma Thuột, mổ xong lại về ngay. Bây giờ sáu mươi sáu tuổi, ông còn đi như vậy không? Rất thường. Khuya đi tàu lửa ra Nha Trang, sáng tới nơi, ăn sáng. Mổ nhiều ca trong ba ngày liên tiếp rồi mới về. Đi Buôn Ma Thuột thì lên xe lúc chín giờ, sáng đến nơi nghỉ một lúc, ăn sáng rồi mổ đến chín, mười giờ đêm, rồi về Sài Gòn liền. Làm như thế nhiều năm rồi. Lên xe ngủ. Bác sĩ nhận xét về tình hình ngành vi phẫu hiện nay? Có sự gia tăng phát triển công nghiệp, giao thông và bạo hành, thì số người bệnh cần đến ngành vi phẫu sẽ tăng. Nhưng phát triển ngành vi phẫu còn vì ý nghĩa khác. Việc sử dụng kỹ thuật vi phẫu giống như thêm một vũ khí nữa trong chữa bệnh nói chung, chống lại bệnh tật. Một bác sĩ biết thêm kỹ thuật này giống như quân đội có thêm vũ khí tối tân để chống quân thù. Vi phẫu thuật làm rốt ráo, thí dụ bệnh nhân bị phỏng, cổ co rút, phải cắt da sẹo. Phương pháp cũ làm cuốn da bụng đưa lên xử lý cổ, tốn kém và rất lâu. Kỹ thuật vi phẫu cho phép lấy da ghép mạch máu cho da sống luôn, không tốn thời gian. Vi phẫu có hai mục đích: sáng tạo ra phương pháp kỹ thuật mới và làm tăng cường những phương pháp kinh điển. Theo ông, đội ngũ những bác sĩ cho ngành này đã đủ lớn mạnh chưa? Từ năm 1994, chúng tôi liên tục mở lớp đào tạo cho các tỉnh, thành như Khánh Hòa, Đắk Lắk, Kiên Giang, Cần Thơ... Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã mở các khóa đào tạo phẫu thuật viên cho cả nước. Mỗi năm có những đoàn đến các tỉnh mổ cho bệnh nhân. Các hướng dẫn viên, bác sĩ giảng dạy cùng làm thực nghiệm cho học viên làm ngay tại chỗ. Nhiều ca phẫu thuật khó, sử dụng kỹ thuật cao được làm ở tỉnh. Năm 2001, chúng tôi làm ở Khánh Hòa, rồi có khi hàng năm ra ba, bốn lượt. Khánh Hòa đã có một khoa ngoại, có khoa Chấn thương chỉnh hình và một đơn vị vi phẫu thuật. Đắk Lắk có bác sĩ theo học khóa đầu tiên. Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh là bệnh viện cấp thành phố, nên tôi nghĩ nhiệm vụ đào tạo chỉ cho khu vực, không vươn tay rộng được như một đơn vị cấp trung ương. Một số bác sĩ trẻ theo tôi làm vi phẫu, có người đã theo tôi cả chục năm. Vi phẫu là kiến thức chuyên sâu, nhiều khoa "dính dáng" tới vi phẫu như niệu khoa, ngoại chung, sản phụ khoa. Mặc dù đào tạo như vậy nhưng số bác sĩ chỉ đi chuyên về vi phẫu cũng chưa thật nhiều lắm. Ngành này trên thế giới có gặp khó khăn như Việt Nam không, thưa ông? Gần như ở các nước phát triển đều có Hội chuyên về Vi phẫu, Việt Nam chưa có, dù vào năm 1995-1996 tôi đã cố gắng thành lập. Vì sao ông không thành công? Con số bác sĩ học và làm vi phẫu còn ít. Nó còn phụ thuộc vào tầm nhìn của những người quản lý cấp tỉnh. Một số bác sĩ học về rồi không làm vi phẫu vì nhiều lý do như thiết bị, dụng cụ, tổ chức tốn kém. Hay cho đó là lĩnh vực không thông thường, không nhiều bệnh nhân. Nhưng giờ thì đã có nhiều người suy nghĩ lại, thấy được tầm quan trọng của vi phẫu, khi có bệnh nhân, không cần chuyển về Sài Gòn, xa và đòi hỏi thời gian phải nhanh chóng cấp cứu. Họ đã có nhận thức thay đổi vì thực tế có những trường hợp bác sĩ chưa học vi phẫu nên phải xử lý bằng phương pháp thông thường, đạt hiệu quả kém, hoặc có những trường hợp không thể xử lý theo cách thông thường được. Bác sĩ là tác giả đầu tiên và viết nhiều nhất, tới tám cuốn sách về vi phẫu thuật của Việt Nam? Đầu tiên tôi viết để phục vụ các lớp đào tạo. Tôi có đi dự hội thảo và nghiên cứu học tập tại một số nước như Pháp, Anh, Thái Lan, có nhiều bài viết báo cáo tham gia hội nghị hội thảo, và công tác thực tiễn cần ghi lại phục vụ chuyên ngành. Vậy ông viết sách vào lúc nào trong một ngày bận rộn? Chỉ viết vào đêm khuya, một vài tiếng, khi đầu óc thanh thản, dễ tập trung suy nghĩ. Ban ngày bận việc rồi. Tôi đang tập trung viết về điều trị liệt mạng thần kinh cánh tay. Kế hoạch của tôi chỉ là tập trung phát triển ngành vi phẫu. Công việc đó, theo ông, có nhiều thách thức không? Ngành này muốn tiến bộ phải có nghiên cứu cơ bản. Sự nghiên cứu ở Việt Nam rất ít. Không đủ tài chính, trang thiết bị phục vụ. Trước đây, để tiến hành nghiên cứu, tự tôi phải nuôi chuột. Nhà tôi như trại chuột, hai trăm con chuột trắng. Tôi mong vi phẫu lớn mạnh tiến lên áp dụng cho phẫu thuật. Quỹ thời gian còn lại ít, tôi tập trung hoàn thiện những kỹ thuật tái tạo vận động cho người liệt. Là tiến sĩ, bác sĩ y khoa trước giải phóng, lao động hết mình, được tặng Huân chương Lao động hạng 3..., có vẻ đời ông chỉ toàn công việc, không có vui chơi hay sở thích riêng? Sở thích ư? Tôi đi chơi mút chỉ. Chủ nhật không làm việc, xách xe đi chơi nơi nào mình thích. Có khi chạy ra Vũng Tàu cùng với một số người bạn, ngắm cảnh trên đường đi. Tới nơi, chỉ cùng nhau ngồi uống ly cà phê đá cũng thích. Tôi không ghiền thuốc lá, rượu, bài bạc, chỉ đi mổ là vui thôi. Các con ông có ai theo nghề của cha không? Cả ba đứa con tôi đều vào nghề của cha, trong đó một theo chuyên ngành của tôi. Bác sĩ có theo dõi xã hội đang bàn luận lời bà Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi mọi người đừng đưa phong bì cho bác sĩ? Là người trong ngành, ông nghĩ sao? Tôi xin khẳng định trong nghề này, sự hồi phục của người bệnh, sự thành công của điều trị là niềm vui lớn nhất của bất kỳ bác sĩ nào. Phần thưởng lớn vô cùng, đừng nói tiền bạc. Thứ hai, không phải bác sĩ nào cũng giống nhau. Không phải tất cả đều quan trọng hóa tiền bạc, dù ai cũng phải ăn, phải sống, lo cho vợ con và những mối quan hệ phải lo. Thứ ba, vì lý do có những người này người kia xấu tốt thì một ngành nghề có thể bị mang tiếng, nhưng hãy nghĩ lại. Nếu một ngành nghề đều tốt hết thì chỉ có trong mơ. Chính sự khác biệt tạo nên toàn cảnh xã hội. Cảnh sát giao thông cũng thế. Không có họ, chết người tệ gấp ngàn lần. Chỉ nhìn một số để đánh giá một ngành nghề, bôi bẩn người làm tốt là không nên. Thầy cô cũng thế. Đừng suy nghĩ quá đáng. Nếu chúng ta đặt lại vấn đề, liệu có thể nhìn lỗi nhỏ, vài chấm đen rồi vứt luôn tờ giấy trắng, là bất công. Phải chấp nhận cái muôn mặt. Giờ đây dù công việc nhiều, nhưng chính thức ông đã nghỉ hưu. Ông thấy cuộc sống của mình có khác trước nhiều không? Về hưu cực hơn, vì trước ở một bệnh viện, nay chạy tới lui. Công việc thì tôi không thấy khác. Tôi không lo nhiều. Vì như người lớn tuổi thường có hai vấn đề: tôi sống đủ rồi, và cuộc sống đã giúp ích, để lại cho nghề nghiệp những người giỏi thay thế. Có câu nói tôi đọc ở trên tường quán cà phê ở Bình Định, trên đường vào sân bay Phù Cát, tôi không nhớ tên tác giả nhưng biết đó là câu nhiều người thích, đại ý: Lúc sinh ra, mình khóc, thiên hạ cười. Khi mình chết đi, mỉm cười trong lúc thiên hạ khóc. Được người đời yêu và nhớ, phần thưởng lớn biết bao. Phong bì nhiều, chết cũng không mang theo. Ý nghĩa cuộc đời đâu phải tiền bạc. Xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều về những việc làm và suy nghĩ về cuộc sống thật ý nghĩa. Nguyễn Thị Ngọc Hải (thực hiện)/Theo DNSGCT |