Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012



Hồ Kim Chi


    Đối với sinh viên Y khoa trước thập niên 60, môn học Cơ thể bệnh lý là một trong những môn mà các sinh viên chỉ mong học cho xong để qua ải mà thôi vì môn học này vừa khô khan vừa khó hiểu và danh từ lại khó nhớ. Hơn nữa, học môn này ra đời không tìm được việc làm với danh xưng là bác sĩ! Vì những lý do trên mà số bác sĩ chuyên môn về Cơ thể bệnh lý rất hiếm hoi ở Việt Nam. Có khoảng 5 hay 6 bác sĩ chuyên môn về ngành này cho cả trên 30 triệu dân Việt Nam sống dưới vĩ tuyến 17. Nếu tôi không quên thì những vị sau đây là bác sĩ chuyên môn về Cơ thể bệnh lý ở Việt Nam trước thập niên 60.
Đại học Y khoa Saigon: Giáo sư Nguyễn Huy Can, Giáo sư Đào Hữu Anh và Bác sĩ Lê Tài Sinh.
Viện Pasteur Saigon: Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên và Bác sĩ Lê Thị Mười Một.
Cục Quân Y: Bác sĩ Cao Xuân An.
Như đã nói trên, số bác sĩ chuyên môn rất ít và phương tiện giáo dục lại thô sơ (thiếu sách vở, thiếu mẫu thịt để thực tập, thiếu hình ảnh v.v…) nên việc làm của khu Cơ thể bệnh lý Đại học Y khoa chỉ giới hạn trong việc dậy dỗ các sinh viên Y khoa năm thứ 3 mà thôi. Nói đến môn Cơ thể bệnh lý mà không nhắc đến khu Mô học của Giáo sư Lichtenberger là một sự thiếu sót vì muốn học Cơ thể bệnh lý thì trước tiên phải biết Mô học. Chúng tôi còn nhớ là chúng tôi học môn Mô học bằng cách vẽ lại hình của Giáo sư Lichtenberger vẽ trên bảng. Nhưng đến giờ thực tập, nhìn vào kính hiển vi thì nó không giống những cái gì mình đã vẽ. Sinh viên bèn nghĩ ra cách tiện nhất là học thuộc lòng những gì thầy đã dậy là chắc ăn nhất. Cuối năm Giáo sư Lichtenberger tin là học trò mình giỏi nên hỏi một câu như sau: Tế bào thịt không có vân (smooth muscle cell) có ở trong não hay không? Các sinh viên ngồi rung đùi và nói thầm với nhau là câu hỏi dễ như thế này mà giáo sư Lichtenberger đem ra hỏi làm gì? Có lẽ thầy muốn giúp các sinh viên đậu khỏi phải đi lính chăng? Tất cả đều trả lời là không có tế bào thịt không có vân trong não bộ. Kết quả trở về trái ngược lại những gì sinh viên đã chọn. Thầy Lichtenberger cắt nghĩa là tế bào thịt không có vân nằm trong các mạch máu ở trong não bộ.
Sau khi qua khỏi năm thứ hai, sinh viên lại gặp thêm một môn khó nuốt là thi thực tập môn Cơ thể bệnh lý. Như đã nói bên trên, vì các mẫu thịt (lame/slide) không nhiều lắm, nên các mẫu thịt dùng trong các buổi thực tập được dùng lại trong kỳ thi thực tập. Anh chị em sinh viên bèn nghĩ ra cách là đo lại (copy) hình dáng miếng thịt luôn cả bộ phận nào và bên tay trái hay bên tay mặt, để khi thi thực tập sẽ nhớ lại bệnh gì và cơ quan nào. Tôi nhớ có một lần, một sinh viên được giáo sư khen tặng là anh giỏi quá, chỉ cần nhìn miếng thịt trên kiếng (lame/slide) là biết ngay là bệnh ung thư thận mà còn biết thận mặt hay thận trái nữa. Để tặng cho vị sinh viên giỏi này thầy cho anh được vinh dự gặp lại thầy ở kỳ thi thứ hai.
Năm 1969, sau khi thi hành nghĩa vụ thanh niên thời chiến, tôi được biệt phái về làm việc với Giáo sư Nguyễn Huy Can và Giáo sư Đào Hữu Anh vừa tu nghiệp từ Hoa Kỳ trở về. Trong khoảng thời gian từ 1969-1973 nhờ sự chỉ dẫn và giúp đỡ tận tình của hai Giáo sư Nguyễn Huy Can và Đào Hữu Anh và phân bộ Việt Nam của Hiệp Hội Y Sĩ Hoa Kỳ (American Medical Association Vietnam Project), chúng tôi gồm Bác sĩ Vương Ngọc Phát, Trần Mạnh Rực và tôi đã hoàn tất chương trình Hậu đại học đầu tiên về Bệnh học và bắt đầu hành nghề Cơ thể bệnh lý. Nhờ tài khéo léo điều khiển của hai Giáo sư Can và Anh, khu Cơ thể bệnh lý bắt đầu bành trướng việc thử nghiệm cho các bệnh viện ở Saigon và các tỉnh của miền Nam Việt Nam qua sự hợp tác giữa trường Đại học Y khoa Saigon và Bộ Y tế. Việc thử nghiệm miễn phí cho các bệnh viện đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Về phía trường Đại học Y khoa từ nay sẽ có nhiều mẫu thịt để vừa dùng để dạy sinh viên Y khoa vừa dùng để đào tạo bác sĩ chuyên khoa về Bệnh học (pathology) và các chuyên khoa Sản phụ. Về phía Bộ Y tế thì các bác sĩ điều trị sẽ có kết quả thử nghiệm nhanh chóng hơn (từ 15 phút nếu mẫu thịt được đưa ngay cho phòng thí nghiệm, đến 3-4 ngày tùy theo tỉnh ở xa hay gần và tùy theo bưu điện di chuyển mẫu thịt nhanh hay chậm. Trước khi phòng Thí nghiệm Trung ương được thành lập thì trung bình khoảng 15 ngày mới có kết quả thử nghiệm các mẫu thịt.
Để cung ứng cho việc thí nghiệm khu Cơ thể bệnh lý cũng hợp tác với Bộ Y tế đào tạo cán sự phòng thí nghiệm và một số cán sự đã tốt nghiệp và phục vụ trong các bệnh viện ở Việt Nam trước 1975. Một số cán sự được đào tạo để đọc các mẫu nghiệm lấy từ âm đạo của phụ nữ để truy tầm bệnh ung thư cổ tử cung (vaginal pap smears) và một số cán sự khác được đào tạo cách làm mẫu thịt cho Cơ thể bệnh lý. Theo nhận xét của tôi các mẫu thịt trên kiếng (lames) do các cán sự phòng thí nghiệm Trung ương làm ra bằng hoặc tốt hơn các mẫu thịt của phần đông các nhà thương bên Mỹ.
Việc làm của Cơ thể bệnh lý và sự thành công của Phòng Thí nghiệm Trung ương cũng được bệnh viện Grall chú ý. Bác sĩ chuyên khoa Cơ thể bệnh lý của bệnh viện này thỉnh thoảng đem các trường hợp đến hỏi ý kiến. Tôi còn nhớ có một lần, một nhân viên Uỷ ban Kiểm soát Đình chiến người Hung Gia Lợi bị chết bất thần. Uỷ Ban Đình chiến phía bên kia không tin bác sĩ quốc gia Việt Nam nên họ yêu cầu bệnh viện Grall khám nghiệm tử thi. Ông bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện Grall điện thoại cho bên Việt Nam qua giúp họ và kết quả khám nghiệm cho thấy ông nhân viên Hung Gia Lợi bị chết vì xuất huyết não (cùng đi với bọn này qua bệnh viện Grall có Bác sĩ Ben R. Ferguson thuộc trường Đại học Y khoa Missouri, trường đứng ra để phụ đào tạo y sĩ chuyên khoa bệnh học).
Việc đào tạo y sĩ chuyên khoa bệnh học cho miền Nam Việt Nam chỉ được có 2 lớp và chinh biến năm 1975 đã làm dang dở khoá thứ 3 của chương trình hậu đại học. Không biết quý vị bác sĩ khoá 3 hiện giờ lưu lạc nơi đâu!
Các bác sĩ đồng môn và tôi xin mượn những dòng này để cảm ơn Giáo sư Nguyễn Huy Can và Giáo sư Đào Hữu Anh đã giúp đỡ và khuyến khích các khoá sinh trong thời gian thụ huấn và làm việc ở Khu Cơ thể bệnh lý, Đại học Y khoa Saigon.


Chú thích:
Cơ thể bệnh lý (Anatomie Pathology)
Bệnh học (Pathology gồm có Anatomic và Clinical Pathology)
Trong quyển sách của trường Đại học Y khoa Saigon do AMA xuất bản có kể tên của tất cả các y sĩ Việt Nam tu nghiệp tại Hoa Kỳ trước 1975. Sau khi xem quyển sách này, Bác sĩ John C. Neff là Trưởng khu Bệnh học tại Y khoa đại học East Tennessee có nói là quyển sách thiếu một phần là “bây giờ các bác sĩ Việt Nam trong quyển đang ở đâu?”. Để tránh lỗi lầm trên, tôi xin thêm phần cuối của bài này những gì tôi biết được về những vị Giáo sư và Bác sĩ của ngành Cơ Thể bệnh lý.
Giáo sư Nguyễn Huy Can, sau một thời gian hành nghề ở Pháp nay đã về hưu ở Paris.
Giáo sư Đào Hữu Anh*, sau thời gian dạy học tại Vanderbilt University nay đã về hưu ở Virgiania.
Bác sĩ Cao Xuân An vẫn còn hành nghề và sống ở California
Bác sĩ Vương Ngọc Phát rất thành công ở Paris (Chairman, Pathology Dept., bệnh viện Saint Michel) đã mãn phần tại Pháp và chôn ở Silverspring, Maryland).
Bác sĩ Lê Tài Sinh về hưu và sống ở Paris.
Bác sĩ Trần Mạnh Rực vẫn còn dạy học tại University of Texas ở Lubbock.
Bác sĩ Nguyễn Gia Khánh, sau trên 20 năm dạy học nay đã về hưu ở Canada.
Bác sĩ Hồ Kim Chi, sau 21 năm quân ngũ, làm Trưởng khu Bệnh học Quân Y viện Walter Reed nay đang tiếp tục hành nghề tại Virginia.
LTS: *Gs Đào Hữu Anh cũng được sinh viên thưong quý và mến phục như Gs Hoàng Tiến Bảo. Ông làm phó Khoa Trưởng rất lâu, từng xử lý chức vụ Khoa Trưởng Y Khoa Saigon. Sang Hoa Kỳ Gs Đào Hữu Anh đã cùng với nhiều vị Thầy của Y Khoa Saigon lập “Faculty Council in Exile” để cấp giấy chứng nhận thay thế văn bằng Bác Sĩ Y Khoa cho gần như hầu hết học trò cũ. Các Giáo Sư khác cùng ký tên chung với Gs Đào Hữu Anh là các Giáo Sư Đặng Văn Chiếu, Lê Quốc Hanh, Phan Đình Tuân, Nguyễn Văn Hồng ...Về sau có nhiều Gs khác cũng giúp đỡ học trò cũ, nhưng rất tiếc BBT không biết hết để ghi ơn nơi đây.