Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012


Lưu Đình Huệ


    Hôm nay đã tháng ba rồi, đông qua xuân đến, nhưng sao bão tuyết vẫn  còn rơi mịt mù làm tôi chạnh lòng nhớ đến Sài gòn nắng đẹp, hoa xuân đua nở nhộn nhịp, người qua kẻ lại, nhớ đến bịnh viện Chợ Rẫy với những ngày tháng đầy kỷ niệm, chăm lo học hỏi với những bậc thầy đáng kính, cùng chung sức với đồng nghiệp và y tá để phục vụ tốt cho đồng bào, trong một hoàn cảnh eo hẹp thiếu thốn nhưng vẫn kiên nhẫn hy sinh để hoàn thành trách nhiệm của mình.
Sinh viên đại học Y khoa Sàigòn đi thực tập nội khoa tại hai bịnh viện nổi tiếng của miền nam Việt Nam, bịnh viện Nguyễn văn Học ở Gia định và bịnh viện Chợ Rẫy ở Chợ lớn gần trường đua Phú thọ.
Vì trú ngụ tại vùng Hòa Hưng, Quận ba, nên tôi chọn đi thực tập tại bịnh viện Chợ Rẫy. Từ lúc làm nội trú uỷ nhiệm, nội trú thực thụ cho đến lúc trở thành Giảng nghiệm viên tôi vẫn phục vụ tại bịnh viện này. Đời tôi gắn bó với bịnh viện Chợ Rẫy cả hai chục năm trường, biết bao là kỷ niệm vui buồn. Nhiều đêm nơi xứ người, tôi thường chiêm bao thấy mình đang làm việc nơi ấy, khi tỉnh giấc mới biết  mình đang ở Montréal, xứ Canada lạnh lẽo này.     
Cửa chánh của bịnh viện nằm trên đường Thuận Kiều, khi xây cất lại, cửa này chuyển sang đường Trần Hoàng Quân.Vừa bước qua cửa bịnh viện, ta sẽ thấy một khu nhà hai từng nhỏ nhắn xinh xinh, từng dưới là nơi tiếp bịnh nhân, còn từng trên là nơi trú ngụ của các nội trú bịnh viện. Bên phải là khu cứu cấp, đi thẳng vào trong qua con đường nhỏ với hai hàng cây đầy bóng mát sẽ gặp bên phải là trại 22 khu nội khoa, bên trái là khu ngoại khoa và phòng mổ, quẹo sang trái sẽ đến trại 27 là nơi thực tập của sinh viên Y khoa và Cán sự điều dưỡng.
Trưởng khu nội khoa do các giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, Bùi Quốc Hương và Lê Xuân Chất luân phiên đảm nhiệm. Trong khu giáo sư Phạm Tấn Tước và Huỳnh Ngọc Xuân phụ trách hướng dẫn sinh viên môn nội khoa tổng quát (médecine interne), giáo sư Huy môn tim mạch và thông tim, giáo sư Hương môn thần kinh, Giáo sư Chất môn huyết học và y khoa hạch tâm (médecine nucléaire).
Hai năm đầu y khoa, buổi sáng từ 7 giờ rưỡi đến 12 giờ phải đi thực tập tại bịnh viện, khoác áo blouse trắng với vỏn vẹn một sao tôi bỡ ngỡ đi thực tập tại khu nội khoa Chợ Rẫy. Rụt rè đứng xa xa sau các đàn anh, nhìn thấy thầy PHẠM TẤN TƯỚC rất đáng kính nể, dáng người to lớn, nghiêm nghị và khắt khe với sinh viên. Nhân viên y tá không mấy thích thầy. Riêng tôi lúc đi thực tập ngoại trú và nội trú mới hiểu thầy nhiều hơn. Thầy tuy khó tính nhưng rất giỏi về chuyên môn, làm việc nhanh nhẹ, chẩn bịnh chính xác, điều trị mát tay. Đôi khi chỉ nhìn bịnh từ xa Thầy đã đoán đúng bịnh.Tôi đã học được với Thầy những kinh nghiệm lâm sàng và nhiều thủ thuật như ponction d’ascite, ponction lombaire, ponction sternale và cả biopsie hépatique nữa. Đáng tiếc là không được theo học Thầy lâu dài hơn vì sau khi đảm nhiệm chức khoa trưởng một thời gian ngắn Thầy không trở lại làm việc tại bịnh viện nữa.
Tôi có ba bạn thân, Đặng  Minh Tâm, Lương Bá Tín và Tạ Văn Luôn, đã cùng làm nội trú ủy nhiệm với tôi tại khu nội khoa Chợ Rẫy.
Chúng tôi cùng chung học tập, khuyến khích nâng đỡ nhau để hoàn thành trách nhiệm nội trú của mình, đã cùng tung tăng rong chơi khắp phố phường. Đây là thời gian đầy kỷ niệm đẹp của đời sinh viên y khoa của tôi.
Sau khi trúng tuyển nội trú các bịnh viện Sàigòn, tôi xin được bổ nhiệm về làm việc tại khu nội khoa Chợ Rẫy. Sáng khám bịnh trên trại xong,tôi vội vã xuống phòng ngoại chẩn thần kinh để theo học với Thầy BÙI QUỐC HƯƠNG. Thầy tánh tình hiền hậu, ăn nói từ tốn, tận tụy với bịnh nhân bằng cả tấm lòng, kiên nhẫn hướng dẫn học trò. Thầy cũng rất hăng say trong việc nghiên cứu khoa học. Tôi đã được Thầy cho làm luận án Tiến sĩ Y khoa với  đề tài  - Les hématomyélies spontanées de la grossesse - Etude anatomoclinique.Thầy rất thích đề tài này, đã tận tình tỉ mỉ hướng dẫn tôi trong công trình nghiên cứu. Tôi phải đóng chuồng để nuôi thỏ, đợi đến khi có thai mới làm thử nghiệm. Phải hơn 2 năm trời tôi mới hoàn thành đề tài nghiên cứu này. Thầy rất vừa ý và tôi đã được - mention très honorable, avec félicitations du jury- ,và đề tài này được đăng trên Proceedings of Australian Society of Neurologists ( TV Part 3, 1967).
Tôi làm việc ở khu nội khoa nhưng là nhân viên của bộ y tế, cho nên khi bác sĩ Hào giáo sư giảng dạy thực tập cho sinh viên Cán sự diều dưỡng tại trại 27 hưu trí, tôi được Bộ trưởng y tế giáo sư Trần Lữ Y giao cho trách nhiệm thay thế bác sĩ Hào, từ đó tôi không còn thì giờ để theo học với Thầy nữa. Đến lúc tôi được bác sĩ Liên Hương thay thế tại trại 27, tôi được phép trở về làm tại khu nội khoa, nhưng tiếc thay Thầy đã rời trường và sang Pháp rồi. Sau này nghe tin Thầy đã qua đời khi viếng thăm con tại Mỹ. Tôi rất hối tiếc không được gặp lại Thầy, cầu mong Thầy được bình an thanh thản bên kia thế giới.
Thi đậu xong vào ban giảng huấn Đại học Y khoa về môn Médecine interne, tôi vẩn tiếp tục làm việc tại khu nội khoa Chợ Rẫy dưới quyền của trưởng khu do Thầy Huy và Thầy Chất luân phiên phụ trách. Hai năm đầu tôi theo học với Thầy NGUYỄN NGỌC HUY, đang là khu trưởng. Thầy là một giáo sư rất đạo mạo, uy nghiêm, nhiều sinh viên nghĩ là Thầy khắt khe. Thầy không thích những sinh viên không quan tâm đến bịnh sử, không thuộc tình trạng của bịnh nhân. Riêng tôi rất kính trọng Thầy vì Thầy đã coi trọng sứ mệnh giáo dục của mình, muốn đào tạo những môn sinh tốt. Những học trò được Thầy dạy dỗ, khi ra ngoại quốc tu nghiệp đã theo kịp và hòa mình một cách dễ dàng vào y giới nước người. Thầy quả thật là một giáo sư có tài, giỏi về tim mạch và cả về nội khoa tổng quát.
Thầy để rất nhiều thời gian làm việc tại phòng thông tim, rất tiếc là tôi chưa được học với Thầy về môn này. Về sau Thầy đã qua đời vì tai nạn lưu thông, bị xe cán trên lề đường ở Saigon, để lại cho tôi và những học trò của Thầy bao niềm thương tiếc và kính mến.
Trong thời gian làm việc với Thầy Huy, tôi cũng thường đến phòng thí nghiệm của Thầy LÊ XUÂN CHẤT để học hỏi thêm, và đến khi Thầy phụ trách trưởng khu, tôi được điều động đến làm việc với Thầy nhiều thời gian hơn. Thầy là một giáo sư tài đức, tính tình giản dị hiền lành và bình dân, luôn luôn vui vẻ, hòa nhã với học trò và nhân viên. Thầy có một đường lối giáo dục rất phóng khoáng, chỉ dạy rất rõ ràng và dễ hiểu. Thầy rất thích nghiên cứu khoa học, ngoài môn chính là huyết học, Thầy là người tiên phuông trong ngành médecine nucléaire và nội tiết tại Việt Nam. Tôi đã theo Thầy để làm những đề tài nghiên cứu về: Batterie des examens in vitro dans l’exploration thyroidienne, Rénographie isotopique dans l’HTA, Mesure de l’activité de rénine plsamatique et son intérêt dans le diagnostic des HTA essentielles, Thầy đã giao và khuyến khích tôi trong việc thuyết trình đề tài Tests T3 et T4 dans l’exploration de la fonction thyroidienne trong buổi đại hội y khoa toàn quốc, đây là lần đầu tiên tôi được thuyết trình, với sự ủng hộ và giúp đỡ của Thầy tôi đã thành công. Nhờ sự huấn luyện của Thầy nên tôi mới có khả năng để phụ trách phòng ngoại chẩn về tuyến giáp trạng và giảng dạy về nội tiết. Sau khi « được giải phóng » Thầy đã bị đi học tập về tội vượt biên. Tôi rất đau buồn khi được tin Thầy đã qua đời lúc đang nằm trên võng tại nhà. Hôm nay tôi viết những giòng chữ này để tỏ lòng hối tiếc đã không có mặt ở quê nhà để tiễn đưa, người thầy mà tôi hằng kính mến, ra đi vứt bỏ mọi phiền não của cuộc đời.
Sau ngày 30 tháng 4, tôi cùng những anh em còn kẹt lại vẫn tiếp làm việc tại khu nội khoa Chợ Rẫy do giáo sư HUỲNH NGỌC XUÂN phụ trách. Với đầy khôn khéo và tế nhị Cô đã dìu dắt bao che đàn em hoàn tất công tác một cách suông sẻ. Cô sống rất gần với học trò và nhân viên, hiền lành nhỏ nhẹ với mọi người, hướng dẫn đàn em rất tỉ mỉ đầy chân tình và thông cảm, ân cần thăm hỏi hoàn cảnh từng người để giúp đỡ nếu cần. Khi còn là nội trú, tôi đã làm việc với Cô tại trại 27 và học nơi Cô cách đối xử tốt với nhân viên bịnh nhân và đồng nghiệp. Tôi cũng đã thâu thập được nhiều kiến thức lâm sàng của những bịnh dạ tràng và đôi chút kinh nghiệm về nội soi. Cô đã an ủi và giúp đỡ tôi khi gặp khó khăn trong nghề nghiệp. Cô đã rời Việt  nam và sang sống tại Pháp. Mong Cô sống yên vui khỏe mạnh nơi xứ người.
Tất cả những điều tôi học hỏi với các Thầy ở Việt nam đã giúp cho tôi rất nhiều khi di dân sang Canada, tôi đã nhanh chóng theo kịp và hòa mình dễ dàng vào y giới nơi đây.
Nhiều đêm nằm mơ, tôi thấy mình trở về Sài gòn thân yêu, viếng thăm bịnh viện Chợ Rẫy. Cảnh xưa còn đó mà người cũ nào còn đâu. Thầy và bạn bè thân yêu giờ đây đã phân tán khắp năm châu, người đi kẻ ở để lại cho nhau bao niềm thương nhớ.
Dù vật đổi sao dời, tôi vẫn không quên được TÌNH THẦY, và để khỏi phụ lòng những ÂN SƯ, tôi đã quyết tâm làm một thầy thuốc tốt, hăng say phục vụ cho người cùng quê hương.