Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012


Thân Trọng An



Các môn sinh Y Khoa tại Việt Nam đều biết và nhớ công ơn của quí Thầy Cô, nên khi TSYS kêu gọi bài vở thì mọi người đều vui vẻ viết ngay, tình nghĩa Thầy trò xem ra vẫn còn thắm thiết vô cùng, thật là một việc rất “dễ thương” đáng tán thưởng.
Những ân tình cá nhân, hay với một vài “đệ tử” chân truyền là điều đương nhiên, nhưng ân tình và ảnh hưởng của những vị Thầy đối với các Hội Y Sĩ VN mới thật là chuyện vô tiền khoáng hậu. Vì chỉ có y sĩ Việt Nam mới phải di tản, tỵ nạn hàng loạt, mới biết tụ họp lại tạo nên một sức mạnh nhờ số đông và tri thức (do các vị Giáo sư truyền đạt, và cũng do cá nhân mình cố gắng) để lập lên những hội ái hữu.
Vai vế của những bậc Thầy trong ngành Y khi nào cũng được kính trọng, lời khuyên nhủ khi nào cũng được tuân thủ, chúng ta không thấy kỳ lạ chút nào vì, mặc dù “autres temps, autres moeurs...” Thầy của chúng ta đều giữ đầy đủ đạo đức, đều hành xử như bậc cha chú, đều nêu gương sáng của bậc Thầy cho chúng ta noi theo.
Thế nhưng trong các Hội Đoàn, các vị Thầy ít khi “bị” yêu cầu xung phong giữ những chức vụ đứng mũi chịu sào, mà chỉ “bị” đóng vai cố vấn hay hoà giải khi Hội gặp khó khăn, nghĩa là vai trò của các bậc “tiên hiền”.
HYSVN tại Canada có hân hạnh được Gs Nguyễn Thế Minh ngồi rất lâu trong chức vụ “Ủy Viên Học Tập” của Khối Huấn Luyện, đến tận cuối năm 1996. Trong khoảng thời gian này, Gs Minh đóng góp tích cực cho Ban Chấp Hành, chịu khó đi họp rất đều đặn và làm việc rất hăng say, không nề hà việc lớn nhỏ, vai vế, chức vụ. Thật là một điểm son đáng ca ngợi.
Gs Đào Đức Hoành hành nghề trở lại tại Montréal, rất được học trò yêu kính. Về sau Thầy rất mộ đạo, rất “ngộ đạo” và thường thuyết pháp tại chùa. Năm 1991, khi HYS dọn về trụ sở mới (vẫn còn cho đến ngày hôm nay) Thầy và Cô Hoành có tổ chức một lễ “cầu siêu” kiểu lễ Macchabée để giữ truyền thống Y Khoa Saigon.
Khi Thầy thấy có bệnh gì thì gọi học trò chữa trị, tỏ lòng rất tin cẩn vào sự tận tâm và khả năng của học trò mình. Và nhờ thế mới tìm ra bệnh của Thầy rất sớm.
Gs Trần Lữ Y mãi về sau mới từ Pháp sang định cư tại Montréal, rất thân với nhiều học trò cũ và với vài anh em trong Ban Chấp Hành. Thầy không can thiệp vào sinh hoạt của Hội, từ chối những lần “bị” mời tham dự sinh hoạt này nọ, nhưng khi cần tình riêng giúp đỡ anh em thì Thầy không bao giờ từ nan. Các Bs Nguyễn Mậu Hoàng, Phạm Hữu Trác, Lý Hồng Sen, Mạc Văn Phước, Trọng, Tín đều rất thân thiết với Gs Lữ Y.
Gs Phạm Gia Cẩn không có liên lạc chính thức với Hội, nên kẻ hậu bối ít có dịp đuợc gặp Thầy.
Gs Nguyễn Đình Cát, tuy ở Hamilton, Ontario, nhưng có liên lạc với Hội khá nhiều, và Hội được hân hạnh Thầy ủy thác cho in và phát hành (Hội in sách lần đầu tiên) quyển “le boire et le manger vietnamiens à travers la littérature populaire” của Thầy  năm 1991. Bài tựa do Gs Trần Ngọc Ninh viết rất bay bướm, và Thầy bắt TTA phải dịch sang pháp văn 4 câu trích trong Kinh Thi của bài tựa này.
Những vị Thầy khác ở xa Montréal, nhưng có vài vị lâu lâu qua Montréal, tham dự Đại Hội hay thăm gia đình, nên HYSVNC được hân hạnh đón tiếp một vài lần.
Năm 1987, tại Đại Hội Quốc Tế Y Sĩ đầu tiên họp tại Montréal, và 10 năm sau đó tại Đại Hội Quốc Tế Y-Nha-Dược Sĩ kỳ II năm 1997, chúng ta hân hoan gặp lại các Gs Trần Quang Đệ, Gs Nguyễn Hữu, Gs Trần Ngọc Ninh, Gs Trần Văn Bảng, Gs Đinh Văn Tùng, Gs Nguyễn Ngọc Giệp, Gs Đào Hữu Anh, Gs Đỗ Thị Nhuận, Gs Tăng Nhiếp, và nhiều vị Giáo sư khác nữa ... mà trí nhớ của tôi càng ngày tệ, càng “Alzheimer” nên quên sót mất (xin thành thật cáo lỗi). Thật là những dịp trùng phùng vui vẻ.
Ảnh hưởng của Gs Nguyễn Hữu trên Hội Canada rất là độc đáo, từ trước đến giờ e rằng chưa có một lời khuyên nào của một vị ân sư mà làm cục diện thay đổi một cách tuyệt vời như vậy.
Tháng 10 năm 2003, trong Đại Hội Thường Niên có bầu cử của HYSVNC, khi sắp đến màn ứng cử - bầu cử Hội Trưởng và các chức vụ trong Ban Chấp Hành thì Bs cựu Hội Trưởng (sáng lập) Nguyễn Tấn Hồng đưa Gs Hữu đến Đại Hội Đồng. Thấy chưa ai chịu ra ứng cử chức Hội Trưởng, Thầy hỏi thăm và nói ngay Bs Trần Đình Thắng mới làm xong có một nhiệm kỳ, dù có muốn hay không anh Thắng cũng nên phải đảm nhiệm thêm một nhiệm kỳ nữa cho đủ như truyền thống. Vì lời nói này của Thầy Hữu mà Bs Thắng, mặc dù  lúc trước đã cương quyết từ chối nhiều lần rồi, phải vâng lời tái đảm nhiệm chức vụ thêm 2 năm nữa. Trước đó Thầy thường nói “le Trác”, “le An”,  nay thêm “le Thắng”.
Quý vị có biết tại sao vậy không ? Đó “ là  nhờ ơn Ngô Tổng Thống” khi không bị “lộn chapitre”. (ai có học với Thầy Hữu ngày xưa tại Saigon chắc còn nhớ những câu thường nói này của Thầy)
Gs Trần Văn Bảng có học trò cưng là Bs Mạc Văn Phước, rất quý trọng các Bs Phạm Hữu Trác, Hồ Quang Nhân ở Montréal, và Bs Phạm Tu Chính, Phạm Ngọc Tỏa ở Paris nên khi sưu tầm bài vở để sửa soạn in tập Thư Mục Y Giới Văn Thi Nghệ Sĩ đã lo xa dặn dò những vị này cũng như  hai hội Pháp và Canada phải thành toàn tâm nguyện in và phát hành quyển sách của Thầy nếu Thầy chưa kịp hoàn thành. Sự lo xa đó đã được thực hiện năm 1997, vừa kịp ra để mắt trước ngày Đại Hội Quốc Tế.
Trước đó Thầy cũng đã giao cho anh Mạc Văn Phước phát hành tập thơ “ Duyên Thơ tình bạn”.
Khi được báo hung tin, HYSVN tại Canada đã tổ chức lễ phát tang tại Montréal cho Gs Phạm Biểu Tâm tại trụ sở Hội, chủ tế là Bs Nguyễn Tấn Hồng, bồi tế là Bs Nguyễn Thanh Bình, tân hội trưởng.

Đó là vài kỷ niệm «officiels et officieux » mà tôi biết và nhớ, xin viết ra trình quý độc giả, còn những kỷ niệm riêng tư giữa Thầy và Trò thì nhiều lắm, tôi biết không hết, và dù có biết thì cũng không dám kể ra vì ngoài khuôn khổ của bài viết này.
Nhân dịp này tôi xin thay mặt Ban Biên Tập cám ơn sự giúp đỡ quý báu của tất cả các huynh trưởng đã đáp ứng lời kêu gọi mà bỏ công viết lại những kỷ niệm yêu quý thuở “ngày xưa còn bé” để tất cả chúng ta cùng hồi tưởng lại và ghi nhớ công ơn của những vị ân sư. “Không Thầy đố mày làm nên”.
Tôi muốn đặc biệt cám ơn các Bs Phạm Tu Chính, Trần Văn Tích, Bùi trọng Căn, Trần Ngọc Quang, Trần Văn Khánh, Lưu Đình Huệ, Nguyễn Hữu Nam, Phạm Ngọc Tỏa, Đặng Minh Tâm, Hồ Kim Chi, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Hoà Hiếu, Lý Hồng Sen, Lê Thái, Nguyễn Thanh Long, Quản Phương Thảo ... Cũng xin cám ơn lời nhắc nhở khéo léo của Gs Đỗ Thị Nhuận và của bạn Bs Nguyễn Tri Phương giúp TSYS lưu ý sửa sai những sơ xuất ngoài ý muốn.
Hy vọng rằng : “Lời thô góp nhặt dông dài, Mua vui cũng được một vài ...”  phút giây !

Thân Trọng An
15 tháng 6 năm 2008