Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Thân thế sự nghiệp

Lý Hồng Sen
tháng 8 năm 2000


Thưa anh Lữ Y
Thưa quý vị
Thưa quý hội đoàn

Chúng tôi xin thay mặt một số thân hữu hiện diện và một số thân hữu vắng mặt nơi đây.
Ngày hôm nay chúng em tiễn anh ra đi, một người bạn, một vị đàn anh, một bậc thầy, một quân nhân, một bộ trưởng, một người của quốc gia dân tộc, liêm khiết, chính trực.
Anh sinh ngày 16 tháng 4 năm 1926 tại Sa Đéc, đến nay hưởng thọ 75 tuổi, thất lộc tại bệnh viện Jean Talon, Montreal vào buổi sáng ngày 25 tháng 8 năm 2000 vào lúc 8 giờ 10 phút.
Anh sinh ra trong một gia đình thuộc ngành giáo dục, được trưởng thành trong khuôn khổ đạo đức. Anh đã sống từ lúc trẻ trong tinh thần quốc gia và xã hội, anh còn là một nghệ sĩ vĩ cầm, một võ sinh.
Khi chúng tôi chỉ mới là một học sinh trung học đã được biết anh tại võ đường Hàn Bái.
Từ lúc trẻ, anh đã hoạt động xã hội và có khuynh hướng chính trị, anh đã tham dự cuộc biểu tình đốt chợ Bến Thành cùng trò Ơn, anh đã đứng ra tổ chức Đại nhạc hội để yểm trợ phong trào học sinh.
Khi vào Đại học Y khoa, Anh đã từ sinh viên, giảng huấn viên tại Cơ thể học viện, y sĩ giải phẫu, rồi theo Giáo sư Massias đổi qua Nội khoa.
Học hết năm thứ 5 trường Y khoa, Anh được gọi nhập ngũ, người y sĩ Nhẩy Dù đầu tiên của Việt Nam Cộng Hoà, đã tham dự các cuộc chiến tại miền Bắc và giải ngũ vì bị sưng màng phổi.
Anh tiếp tục học Y khoa và tu nghiệp tại Pháp, trở về Việt Nam làm Giáo sư giảng huấn tại Đại học Y khoa Sàigòn về khoa Huyết học.
Trong những biến cố của đất nước, anh là người mặc dù bị kỳ thị tại Đại học Y khoa, nhưng đã đứng ra làm Bộ trưởng Y tế và Xã hội với tinh thần hoà đồng dân tộc Việt Nam từ năm 1964 đến năm 1969 với chính phủ của thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Là một trí thức thiết tha cho đất nước, anh đã thiết kế kế hoạch cải tổ ngành Y khoa, cùng lúc xây dựng cơ cấu huấn luyện chuyên viên y tế, mở lớp giảng dạy sinh viên Y khoa để xuất ngoại tu nghiệp.
Trong thời gian tại Bộ Y tế và Xã hội, anh đã liên lạc với các quốc gia bạn: Pháp, Mỹ, Nhật, Đại Hàn và Đài Loan, yêu cầu yểm trợ trang bị kiến thiết khuếch trương các bệnh viện và cơ sở huấn luyện.
Vào lúc biến cố Mậu Thân, anh đã là một Bộ trưởng mà còn là một chiến sĩ quốc gia, đã xông xáo lo cho ngành y tế và yểm trợ đắc lực công cuộc xã hội cho đồng bào và dân tộc qua thời buổi “nồi da xáo thịt” do bè lũ cộng sản gây ra.
Sau biến cố Mậu Thân, chính phủ quốc gia Việt Nam đề tặng Bảo quốc Huân chương, nhưng chính anh đã khước từ.
Với tất cả những hy sinh vì dân, vì nước, vì y học, bởi anh là con người liêm khiết, không màng tiền tài, công danh, cho nên khi bước chân ra khỏi chính phủ, anh chỉ vẫn là một giáo sư nghèo, giàu long nhân ái.

Thưa quý vị,

Anh Lữ Y là người ngay thẳng, cương trực, đạo đức, đại trí thức, quân tử, thiết tha yêu nước thương dân, suốt đời làm và nói trung thực ý nghĩa, vì đó mà có thể làm phật long những kẻ thiếu đạo đức, gian manh, chính trị.
Chúng tôi, một đàn em, đã được gần gũi rất nhiều với anh trong khoảng hơn 10 năm nay, 10 năm ẩn dật thanh đạm, gà trống nuôi con, nghiên cứu Kinh dịch ngũ hành, châm cứu, tử vi, bốc phệ. Vào những lúc trà dư tửu hậu, lúc nào anh cũng dậy bảo hướng dẫn tinh thần và thường nói câu “Phải nói cho rành”. Anh cho biết ý kiến, phê bình về mọi phương diện, và còn nói rằng, nếu ai có hỏi thì cứ nói “Trần Lữ Y nói đó”
Anh Lữ Y, chúng em và gia đình mất đi một người ông, một người cha, một người bác, một người anh quý báu, quốc gia dân tộc đã vô cùng thiệt thòi, mất đi một nhân vật mẫu mực, tài ba, đức độ, thương dân, yêu nước. Ngành Y khoa mất đi một bậc thầy khả kính.
Anh Lữ Y ! Để thay mặt cho một số thân hữu hiện diện và một số thân hữu vắng mặt hôm nay, tất cả, với một tấm chân tình ngưỡng mộ, thương mến Anh và đã vô cùng đau đớn xúc động trước sự ra đi bất ngờ của Anh.
Một lần nữa, kính xin Anh cho em được ghi nhớ lời Anh dậy bảo: Sống đạo đức, chân chính, trung thành với tổ quốc, vững vàng lập trường quốc gia để xây dựng dân tộc.
Em xin linh hồn anh Hai được siêu thoát, yên hưởng an lành.

Xin kính chào quý vị