Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Bùi Trọng Căn


Nhân đọc Tập San Y Sĩ số 174, với nhiều bài viết vinh danh hầu hết các Thầy (Giáo sư) của chúng ta thời xa xưa cách nay khoảng nửa thế kỷ. Những người đã tận tâm dạy dỗ gương mẫu không những về mặt trí dục mà còn cả về mặt đức dục cho đám thanh niên mới lớn, đầy nhiệt huyết để sau này sẽ lại là giường cột của xã hội miền Nam từ thời đệ Nhất tới thời đệ Nhị Cộng hoà và ảnh hưởng tiếp nối đến cả các thế hệ sau này nữa.
Cùng trong mục đích tưởng nhớ và vinh danh cả một thế hệ các Thầy (Giáo sư) cũng như xin đóng góp thêm chi tiết suy gẫm nhìn lại bối cảnh so sánh với thời nay khi tuổi đời đã từng trải đi gần hết cuộc đời.
Sống trong một xã hội thanh bình trật tự của nền đệ Nhất Cộng hoà trong tiềm thức của hầu hết sinh viên thanh niên tuổi mới lớn thời đó đều có sẵn ý niệm về Quân Sư Phụ. Ý niệm về Thầy thấm nhuần hơn hai ngàn năm bắt nguồn từ một triết gia cổ là Khổng Tử, một tiêu biểu cho các Thầy, ảnh hưởng không những trong xã hội phương Đông mà đến nổi cả học giả Hoa Kỳ cũng đã viết về Ngài năm 1982 như sau:
“Hành vi cao quý và tư tưởng lý luận đạo đức của Khổng Tử không chỉ ảnh hưởng tới người Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới toàn nhân loại”
Tiềm thức này, kết hợp với nền văn hoá giáo dục của Pháp, khác hẳn với nền giáo dục thực nghiệm của Mỹ, sinh viên thường coi trọng các điều giảng dạy của các giáo sư và luôn tưởng những tri thức này là tuyệt đối. Cho mãi tới năm cuối trung học, học tú tài 2 (hay pré-universitaire) khi gặp giáo sư Hoàng Cơ Nghị dạy môn Vật lý.
Thầy Hoàng Cơ Nghị nổi tiếng là “khó”, nhưng thực ra không phải khó. Thầy muốn các chuẩn sinh viên phải bỏ cái ý niệm trong tiềm thức là lời Thầy là “tuyệt đối”. Chúng ta nhận thấy, thầy khác hẳn các thầy khác, trong bài giảng, thầy luôn luôn dùng thể nghi vấn như nhắc nhở chúng ta. Thầy luôn đứng lại dơ tay lên trời như ngạc nhiên: “Ồ có phải thế không?” Chính thầy đã tập cho chúng ta phải suy nghĩ độc lập khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học.
Kịp tới khi vào Khoa Học Đại học đường theo chứng chỉ P.C.B. học với các thầy về Sinh Động Vật Học (Biologie Animale) là giáo sư Charégieux, về Sinh Thực Vật Học Tổng Quát (Biologie Végétale) là bà giáo sư Tiếng là những môn chính. Rồi về Hoá học thì Hoá Học Tổng Quát (Chimie Générale) với giáo sư Nguyễn Quang Trình, Hoá Học Hữu Cơ (Chimie Organique) là giáo sư Trần Hữu Thế, Hoá Học Kim Loại (Chimie Minérale) là giáo sư Seligny.
Về Vật lý (Physique) có giáo sư Hưng, giáo sư Thới… mà tôi không nhớ hết. Môn Sinh Động Vật Học được coi là quan trọng nhất để sửa soạn cho vào Y khoa, vì hầu như ngày nào cũng có một giờ về môn này trên Đại giảng đường. Ông thầy Charégieux đặc biệt chỉ dùng một quyển sách Biologie Animale duy nhất (in ronéo rất đẹp ở trường Sorbonne Paris) do chính ông soạn từ nhiều tài liệu khác nhau, nên được sinh viên rất thích (vì dễ học tủ). Có lẽ sau cả niên học giảng dạy mà không thấy sinh viên Việt Nam nêu một câu hỏi thắc mắc nào, biết cái quan niệm tin tuyệt đối vào thầy, nên khi tốt nghiệp một kỷ niệm rất sâu sắc đã xảy ra cho chính bản thân tôi.
Hôm đó là ngày vào thi vấn đáp (oral), vì đã một giờ trưa (1:00PM) ở nhà gia đình chờ cơm, nhất là thầy me tôi đều lo sợ, bảo với anh ruột tôi là: “Nó bảo đi thi thì cũng lắm là 12 giờ trưa, bây giờ đã 1 giờ chiều, sao chưa thấy về?” và bắt anh tôi phải chạy ra trường tìm xem sao? Anh tôi đã chứng kiến thêm nửa giờ nữa tôi đang bị giáo sư Charégieux “truy” trên bảng đen.
Tôi nhớ là đã rút trúng tủ câu hỏi trong cuốn Biologie Animale của giáo sư, tôi rất mừng rỡ y như bấm trúng “nút” và cái máy phát thanh đã phát ra thao thao bất tuyệt. Giáo sư ngồi im lặng nghe không một phản ứng, khi “nguồn suối” . Giáo sư lại nhắc hỏi: “Encore ? Encore ?” (còn nữa không? Còn nữa không?) nhiều lần. Mặt tôi tự nhiên đỏ rừ, mồ hôi bắt đầu chảy lăn trên hai bên thái dương vì “tịt ngòi” và bí. Cuối cùng để cứu giúp, giáo sư Charégieux cho một câu hỏi ân huệ: “Anh có tin thuyết Darwin không? Tại sao tin?”
Bây giờ muốn sống là phải cố gắng vận dụng trí não để nói các chuyện “bá láp” hay học “mót” chẳng khác nào vận dụng sức lực để đấm vào một câu cổ thụ trước mặt. Giáo sư tuy vẫn giữ vẻ mặt vui để trấn an, nhưng cuối cùng, giáo sư như hối hận cũng như để giải nghĩa tại sao lại đặt them một câu hỏi “extra” và bảo trước khi chấm dứt: “Anh còn quá nhỏ (tu es trop jeune) để vào trường Đại Học Y Khoa”. Tôi và cả anh ruột tôi líu ríu cám ơn thầy ra về trong lòng mang nặng đầy thắc mắc. Cuối cùng khi đi xem bảng thì mới biết tôi đã được chấm đậu vì điểm cao với tấm lòng (genereux) quảng đại của thầy, nhưng lại một lần nữa giáo sư Charégieux đã nhắc cho tôi phải suy nghĩ độc lập mà đừng học như “con vẹt” Ơn thầy là ở chỗ này.
Ngoài những tận tâm giảng dạy của các thầy do yêu thích khoa học, yêu thích truyền bá kiến thức cho sinh viên, các thầy còn là những người quảng bá “triết học” như thầy Séligny rất trẻ, tóc để tém, quần áo giản dị gần đồng hoá với nếp sống “hiện sinh” hippy của Sartre thời đó tại Pháp. Còn các giáo sư khác như thầy Trình có vợ đầm người Pháp luôn trang trọng trong bộ complet, thầy Thế chững chạc ngay ngắn làm tất cả sinh viên không những kính trọng mà còn “ngán”, phong độ của các thầy còn là các gương sáng về đức dục giữ đúng truyền thống phương Đông: Quân Sư Phụ cổ xưa. Chỉ riêng có nữ giáo sư Tiếng là được sinh viên yêu thích nhất vì bà rất bình dân, gần gũi sinh viên.
Thế rồi bọn sinh viên “chân ướt chân ráo” unzième année trường Y Khoa Đại Học Saigon đầy hãnh diện và nhiệt huyết (danh từ thầy Nguyễn Hữu đặt cho, mà thầy khi thân mật lại thường gọi là “các cậu” ) cũng lục tục khoác áo blouse trắng kéo nhau đi thực tập các bệnh viện như ai. Suốt từ Chợ Rẫy (chuyên Nội khoa A và Ngoại khoa B), Nhi Đồng, Từ Dũ đến Hùng Vương (chuyên Sản phụ khoa). Sau này có thêm bệnh viện Đô Thành, còn gọi là bệnh viện Saigon của bác sĩ Nguyễn Phước Đại cũng là nơi nhận sinh viên Nội trú Nhiệm Ý (Interne fonctionnel) thực tập.
Khu Nội khoa A ở Chợ Rẫy có các nhân vật chính là giáo sư Pierre Caubet, bác sĩ Phạm Tấn Tước, nữ bác sĩ Xuân. Khu Nội khoa B ở Nguyễn Văn Học Gia Định có các giáo sư Rivoalen, giáo sư Nguyễn Thế Minh và bác sĩ Trần Lữ Y (lúc đó bệnh viện này còn xập xệ, sau này mới được xây cất lại quy mô và khang trang đặt tên mới là Trung Tâm Thực Tập Y Khoa Gia Định).
Giáo sư Nguyễn Văn Út (đi xe Mercedes) luôn trụ trì khu Da Liễu, còn khu Tai Mũi Họng có giáo sư Tissier, bác sĩ Trí (có thời làm Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục bị Việt cộng ám sát chết ngay trên đường phố Saigon), bác sĩ Ký. Riêng các thầy ở Chuyên Khoa Ngoại A và B đã được nhắc đến nhiều trên số báo 174 trước.
“Các cậu” chim non (hay còn gọi là ngựa non háu đá) unzième và deuxième année Y Khoa bắt đầu được nhập môn với các thầy, ngay với bước đầu tiên phải làm quen với chương trình Y khoa rất nặng nề: 7 giờ đến 9 sáng có 2 giờ cours tại trường Testard; 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa có mặt điểm danh tại bệnh viện. Hốc tốc chạy về nhà ăn cơm trưa. Đúng 2 giờ tới 6 giờ chiều có mặt tại các phòng thực tập (Cơ thể học, Sinh lý học, Tế bào mô học, Vật lý y khoa, Hoá học y khoa...) để cuối cùng còn phải 1 giờ cours nữa ở Cơ Thể Học Viện, sau 7 giờ tối mới trở về nhà với bữa cơm chiều. Tổng cộng ngoài 12 giờ học tại trường lớp và bệnh viện, nếu kể phải học thêm bài ở nhà, trung bình mỗi ngày sinh viên phải làm việc ít nhất là 15 tiếng đồng hồ.
Có lẽ giải trí duy nhất chỉ là những giây phút ngắn ngủi tán gẫu cười đùa với nhau trong khi chờ đợi các thầy trước khi vào cours. Một bạn hô to: “Ô tô đỏ tới rồi” (đó là chiếc Simca Aronde màu đỏ của giáo sư Nguyễn Hữu để phân biệt với chiếc xe Mỹ cồng kềnh màu đen của giáo sư Trần Quang Đệ. Hoặc trao đổi thắc mắc tại sao giáo sư Pierre Caubet lại không đi xe của Pháp chế tạo (Renault hay Peugeot) mà lại đi xe Vauxhall…Chuyện khác trêu đùa các chị học cùng lớp như cắt bộ phận sinh dục, tai, mũi các cadavers lén bỏ vào cặp sách là chuyện không tránh khỏi. Năm nào, giáo sư Nguyễn Hữu cũng đích thân “chủ trì” lễ xác cầu nguyện macchabée (cho các xác vô thừa nhận) và giáo sư Lichtenberger (Cha dòng Tên) chủ trì cho một lễ khác cùng ngày tại Nhà Thờ của dòng Chúa Cứu Thế nữa).
Cũng trong những phút nghỉ ngơi ngắn ngủi giữa hai giờ cours, chúng tôi thường ngồi xếp hàng trên bực thềm của trường (villa Testard) như một đàn chim đùa rỡn ồn ào hoặc tâm sự vui vẻ hoặc nhận xét nhiều chuyện bên lề ngoài bài học vừa lĩnh hội ở các thầy. Điều khác lạ để so sánh là trong khi hầu hết các thầy cô người Việt gần giống nhau trong phong độ đứng đắn, tính tình, cư xử (có lẽ do phong tục của Đông phương) thì trái lại, các giáo sư người Pháp có thái độ, hành động rất khác nhau.
Có thể nói giáo sư Hautier (chuyên về bệnh Phổi, chủ trì bệnh viện Hồng Bàng) và giáo sư Caubet (chuyên về bệnh Tim, chủ trì khu Nội A, bệnh viện Chợ Rẫy) gần như hai thái cực.
Giáo sư Hautier to lớn dềnh dàng, ăn to nói lớn, “thẳng ruột ngựa” đã từng xé observation (histoire de cas) của rất nhiều sinh viên, làm ai cũng nể sợ. Trái lại, giáo sư Caubet với dáng dấp đẹp trai, từ tốn, nhỏ nhẹ “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” của Kim Trọng đã chiếm cảm tình hầu hết sinh viên. Ít người biết, ông chính là phu quân của bà Hiệu trưởng trường Marie Curie Saigon.
Ngay những năm đầu tiên trên ngực áo blouse trắng chỉ có một hai sao, lớ ngớ bước chân vào Chợ Rẫy, sinh viên đã được giáo sư Caubet rất lịch sự mời vào văn phòng riêng từng nhóm nhỏ hai ba người. Ông hỏi han kỹ lưỡng từng sinh viên coi xem mức độ nhận thức (background) trước khi giảng giải cặn kẽ về tim để rồi trang bị tiếp cho kiến thức Điện Tâm Đồ (Electrocardiogram)
Sau đó, sinh viên mới lên lầu trên là trại bệnh nằm, tự đi tìm kiếm các bệnh nhân về tim theo dõi bệnh sử và tiến trình điều trị. Thời đó chưa có monitor như bây giờ, phải mang bệnh nhân đi ghi Điện Tâm Đồ trên giấy rồi mới mang về làm interpretations. Chính giáo sư Pierre Caubet đã tận tình chỉ dẫn “khai tâm” từng sóng P đến phức sóng QRS cho không biết bao nhiêu sinh viên Việt Nam. Đa tạ cảm ơn thầy dù cả sau nửa thế kỷ.
Chúng tôi là những nội trú riêng lẻ tại bệnh viện Saigon (vì nơi đây không nhận các sinh viên stagiaires khác) với bác sĩ Nguyễn Phước Đại. Là một bệnh viện nằm ngay chính trung tâm thành phố, đối diện chợ Bến Thành, bệnh viện luôn bận rộn suốt ngày đêm với các cas cấp cứu (emergency) và ngoại khoa (surgery), đấy là không kể những ngày có biến động chính trị như biểu tình. Giáo sư Nguyễn Phước Đại có một vẻ bề ngoài dữ dằn, nhưng thực sự tâm ông rất tốt với tất cả mọi người từ nhân viên thuộc quyền tới bệnh nhân. Ông là người miền Nam tiêu biểu (typiquement) với đức tính bộc trực, thẳng thắn, nhiều khi còn tỏ vẻ chống đối với áp lực cường quyền, bênh vực kẻ cô thế của Lục Vân Tiên.
Giáo sư Nguyễn Phước Đại khi đã tin ai thì giao hết trách nhiệm cho người đó mà không một nghi ngờ thắc mắc, tôn trọng tư tưởng độc lập khác biệt của người khác, có lẽ vì vậy mà phu nhân của ông phải là một chính trị gia. Ông bà là tiêu biểu cho trí thức miền Nam.
Nói đến trí thức miền Nam phải kể đến bác sĩ Trần Lữ Y tại khu Nội B, bệnh viện Nguyễn Văn Học, giáo sư Rivoalen đã trọng tuổi nên giới hạn lịch giảng dạy, tuy nhiên sinh viên rất kính cẩn gọi là “Cụ Ri” (Cụ rành tiếng Việt Nam), phụ tá cụ có bác sĩ Nguyễn Thế Minh mà trí nhớ và thông minh vượt bực nổi tiếng ai cũng biết, bác sĩ Trần Lữ Y thì “lè phè” với cách xưng hô Nam kỳ rặc luôn mày tao.
Gần cuối thập niên 60, bác sĩ Trần Lữ Y được mời làm Bộ Trưởng Y Tế (sau thời các Bộ trưởng, trước là giáo sư Trần Vỹ và giáo sư Trần Đình Đệ). Ngay khi làm Bộ Trưởng Y Tế, bác sĩ vẫn cư ngụ ở một căn appartement nhỏ hẹp, mặc dù phu nhân là đầm Pháp không muốn) tại tầng trệt của cư xá trên đường Nguyễn Văn Giai Đakao. Trận đánh tết Mậu Thân ngay trong lòng thành phố Saigon-Chợ Lớn đã chứng minh lòng dũng cảm, hy sinh và năng động của bác sĩ Lữ Y trong quá trình đi quan sát, đôn đốc các bệnh viện tại Saigon và các tỉnh khác nữa. Nhiều khi chính ông cũng mặc áo giáp mang súng (không giống bất cứ ông Bộ trưởng nào khác) y chang một chiến sĩ Nhảy Dù xung trận vậy.
Để tưởng nhớ người thầy gần gũi thân yêu, cùng lòng tốt của thầy đối với anh chị em sinh viên cũng như bệnh nhân, xin đan cử một trong muôn vàn nghĩa cử mà thầy sẵn sàng chia xẻ. Sau khi được giáo sư Rivoalen ban cho đề tài luận án tại khu Nội B, thầy luôn sốt sắng đốc thúc lo lắng cho cả từng chi tiết. Mỗi lần lấy mẫu phẩm máu, nước tiểu bệnh nhân mang đi thử nghiệm tại Viện Pasteur, thầy đều nhắc: “Mày mang đi ngay, giao tận tay phòng Bio-Chimie, nhớ hẹn người ta trở lại lấy kết quả”
Lại khi cần tài liệu đọc nghiên cứu, thầy Lữ Y vẫn đích thân ra thư viện của trường mang dùm sách về nhà cho mượn. Gia đình cũng ở Đakao gần nhà thầy, tôi phải chạy sang nhà thầy luôn xin giúp đỡ là điều không lạ, lạ là nhiều khi chính thầy lại lếch thếch sang nhà tôi, không gặp tôi thì dặn mẹ tôi: “Bà cụ nhớ trao tập sách này cho thằng Căn khi nó về”. Có thầy nào đối xử như vậy với học trò hoặc bệnh nhân nếu không phải là có tấm lòng hy sinh vô hạn đối với tha nhân. Một lần nữa, xin cám ơn thầy cô và gia đình mặc dù biết thầy đã quy tiên tại Canada.
Nếu mang so với thầy đời xưa như Đổng Trọng Thư trong văn học Trung Quốc, ngồi dạy học buông rèm, trong nhiều năm, cả ngàn học trò mà nhiều người không biết mặt thì thế hệ các thầy cô của trường Y Khoa Saigon đáng khâm phục đến bậc nào.
Ghi chú về người thầy áo vải thủa sinh tiền, đời sau được kính trọng như bậc thánh là Khổng Tử đã hưởng những phong thụy như sau:
Đời nhà Hán phong thụy Văn Tuyên Vương
Đời nhà Nguyên phong thụy Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương
Đời nhà Minh phong thụy Chí Thánh Tiên Sư
Đời nhà Thanh phong thụy Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương Khổng Tử.
Cho tới đời cộng sản thì ông bị đám vệ binh Đỏ lăng mạ.