Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

1917-2003

Nguyễn Hữu Nam
Montreál ngày 20 tháng 3 năm 2008

Trước năm 1945, trong thời kỳ mà nước Việt Nam còn là một xứ bảo hộ của Pháp, toàn cõi VN chỉ có một trường đại học Y khoa duy nhất ở Hà Nội, mỗi năm đào tạo khoảng 20 bác sĩ. Năm 1947, khi toàn quốc kháng chiến chống lại sự trở lại xâm lăng của Pháp vào ngày 19 tháng 12 năm 1947, trường Y khoa Hà Nội di tản lên Chiêm Hoá thuộc khu chiến Việt Bắc tiếp tục đào tạo các sinh viên y khoa dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Tôn Thất Tùng. Ở Hà Nội, ngay trong vùng chiếm đóng của quân đội Pháp, vài năm sau trường y khoa Hà Nội mới trở lại với giáo sư Pháp Piere Huard làm khoa trưởng. Vì chiến tranh, đa số dân chúng tản cư ra vùng kháng chiến, nên số sinh viên Y rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay. Khoá tôi học bắt đầu vào năm 1952, tương đối đông sinh viên nhất, độ 60 người sau khi đã tốt nghiệp lớp PCB đại học “physique, chimie, biologie”. Lớp trên là khoá của anh Đinh Văn Tùng, Nguyễn Bích Tuyết, Lê Thế Linh… có độ 30, 40 người, lớp trên anh nữa, còn có anh Phạm Hà Thanh, Chuẩn tướng Giám đốc Cục Quân Y Quân Lực Việt Nam cuối cùng, anh Nguyễn Hữu Vị, cựu Chỉ huy trưởng Tổng y viện Cộng Hoà, anh Lưu Thế Tế, anh Nguyễn Quang Huấn, hai anh Tế, Huấn đã ra đi. Anh Nguyễn Văn Ba được tuyển chọn qua Pháp học ngành Nhãn khoa, song anh ở lại Pháp và không ai biết tin anh kể từ đó. Nổi tiếng nhất là anh Trần Kim Tuyến, anh có thêm bằng cử nhân Luật khoa, không trình luận án, không hành nghề Y, song đi vào con đường chính trị, anh từng nổi tiếng một thời với chức vụ Giám đốc Sở nghiên cứu Chính trị Phủ Tổng thống, là một nhân vật với nhiều quyền lực thời đó. Anh đã mất cách đây ít lâu. Tổng cộng chỉ có 6 người. Sau khoá các anh Thanh, Tuyến, Vị, Tế, Ba cũng chỉ có 5 người, đó là các anh Phạm Ngọc Toả, nay ở Pháp, anh Nguyễn Sơn cũng ở Pháp cùng với anh Phạm Văn Bá, có 2 người nữa cùng khoá song ở lại Hà Nội sau 1954 là cặp vợ chồng Trần Văn Sáng và Nguyễn Thị Trúc. Tổng cộng 5 người… Tôi quên không nhắc anh Thái Văn Minh đã mất cách đây vài năm.
Năm 1947, vì tình hình chiến sự, sinh viên miền Nam không ra Bắc học được, nên một trường y khoa được mở tại Saigon, toạ lạc tại căn biệt thự xinh đẹp số 28 đường Trần Quý Cáp, tương đương với trường Albert Sarraut Hà Nội. Biệt thự này có một lịch sử huy hoàng, đó là nơi Hoàng tử Đởm sau này là Vua Minh Mạng ra đời, sở hữu chủ sau cùng là bà Henriette Bùi Quang Chiêu đã nhường cho chính phủ để dùng làm nơi đào tạo các bác sĩ Y khoa cho miền Nam song song với trường y khoa Hà Hội.
Hiệp định Geneve chia đất nước VN làm hai miền, ranh giới là con song Bến Hải. Đa số giáo sư và sinh viên ở Hà Nội di cư vào Nam, chọn tự do, trả lại trường y khoa Hà Nội cho chính phủ cộng sản. Lớp tôi, tất cả đều vô Nam, trừ một người, anh Nguyễn Lã Hỷ ở lại. Lúc đầu, trường y Hà Nội và các sinh viên y được trường y Saigon đón nhận, cho cơ sở văn phòng làm việc với giáo sư Phạm Biểu Tâm làm Khoa trưởng. Chúng tôi đi học và thực tập cùng với các bạn sinh viên miền Nam. Phải đợi tới năm 1955, với sự thành lập của nền Cộng hoà miền Nam, chính quyền Pháp mới trao trả trường y khoa Saigon cho chính quyền VN. Đó là trường y khoa quốc gia đầu tiên của một nước VN hoàn toàn độc lập. Người được bầu làm Khoa trưởng đầu tiên của trường là Giáo sư Phạm Biểu Tâm. Từ nay, chúng tôi hết là sinh viên di tản nữa, chỉ có một danh xưng : Sinh viên Y của trường đại học Y khoa Việt Nam Cộng Hoà. Chương trình vẫn như cũ, nghĩa là theo chương trình Y khoa đại học Paris đã là trường từng đỡ đầu cho trường y khoa Hà Nội. Các bài giảng vẫn dùng Pháp ngữ, song các giáo sư người Pháp dần dần trở về Pháp, ngoại trừ các giáo sư được Giáo sư Khoa trưởng mời ở lại giảng dạy hay mời những giáo sư từ Pháp sang. Việc đào tạo các giáo sư Y rất khó, phải tốt nghiệp Thạc sĩ ở Paris, phải có đủ tước vị Đại học từ ngoại trú các bệnh viện thi vào cuối năm y 2, sau đó thi nội trú đầu năm y thứ 4, rồi chef de clinque. Tôi nhớ trong thời kỳ tôi học y ở trường Hà Nội 2 năm và Saigon 4 năm, chỉ có những vị giáo sư sau đây: Giáo sư Thạc sĩ Phạm Biểu Tâm, Giáo sư Thạc sĩ Trần Quang Đệ, Giáo sư Tâm ở Bắc, Giáo sư Đệ trong Nam, hai Giáo sư Đệ và Tâm đã làm vinh danh cho trường Y Hà Nội và Sài Gòn, bởi lẽ đó là hai bác sĩ đầu tiên của nước Việt Nam đã được văn bằng Thạc sĩ Y khoa rất khó khăn của Pháp. Sau đó, vào khoảng 1953, 4 người Việt Nam nữa đã trúng tuyển kỳ thi Thạc sĩ Y Khoa Đại học Paris. Đó là Giáo sư Nguyễn Hữu, một giáo sư nổi danh về Cơ Thể học và Giải phẫu, không những ở VN mà sau này còn ở Brest nữa trong những năm ông dạy học ở đó. Cùng với Giáo sư Nguyễn Hữu, có Giáo sư Thạc sĩ Đặng Văn Chung môn Nội khoa và Tim mạch. Giáo sư Chung ở lại Hà Nội sau 1954 vì lý do gia đình, ông nổi tiếng ở miền Bắc và trở thành bác sĩ riêng của Hồ Chí Minh và Bộ chính trị Trung Ương đảng. Năm 1999, tôi trở về Hà Nội đúng vào ngày Giáo sư Chung từ trần, tôi có đến chia buồn cùng gia đình vì tôi có học bác sĩ hai năm khi còn ở Hà Nội. Đồng thời với Giáo sư Hữu, Giáo sư Chung, có bác sĩ Vũ Công Hoè, chuyên về Pathologie cũng đậu Thạc sĩ tại Đại học Paris. Cụ Hoè, tai điếc nên chuyên về pathologie. Lúc chúng tôi thi môn của cụ, cụ thường bỏ máy nghe ngoài tai, nên chắc cụ nghe không rõ. Chúng tôi lợi dụng lúc đó, nói thật nhanh, tưởng như thuộc bài lắm. Lúc cụ đeo ống nghe vào thì chỉ hỏi vài câu, nên ái nấy đều qua môn của cụ dễ dàng. Người thứ tư cũng tốt nghiệp Thạc sĩ y khoa là bà Hồ Thị Sáng chuyên về parasitologie. Bà Sáng độc thân, người miền Nam, tôi thấy ít người biết bà. Môn parasitologie rất khó và là mảnh đất cha truyền con nối của gia đình Giáo sư Brumps. Bà Sáng rất nghiêm khắc, trên tôi hai lớp. Môn thi parasitologie có một sinh viên chỉ được điểm 4.5. Điểm được đậu là 5. Giáo sư Tâm đích thân xin bà tăng cho thêm thành 5 để khỏi phải học lại một năm. Giáo sư Sáng nói: Tuỳ anh, anh là Khoa trưởng, anh có toàn quyền. Còn điểm tôi cho không thể thay đổi. Giáo sư Tâm đành chịu. Anh bạn tôi đành học lại một năm mặc dầu lớp chỉ có 5, 6 người. Giáo sư Sáng sau 1954 không vô Nam, bà qua Pháp thi lại bằng Thạc sĩ Parasitologie của Đại học Paris và là Giáo sư Đại học Paris.
Tôi nhắc lại một chút lịch sử của trường Y để các bạn trẻ hiểu biết một chút về trường Y Hà Nội và Saigon. Tất cả chỉ có 6 vị Giáo sư Thạc sĩ: Giáo sư Tâm, Giáo sư Hữu, Giáo sư Đệ, Giáo sư Chung, Giáo sư Hoè và Giáo sư Sáng.
Riêng miền Nam chỉ có Giáo sư Trần Quang Đệ. Trong chương trình học của Y khoa có 3 môn học chính cả về phần lý thuyết lẫn thực hành. Thi viết không qua được 3 môn chính đó coi như phải chuyển ngành học. Thi thực hành, lúc ra trường “examen de Clinique” nếu hỏng một trong ba môn đó, coi như là phải thi lại. Các môn học khác không thấy bắt buộc trong kỳ thi bệnh lý. Đó là môn Giải phẫu, Nội khoa và Sản khoa. Thi lý thuyết, chúng tôi phải qua phần vấn đáp với 3 vị giáo sư của môn đó, cuộc thi kéo dài độ 30 phút. 30 phút tương đối như 3 giờ vì mình phải trả lời tất cả các câu hỏi miệng của 3 vị giáo sư mà không được sửa soạn trước. Thi thực hành phải khám lâm sàng một bệnh nhân trong 20 phút rồi tường trình bệnh lý, cách điều trị với ban giám khảo của ngành mình thi. Tôi nghĩ thể thức thi tốt nghiệp của trường Y Việt Nam khó hơn thi tốt nghiệp ở Canada, bởi vì thi lấy licence ở Canada chỉ cần trả lời một câu cho đúng trong 4 câu được lựa chọn. Không có cảnh thí sinh đối diện trả lời các câu hỏi của giáo sư.
Nếu trong ngành Y, môn giải phẫu được nhiều sinh viên thích chọn để học và hành sau khi ra trường, hai ngành nội và sản ít nổi tiếng hơn, và với tự ái của tuổi trẻ ít sinh viên lựa chọn. Một lẽ nữa, là ít có giáo sư nổi tiếng về hai ngành này. Ngành giải phẫu hấp dẫn với các giáo sư giỏi như Bác sĩ Tâm, Đệ, Chiếu, Ninh, Hoàng. Riêng ngành Sản, lúc học ở Hà Nội, tôi chẳng hề biết ai nổi tiếng về ngành này cả, phải lên năm thứ 3 mói được đi thực tập ở Sản, nên khi tôi vô Sài Gòn, môn Sản đối với tôi hoàn toàn xa lạ. Giáo sư dậy môn Sản ở Hà Nội là Giáo sư Montagné, tôi không rõ ông có bằng cấp gì, song ông dậy rất giỏi, rất đúng sư phạm, nghĩa là bài giảng giản dị, ngắn gọn, ra khỏi lớp là thuộc bài ngay, khỏi phải tra cứu sách vở thêm. Vô Sài Gòn, ông tiếp tục giảng dậy thêm môn Sản và làm việc tại bệnh viện Từ Dũ cùng với Giáo sư Cartoux, Giáo sư Sản của trường Y Sài Gòn. Khi tôi học với Giáo sư Montagné về lâm sàng, ông giảng rất kỹ, thêm vào đó ông đọc thuốc cho chúng tôi viết toa, viết xong phải đưa cho ông coi có đúng và dễ đọc không, bởi thế, chúng tôi lớp người cũ viết toa thuốc tương đối đọc rõ ràng, không làm khó cho các bạn dược sĩ khi soạn thuốc cho bệnh nhân.
Phải đến năm 1955, với sự trở về nước của Giáo sư Trần Đình Đệ, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Y khoa về ngành Sản phụ khoa ở Paris, người Việt Nam đầu tiên có bằng Thạc sĩ Sản phụ khoa như có một luồng gió mới trong việc giảng dạy và thực hành. Với sự thành lập một trường Y khoa quốc gia đầu tiên trong một nước VN độc lập và dân chủ, các Giáo sư Montagné và Cartoux lần lượt hồi hưu. Giáo sư Trần Đình Đệ đảm nhiệm chức vụ Trưởng ngành Sản phụ khoa của trường Y, ông làm việc tại bệnh viện Từ Dũ, một bệnh viện với 500 giường chuyên về sanh đẻ và phụ khoa, nơi đó là nơi thực tập của sinh viên y từ năm thứ 3 trở lên. Nơi đó cũng là trụ sở của trường Nữ Hộ sinh Quốc gia, các sinh viên trường này được tuyển lựa qua một kỳ thi, ăn ở nội trú trong trường, ở bệnh viện Từ Dũ thực tập tại đó và 3 năm sau tốt nghiệp có quyền mở một bảo sanh viện để làm tư một cách độc lập không phụ thuộc vào chánh phủ.
Giáo sư Trần Đình Đệ sinh năm 1917 tại Huế trong một gia đình quyền quý. Thân phụ là cụ Trần Đình Tùng, Tổng đốc Thanh Hoá. Để nói cho các bạn trẻ rõ: Tổng đốc là một chức vụ hành chánh, là người đứng đầu một tỉnh rất được mọi người qúy trọng. Ông học ở Huế, trường Quốc Học, rồi ra Hà Nội học trường Bưởi. “Lycée du protectorat” một trường trung học nổi tiếng ở miền Bắc. Nên nhớ cả Bắc Việt chỉ có một trường Lycée Việt Nam là trường Bưởi vì tọa lạc ở làng Bưởi. Các tỉnh chỉ có một trường trung học nhỏ còn được gọi là cours primaire superieur – lớp cao đẳng tiểu học dậy từ lớp nhất trung học tới năm đệ tứ - rồi thi tốt nghiệp trung học.
Năm 1934, ông tham dự Concours general de physique de l’Indochine cho học sinh trung học toàn cõi Đông Dương gồm Việt Nam, Lào và Cambodgia. Ông là premier laureat của cuộc thi tuyển lựa đó.
Năm 1936, ông trúng tuyển 2 bằng tú tài Pháp và tú tài bản xứ. Các bạn hỏi tại sao lại có hai bằng tú tài. Thường thi xong trung học, học sinh được thi tú tài gọi là bản xứ “Bac local” dễ hơn, có khi chỉ cần 2 năm học là có thể thi được. Còn thi tú tài Pháp hay “Bac metro” thì khó hơn, nghĩa là phải qua Bac phần I, rồi mới thi Bac II, giống như chương trình bên Pháp vậy. Nếu chỉ có thế rồi lên đại học thì Bac local hay Bac metro có khác gì đâu. Nhưng khi đi làm thì có sự khác nhau. Hai ông thầy tôi ở trường Trung học Bắc Ninh, ông thầy có bằng Bac metro được lương bổng cao hơn và được giám đốc người Pháp nể vì hơn. Bọn học trò nhỏ bé là chúng tôi, chuyên môn đưa tin này nọ, xem ông thầy nào nhiều lương, ông thầy nào nói tiếng Pháp đúng giọng Tây, hay coi xem ông thầy này có mấy bộ complet, có mấy cái cravatte…
Giáo sư Đệ theo học trường Y Hà Nội từ năm 1936 đến năm 1944, ông đậu đầu trong kỳ thi tuyển nội trú các bệnh viện Hà Nội. Nên nhớ thời đó trúng tuyển nội trú là một vinh dự rất lớn cho sinh viên Y. Đó là một concours tuyển lựa rất kỹ, từ kiến thức tới cách ăn mặc, tới giọng nói, tới cách trình bày kiến thức, bởi lẽ làm nội trú vừa được ở gần ông thầy, vừa được thực hành khám bệnh, giải phẫu như một ông thầy, có uy tín với nhân viên và các sinh viên đàn em lớp dưới, lại có tiền phụ cấp tốt, có phòng ở bệnh viện. Đó là con đường dẫn nội trú lên ngành giảng huấn giáo sư sau này. Những sinh viên thường không nội trú, không ngoại trú chỉ có quyền nhìn thôi, không được thực hành nhiều như các ngoại trú hay nội trú. Tôi còn nhớ năm 1953, tôi được dự thính một cuộc thi nội trú các bệnh viện Hà Nội, cuộc chung kết vào lúc nửa đêm, sau phần thi viết là phần vấn đáp, hai thí sinh trình bày bài đã được chỉ định, anh Trần Văn Sáng, người miền Nam rất giỏi và khéo về giải phẫu, anh Phạm Ngọc Toả, người miền Bắc cũng giỏi không kém anh, vừa học y vừa có bằng cử nhân Khoa học. Tới nửa đêm, giáo sư Tâm tuyên bố kết quả, hai người đều đỗ đồng hạng. Cuộc thi thật là hào hứng. Anh Trần Văn Sáng, người Sài Gòn, lại ở lại Hà Nội sau 1954 vì anh thương chị Nguyễn Thị Trúc cùng lớp. Anh Phạm Ngọc Toả vô Nam. Tôi đã từng cùng anh Toả mổ thương binh trong cuộc bình định Ba Cụt ở Cái Các, dưới ánh sáng của một ngọn nến và cái đèn pile. Anh Toả mổ rất giỏi.
Ở Quân y ít lâu, anh giải ngủ, nhận lãnh nhiệm vụ xây cất bệnh viện Trưng Vương cho gia đình binh sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hoà, sau đó, dành hết thì giờ cho việc xây dựng bệnh viện Vì Dân nổi tiếng là một bệnh viện tối tân nhất Sài Gòn.
Từ năm 1947-1950, Giáo sư Đệ làm Chef de Clinique tại Maternité Beauchamp, tiền thân của bệnh viện Từ Dũ sau này. Từ năm 1950 đến 1953, ông được học bổng của Ford Foundation đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ, tại NYU đại học Nữu Ước với Giáo sư Papanicolaou, nổi tiếng với xét nghiệm Pap Smears còn dùng tới ngày nay, sau đó tại bệnh viện John Hopkins University với Giáo sư Telinde và Eastman. Chính tại đây ông đã học được những phương pháp tân tiến nhất của ngành Sản tại Hoa Kỳ để khi về nước ông đem thực hành những điều đã học được ở Mỹ cho ngành Sản ở miền Nam Việt Nam, trước nay vẫn chịu ảnh hưởng của kiến thức và thực hành theo lề lối của trường phái Pháp, ông cũng tham dự vào việc soạn thảo sách giáo khoa Williams “Text Book of Obstetrics” vẫn được dùng trên khắp thế giới như một tài liệu căn bản về Sản phụ khoa.
Ông là sáng lập viên của trường Cán Sự Y Tế Việt Nam, đào tạo cán bộ phụ tá y sĩ, trình độ cao hơn y tá, vì với dân số miền Nam lúc đó gần 20 triệu người, số bác sĩ còn quá ít không đủ nhu cầu.
Năm 1955, ông tốt nghiệp văn bằng Thạc sĩ đại học Paris “Agrégé des Facultés de Médecine de Paris”, một tước vị đại học rất cao quý, ngay ở Pháp cũng không có nhiều người đỗ được. Sau này có Giáo sư Vũ Thiện Phương của trường Y Sài Gòn cũng tốt nghiệp văn bằng Thạc sĩ y như Giáo sư Đệ làm cho ngành Sản của trường Y khoa nổi tiếng, có thể sánh cùng các ngành Nội hay Giải phẫu. Với tước vị đó, ông đương nhiên là Giáo sư và Trưởng khu Sản khoa trường Y Sài Gòn. Tôi học ông ngay từ lúc ông về nước.
Năm 1958, ông làm Giám đốc bệnh viện Từ Dũ, có trên 500 giường chuyên về Sản phụ khoa, bệnh viện lớn nhất nhì ở Đông Nam Á, mỗi ngày có khoảng từ 150 đến 200 bà tới sanh hay chữa bệnh phụ khoa. Đồng thời, ông làm Giám đốc của trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia đào tạo nhiều thế hệ Nữ Hộ sinh quốc gia với những kiến thức mới mẻ nhất mà ông học được từ Mỹ và Pháp. Năm 1960, ông xây dựng bệnh viện Dung Anh, một bệnh viện tư chuyên về sản phụ lớn nhất và tối tân nhất tại Sài Gòn nằm trên đường Công Lý. Từ năm 1960 đến năm 1963, ông đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Y tế trong chính phủ Ngô Đình Diệm. Có người cho là vì ông đỡ đẻ cho bà Ngô Đình Nhu sanh đứa con út, nên việc mời ông làm Bộ trưởng như là một tưởng thưởng hay một sự trả ơn. Tôi không nghĩ như thế. Ông là một giáo sư có thực tài. Ông đang tuổi hoạt động, nhiều sáng kiến muốn phục vụ đất nước, cũng như ông đã đem lại một luồng gió mới cho ngành Sản phụ khoa tại trường Y. Sau cuộc đảo chánh tháng 11 của các tướng lãnh, lật đổ chế độ đệ nhất cộng hoà, ông từ bỏ mọi chức vụ, sống ẩn dật tại dưỡng đường Dung Anh, làm chuyên môn cho đến năm 1966, Tổ chức Y tế Thế giới mời ông làm Cố vấn Giáo dục Y khoa tại miền Tây châu Phi. Ông ra đi, trường Y khoa mất một giáo sư lỗi lạc, các sinh viên mất một người thầy có tài. Ông làm việc tại Yaounde, xứ Cameroun, giúp việc xây dựng trường đại học y khoa tại xứ này. Từ năm 1969 đến 1970, ông làm counsultant về giáo dục y của tổ chức Y tế Quốc tế tại Hoa Kỳ.
Trong khoảng thời gian từ 1970 đến 1975, ông là Associate Professor về Sản phụ khoa tại đại học Y ở Virginia Richmond. Trong thời gian này, ông góp phần trong việc hoàn chỉnh kỹ thuật Nội soi (laparoscopic ) cũng như kỹ thuật siêu âm trong việc định bệnh phụ khoa. Cũng tại Virginia, ông khảo cứu tường tận ngành châm cứu rồi mở một phòng mạch chuyên về châm cứu tại Bắc Virginia, sau khi đã giảng dạy từ năm 1976 đến 1978 tại Đại học Howard University School of Medecine tại Washington DC. Ông về hưu năm 1994 sau hơn 50 năm hành nghề y từ Việt Nam tới Phi Châu rồi Mỹ quốc. Ông lập gia đình với bà Đặng Thị Ngọc Anh năm 1943 và có 4 người con cũng hành nghề Y như ông.
Năm 1955, tôi bắt đầu đi thực tập sản khoa tại bệnh viện Từ Dũ, cũng năm đó, ông tốt nghiệp Thạc sĩ tại Paris trở về và làm việc tại bệnh viện Từ Dũ. Ông lúc nào cũng mặc một cái áo blouse mở phía sau lưng. Ông đến bệnh viện rất sớm. Việc đầu tiên của sinh viên chúng tôi là trình sổ thường trực hôm trước, và trình bày từng trường hợp mổ hay sanh khó chờ ông duyệt xét và phê bình. Làm forceps hay dùng vacum để giúp những trường hợp sanh khó phải có indication. Rủi đứa bé sơ sinh bị chết thì người sinh viên làm việc tránh không khỏi bị la rầy. Mổ césarienne cũng phải có lý do chánh đáng. Nhờ những buổi trình bày như vậy, chúng tôi học được rất nhiều về kỹ thuật sinh khó nơi ông. Sau đó, ông lên trại bệnh thăm từng bệnh nhân. Chúng tôi sắp hàng theo ông, ông hỏi từng trường hợp bệnh nhân, đặt câu hỏi với sinh viên, giảng dạy bệnh lý một cách gọn gàng khúc triết, sau đó, ông vô phòng mổ để giải phẫu những cas mổ đã được sắp xếp trước trong chương trình.
Ông bắt buộc mỗi sinh viên đến thực tập ở Từ Dũ phải thực hành đủ 20 cas sinh, trong đó có ít nhất 5, 6 trường hợp con so và phải theo dõi sản phụ từ lúc nhập viện tới lúc sanh xong. Bởi thế tất cả các bác sĩ Việt Nam sau này ra ngoại quốc thực tập hành nghề trở lại, thì môn Sản phụ khoa không bao giờ là vấn đề khó khăn. Bệnh viện St Luc ở Montreal, mỗi 24 giờ có độ một chục người sanh, mỗi năm 2, 3 ngàn sản phụ đã kêu là quá nhiều. So với Từ Dũ, mỗi ngày có từ 100 đến 150 sản phụ đến sanh, trách sao các sinh viên Y Việt Nam đều khéo tay trong việc đỡ đẻ và chăm sóc sản phụ. Không những thành thạo và khéo léo trong việc đỡ đẻ các sản phụ bình thường, sinh viên thực tập tại Từ Dũ cỏn quen thuộc với các thủ thuật khó khăn như sử dụng forceps, đặt vacuum, tiếp sanh thai ngược, nạo thai…Bởi lẽ các sản phụ khoa quá đông, bác sĩ trực không làm sao hết, nên uỷ nhiệm cho các sinh viên làm những thủ thuật khó khăn đó. Lần đầu tiên, tôi giúp một sản phụ sinh đẻ bình thường, tôi được một sinh viên nữ hộ sinh năm thứ 3 tận tình giúp đỡ, chỉ bảo từ đầu tới cuối. Đó là một thiếu nữ miền Nam, trên dưới 20, dịu dàng với đôi mắt huyền, giọng nói miền Nam hiền hoà, song nàng nói tôi không hiểu gì, cũng như tôi nói giọng miền Bắc nàng cũng chẳng hiểu gì. Song đôi mắt nhìn nhau đã có nhiều cảm tình và thông cảm như một duyên tiền định.
Đỡ đẻ xong, chúng tôi cùng ký vào một tờ bệnh lý để hôm sau trình lên Giáo sư Đệ. Có ai ngờ đâu, năm sau, nàng và tôi lại cùng ký tên chung trong tờ hôn thú kết hợp đời tôi với đời nàng cho đến ngày nay.
Trong cuốn hồi ký “Những gì còn nhớ” của bác sĩ Từ Uyên cùng lớp với tôi, ông đã ghi: Qua năm thứ tư học Sản phụ khoa với giáo sư Đệ phải học và hành đúng mức. Ai rớt môn Sản khoa thì chắc chắn là không học bài, không thể đổ thừa cho giáo sư bất công hay ghét mình được.
Ngoài vấn đề chuyên môn, Giáo sư Đệ còn rất chú trọng đến vấn đề đạo đức của người sinh viên y. Sinh viên trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia tuổi trên dưới 20, vừa ngoan vừa hiền, vừa có tài, vừa có sắc. Sinh viên Y làm việc chung với người đẹp trong những đêm dài, nên dễ có những mối tình lãng mạn  nẩy nở giữa các sinh viên nam và nữ. Song phải coi chừng, đã yêu thì phải chung thủy, phải kết hợp đứng đắn. Giáo sư Trần Đình Đệ và bà Giám thị Nguyễn Thị Dong, không bao giờ chấp nhận học trò của mình phải đau khổ hay dang dở trong tình yêu và đã có nhiều cặp thành gia thất và tràn đầy hạnh phúc. Xin kể: Bác sĩ Chuẩn tướng Phạm Hà Thanh – Hương Muội; Bác sĩ Nguyễn Minh Châu – Nga; Bác sĩ Trần Hiếu Thuận – Nhàn; Bác sĩ Nguyễn Đức Tiến – Minh Châu; Bác sĩ Bùi Nghĩa Bỉnh – Quý; Bác sĩ Ngô Kỳ Phong - Diệu Mỹ; Bác sĩ Nguyễn Hữu Nam - Hiệp (Montreal); Bác sĩ Nguyễn Phú Cường - Tuyết Mai (Montreal); Bác sĩ Nguyễn Bá Khôi – Tân (bác sĩ Khôi vừa ra đi hồi tháng 2 năm 2008 tại Toronto).
Việc xây cất một phòng sanh mới tối tân cho bệnh viện Từ Dũ và một nhà 3 tầng có chỗ cho các sản phụ khoa nằm sau khi sanh đẻ một cách thoải mái cũng được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Giáo sư Đệ.
Những năm đó, ngoài việc giảng dậy, các sinh viên trường Y và trường Nữ Hộ Sinh, ông còn điều hành bệnh viện tư Dung Anh của ông, ngoài ra ông còn sáng lập ra Journal Club đầu tiên ở Saigon, theo mô hình đã học được từ Hoa Kỳ, nay đem về thực hành tại Saigon. Bữa nói chuyện đầu tiên của Journal Club là đề tài “Kế hoạch hóa gia đình” do Giáo sư Đệ trình bày một quan điểm về Family planning mới thành hình trên thế giới, khởi đầu tại Hoa Kỳ và là một vấn đề rất mới mẻ và xa lạ với xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, vốn rất bảo thủ. Lần cuối cùng ông về thăm quê hương là vào đầu năm 1975. Ông có đến thăm Từ Dũ, đã dùng phương pháp châm cứu làm tê mê một sản phụ sanh khó để tôi làm cesarienne, không cần đến thuốc mê cổ điển vẫn dùng hằng ngày. Cuộc giải phẫu thành công. Tiếc thay, ông không có giờ ở lại Sài Gòn lâu để dạy bảo chúng tôi phương pháp mới mẻ này để đem thực hành. Nhân dịp đó, Ban Giám Đốc có tổ chức một buổi lễ giản dị chào mừng sự trở về chốn cũ, bệnh viện Từ Dũ mà ông đã từng là bác sĩ giám đốc trong nhiều năm, nơi ông đã từng giảng dậy và đào tạo nhiều khóa sinh viên Y và những nữ Hộ sinh thành những chuyên viên lành nghề trong lãnh vực Sản phụ khoa.
Bác sĩ Giám đốc Phạm Trọng đã ngỏ lời chào mừng sự trở về thăm quê hương của Giáo sư Đệ, và nhắc đến sự nhớ công ơn của sinh viên với một người thầy đã đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ, đưa ngành sản khoa ngang tầm vóc quốc tế, với công trình xây dựng bệnh viện Từ Dũ thành bệnh viện tối tân nhất nhì vùng Đông Nam Á. Giáo sư Trần Đình Đệ rất cảm động về sự tiếp đón ông, tại quê hương nơi mà ông không bao giờ quên những kỷ niệm, nơi mà ông vì lý do chính trị phải tự ý lưu vong và mong có ngày trở về phục vụ tổ quốc như xưa, nếu hoàn cảnh cho phép. Buổi họp mặt tiếp đón ông thầy cũ có đủ các bác sĩ điều trị ở Từ Dũ, các giáo sư ban Sản phụ trường Y và một số nhân viên, sinh viên và nữ hộ sinh tham dự. Sau đó, bác sĩ Trọng trao cho bác sĩ Đệ một tấm bảng kỷ niệm ghi công ơn bác sĩ Đệ với nhà thương Từ Dũ và với trường Y. Buổi tối hôm đó, các học trò cũ của ông tổ chức một bữa tiệc hàn huyên tiếp đón ông thầy tại nhà hàng Maxim, có rất đông các bác sĩ tham dự.
Lần cuối cùng tôi được gặp ông là nhân dịp Đại hội Y-Nha-Dược toàn thế giới tại San José. Ông lên phát biểu ý kiến và nói với tất cả tấm lòng của một người thầy: “ngày xưa lúc dậy ở trường Y, có thể có lúc các bạn thấy tôi khó khăn và nghiêm khắc, đó chỉ là vì tôi yêu nghề, tôi chỉ muốn các sinh viên Y trở thành những chuyên viên lành nghề và có lương tâm. Mong các bạn hiểu cho.”
Giáo sư Trần Đình Đệ mất ngày 20 tháng 3 năm 2003 vừa đúng 5 năm tại Falls Church, Virginia trong sự tiếc thương của phu nhân, bà Đặng Thị Ngọc Anh và các con 5 người, trong đó 4 người theo ngành Y nối nghiệp cha và 13 người cháu vừa nội vừa ngoại.
Hôm nay, ngồi viết những giòng này, nhân dịp 5 năm ngày giỗ Người, tôi muốn nói lên tấm lòng biết ơn sâu xa của tôi và các bạn khác đối với một người thầy đã tận tâm hướng dẫn chúng tôi trên con đường y khoa, người thầy đã bảo trợ luận án Tiến sĩ của tôi: Essai de traitement du chorio epitheliome avec le Prenan Tol, một thứ thuốc mới phát minh của Giáo sư Bửu Hội tại Paris.
Xin cầu nguyện linh hồn Giáo sư được phiêu diêu miền Cực Lạc.